Liêu quản sự thấy Dương Lăng cầm chén trà có vẻ đăm chiêu, vội thấp thỏm dò hỏi:
- Đại nhân! Phải chăng... phải chăng loại trà này không hợp với khẩu vị của ngài?
- Hả? Ồ! Đâu có, đâu có! Loại trà ngon cực phẩm này lúc ở trên kinh sư bản đốc cũng chưa từng được thưởng thức. Thật là hương thơm nức mũi, toàn thân thư thái!
Dương Lăng thấy hắn hỏi dò, vội lấy từ trong ngực ra một chiếc khăn gấm trải lên bàn, giả vờ thèm thuồng nói:
- Liêu quản sự có thể san sẻ chút trà ngon cực phẩm này cho bản đốc ta được không? Uống xong nước trà này của huynh, khẩu vị của bản đốc đã bị nâng lên rồi, trà thường thật sự là nhạt nhẽo vô vị.
Y nói xong đưa mắt ra hiệu cho Cao Văn Tâm, Cao Văn Tâm vội lấy ra một thỏi bạc nhỏ không ít hơn mười lạng đặt lên bàn.
Liêu quản gia nghe y khen, bất giác có cảm giác được yêu mến mà áy náy. Hắn vui vẻ móc túi lấy túi trà nhỏ đó ra, hai tay đưa qua:
- Đại nhân nói như vậy hẳn là đại nhân rất thích loại trà này. Là người Hàng Châu, tiểu nhân cũng được vinh dự lây vậy! Ha ha, chút trà này chỉ là tâm ý nhỏ nhoi không tỏ được lòng tôn kính, xin đại nhân vui lòng nhận dùng tạm dọc đường. Đợi đến nơi rồi, chỉ sợ Mạc công công sẽ còn có phần lễ vật lớn cho ngài đó.
Dương Lăng âm thầm cười khẩy trong lòng: "Mạc Thanh Hà dối trên lừa dưới, dùng kém trám tốt, cả gan đánh tráo cả trà tiến cống cực phẩm. Hắn lại dám đưa trà tiến cống cực phẩm cho mình thấy ư?"
Liêu quản sự ra sức từ chối không nhận bạc của y, Dương Lăng đành kêu Cao Văn Tâm cất bạc lại, rồi nhận lấy túi trà trong tay hắn.
Một cơn gió ùa đến, thổi tung chiếc khăn tay của y đang đặt trên bàn . Liêu quản sự tinh mắt, liếc mắt nhận thấy đó là lụa cực phẩm Tô Châu, không khỏi vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ kêu lên:
- Chiếc khăn tay này của đại nhân thực đúng là cực phẩm à nha!
Hắn vừa nói vừa nhẹ nhàng nhặt chiếc khăn tay lên, quan sát cành hoa mai thêu màu rực rỡ bên trên, khen ngợi:
- Thêu thật khéo! Thiếu nữ Giang Nam tính tình đặc biệt dịu dàng, thông minh khéo léo, sở trường nhất là đường thêu bay bướm, ăn nói tế nhị. Nhưng muốn nắm vững thuần thục loại kỹ thuật thêu thùa này, có rất nhiều cô nương cho dù dốc sức cả đời cũng chưa chắc đã có thể nắm bắt được. Chiếc khăn lụa này thật sự là tác phẩm của bậc thầy chân chính, có tiền cũng chưa chắc mua được, không dễ kiếm đâu!
Chiếc khăn tay đó là của công chúa Vĩnh Phúc dùng để bọc cặp xuyến ngọc Bàn Long bị Dương Lăng thuận tay nhét vào ngực khi y vào hậu cung bắt trộm. Ban đầu y có ý định sẽ trả lại cho công chúa, nhưng chờ mấy ngày mà cũng không có cơ hội gặp lại nàng.
Dương Lăng chợt nhớ đến một minh tinh nổi tiếng ở thời hiện đại mà đã có không biết mấy trăm bộ giầy dép và quần áo, huống chi là đường đường một công chúa Đại Minh? Chắc chắn người ta cũng sẽ chẳng quan tâm đến một chiếc khăn tay, thế là y thuận tay cất trên người luôn. Nếu không phải vì chiếc khăn này là do y thuận tay vớ được mà lấy mang đi tặng Ấu Nương thì thực thẹn với lòng thì y đã sớm mượn hoa kính phật rồi.
Lúc này nghe Liêu quản sự nhận định chiếc khăn gấm bé xíu này quý giá như vậy, y lại hơi hối hận vì đã không đem nó tặng cho Ấu Nương. Nghe thế, Trương thiên sư nổi lòng hiếu kỳ bèn cầm lên quan sát kỹ rồi nói:
- Đúng rồi! Quả nhiên là vật phẩm chất lượng tốt nhất trong số lụa Tô Châu. Ha ha, có điều màu hoa này hơi loè loẹt quá, Dương đại nhân mang theo người không thích hợp cho lắm!
Thiên sư vừa cười vừa mở chiếc khăn tay ra. Nhìn thấy cành hoa mai cổ xưa dưới góc bên phải hơi có chút kỳ lạ, chàng ta nâng khăn lên nhìn cẩn thận. Đột nhiên phát hiện ra ý nghĩa sâu sắc trong đó, Trương thiên sư giật nảy mình, suýt nữa buông tay khiến chiếc khăn bay đi theo gió.
Màn đêm u ám, ánh đèn mờ nhạt, người khác không quá để ý đến đoá hoa mai ở góc khăn. Nhưng Trương thiên sư cả ngày nghiên cứu bùa chú, những cổ tịch đạo gia trên Long Hổ sơn hầu hết đều là vật trân quý từ thời thượng cổ, văn tự ghi trên đó đều là những thứ cực kỳ cổ xưa cho nên Trương Ngạn Thạc rất am tường về chữ triện cổ.
Chàng ta thấy hoa mai trên góc khăn đó không ngờ là bốn chữ triện thêu thành, tiếp đó lấy bốn chữ tiểu triện hình hoa mai hợp lại thành một bức hình hoa mai, nếu không biết những chữ đó thì thực sẽ không nhận ra. Quả nhiên là hao phí tâm tư, khéo léo vô cùng.
Nhìn kỹ chữ thêu đó thì lại là bốn chữ "Vĩnh Phúc Tú Ninh". Công chúa Vĩnh Phúc khuê danh là Chu Tú Ninh, lúc Trương thiên sư lập đàn cầu phước cho hoàng thất trong cung đã biết được tên nàng; lúc này nhìn thấy trên chiếc khăn tay có cả hai chữ Vĩnh Phúc và Tú Ninh, làm sao chàng ta không đoán được đây là vật kề thân của công chúa chứ?
Trương thiên sư kinh hãi đến tim đập thình thịch. Đừng nói là Dương Lăng đã cưới thê nạp thiếp, cho dù hiện giờ y chưa vợ cũng không được phép cùng công chúa ngầm tặng tín vật, thầm trao tâm tình. Chẳng lẽ... chẳng lẽ Dương xưởng đốc gan lớn trùm trời, dám tư tình với công chúa sao?
"Người khôn phải biết giữ mình, người khôn phải biết giữ mình!" Từ khi bá phụ bị lưu đày, Trương Ngạn Thạc và phụ thân đều cùng dè chừng cẩn thận mọi lúc mọi nơi, chỉ sợ sẽ chạm vào vảy ngược(1) của hoàng thất. Phát hiện chuyện bê bối này của hoàng thất, chàng ta lập tức ra vẻ điềm nhiên như không đưa trả lại khăn lụa, trong lòng âm thầm phát thệ: "Đời này tuyệt sẽ không để cho người khác biết được mình nhận ra các chữ triện hoa mai này!"
Mặc dầu đã đến thời đại này được một khoảng thời gian, cũng biết được chút ít cấm kỵ, nhưng Dương Lăng nào có thể gặp chuyện gì cũng lo trước tính sau giống như đang đi trên băng mỏng, cho nên y hoàn toàn không hề để ý gì cả. Y thoải mái cầm lấy chiếc khăn tay nhét vào trong người rồi cười nói:
- Đã vậy, bản đốc xin cảm tạ Liêu quản sự!
****************
Trương Phù Bảo mượn cớ thân thể không khoẻ, tắm rửa thay đồ, nhập định trọn một canh giờ mới cảm thấy tinh thần sảng khoái. Thấy mình hơi có linh cảm, nàng vội cầm lấy công cụ bói toán tự bói cho mình một quẻ. Đạo hạnh của nàng có hạn, bói mãi nhưng chỉ mới ra được câu đầu, lại giống hệt với lời bình mà phụ thân đã cho nàng. Trong lòng tiểu cô nương càng bứt rứt hơn.
