Híp mắt ra vẻ thần bí, Lý Hạo lên tiếng: “Thiên cơ bất khả lộ. Đỗ ái khanh, đa tạ khanh về những thông tin mà khanh đã cho trẫm biết. Nhờ đó mà trẫm đã có thể vạch ra kế sách chu toàn để giành thế chủ động. Kinh thành Thăng Long là của nhà Lý, cuối cùng phải thuộc về nhà Lý. Đỗ ái khanh, kế sách hợp tung, trẫm giao toàn quyền cho khanh, đừng phụ lòng trẫm. Bây giờ, trẫm cần mượn lực lượng ngầm của khanh để thực hiện một số trò hay.”
Đỗ Kính Tu cung kính lắng nghe những lời dặn dò của Lý Hạo. Ban đầu biểu hiện của lão còn bình tĩnh, nhưng càng về sau lão càng cảm thấy run sợ, mồ hôi ướt đẫm lưng áo lúc nào không hay. Âm hiểm, cực độ âm hiểm, đó là lời nhận xét của lão về vị vua đang cười cợt, vui vẻ lúc này. Những âm mưu hiểm độc như thế mà lại có thể xuất ra từ trong miệng của một người trẻ tuổi, ăn trắng mặc trơn, cả ngày chỉ biết chơi bời lêu lổng, sa đọa trong vòng tay mĩ nữ. Điều đó lại có thể xảy ra hay sao?
Tất cả những biểu hiện của Lý Hạo trong buổi chiều hôm nay đã đánh vỡ hoàn toàn nhận thức của Đỗ Kính Tu từ trước tới giờ. Những cử chỉ, lời nói của Lý Hạo cho thấy tâm lý của hắn biến đổi liên tục chỉ trong thời gian ngắn. Khiến Đỗ Kính Tu không thể nhận ra đâu mới là con người thật sự của Lý Hạo.
Cảm giác của lão hiện nay là bảy phần vui mừng, ba phần sợ hãi. Lão vui mừng vì đây mới là bậc đế vương, Lý Hạo hội tụ đủ mọi yếu tố để trở thành bậc đế vương chân chính, vua của muôn dân trăm họ, đấng chí tôn bễ nghễ giang sơn. Lão sợ hãi bởi nếu như Lý Hạo giữ vững ngôi vua, thì một đại công thần như lão sẽ có kết quả gì? Lịch sử đã chứng minh, những khai quốc công thần, những vị đại quan công cao lấn chủ, có ai lại được hạ tràng tốt đẹp? Có khi nào?
Mọi biểu hiện trên cơ thể và nét mặt của Đỗ Kính Tu đều rơi vào mắt Lý Hạo. Hắn hiểu rõ lý do làm cho lão đại thần đang sợ hãi. Hắn ngầm tự trách bản thân lại vạch ra những mưu kế đó để Đỗ Kính Tu đi thực hiện. Tuy thế, hắn có nỗi khổ không nói thành lời. Ngoài việc nhờ cậy Đỗ Kính Tu ra, thì hắn chẳng biết tìm ai để giúp đỡ. Nói không ngoa chứ, dù hắn đang làm vua rất oai phong, thực sự hắn chỉ có hai bàn tay trắng, không có lấy một đội ngũ lính lác trung thành nào cả. Lỡ rồi đành phải chữa cháy thôi. Lý Hạo nhanh chóng vắt óc nghĩ cách để cho Đỗ Kính Tu uống thêm liều thuốc an thần.
Phân phó xong mọi chuyện. Đỗ Kính Tu khom mình, chầm chậm lui ra ngoài cửa. Khi lão đi gần tới cửa, Lý Hạo nói vọng theo: “Loại việc chim hết bẻ cung, thỏ hết giết chó, trẫm khinh thường làm. Chỉ cần Lý triều còn, gia tộc họ Đỗ vĩnh viễn hưng thịnh, không bao giờ suy tàn. Trẫm sẽ ghi vào tộc quy để con cháu đời sau của hoàng tộc phải đời đời ghi nhớ.”
Đỗ Kính Tu không ngờ Lý Hạo có thể đưa ra lời hứa sâu dày tới vậy. Lão xúc động run rẩy cả thân hình, hai hàng lão lệ chảy dài xuống từ khóe mắt. Lão quỳ mọp dưới đất tung hô: “Lão thần đội ơn hoàng thượng. Hoàng thượng vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế.”
* * * * * * * * * * *
Lý Hạo thấy đã không còn sớm, sau cả buổi chiều động não liên tục, hắn cảm giác vô cùng mệt mỏi. Bèn sai Lê Việt Công và đám thái giám mang một số văn thư qua bên điện Tuyên Đức, để ở đó trước. Chiều mai hắn mới sang đó duyệt tấu chương và tìm kiếm nhân tài ở đó. Còn lúc này hắn cần nghỉ ngơi, tự thưởng cho việc thành công chiêu mộ Đỗ Kính Tu.
