Rạch hết 1 lượt rồi mở các thùng giấy carton ra. Tôi muốn bật ngửa và hét toáng lên vì quá sung sướng. Thật không thể tin được! Vâng, không thể tin được. Hic, ai lại hảo tâm và quá rộng lượng với tôi như thế này hả?
Trời ơi hãy nhìn đi: màu Lenin, Phấn tiên, 1 bộ bút mực vẽ kí hoạ chuyên nghiệp, bút lông vẽ màu nước, 1 bộ màu Poster, bút chì gỗ cả mấy chục hộp, giấy cason chuyên vẽ hội hoạ mấy lốc đủ khổ A4, A3, A2. Rồi giáo trình về các môn tôi sẽ phải học, không những 1 năm đâu, mà hình như đủ cả 4 năm luôn ấy chứ.... Chưa hết, còn nữa. Trời ơi! Làm từ thiện tặng Laptop Dell hay Asus thường thường là được rồi, cho tôi luôn con Macbook của Apple mới ra nữa chi vậy trời? Còn chu đáo đến nỗi, tặng luôn cho tôi cái balo mới có ngăn đựng laptop nữa chứ. 4 năm đại học này, tôi không cần phải lo lắng gì về dụng cụ học tập nữa rồi. Mừng muốn ứa lệ luôn mà. Với đống đồ này, dân học mấy môn thiết kế như tôi nhìn còn muốn chảy nước miếng lòng tòng, chứ đừng nói đến con nhỏ nghèo muốn mục đôi dép lào như tôi. Xin lỗi, do tôi sống quá thiếu thốn nên bữa nay bỗng dưng vô 1 khúc, nên mới hạnh phúc đến thái quá như thế này. Bởi tiền mà, ai chả ham!
Tôi nhìn đống đồ mình đã được nhận mà nước mắt nhạt nhoà. Giờ chỉ cầu trời đã thương thì thương cho trót, đừng để anh shipper quay lại và nói giao lộn nhà thôi. Đưa tay vỗ lên mặt mình vài cái để xác thực rằng đây là sự thật, vì tôi sợ do tôi lên trường nhìn chúng bạn có đầy đủ đồ nghề, nên đâm ra tủi thân quá đến nỗi ôm mộng ngủ mà nằm mơ thấy.
Khi tôi mở hộp con Macbook ra để vuốt ve nó cưng nựng như con mình đẻ vậy, tôi bất ngờ vì trong đây có 1 tấm thiệp nhỏ. Bên ngoài ghi hàng chữ ”Gửi bé Ái Phương”, nét chữ viết tay rất đẹp, nhìn vào là biết của 1 người đàn ông mạnh mẽ và dứt khoát. Trân trọng mở tấm thiệp mà ân nhân mình đã gửi ra đọc, trong ấy có viết vài lời cho tôi rằng:
- “ Em là 1 cây dương xỉ nhỏ, không cần ai chăm tưới hay vun trồng. Bằng chính nghị lực sống phi thường của bản thân mà tự đâm chồi nảy lộc, cố vươn lên tìm ánh sáng mặt trời để sinh trưởng. Vì thế, hãy luôn giữ mãi sự tươi xanh và ý chí mạnh mẽ này của mình em nhé!
Đây là tất cả những gì em xứng đáng có được. Và học phí trên trường của em, tôi đã hứa với nội em là sẽ lo hết cho đến khi em ra trường. Nên hãy vì tương lai của bản thân, em hãy ráng phấn đấu học tập cho thật tốt nhé! Tôi sẽ luôn đồng hành bên em! Mọi khó khăn của em, hãy cứ liên hệ qua số điện thoại 0909.xxxxxx này. Tôi là Jack, sẽ luôn lắng nghe và giúp đỡ em mọi lúc mọi nơi!“
Đọc lá thư này xong, tôi cảm thấy vị mạnh thường quân này, không những hỗ trợ tôi về vật chất, mà còn hỗ trợ tôi cả về tinh thần nữa chứ. Sao trên thế giới này lại có người tốt như thế này ta? Đầu năm đọc lá tử vi, phán tôi giữa năm nay coi chừng tiền rơi bể đầu. Há há, hơi đãng nhưng tôi cũng muốn được vậy, ai ngờ thành sự thật luôn mới hết hồn.