Nàng biết đạo hạnh của anh trai cao thâm hơn mình một chút, cũng từng có ý muốn nhờ y bói toán nghiệm chứng cho mình. Nhưng cho dù quẻ bói này can hệ đến cả đời nàng đi chăng nữa, một tiểu cô nương mười ba mười bốn tuổi nào lại có da mặt đủ dày nôn nóng đi tìm anh trai bói tìm lang quân trong mộng tương lai cho mình chứ?
Trương Phù Bảo hai tay chống cằm, chơm chớp đôi mắt tròn xoe, trầm ngâm lẩm bẩm: "Bán luân minh nguyệt nhất giang thủy, bạch cốt sơn thượng địch hồng tiêu. Binh qua khởi thời xuân ảnh động, Lão Quân tượng tiền hứa lương nhân*."
*Tạm dịch:
Nửa vầng trăng sáng, một dòng sông
Trên Bạch Cốt sơn rửa lụa hồng*
Dáng xuân lả lướt thời chinh chiến
Hẹn chàng trước tượng Lão Quân trông.
*(lụa hồng) cũng chỉ người con gái đẹp
Đọc đi đọc lại mấy lần nhưng ngẫm mãi không thông, Trương Phù Bảo căm tức vỗ bàn cằn nhằn:
- Cha thật đáng ghét! Con gái của mình mà cũng giả thần giả quỷ. Bói không ra thì thôi, bói ra được thì nói thẳng với mình cho xong, hại mình phải đoán tới đoán lui!
Nàng chán nản nhảy xuống giường, đẩy cửa sổ, ngước nhìn vầng trăng sáng tỏ trên bầu trời, hai con ngươi sáng ngời phản chiếu ánh trăng lấp lánh. Nàng si mê ngơ ngẩn hồi lâu, trong lòng thầm nghĩ: "Không thể là y, nhất định không thể là y. Y đã có thê tử, Bảo Nhi mình sao có số làm thiếp người ta được?
Cho dù y có tài ba hơn nữa mình cũng không thể gả cho y được, nhất định là mình nghĩ ngợi lung tung rồi. Nửa cái bánh nướng thế nào cũng không thể tính là nửa vầng trăng tỏ chứ? Vả lại mình ngã là ngã xuống sông đào, chứ đâu phải ngã xuống sông lớn, ngụ ý(2) đâu phải là ngụ ý theo kiểu này. Hơn nữa ba câu sau cũng không khớp với y mà!"
Nghĩ đến đây, dường như Trương Phù Bảo hơi yên tâm, nhưng lại nghĩ đến việc xảo hợp này có thể không liên quan đến y, không hiểu vì sao nàng lại cảm thấy hơi buồn. Nàng giậm chân, tự vả vào mặt mình, xấu hổ tự mắng: "Mi bao tuổi rồi mà lại đi bận tâm mấy cái chuyện này? Đồ nha đầu không có triển vọng!"
Nàng buồn bực mở cửa thuyền, thấy có một nha sai đang xỉa răng đi ngang qua, lúc này mới cảm thấy bụng đang trống rỗng, vội hỏi gã:
- Này, ăn tối rồi sao?
Bây giờ người trên thuyền đều biết nàng là con gái, cũng biết nàng là em gái của Trương thiên sư. Người ta là em gái của quốc sư, đám nha sai thực không dám vô lễ. Tên nha sai đó liền vội làm lễ rồi đáp:
- Vâng thưa tiểu thư, xưởng đốc đại nhân và thiên sư đã xuống thuyền đến ven sông dùng tối rồi ạ!
Nghe nói bọn họ xuống thuyền mà lại không gọi mình, Trương Phù Bảo không khỏi tức giận hừ một tiếng rồi nói:
- Dẫn ta đi. Ta cũng đói bụng rồi.
Ban đầu Cao Văn Tâm đứng cạnh Dương Lăng hầu cơm nhưng rồi bị Dương Lăng bắt ép ngồi xuống cạnh mình. Lúc này nàng vừa nhã nhặn ăn gạch cua, vừa nhanh nhẹn liên tục lóc thịt và gạch cua, kịp đưa cho Dương Lăng đang ngốn lấy ngốn để như bò nhai cỏ.
Lúc uống trà, Dương Lăng lại nhỏ nhẹ nhấp miệng uống từng hớp bát canh gừng pha mật đường nóng hôi hổi. Con thuyền nhỏ khẽ lắc lư, tiếng sóng vỗ rì rào như có như không, cả miệng ngát hương ngào ngạt, quả nhiên sảng khoái vô cùng.
Trương Phù Bảo bước xuống thuyền lớn, được tay nha sai nọ dẫn đến bên chiếc thuyền nhỏ, nhìn thấy bộ dạng nhàn nhã của mọi người, trong lòng càng thêm tức giận. Thế là cũng không thèm đợi bọn họ gọi xuống thuyền, nàng liền không hề khách khí mà chọn lấy một chỗ rồi phịch mông ngồi xuống.
Nàng vẫn mặc một bộ đạo bào nhưng mái tóc dài xõa tung, xinh đẹp thướt tha, trông hồn nhiên và đáng yêu vô cùng. Song khi nàng cầm lấy một con cua lớn lên ăn, tướng ăn lại giống hệt như Dương Lăng.
Chỉ nghe Liêu quản sự cười nói:
- Cho nên có câu “giọng Tô Giang dịu dàng”, vừa ngọt ngào vừa êm ái, lại nghe rất hay. Phụ nữ Tô Hàng nói chuyện luôn luôn nhẹ nhàng, ngọt ngào êm tai. Có người còn bảo, nghe bọn họ cãi nhau cũng là một loại hưởng thụ đấy!
Dương Lăng cười nói:
- Thế à! Ha ha, Hàng Châu ta đã đến một lần, có điều đó là rất rất nhiều năm về... À... về trước, vì đi vội nên chưa thưởng thức được phong thổ lẫn nhân tình nơi phố phường này.
Đang gặm cua, Trương Phù Bảo nghe bọn họ nói chuyện hào hứng sôi nổi, thậm chí anh trai mình cũng như đang thả hồn bay xa, không khỏi hừ một tiếng:
- Nghe nói khâm sai đại nhân điều quân ồ ạt xuống Giang Nam, chắc là có việc công cần làm chứ? Đại nhân ngồi đây ăn uống, trên bờ đã có mấy chục tên vệ sĩ lăm lăm vũ khí rồi. Chẳng lẽ ngài định đến Tô Hàng sẽ dẫn theo cả trăm người vào ngõ hẻm nghe cô nương người ta nói chuyện phiếm ấy à?
Dương Lăng nghe vậy hơi cảm thấy xấu hổ, Cao Văn Tâm thì lại mỉm cười.
Liêu quản sự thấy tình thế không ổn, liền vội đổi đề tài:
- Tiểu nhân nhiều chuyện rồi! Thực ra đại nhân đã đến đó thì đương nhiên là phải nhìn ngắm, thưởng thức phong cảnh vùng sông nước Giang Nam một chuyến. Nói đến phong cảnh, ngày mai chúng ta đến Hàng Châu rồi, những nơi phong cảnh đặc sắc ở Hàng Châu rất nhiều, đứng đầu chính là “Tây Hồ thập cảnh”(3). Phong cảnh ở Tây Hồ còn có rất nhiều câu truyện truyền thuyết, nổi danh nhất chính là về tháp Lôi Phong.
Liêu quản sự thấy vị đại tiểu thư Trương Phù Bảo này xuất hiện thì không còn dám nói về những nét đặc sắc của người con gái vùng Giang Nam nữa mà chuyển sang kể những câu truyện thần thoại. Đương nhiên Dương Lăng cũng biết câu truyện về tháp Lôi Phong nhưng không ngờ câu truyện mà Liêu quản sự kể lại không giống với những gì mà y đã biết.
Theo lời hắn kể, vào năm Thiệu Hưng đời Tống, trong Tây Hồ có yêu quái Bạch xà tu luyện ngàn năm và hầu gái do Thanh ngư (cá trắm đen) hoá thành, trong mưa gặp được một người mở tiệm thuốc tên là Hứa Tiên, hai người vì thế nảy sinh tình cảm, kết làm phu thê. Nhưng Bạch xà và Thanh ngư đều là yêu tinh hoá thân nên không biết lễ nghi nhân gian, thường xuyên làm mất thể diện Hứa Tiên, khiến y khó xử không thôi.