Trên gác Long Đỗ, hắn uể oải đặt mình trên chiếc ghế nằm được chế tạo từ loại gỗ sưa đen quý hiếm, mặt gỗ trơn bóng mát rượi, có những lằn vân màu đỏ, vàng xen kẽ nhau rất đẹp, lại tỏa mùi thơm mát thoảng hương trầm. Thời phong kiến, vua chúa dùng gỗ sưa để đóng đồ nội thất cao cấp trong cung đình, vì nó vừa là hương liệu vừa là dược liệu. Ở thời hiện đại, giới nhà giàu Trung Quốc đổ xô săn lùng gỗ sưa để đóng quan tài hoặc ướp xác như các vị hoàng đế Trung Quốc trước đây. Người ta cho là quan tài đóng bằng gỗ sưa có khả năng giữ được xác lâu, không bị phân hủy.
Ngoài ra, gỗ sưa thường gắn với các điển tích của Phật giáo, do đó ngày nay người ta làm những xâu tràng hạt gỗ sưa với giá hàng nghìn USD. Theo Giáo sư Đỗ Tất Lợi thì gỗ cây này còn được sử dụng cùng với dạ dày nhím làm vị chính trong đơn thuốc chữa bệnh đau dạ dày. Có ý kiến cho rằng ở Trung Quốc người ta chiết suất một số chất có trong gỗ sưa này để chế thuốc chữa ung thư dạ dày... Hiện gỗ sưa ở Việt Nam đang được các thương lậu Trung Quốc thu mua với giá cả rất cao và ảnh hưởng đến sự khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Đặc biệt, gỗ sưa đen rất hiếm gặp, người ta gọi là tuyệt gỗ.
Những làn gió thổi xoay thành từng vòng, vờn quanh trên gác, Lý Hạo mơ màng quan sát cảnh vật bên dưới gác Long Đỗ. Hắn thấy bên dưới, từng tốp lính gác đi đi lại lại tuần tra khu vực Hoàng thành. Ở phía xa xa những bức tường thành cao dày hùng vĩ đang sừng sững đón gió. Giờ này như có một khoảng lặng để Lý Hạo nhìn lại những ý nghĩa lịch sử của tòa cổ thành này. Đây là trung tâm quyền lực của đất nước Việt Nam trong hơn một ngàn năm lịch sử và là một minh chứng có một không hai về sự tiến hoá của nền văn minh dân tộc Việt Nam, trong lịch sử phát triển của nhà nước quân chủ vùng Đông Nam Á và Đông Á.
Kinh thành Thăng Long được xây dựng theo mô hình tam trùng thành quách gồm: vòng ngoài cùng gọi là La thành hay Kinh thành, bao quanh toàn bộ kinh đô và men theo nước của 3 con sông: sông Hồng, sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu. Kinh thành là nơi ở và sinh sống của dân cư. Vòng thành thứ hai, ở giữa, là Hoàng thành, là khu triều chính, nơi ở và làm việc của các quan lại trong triều. Thành nhỏ nhất ở trong cùng là Tử Cấm thành, nơi chỉ dành cho vua, hoàng hậu và những cung tần mỹ nữ.
Hoàng thành là công trình kiến trúc đồ sộ, được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam. Vào lúc 6 giờ 30 ngày 1/8/2010 theo giờ Việt Nam, Ủy ban di sản thế giới đã thông qua nghị quyết công nhận khu Trung tâm hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là di sản văn hóa thế giới. Những giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản này được ghi nhận bởi ba đặc điểm nổi bật: chiều dài lịch sử văn hóa suốt 13 thế kỷ; tính liên tục của di sản với tư cách là một trung tâm quyền lực, và các tầng di tích di vật đa dạng, phong phú.
Và hắn, Lý Hạo lại có được những giây phút thưởng thức toàn bộ Hoàng thành một cách trực tiếp nhất, sống động nhất. Từng công trình kiến trúc với các đặc điểm kỹ thuật, từng đường nét hoa văn trang trí, từng di vật một mặt phô bày những giao thoa văn hoá khu vực, mặt khác nổi bật trên hết vẫn là khác biệt không trộn lẫn vào bất cứ một nền văn hoá nào khác. Tất cả đều phô bày một nội lực tiềm ẩn và mạnh mẽ, một nội lực mà nhờ đó dưới ảnh hưởng của nhiều nền văn hoá, mà bản sắc Việt Nam vẫn được duy trì và phát triển. Trên cái nền nội lực mạnh mẽ và giàu bản sắc đó, bấy nhiêu nguồn ảnh hưởng văn hoá, cộng thêm nguồn ảnh hưởng từ Đạo giáo, Phật giáo, Nho giáo của văn hoá phương Đông, tất cả đều để lại dấu ấn trên nghệ thuật kiến trúc cảnh quan và khả năng biểu đạt văn hoá của Hoàng thành Thăng Long.