Số điện thoại của chú tên Jack này công nhận dễ nhớ ghê ấy chứ. Mặc dù không biết vị ân nhân này đã lớn tuổi hay còn trẻ tuổi, nhưng cách viết xưng tôi là em, vậy chắc người ta muốn tôi xưng là anh rồi. Để cho đúng với lễ nghĩa, tôi nên gọi điện thoại cám ơn vị ân nhân của mình 1 tiếng mới được.
Tiếng kết nối tín hiệu reo đến hồi thứ 3, giọng nói của người đàn ông rất trầm ấm vang lên ngay sau đó:
- Alo?
Tôi hồi hộp nhỏ giọng hỏi:
- Dạ, cho em hỏi, số điện thoại này, có phải của anh Jack không ạ!
- Ừm, chính xác!
- Dạ, em chào anh, em là Ái Phương. Người mà anh đang hỗ trợ về học hành ạ!
- Ừm, nhận được đồ rồi phải không?
Ể, sao tôi nghe cái giọng nói này, có chút quen tai ta? Không, phải nói là rất quen luôn í, nhưng lại không dám chắc chắn. Bởi đàn ông mà, ai cũng có cái giọng trầm na ná nhau. Ông giáo kia tên Vinh, còn cái anh này tên Jack cơ mà. Chắc tại tôi ám ảnh về ông thầy kia quá, nên đâm ra nghe ra giọng ổng cũng nên. Thôi bỏ đi, đảm bảo không phải ổng đâu. Khi nghe anh Jack hỏi, tôi chân thành lên tiếng đáp lại vị ân nhân của mình qua điện thoại rằng:
- Dạ, em mới nhận được. Mà sao anh cho em quá trời đồ vậy. Sao mà sau này em đền đáp lại anh nổi đây?
Tôi thấy anh Jack bên kia im lặng 1 hồi, không biết là đang nghĩ gì. Phút chốc, tôi nghe thấy ảnh hắng giọng 1 cái, rồi lên tiếng nói tiếp:
- Đừng nghĩ ngợi gì. Đây là những việc tôi nên làm thôi! Cứ cố gắng học là được!
- Dạ, vậy cho em cám ơn anh nhiều nha. Em sẽ ráng học thật tốt, để không phụ tấm lòng của anh.
- Ừm, chúc em học tốt, có gì cần giúp đỡ, cứ gọi và nhắn tin qua số điện thoại này đừng ngại. Tạm biệt em!
- Dạ, em chào anh.
Thì ra cái cuộc đời này, vẫn chưa hoàn toàn bỏ rơi tôi, vì có bà nội tôi đã cứu, và nay có thêm cái anh trai Jack này nữa rồi! Tôi ca hát nhảy múa yêu đời và cất dọn đồ đạc vào phòng thật cẩn thận. Rồi bỗng hơi sững người vì suy nghĩ tới câu hỏi: “ Anh Jack này, có phải người trong ngành, hay người trong trường tôi không? Mà sao nắm rõ tất cả các giáo trình và hoạ cụ mà tôi cần sử dụng để học vậy ta?”
——————
Sau khi tôi tan làm ở quán cà phê, theo thường lệ, tôi lững thững đi bộ về nhà 1 mình. Không quên mua cái bánh giò, hay ổ bánh mì cho ông cụ vô gia cư lớn tuổi, sống lang thang ở vỉa hè trên đường trở về nhà mình. Cụ già lắm rồi, tóc bạc phơ và chân tay run lẩy bẩy, khuôn mặt hom hem hốc hác, quần áo chắp vá không lành lặn trông mà thấy thương lắm. Tối nào cụ cũng ngồi ở trước cửa 1 tiệm quần áo thời trang đã đóng cửa, để ngủ nhờ qua đêm. Mỗi lần đi bộ về qua đây trông thấy cụ, tôi lại thấy xót xa và kiềm lòng không nổi. Ráng ăn nhính ăn nhúm, chích tí tiền mua tạm cái gì đó cho cụ ăn qua bữa, coi như giúp đỡ cụ được phần nào. Không có tiền, coi như cũng có lòng, “lá rách đùm lá nát” vậy!