May mắn có vị cao tăng giỏi pháp thuật của Kim Sơn tự là Pháp Hải nhìn thấu nguyên hình của hai con yêu, ông đưa cho Hứa Tiên một chiếc bình bát có pháp thuật. Nhân lúc bọn họ không đề phòng, Hứa Tiên chụp chiếc bát lên đỉnh đầu hai yêu, hai yêu hiện nguyên hình và bị Pháp Hải bắt giữ. Thanh ngư định chạy trốn, bị Pháp Hải huỷ hết pháp thuật phải hiện nguyên hình. Bạch xà bị vị cao tăng đè dưới tháp Lôi Phong, vĩnh viễn không thể siêu sinh.
Liêu quản sự kể xong thì cười nói:
- Hoà thượng Pháp Hải còn từng để lại lời kệ rằng: “Tây Hồ thuỷ kiền, giang hồ bất khởi, Lôi Phong tháp đảo, Bạch xà xuất thế*.” Nước của Tây Hồ làm sao có thể cạn được chứ? Cho nên Bạch xà yêu cũng chỉ có thể vĩnh viễn bị đè dưới tháp Lôi Phong, nhận chịu hết mọi dày vò mà thôi.
* Tạm dịch:
Nước Tây Hồ mà cạn thì giang hồ sẽ không yên.
Khi tháp Lôi Phong sụp đổ cũng sẽ là lúc Bạch xà xuất hiện.
Chàng Hứa Tiên đó được cao tăng cứu giúp, từ đó một lòng hối cải, hành thiện tích đức. Về sau lại cưới vợ sinh con, con trai còn đỗ Trạng Nguyên, cũng xem như gia đình tích thiện rồi.
Trương Phù Bảo tính tình chất phác, nghe xong tức giận nói:
- Cái tên Hứa Tiên đó thực quá vô tình. Tuy Bạch xà là yêu tinh, nhưng đôi bên đều có tình cảm với nhau, lại chưa từng hại hắn. Hắn không quen với hành vi của người ta thì cũng nên niệm tình phu thê mà để người ta ra đi, cớ sao lại giúp tên hoà thượng ác độc khiến thê tử mình chịu khổ dưới tháp Lôi Phong? Bản thân thì lại bỏ vợ, cưới người khác, rồi còn con đàn cháu đống gì đó, hưởng hết vinh hoa phú quý! Như thế còn có thiên lý hay sao?
Chẳng ngờ kể câu truyện này cũng bị nàng mắng, Liêu quản sự không khỏi cứng mồm, đờ cả người. Trương thiên sư thấy vậy cười trách:
- Phù Bảo! Chẳng qua chỉ là một truyện thần thoại thôi, muội so đo làm gì?
Dương Lăng không ngờ câu truyện Bạch xà của thời này lại là một phiên bản như vậy, thế là y nhất thời cao hứng kể câu truyện mà mình được biết. Câu truyện về Thanh xà Bạch xà xuất thế, gặp Hứa Tiên trên cây cầu gãy, lên Nga Mi trộm thuốc cứu chồng, dâng lũ nhấn chìm Kim Sơn, đánh cho Pháp Hải bỏ chạy, được Dương Lăng rù rì kể lại, cảm động lòng người hơn câu truyện của Liêu quản sự gấp không biết bao nhiêu lần. Không những Trương Phù Ngọc nghe say sưa mà cả Cao Văn Tâm cũng lắng nghe đến mê mẩn.
Trương Phù Bảo nghe đến kết cục phu thê đoàn tụ, cùng bay về cõi tiên thì mặt mày rạng rỡ, khen:
- Câu truyện này mới hay.
Rồi nàng cầm một con cua lên, dương dương đắc ý nói:
- Vị Thanh Thanh cô nương đó dùng tam muội chân hoả đốt Pháp Hải, vậy là thần kỹ của đạo gia ta rồi. Ha ha, Pháp Hải bị đuổi đến lên trời xuống đất đều không xong, là trốn trong vỏ con cua này sao?
Dương Lăng lấy làm lạ: "Chẳng lẽ người thời này còn chưa phát hiện đường vân trong mai cua giống hình hoà thượng à?” Y vội cầm một con cua lên, bóc mai ra, quả nhiên vẫn nhìn thấy đường vân giống như hoà thượng đang tĩnh tọa, hình dáng thần thái đây đủ cả, kỳ diệu vô cùng.
Dương Lăng cười đưa cho Trương Phù Bảo nói:
- Cô xem này, lão Pháp Hải đó trốn trên thân con cua đã lâu, giống như Đạt Ma diện bích(4) nhiều năm, để lại cái hình này. Cô xem xem có phải là hoà thượng hay không?"
Trương Phù Bảo cầm lấy đưa lên ánh đèn nhìn kỹ, không khỏi vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ kêu lên:
- Quả nhiên có hoà thượng, quả nhiên có hòa thượng! Ca ca! Thì ra đây không phải là truyện thần thoại, nhất định trước đây thực sự đã có việc này đó!
Trương thiên sư, Liêu quản sự và Cao Văn Tâm ai nấy đều hết sức kinh ngạc tự bóc cua ra quan sát, nhìn thấy mà tấm tắc kêu lạ kỳ. Liêu quản sự cũng khoái chí nói:
- Không ngờ trên đời lại có chuyện kỳ lạ như vậy, trong mỗi con cua lại có một vị hòa thượng. Sao trước nay không ai chú ý nhỉ? Ha ha, thực là thú vị. Tiểu nhân là người Hàng Châu mà cũng chưa từng nghe qua chuyện này. Trở về đem chuyện này kể cho người ta nghe, nhất định trong chốc lát sẽ lan truyền khắp chốn.
Dương Lăng nghe vậy thì giật mình. Câu truyện này đã trải qua không biết mấy thế hệ bổ sung và hoàn thiện, rồi miễn cưỡng ráp vào một ít kỳ văn cổ tích mới trở thành phiên bản của đời sau. Mình nhất thời buột miệng kể ra, hắn lại muốn "xuất bản trước hạn"!
Cao Văn Tâm cũng chưa từng nghe câu truyện này, nhất thời cũng say sưa chìm trong câu truyện tình của Bạch xà và Hứa Tiên. Nàng cảm khái một hồi, dựa vào bóng khuất của ánh đèn lặng lẽ ngắm nhìn vẻ anh tuấn tiêu sái của Dương Lăng, trong lòng thầm nghĩ: "Bạch xà cảm động và ghi nhớ ơn cứu mạng của tiều phu, dám hoá thân thành người, gả làm vợ hắn. Mình... mình thân phận là nô tỳ, song thậm chí cả yêu tinh cũng không bằng, so ra cũng chỉ có thể xem như thị tỳ Thanh xà kia, vác khổ thay người, lo tới lo lui, rốt cuộc vẫn không thành chánh quả."
Cao Văn Tâm nghĩ đến đây, thầm mắng mình một tiếng: "Xì! Mi đang nghĩ bậy nghĩ bạ gì thế, Thanh xà người ta chưa từng có ý với tướng công nhà nàng ấy mà."
Nàng thấy không ai chú ý đến vẻ mặt của mình, không khỏi lại suy nghĩ tiếp trong lòng: "Thanh xà đó ra sức trả công không lời than oán như vậy, thật sự chỉ xuất phát từ tình cảm tỷ muội ư? Nàng ấy... nàng ấy có bao giờ thích vị công tử Hứa Tiên đó không? Nếu nàng ấy thổ lộ tình ý với Hứa Tiên, tiểu thư lại có tình như thủ túc với nàng, Hứa Tiên có sẽ... có sẽ cưới nàng về hay không?" (TheJoker: nếu là mềnh mềnh cưới ngay! Kết em này sau mỗi Ấu Nương thoai hix)
... ... . . .
Đêm đã khuya, gió đã trở lớn, mặt nước nổi lên những bọt hoa sóng trắng, từng đợt từng đợt vỗ vào con thuyền cá nhỏ bé. Dòng cảm xúc của Cao Văn Tâm cũng bắt đầu giống như con thuyền nhỏ trên sóng, dập dềnh chao đảo.
Vầng trăng như lụa, sóng khẽ vỗ bờ, gió thu nhẹ thổi, ánh mắt mông lung. Con tim không rượu cũng say.
****************
Xa giá nghênh đón quan khâm sai đã đợi trên bến thuyền từ lâu. Mặt trời còn chưa xế núi, thái giám trấn thủ lương trà* Mạc Thanh Hà, thái giám trấn thủ dệt may Tô Hàng kiêm chưởng quản ngự dụng long y** Lý Đại Tường cùng thái giám trấn thủ thuế quan thủy bộ Viên Hùng đã dẫn đầu đám người ra sông đón đợi.
