Theo một nghiên cứu năm 2022 của Mỹ, 40% người trẻ được khảo sát cho biết vẫn giữ liên lạc với người yêu cũ sau chia tay.
Đối với đại đa số (trên 90%), giao tiếp vẫn diễn ra trong vòng vài tháng sau khi chấm dứt quan hệ và tiếp tục diễn ra ít nhất vài tháng một lần.
Theo các nhà tâm lý học, việc dây dưa với người cũ không hề có lợi. Nghiên cứu công bố trên tạp chí Personality and Individual Differences (Mỹ) chỉ ra việc duy trì mối quan hệ bạn bè với người yêu cũ có thể là dấu hiệu của bệnh tâm thần.
Dưới góc độ khoa học, có các lý do khiến một người vẫn giữ liên lạc với tình cũ.
Muốn giảm đi sự khắc nghiệt của cuộc chia tay
Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp hai người vừa kết thúc một mối quan hệ lâu dài. Chúng ta thường muốn một cuộc chia tay nhẹ nhàng, đơn giản để có thể dễ dàng hòa nhập với sự thay đổi phía trước. Cảm giác thật kỳ lạ khi một người từng là một phần cuộc sống của chúng ta trong nhiều năm đột nhiên biến mất và cắt đứt mọi liên lạc. Do đó, tâm lý nhiều người không sẵn sàng từ bỏ liên hệ với tình cũ.
Vẫn còn yêu
Cảm xúc không biến mất ngay khi một mối quan hệ kết thúc. Một số đối tác cảm thấy hối tiếc hoặc mâu thuẫn về việc chia tay. Các cuộc trò chuyện, thậm chí tình dục đóng vai trò như một cách để kiểm chứng việc muốn quay lại với nhau hay chia tay.
Tâm lý "Không yêu thì làm bạn"
Khi bạn từng gắn bó ai đó, bạn tin tưởng họ và dựa vào họ để được hỗ trợ và giúp đỡ về mặt tinh thần. Tình cảm được hình thành từ sự sẵn lòng ở bên nhau vượt qua những lúc khó khăn là tình cảm chân thành. Nếu đây là tình huống giữa bạn và người yêu cũ thì điều đó vô cùng tốt đẹp.
Ngược lại, nếu bản chất vấn đề là hai người nuôi dưỡng những ham muốn lãng mạn chưa được giải quyết đối với người kia, thì việc giữ liên lạc đơn thuần là do ham muốn chưa được đáp ứng. Khi đó, tâm lý "không yêu thì làm bạn" chỉ là vỏ bọc cho việc ham muốn chưa được đáp ứng.
Cô đơn, không được thấu hiểu
Giữa bạn và người cũ từng quen thuộc, gần gũi, có sự thấu hiểu và dễ dàng tương tác. Trong khi đó, việc tạo dựng một mối quan hệ mới cần có thời gian. Bạn sẽ phải đầu tư cho mối quan hệ mới để đối tác hiểu bạn, về cả mặt cảm xúc và thể chất. Thế nên, khi cô đơn và không được thấu hiểu, bạn dễ dàng hướng đến người cũ để được xoa dịu tức thời.
Khao khát sự đụng chạm
Sau khi chia tay, ở góc độ nào đó, bạn vẫn khao khát gần gũi về thể xác với người cũ. Về cơ bản, sự đụng chạm thể xác - điều bạn từng quen thuộc khi ở bên người cũ - là dễ hiểu.
Dưới góc độ khoa học, cơ thể khao khát gần gũi và sự đụng chạm là cần thiết cho sức khỏe. Sự tiếp xúc cơ thể làm tăng sự hài lòng và hạnh phúc trong cuộc sống nói chung. Khi gần gũi thể xác, chúng ta giải phóng một lượng nhỏ oxytocin, một loại hormone liên kết/tình yêu. Đụng chạm là một trong những cách cơ bản để cảm nhận được rằng mình được yêu thương và an toàn.
Một số người nhận thấy rằng người yêu cũ của họ ít có khả năng từ chối những lời đề nghị quan hệ tình dục hơn người lạ. Điều này có thể đặc biệt đúng nếu hai người vẫn là bạn bè hoặc nếu cảm xúc tình dục hoặc thân mật vẫn còn tồn tại.
Có nên giữ liên lạc với người yêu cũ?
Việc liên lạc với người yêu cũ thường đi kèm với rất nhiều thử thách và tình huống khó xử về mặt đạo đức. Liệu đó có phải là điều đúng đắn hay không phụ thuộc vào một số yếu tố như: Hiện tại bạn và đối tác có độc thân không, tại sao vẫn muốn giữ liên lạc với họ? Đối tác hiện tại của bạn (nếu có) nghĩ gì về điều này?
Trên thực tế, câu trả lời không đơn giản là có hay không. Bạn nên suy nghĩ về động cơ muốn duy trì liên lạc của mình. Nếu bạn đang sử dụng người yêu cũ làm phương án dự phòng, việc liên hệ với họ có thể sẽ làm suy yếu mối quan hệ hiện tại của bạn.
Một nghiên cứu chỉ ra, việc khao khát người yêu cũ nhiều hơn có liên quan đến việc giảm mức độ hài lòng với đối tác hiện tại theo thời gian.
Zahabiya Bambora, nhà tâm lý học làm việc tại Hope Qure, nói rằng việc liên lạc với người yêu cũ không có hại gì miễn là người mới của bạn biết và đồng ý với điều đó. Ngược lại, bạn nên cân nhắc cắt đứt liên lạc với người cũ.