Người ta nói đúng, “Sài Gòn hoa lệ, cho người giàu và lệ cho người nghèo”. Sài Gòn có nhiều người giàu lắm, giàu nứt vách đổ tường luôn. Nhưng người nghèo...chắc cũng nhiều gấp đôi. Trong các khu trung tâm hay khu nhà giàu, xế xịn người sang đầy rẫy, quán ăn quán uống xa xỉ cũng có khắp mọi chốn. Nhưng cứ thử qua khu quận 4 hay quận 8.... Nó như 2 bức tranh đối lập tương phản rõ rệt 2 tầng lớp khác nhau vậy.
Tôi nhìn những đứa bé đen đủi cầm bao đi lượm ve chai, đang thèm khát nhìn những người bạn cùng trang lứa, áo trắng quần xanh tinh tươm được ba mẹ thương yêu chở đi học. Hay nhìn những căn nhà lụp xụp có mấy mét vuông thôi mà có đến mười mấy mạng người chen chúc nhau ở. Còn người giàu, số đất đai nhà cửa thuộc quyền sở hữu của họ, vượt qua khỏi 10 đầu ngón tay. Có người sinh ra đã vượt qua vạch đích, còn có những người sinh ra đã ở dưới đáy vực sâu thẳm, có khi đến cuối đời, cũng không thể ngóc đầu qua nổi cái hố đen ấy. Hỡi thế gian, sao “kẻ ăn không hết, người lần không ra” thế này?
Đưa 2 tay nắm lấy 2 dây đeo balo trên ngực, tôi hít vào thở ra và từng bước tiến về chung cư của mình. Trên vỉa hè, nhiều cửa hàng đã và đang đóng cửa. Xe cộ không còn đông đúc và inh ỏi như ban nãy nữa, nhưng vẫn còn nhiều người qua lại. Một cơn gió hiếm hoi ở đâu đó lùa đến khiến tôi bỗng có chút thoải mái. Thôi nên lạc quan lên đi nào, buồn mãi có ai xem đâu. Lạc quan để đón chờ bình minh ngày mai sẽ đến nữa chứ. Bởi “Con người trong nghịch cảnh, càng không được phép chịu đầu hàng. Trong đầu là vàng, lửa trong tim, dưới chân sỏi đá...” ( Đen Vâu)
Khi tôi về đến thang máy chung cư và chờ mở cửa, “ting”, muốn hú hồn hú vía vì ông giáo Vinh đang đứng sừng sững bên trong. Gì nữa đây trời, sáng gặp, giờ tối gặp nữa. Muốn oải dễ sợ luôn á! Tôi mệt mỏi thểu não bước vào, cúi đầu chào ổng nhưng không muốn ngước lên dòm cái mặt ổng:
- Em chào thầy!
Sau đó, tôi đứng cách xa ở ngay phía bên cạnh vì muốn giữ khoảng cách. Thầy bỏ 1 tay vào túi quần, 1 tay buông thõng. Dáng đứng huyền thoại trông vững chãi và nghiêm chỉnh vô cùng, chỉ tiếc cái đầu của ổng lại quay ra dòm tôi từ lúc tôi đứng ở ngoài thang máy cho đến khi bước vào. Thấy tôi xụ mặt chào hỏi, ổng lại kiếm cớ bắt bẻ:
- Chào hỏi cái kiểu gì vậy? Bộ tôi mắc bệnh truyền nhiễm hay sao mà đứng cách xa như tránh tà thế kia?
Ờ đúng rồi, thầy biết mình là tà luôn hả? Hỏi sao cứ ám em hoài, làm đi đâu cũng gặp. Tôi đưa mắt nhìn sang ổng, cố trả lời cho xong chuyện:
- Tại thầy quyền cao chức trọng như thế này, nên em không dám đứng cạnh người quá ưu việt như thầy. Vì đẳng cấp của em quá thấp kém, nên có dám “thấy sang bắt quàng làm họ” đâu.
Nghe tôi đanh đá trả lời xong, thầy chau mặt nhìn tôi, tỏ vẻ không thích câu trả lời này chút xíu nào cả. Bèn lên tiếng đe doạ lại tôi rằng:
- Cẩn thận miệng lưỡi của em đi, có ngày nó hại cái thân em đó. Mới đi đâu về đây?