(*: lương thực và trà
**: quần áo hoàng thất)
Dương Lăng là xưởng đốc Nội xưởng, chuyện y xuôi Nam tuần tra trưng thu thuế má không can hệ với Tam ty lắm, nhưng thân phận của Dương Lăng hiện tại không thể coi thường. Vì vậy Bố chánh sứ, Án sát sứ và Đô chỉ huy sứ của Chiết Giang cũng chạy đến nghênh đón. Tri phủ Hàng Châu Dương Vu Anh là chủ nhà song lại bị chen lấn, đẩy dạt sang một bên.
Do sứ giả mau mồm mau miệng rao truyền tin Trương thiên sư cưỡi thuyền quan của Dương đại nhân cùng đến Hàng Châu, đám đạo trưởng của mấy đạo quán lớn ở địa phương cũng rất cao hứng đến bến thuyền chờ đón tổ sư gia, chen lấn đứng cùng đám danh nhân thân sỹ của địa phương.
Điển sứ, tuần kiểm mặt mày căng thẳng đang chỉ huy hơn trăm nha sai duy trì trật tự.
Đoàn long kỳ màu vàng sậm vừa đập vào mắt, đám người liền bắt đầu nhốn nháo. Ba đại thái giám trấn thủ và các vị quan lại vén áo bào chậm chậm bước xuống thềm đá, đi đến đầu bến. Thuyền lớn vừa cập bờ, đội chiêng trống do đám thân sỹ tổ chức liền nổi nhạc ầm lên, pháo nổ đì đùng không dứt, khắp nơi nhất thời mịt mù khói pháo.
Đạp ván xuống thuyền, hai bách hộ dẫn hơn trăm tay nha sai bước xuống thuyền trước, chia thành hai hàng hình cánh nhạn. Dương Lăng và Trương thiên sư vừa sánh bước xuất hiện, lập tức trên bến thuyền tiếng tung hô loạn lên:
- Hoan nghênh đề đốc nội xưởng, thị vệ thân quân khâm sai Dương đại nhân!
- Vô lượng thiên tôn, đệ tử cung nghênh thiên sư pháp giá quang lâm!
Trông thấy cảnh hỗn loạn đó, Trương thiên sư và Dương Lăng không khỏi nhìn nhau cả cười. Trương thiên sư lần này đến Hàng Châu với thân phận cá nhân nên không muốn dây dưa với phía quan lại lắm; thiên sư chỉ chào hỏi chuyện trò cùng các vị quan lại đến nghênh đón một lúc rồi dẫn em gái mình đến gặp đạo nhân và tín đồ của các đạo quán ở địa phương.
Trước mặt Dương Lăng là một đám quan viên đang khúm na khúm núm túm tụm vây quanh y. Thuế giám lương trà Mạc Thanh Hà Mạc công công đi đầu bước lên phía trước, mỉm cười thi lễ:
- Khâm sai đại nhân đi đường mệt nhọc, thật vất vả rồi. Ty chức Mạc Thanh Hà cùng Lý Đại Tường, Viên Hùng và quan viên của Tam ty cung nghênh đại nhân.
Dương Lăng quan sát hắn. Vị đại thái giám Mạc Thanh Hà này tuổi trạc tứ tuần, vóc người cao to, dáng vẻ đường đường. Mặc dầu hắn là công công trấn thủ địa phương, phẩm hàm không bằng đám công công của ty Lễ Giám trong kinh, nhưng có lẽ bởi không phải hầu hạ dưới chân thiên tử nên ngực hắn ưỡn cao, không như đám thủ lĩnh Ty lễ giám đầy quyền lực nhưng lưng vai lúc nào cũng quen khom cúi; khí chất phong độ ấy trông thật bất phàm.
Hai thái giám phía sau lại không bằng anh bằng em. Thái giám trông coi dệt may Lý Đại Tường da thịt trắng bủng, mày đen mắt híp, thực có mấy phần ẻo lả. Còn Viên Hùng cai quản ty thuế quan, kiêm nhiệm giám quân sứ giám sát mấy ngàn quân của Long Sơn vệ lại gầy gò nhỏ thó, cằm nhọn má hóp, mặc bộ quan bào rộng thùng thình, như thể gặp gió thổi liền sẽ bay lên trời vậy.
Hai người cũng vội vàng bước lên ra mắt Dương Lăng. Không những Dương Lăng là khâm sai, là xưởng đốc Nội xưởng, mà sau này còn là lãnh đạo trực tiếp của ba người. Ba ông chúa đất địa phương này dĩ nhiên sẽ khom lưng uốn gối ra sức bợ đỡ y rồi.
Đợi ba người vỗ mông ngựa một trận xong, Bố chánh sứ ty Ngưu đại nhân mới cùng hai vị đại nhân khác bước lên, cười nói với Dương Lăng:
- Cung nghênh khâm sai đại nhân! Dương đại nhân đi đường vất vả, chúng tôi đã bày tiệc rượu ở lầu Túy Tiên tiếp đãi tẩy trần cho đại nhân rồi. Mời đại nhân sang ngồi kiệu, chúng ta đến nơi sẽ nâng chén kính lời, thỏa sức no say.
Tuy các vị quan to địa phương này không sánh bằng mấy vị thái giám nọ, nhưng Dương Lăng cũng không dám vô lễ với bọn họ, y bèn vội ôm quyền từ tạ:
- Bản đốc phụng chỉ tuần tra, các vị đại nhân trăm bề bận rộn mà vẫn đến nghênh tiếp, thực khiến tại hạ sợ hãi. Thật ra tại hạ đi đường mệt mỏi, lúc này mong muốn nhất là được tắm rửa một hồi, nghỉ ngơi cho khoẻ, thật sự không muốn làm phiền đến các vị đại nhân.
Mạc Thanh Hà nghe vậy vội cười nịnh:
- Xưởng đốc đại nhân! Lầu Túy Tiên nằm ngay dưới chân núi Cô Sơn*, cách hành dinh khâm sai của ngài chỉ có một dặm đường. Các vị đại nhân đều có lòng tốt, xin xưởng đốc đại nhân chớ nên khước từ.
(* thực ra chữ “sơn” đã là núi rồi, nhưng nhóm dịch vẫn giữ nguyên “Cô sơn” để đọc khỏi thấy trỏng trỏng, giống như vẫn giữ “sông Hoàng Hà” vậy)
Dương Lăng nghe hắn nói vậy cũng không tiện từ chối quá mức. Chén tạc chén thù trên quan trường vốn là chuyện nể mặt mũi nhau, nếu như anh không đi, mặc dù tiết kiệm được tiền bạc cho người ta nhưng chắc chắn trong lòng người ta cứ vẫn không vui. Y đành mỉm cười đáp:
- Nếu như thế thì làm phiền các vị rồi.
Mạc công công vui vẻ kêu người lên thuyền đưa hành trang của Cao Văn Tâm và Dương Lăng về hành dinh, còn mình và các vị đại nhân và những nhân vật danh tiếng địa phương đi cùng Dương Lăng. Chỉ kiệu quan không đã là mấy chục cái, phía trước có đoàn gõ chiêng dẹp đường, đoàn người cuồn cuộn thẳng hướng đến lầu Túy Tiên mà đi.
Lầu Túy Tiên là tửu lâu nổi tiếng và xa hoa nhất Hàng Châu, nằm ngay dưới chân núi Cô Sơn. Tuy những tửu lâu xa hoa của kinh sư cũng rường cột chạm trổ, nguy nga lộng lẫy như thế, nhưng luận về ý cảnh sẽ không thể nào sánh được với nơi này. Dương Lăng bước vào tửu lâu mà như đang đi vào một lâm viên. Hành lang bên trong đình viện rộng lớn uốn lượn khúc khuỷu quanh co, hoa thơm chim hót. Trong sân có vài căn gác nhỏ tinh xảo độc đáo, thi thoảng vẳng ra những tiếng đàn du dương.
Hàng người đi qua ba khu lạc viện, men theo con đường nhỏ rải đá trắng tinh, vượt qua một chiếc cầu nhỏ nên thơ, xuyên qua một khu rừng trúc mới đến một căn gác nhỏ. Những cây trúc cao lớn che chắn làm nổi bật căn gác nhỏ màu hồng trong đó. Trúc xanh đong đưa giam hờ căn gác trong sự thanh tao tĩnh mịch, khiến người ta cảm thấy vui vẻ thoải mái. Dương Lăng vừa trông thấy, thân thể đang mệt mỏi lập tức phấn chấn lên.
Khi nãy trong kiệu y vẫn chưa kịp ngắm cảnh sắc Giang Nam, giờ chỉ cần nhìn thấy một góc này quả nhiên đã tựa như tiên cảnh. Mọi người bước vào gác, phân ngôi chủ khách an tọa. Còn chưa kịp chuyện trò, một hàng thiếu nữ váy trắng vải xanh, tà áo tung bay đã bưng trái cây và trà thơm lả lướt đi tới.
Váy áo tung bay, dáng người tha thướt, mắt như thu thủy, mày tựa núi xa. Những người con gái này dung mạo tịnh không phải tuyệt sắc thượng thừa, song hiếm thấy chính là ngũ quan đều tinh xảo như nhau. Từng cái nhíu mày, mỉm cười, mỗi bước đi, dừng lại đều mang theo sự ung dung dịu dàng đặc trưng của người con gái miền sông nước.
Nếu nói lâm viên nhìn thấy khi nãy là một phong cảnh thoát tục, thì những người con gái thướt tha như liễu lay trong gió này há chẳng phải cũng u nhã như vậy ư?
Dương Lăng nhìn mà không khỏi lộ ánh mắt tán thưởng. Mạc Thanh Hà trông thấy bèn đưa mắt nhìn sang Viên Hùng ngồi đối diện mỉm cười, rồi nâng chén lên mời:
- Xưởng đốc đại nhân từ phương Bắc đến, tất nhiên tửu lượng không tầm thường. Rượu Giang Nam có vị nhạt tinh thơm, mời đại nhân uống cạn ba chén trước! Hôm nay chúng ta không say không về!
---
Chú thích:
(1) Rồng là một vật có thể đùa bỡn, thậm chí có thể cưỡi. Nhưng ở dưới cái cổ của nó có cái vảy ngược dài một thước ta (3 tấc). Ai động đến thì bị nó giết ngay. Các vị vua chúa cũng có cái vảy ngược, kẻ du thuyết không sờ phải cái vảy ngược của vua chúa thì mới có thể là người giỏi. (trích ký lục Tư Mã Thiên)
(2) nguyên văn Cơ Phong, là thuật ngữ thiền lâm, còn gọi là thiền cơ, là lời nói mang ngụ ý sắc bén, thâm ảo.
(3) Mười cảnh đẹp của Tây Hồ (西湖十景-Tây Hồ thập cảnh), được hình thành vào thời Nam Tống, chủ yếu nằm rải rác xung quanh Tây Hồ, thường được mô tả như sau:
Tô đê xuân hiểu: Buổi sáng mùa xuân trên đê Tô (do Tô Đông Pha đắp)
Liễu lãng văn oanh: Chim oanh hót trong bụi liễu
Hoa cảng quan ngư: Xem cá tại ao hoa
Khúc viện phong hà: Hương sen thổi nhẹ tại sân cong
Nam Bình vãn chung: Chuông chiều ở núi Nam Bình
Bình hồ thu nguyệt: Trăng mùa thu trên hồ yên bình
Lôi Phong tịch chiếu: Tháp Lôi Phong trong ánh sáng buổi chiều
Tam đàm ấn nguyệt: Ba đầm nước phản chiếu ánh trăng
Đoạn kiều tàn tuyết: Tuyết còn sót lại trên cầu gãy
Song phong sáp vân: Hai ngọn núi đâm vào mây (theo wiki)
(4) theo truyền thuyết, Đạt Ma sư tổ diện bích (quay mặt vào tường) tham thiền nhập định chín năm rồi viết nên Dịch Cân Kinh và Tẩy Tủy Kinh làm nên nền tảng võ thuật Thiếu Lâm, thế nên có câu "cửu niên diện bích" là vậy. Dương Lăng mượn câu nói này.
Hành dinh của khâm sai nằm bên trong một trang viện. Cơ ngơi rộng lớn này là dinh thự của thuế giám Mạc Thanh Hà, chiếm gần một khoảnh (100 mẫu, khoảng 6,7 héc-ta), chia làm tiền viện và đông, tây khóa viện*. Bây giờ tây khóa viện đã được dọn dẹp sạch sẽ, tạm thời dùng làm hành dinh của khâm sai. (*: từ điển giải nghĩa khóa viện là nhà ngang, ta có thể hiểu là một dãy phòng nằm ở hướng đông và một dãy khác nằm ở hướng tây)
Cơ ngơi này vốn là một kiến trúc lâm viên trang nhã và tinh mỹ, khắp nơi đều là giả sơn, hành lang uốn khúc, ao cá, hoa cỏ. Chuyến đi này Dương Lăng chỉ mang theo một thị tỳ là Cao Văn Tâm, còn lại toàn bộ đều là nha sai nội xưởng. Mạc Thanh Hà hào sảng mang nửa số nhân viên phục dịch trong phủ mình như nha hoàn, bà hầu, đầu bếp, vân vân đẩy sang hầu hạ y, có thể nói là dốc đủ vốn liếng với vị khâm sai đến từ kinh đô này.
Hai chiếc kiệu được khiêng về Mạc phủ, dừng lại dưới hành lang trước gian thứ nhất. Hành lang uốn khúc kiểu kiến trúc Giang Nam này được xây theo kiểu chật hẹp nên dưới hành lang hơi có vẻ âm u, trên tường thỉnh thoảng có vài cửa vào nhỏ hẹp xây thẳng lên đến nóc, sơn cùng màu với bức tường. Nếu không để ý nhìn có thể sẽ không biết bên cạnh còn có một cửa ra vào, đẩy cửa mở ra sẽ xuất hiện một thế giới khác ở bên trong.
Dương Lăng và Mạc Thanh Hà lần lượt ra khỏi kiệu, lúc này bên ngoài đang lất phất mưa phùn. Mưa thu rả rích thấm ướt những chiếc lá của cây cỏ dưới hành lang khiến chúng sáng óng ánh. Mặc dù ngắm nhìn và lắng nghe tiếng mưa rơi tí tách, thấu được ý nghĩa sâu xa của trời thu mát mẻ tự nhiên ta sinh ra một cảm giác cô quạnh, nhưng quang cảnh này lại không hề mang vẻ điêu linh của cái thu sắp sang đông.
Mạc Thanh Hà cười nói với Dương Lăng:
- Đại nhân! Mời ngài về nghỉ ngơi tạm cho khỏe, ngày mai ty chức sẽ báo cáo với đại nhân về tình hình thuế má vùng Giang Nam.
Lúc tiếp rượu, Dương Lăng đã bị đám quan viên thân sỹ chuốt cho mấy chén, nay y đã cảm thấy đầu óc quay cuồng, chỉ muốn leo lên giường uống chén trà xanh rồi nghỉ ngơi. Huống chi lúc y lên bờ đã dặn người bắt liên lạc với đám người Liễu Bưu vốn đã được phái đến nơi đây trước, cho nên nghe vậy y vội vàng gật đầu.
Đúng vào lúc này, một tràng cười êm tai vọng đến. Bên hành lang đối diện, một cánh cửa hẹp cao đến nóc có cùng màu sơn với tường đột nhiên mở rộng, một người con gái mặc áo xanh đang xoè cây dù bằng giấy dầu khom người nhanh nhẹn lách mình bước ra. Theo sau nàng ta là hai cô gái mặc áo hồng cũng đang cất tiếng cười đùa cùng bước ra.
Dương Lăng liếc mắt nhìn, y thấy đằng sau cửa hông đó lại là một hoa viên. Chỉ liếc nhìn qua khe cửa mà đã cảm thấy phong cảnh thật hữu tình, tinh tế và xinh đẹp tuyệt luân, tựa như cõi bồng lai.
Y lại nhìn ba người con gái nọ. Cả ba đềunđẹp đến nín thở khiến y ngẩn ngơ. Màu áo đỏ bắt mắt hơn, nhưng chỉ liếc một cái, ánh mắt của mọi người đều sẽ chỉ dừng trên thân mình của người con gái mặc áo xanh. Người con gái đó thực khiến người ta phải choáng ngợp.
Tường trắng cao cao, đường lát đá xanh màu đen nhạt, dây bìm bìm mọc dài dọc trên kẽ hở hành lang như thể đã im lìm tồn tại từ rất lâu về trước. Người con gái áo xanh hài đỏ một tay cầm cây dù giấy dầu màu vàng, một tay vén váy, mỉm cười duyên dáng từ trong vẻ cổ kính ấy lướt nhẹ ra.
Vẻ mỹ lệ, ống tay áo, con hẽm nhỏ. Độ sâu sắc ấy, sự tĩnh lặng của khung cảnh ấy cô đọng và súc tích tựa Đường thi, thanh nhã và thâm thúy như Tống từ. Có nàng nhẹ nhàng lướt qua, phong cảnh cổ kính dường như cũng hoà vào sự khẽ khàng, kiều diễm, mềm mại và ngọt ngào của nàng, bất giác trở nên ấm áp say lòng người.
Trông thấy kiệu quan, người con gái vui mừng kêu lên:
- Lão gia đã về rồi à?
Nàng thong dong đưa mắt nhìn sang. Trông thấy Dương Lăng, thoạt tiên nàng hơi ngẩn người, sau đó nàng vẫn vén váy, cầm dù đi giữa sắc xanh của những bồn cảnh chậu kiểng bước đến gần.
Giọt nước trên ngọn cỏ xanh lăn xuống theo bước chân êm ái của đôi hài đỏ. Trong khoảnh khắc ấy, Dương Lăng có ảo giác dường như nàng là một người ngọc bằng nước mặc y phục cũng bằng nước, đang bước trên dòng nước trong vắt.
Người con gái đi thẳng tới, đôi mắt sáng ngời như sóng nước thoáng hiếu kỳ liếc nhìn vẻ tự nhiên phóng khoáng của Dương Lăng, sau đó nhún người mỉm cười duyên dáng chào Mạc Thanh Hà:
- Lão gia!
Giọng của nàng trong như tiếng suối vỗ đá, êm ái, giòn tan. Khi nàng khẽ cười, dung nhan mỹ lệ chói ngời tựa ánh mặt trời, khiến cho hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.
Không ngờ thế gian lại có người như vậy! Dương Lăng không khỏi kinh ngạc tán thán tự đáy lòng.
Xét về sắc đẹp, Liên Nhi và Ngọc Nhi tuyệt không thua kém người con gái này, thậm chí còn hơn một bậc, nhưng vẻ phong tình của hai cô đem so với nàng, quả chỉ như những con nhóc ranh chưa đủ lớn. Khí chất thùy mị thành thục ấy của nàng do được hun đúc qua năm tháng, giống như ruợu ngon tinh chất, tuyệt không phải là sắc đẹp vốn có hay được huấn luyện mà có thể hình thành.
Người con gái Giang Nam dáng người cao thon, dung nhan thuần khiết như nước này, tuổi tác xem ra khoảng chừng hai bảy, nhưng sinh cơ và sức sống ấy lại khiến nàng trẻ đi ít nhất mười tuổi. Ngũ quan xinh xắn, cử chỉ dịu dàng của nàng khiến cho người ta không khỏi nghĩ tới vẻ đẹp của thiếu nữ giặt lụa, sóng xanh nước biếc, em bé hái sen(5).
Lúc đối diện với Dương Lăng, Mạc Thanh Hà luôn khoác lên vẻ mặt siểm nịnh và khôn khéo, nhưng khi nhìn thấy người con gái này, trong mắt hắn lại tràn trề sự dịu dàng và hạnh phúc. Hắn âu yếm:
- Trời đang mưa mà nàng nghịch ngợm trong vườn như con nít vậy. Mau ra mắt khâm sai Dương đại nhân đi!
Người con gái mỉm cười, đôi mắt tràn đầy sức sống lướt nhanh trên khuôn mặt anh tuấn của Dương Lăng một vòng, nhỏ nhẹ chào:
- Tiện thiếp bái kiến đại nhân!
Dương Lăng vội chắp tay, đưa mắt nhìn sang Mạc Thanh Hà, không biết nên xưng hô thế nào. Mạc công công cười lớn giới thiệu:
- Đây là tiện nội. Ngày thường ty chức quá cưng chiều nàng nên cô ta không biết nề nếp gì cả, lại khiến đại nhân chê cười rồi!
Dương Lăng nghe thế suýt nữa thì cắn lưỡi. Thái giám cũng có thể lấy vợ sao? Hơn nữa còn công khai táo bạo như vậy nữa? Đây là thế giới gì vậy trời?
Y lại nhìn vị mỹ nữ áo xanh tươi cười xinh đẹp, rồi nghĩ đến ông chồng thái giám của nàng ta, trong nháy mắt tất cả mọi linh phụ kiện trong đầu đều tan vỡ. Y cố gượng cười chào hỏi:
- Thì ra là Mạc phu nhân, thất kính thất kính. Ờm... bản quan đã hơn mệt rồi, bây giờ... bây giờ sẽ về phòng nghỉ ngơi.
Dương Lăng vội vã hàn huyên mấy câu, rồi lơ mơ đi theo gia đinh băng qua một cửa hông khác. Sau lưng vọng lại tiếng Mạc công công không thể chờ được nữa bắt đầu "dạy dỗ" vợ:
- Tiểu Lâu! Trời mưa mà nàng còn chạy nghịch trong sân, chẳng nết na gì cả, khiến khâm sai đại nhân chê cười kìa.
Tiếp sau đó là một tràng cười hờn mát rung động đến tâm can:
- Lão gia! Người ta có một mình buồn quá hà. Người tốt ơi, chàng về thì hay rồi, mau cùng người ta về phòng trò chuyện nào.
Dương Lăng tưởng tượng cảnh cánh tay ngọc ngà của nàng ta nhẹ nhàng thong thả quấn quanh cổ Mạc Thanh Hà, làm ra vẻ nũng nịu quyến rũ. Khi nãy còn thánh khiết như một dòng suối mát, thoắt cái đã có thể hoá thân thành một bát canh mê hồn*, khiến y càng cảm thấy khó hiểu: "Mạc Thanh Hà thực ra dáng vẻ đường đường, nhưng hắn... suy cho cùng là một thái giám mà. Thái giám cưới vợ, hai vợ chồng còn rất đằm thắm nữa, chuyện này là sao vậy nhỉ. Lẽ nào chuyện này không trái với chế độ sao? Ừm... quay về hỏi thử Văn Tâm cái đã." (*: thuốc lú)
Trong tiền viện, Mạc Thanh Hà dắt tay ái thê về phòng, đóng cửa lại. Nàng lập tức châm trà, hay tay bê đến trước mặt hắn, yêu kiều nói:
- Lão gia, mời dùng trà. Y chính là người lão gia nói do trong kinh phái đến điều tra đó sao? Hi hi, thật là một vị khâm sai trẻ tuổi.
Mạc công công đón lấy chén trà, thuận tay kéo bàn tay ngọc của nàng. Người con gái liền kêu lên một tiếng yêu kiều, nhẹ nhàng sà xuống ngồi lên đùi hắn, hai tay choàng qua cổ hắn.
Khuôn mặt xinh xắn của nàng khẽ ửng hồng, hơi thở cũng trở nên gấp gáp, nàng thỏ thẻ với Mạc công công:
- Đáng ghét! Lão gia mới vừa trở về lại muốn... lại muốn làm chuyện xấu gì đó?
Sắc mặt trầm tĩnh, trong mắt không hề chứa chút dục vọng, Mạc công công khoan thai nói:
- Tiểu Lâu! Người này niên kỷ tuy nhỏ, nhưng ta không thể xem thường. Trong triều đình, nội triều thì có mấy vị công công Vương Nhạc, Phạm Đình và Miêu Quỳ, ngoại triều có mấy vị đại học sỹ Lưu Kiện, Tạ Thiên và Lý Đông Dương, vậy mà chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi y đã có thể táo bạo nổi lên, đồng vai đồng vế với bọn họ. Người này có thể đơn giản sao?
Vị mỹ nữ tên gọi Tiểu Lâu dựa sát vào tay y hớp một ngụm trà, đoạn áp môi mình vào môi hắn dùng miệng làm chén mớm trà, sau đó vui vẻ cười nói:
- Nô gia chỉ tán thưởng dũng khí kháng chỉ cứu thê của y, chỉ tiếc cuối cùng y còn nạp thêm hai người thiếp đẹp về nhà. Nô gia nghe nói bên tây khoá viện còn có một vị cô nương xinh đẹp vào ở. Hừ! Y chỉ là một tên ngụy quân tử mua danh cầu tiếng!
Mạc công công cười nhạt, véo mạnh mông nàng một cái, nói:
- Nếu y thật sự là dạng người đó, vậy lại dễ xử. Phu nhân xinh đẹp của ta ra tay, còn không khiến y thần hồn điên đảo, xương cốt rã rời, mũ giáp tả tơi, ngoan ngoãn cúp đuôi về phủ ư!
Tiểu Lâu cố ý kêu lên một tiếng ngọt ngào, cắn chiếc môi đầy đặn hấp dẫn, bộ ngực cao vút phập phồng:
- Lão gia... chàng lại muốn người ta tiếp... tiếp...
Mạc công công nắm chặt cổ tay trắng ngần của nàng, thở dài:
- Tiểu Lâu! Nàng biết ta... ta không thể cho nàng... Ôi! Chỉ cần con tim nàng ở bên ta, những chuyện vui người vui mình, ta sẽ không ngăn cản nàng.
Miệng nói như vậy, song sâu thẳm trong đôi mắt hắn lại chợt lóe lên một sự đau thương sâu sắc.
Tiểu Lâu ôm lấy người hắn, nói:
- Lão gia! Đều do Tiểu Lâu nói sai rồi. Trong lòng Tiểu Lâu chỉ có một mình lão gia, mãi mãi vẫn vậy. Bất luận lão gia muốn Tiểu Lâu làm gì, chỉ cần có lợi cho lão gia, Tiểu Lâu... Tiểu Lâu đều vui lòng!
Mạc công công che dấu nỗi thống khổ, khoác lên bộ mặt vui vẻ rồi véo một cái lên bộ ngực mềm mại nẩy nở mê người của nàng, cười nói:
- Đương nhiên là nàng chịu rồi, tiểu tử đó vừa trẻ tuổi lại anh tuấn. Cái tuổi như sói này của nàng lại gặp con sói trẻ khôi ngô xuất chúng như vậy, còn không sướng như tiên ư?
Vẻ mặt của hắn rõ ràng là hết mực sủng ái người con gái áo xanh này, tình yêu đó tuyệt đối xuất phát từ chân tâm, tuyệt không giả tạo. Nhưng khi nói về việc nàng ta đi tiếp nam nhân khác, vẻ mặt hắn lại vẫn hết sức thản nhiên, thể như đã hoàn toàn chia tách tình yêu và dục vọng thành hai bộ phận bất đồng.
Tình cảm của người con gái tên là Tiểu Lâu ấy đối với hắn cũng như vậy; nghe hắn bàn chuyện để mình, là người vợ của hắn, đi quyến rũ người ngoài giao hoan như thế nào mà cứ như là giao tiếp uống rượu làm thơ bình thường, hoàn toàn không hề e ngại. Cặp vợ chồng có tình cảm kỳ lạ này thực sự khiến người ta không thể hiểu được.
Hai người trêu đùa một hồi, Tiểu Lâu lo lắng nhíu mày hỏi:
- Nhưng mà... lão gia khẳng định vị khâm sai này ít kinh nghiệm, không lo y đang giả heo ăn thịt hổ sao? Nghe nói ở trong kinh y phạm vào đại tội khi quân, nhưng sau cùng chẳng những bình yên vô sự mà còn hạ bệ được ba vị thượng thư nữa. Như thế, làm sao y là người không có chút thủ đoạn cho được?
Giờ y mới lên làm xưởng đốc, tiếp quản thuế giám các nơi khắp cả nước. Lần này y đến Giang Nam, không biết chừng chính là để giết người lập oai. Lão gia vẫn nên cẩn thận là hơn.
Mạc Thanh Hà mỉm cười ấm áp, đáp:
- Đó là lẽ đương nhiên. Giết người tuy có thể lập oai, nhưng trấn thủ sứ các thành các trấn trên thiên hạ ai ai đã không từng giết mấy mạng người? Ta thấy y vừa nhậm chức liền tìm đến chúng ta, ba đại trấn thủ sứ Nam Trực Lệ giao nộp nhiều thuế khóa nhất nước, sẽ không phải là vì chúng ta chậm giao thuế má, mà là muốn giở chút thủ đoạn vừa đấm vừa xoa. Chỉ cần ba người chúng ta bị y hàng phục, ty thuế giám ở khắp nơi trong nước sẽ tự xuôi theo chiều gió.
Tiểu Lâu lấy làm lạ hỏi:
- Nếu Hoàng Thượng đã hạ chỉ giao ty Thuế Giám cho y, sao lão gia không nương nhờ y sớm một chút, còn muốn đọ sức cùng y một phen là vì cái gì thế?
Mạc Thanh Hà cười ha hả đáp:
- Người đẹp ngoan của ta ơi! Đi nương nhờ người sớm thì đương nhiên có thể được trọng dụng, nhưng y có phải là người chủ có thể nương nhờ hay không? Nếu như nương nhờ nhầm người thì... Nàng thử nghĩ khi ty Thuế Giám trở về lại tay ty Lễ Giám, mấy vị công công trong kinh đó ăn chay sao? Cứ xem thử trước đi đã. Tuy thấy chúng ta ở địa phương muốn gió có gió, cầu mưa được mưa, quan lớn địa phương đều chỉ có thể lấm lét mà nhìn, nhưng trong mắt của đám quan lớn trong kinh này, chúng ta không phải chỉ là một con kiến có thể bị bóp chết bất cứ khi nào ư? Không thể không cẩn thận đâu...
Hắn thở dài một hơi, rồi phấn chấn tinh thần lại, ôm chặt lấy bờ eo thon của mỹ nhân trong lòng, cười nói:
- Mưa xuân nghe vẳng đêm lầu nhỏ, hoa hạnh rao dần sớm ngõ xa (6). Có nhân vật phong lưu đệ nhất Giang Nam như nàng đây, cho dù vị Dương xưởng đốc này thật sự là kẻ lợi hại, lão gia ta còn sợ y không chịu thu nhận ta hay sao? Ha ha ha, chỉ dựa vào đôi mắt làm say lòng người, thân thể quyến rũ này đây của nàng, trong thiên hạ có nam nhân nào mà không yêu thương say đắm nàng kia chứ?
Cùng với sự chòng ghẹo của hắn, trong căn phòng cất lên tiếng thở yêu kiều nhè nhẹ. Trong chốc lát, những tiếng rên khe khẽ lay động con tim từ trong phòng vọng ra, khiến cả cơn mưa thu giăng đầy trời cũng mờ mịt mang theo ý xuân.
Mãi đến lúc lên đèn, Mạc công công mới mở cửa phòng, quay đầu lại cười nói:
- Ta còn hẹn người khác gặp mặt. Bảo bối của lòng ta, nàng hãy mau thức dậy rồi tắm rửa thay đồ đi, giường bị nàng làm ướt hết rồi.
Một chiếc hài thêu hoa ném tới một cách yếu ớt, đập bộp lên cửa, đi kèm với tiếng rên rỉ liên tục khiến lòng người run rẩy là một giọng nói vô cùng quyến rũ cất lên:
- Quỷ tha chết chàng đi, bỏ rơi người ta dở lỡ, thật là khó chịu. Người ta vẫn còn muốn mà, hãy đổi cái giác tiên sinh* đi..." (*: dương cụ giả)
Mạc công công cười lớn rồi đáp:
- Cô nàng lẳng lơ ơi, một cục sắt cũng có thể bị nàng làm chảy không còn một mẩu đó.
Hắn vừa nói vừa đóng cửa phòng lại. Cửa phòng vừa đóng, nụ cười trên khuôn mặt hắn cũng như bị đóng lại, lập tức biến mất. Hắn đứng lặng im một hồi, nghe thấy trong phòng không có tiếng động gì, lúc này mới hài lòng mỉm cười, lặng lẽ xuống lầu, vòng trái rẽ phải, đi một hồi lâu mới vòng vào một phật đường.
Phòng ốc ở Giang Nam, cho dù là gia đình giàu có, cũng thường xây nhiều nhà nhiều cửa. Toàn bộ phòng sảnh,đình, lầu, bệ, gác nối với nhau bởi những dãy hành lang uốn khúc quanh co, khúc khủy. Nếu không quen nhà quen cửa, đi loanh quanh một hồi lâu chắc chắn sẽ bị lạc đường, thậm chí đến cửa ra vào cũng tìm không được.
Trong phật đường, trên hương án đốt hai cây đèn cầy, trên bồ đoàn có một người mặc đồ đen ngồi xếp bằng, hai tay đặt trên gối như đang nhập định.
Mạc công công vừa vào cửa, người áo đen lập tức búng người dậy, thân thủ cực kỳ linh hoạt. Mạc công công đóng cửa lại, mừng rỡ nói:
- Ngươi đến thật đúng lúc.
Âm điệu Giang Nam của người đó có vẻ hơi cứng, gã đáp cộc lốc:
- Nhận được lệnh Mạc gia triệu đến, ta lập tức khởi hành, một khắc cũng không trễ. Không biết Mạc gia muốn ta chạy đến ngay tức khắc là có gì dặn bảo?
Mạc công công ngoắc tay kêu người đó đến gần, to nhỏ thì thầm một hồi. Người đó nghe xong do dự nói:
- Y là khâm sai, làm như vậy có sẽ làm sự việc ầm ĩ lên không? Chỉ sợ đối với ngài và ta đều bất lợi.
Mạc Thanh Hà cười gian trá đáp:
- Ta chỉ muốn ngươi đề phòng chuyện chằng may. Nếu như Dương Lăng quả thật có chút thủ đoạn, đáng để ta theo, vậy ta tận tâm hiến sức cho y cũng không sao. Có điều ý đồ đến của y thực sự khó dò. Đây chỉ là đề phòng ngộ nhỡ, nếu y có lòng muốn bắt giết ta, vậy thì... Ngươi cũng nên biết, nếu như không có ta ở đây bảo vệ, chiếu cố, các ngươi khó mà sinh sống qua ngày. Cả vùng duyên hải còn có thể để cho các ngươi kiếm sống sao?
Người mặc đồ đen nọ chần chừ một lát, rồi nói:
- Được! Trong khoảng thời gian này chúng ta sẽ bày trận chờ địch. Nếu như Mạc gia cần đến, chỉ cần ngài ra lệnh một tiếng, bọn ta sẽ lập tức đem quân giết tới.
Mạc Thanh Hà nghe vậy cười lớn:
- Rất tốt! Các ngươi là nước cờ cuối cùng của ta. Nếu như Dương Lăng thức thời, vậy thì tốt cho ngươi, cho ta và cho mọi người. Nếu như y khinh người thái quá, các ngươi cứ việc mạnh dạn mà làm, cục diện hỗn loạn sau đó đương nhiên sẽ do ta thu dọn!
****************
Dương Lăng loạng choạng bước vào phòng ngủ, ngã vật xuống giường ợ một tiếng rồi nói với những gia bộc đưa y về:
- Được rồi, ta muốn nghỉ ngơi một lúc, các ngươi lui ra đi.
Hai gia nhân vâng vâng dạ dạ rồi lui ra, nhẹ nhàng đóng cửa phòng lại. Dương Lăng cảm thấy chăn đệm mềm mại lại thêm mùi thơm nhàn nhạt, khiến cho người nằm bên trên chỉ muốn say sưa.
Y khoan khoái rên lên một tiếng, áp gò má nóng hổi lên chiếc chăn bông mịn màng trơn truột. Rời khỏi cái giường cứng ngắc trên thuyền mà y vừa nằm ngủ, vốn y đã hơi choáng váng rồi, huống hồ y lại uống thêm mấy ly rượu nên giờ thật sự y chỉ muốn cứ vậy mà nằm ngủ.
Dương Lăng vừa muốn chợp mắt, chợt cánh cửa két một tiếng, mở ra. Dương Lăng hé mắt nhìn thấy Cao Văn Tâm bưng một cái khay bước vào, thế là y rên một tiếng, nhăn nhó khổ sở.
Cao Văn Tâm nhẹ nhàng đặt khay lên bàn, trở lại đóng chặt cửa, sau đó quay lại cúi xuống nhìn y. Người Dương Lăng đầy mùi rượu, Cao Văn Tâm không khỏi nhíu đôi mày thanh tú, dường như không quen với mùi rượu lắm. Nàng khẽ gọi:
- Lão gia, lão gia, dậy uống thuốc đi!
Dương Lăng rên một tiếng, nói:
- Văn Tâm tốt bụng ơi, tha cho tôi đi! Tôi váng đầu lắm, cô để tôi ngủ một lát, ngày mai hãy uống nhé, để mai hãy uống.
Dương Lăng trước nay chưa từng gọi thẳng tên nàng, Cao Văn Tâm nghe mà khuôn mặt xinh xắn đỏ bừng, lòng ngọt ngào như được rót mật. Dương Lăng xuống nước cầu xin khiến nàng nghe mà lập tức mềm lòng, hận không thể đáp ứng mọi chuyện với y được.
Nhưng mà liều thuốc này cũng là bài thuốc mà nàng khổ công tham khảo cổ tịch phối chế ra, nếu như tùy ý ngừng sử dụng, nàng cũng không biết có ảnh hưởng đến hiệu quả trị liệu hay không, nên đành phải cứng lòng, nghiêm mặt lại nói:
- Không được! Phu nhân đã căn dặn kỹ càng, tiểu tỳ phải hầu lão gia dùng thuốc, một ngày cũng không thể bỏ lỡ. Lão gia... người... người mau dậy đi mà.
Cao Văn Tâm nhỏ nhẹ dỗ dành khiến Dương Lăng nghe vậy, hết cách đành định bò dậy. Nhưng vừa rồi y nằm xuống đã thả lỏng toàn thân, nay thật sự là không muốn cựa quậy chút nào. Cao Văn Tâm thấy bộ dạng lười nhác của y, thở dài một tiếng, không biết làm sao đành ngồi bên giường nâng một chân của y lên, bắt đầu cởi giày cho y.
Trước giờ Dương Lăng không hề sai bảo Cao Văn Tâm như nô tỳ thật sự, nay thấy nàng làm như vậy liền vội giãy giụa ngồi dậy nói:
- Cứ để tôi tự làm cho, làm vầy coi sao được?
Cao Văn Tâm lườm duyên y, đáp:
- Cái gì mà được với không được. Lão gia nằm đi! Nhìn cái dáng vẻ của lão gia là đủ biết rồi, lão gia chịu uống thuốc sao?
Cao Văn Tâm cởi hai chiếc giày của y ra, lại tháo giây buộc vớ, giúp y cởi vớ, rồi nâng y ngồi dậy. Dương Lăng ngượng ngùng ngồi yên, Cao Văn Tâm quay về rót một chén nước mát, rồi đem mấy viên thuốc qua. Dương Lăng cầm thuốc nuốt ực, ghé qua tay nàng uống mấy ngụm nước, sau đó cởi áo ngoài rồi ngoan ngoãn leo lên giường nằm sấp.
Cao Văn Tâm bĩu môi mỉm cười hài lòng. Nàng đặt chén xuống, cầm châm lên, Dương Lăng đã tự giác kéo chiếc áo lên cao, để lộ phần dưới hông. Cao Văn Tâm ngồi bên mép giường, vừa vo ngân châm vừa nói khẽ:
- Lão gia! Lúc người đi dự tiệc, có một vị tự xưng là Hải Ninh Diêm Vận phó sứ Mẫn đại nhân đến hành dinh khâm sai này tìm, nói là bạn cũ của người. Vì lão gia không có ở đây, tiểu tỳ đã mời ông ta ngày mai quay lại rồi.
- Mẫn đại nhân? Ồ! Là Mẫn huyện lệnh!
Dương Lăng mửng rỡ, không kiềm lòng được bèn thẳng lưng lên. Cây châm trong tay Cao Văn Tâm thoáng cong lên, cũng không biết đâm trúng y chỗ nào tức thì bắn ra vài giọt máu. Cao Văn Tâm hoảng sợ, cầm cây ngân châm nhỏ máu, luống cuống chỉ biết kêu lên:
- Đâm vào chỗ nào rồi? Đâm vào chỗ nào rồi? Sao lão gia lại cử động lung tung vậy. Giờ biết làm sao đây? Giờ biết làm sao mới được đây?
Dương Lăng lại không cảm thấy đau mấy. Cảm thấy sau lưng lành lạnh, ythuận tay vuốt nhẹ, thấy máu dính đỏ cả tay, lúc này y mới giật mình. Nhưng khi thấy miệng Cao Văn Tâm dẹt ra, vẻ như sắp khóc đến nơi, Dương Lăng vội cười an ủi:
- E hèm! Xem cô kìa, chắc là không cẩn thận nên đâm trúng mạch máu rồi. Châm mỏng thế này, không có gì đáng lo đâu. Tôi đè mạnh một hồi sẽ lập tức ổn thôi.
Cao Văn Tâm hoảng hốt vất châm, cuống quýt lấy tay đè lên vết thương của y, vừa sợ hãi vừa lo lắng:
- Xem lão gia đó! Đang châm cứu mà sao lại cựa quậy chứ, ngộ nhỡ có mệnh hệ gì thì biết làm sao?
Dương Lăng cười nói:
- Vị Mẫn đại nhân đó là cố nhân của tôi lúc còn ở huyện Kê Minh, có ơn đề bạt tôi. Tôi nghe ông ta đến, trong lòng vui mừng quá cho nên có phần sơ ý đó mà. Ha ha, cô đừng sợ, không có gì đáng ngại đâu.
Y nói rồi mới nhớ rằng huyện lệnh Mẫn Văn Kiến của Kê Minh giờ làm quan ở Hải Ninh, có lẽ cách Hàng Châu cũng không xa. Lúc này nhớ đến lão ta, y không khỏi lại nhớ đến Tất Đô ty, Mã Ngang, còn Mã Liên Nhi nữa, không phải bọn họ đều ở gần đây sao?
Có nên đi thăm Mã Liên Nhi không nhỉ? Lòng Dương Lăng xao động, rồi y lập tức lại cứng rắn dằn lòng: “Thôi thì đừng đi vậy! Một con ma đoản mệnh như mình đã phụ ba vị cô nương tốt rồi. Nếu còn quyến luyến không quên người