Lão đại thần Trần Trung Tá không thẹn với sự coi trọng của tể tướng uy danh lừng lẫy Tô Hiến Thành. Trần Trung Tá còn có cả tài năng thần cơ diệu toán, đoán trước được tương lai sẽ có người thuộc hoàng tộc họ Lý tới cầu cạnh ông. Ngay cả vấn đề Lý Bát ông cũng nhắc đến trong bức di thư, đủ thấy tài năng tiên đoán của ông cao minh tới cỡ nào. Nên ông đã viết sẵn bức di thư, để lại toàn bộ tâm huyết vào bức di thư ấy.
Nói đi cũng phải nói lại, nếu như Lý Sảm vẫn là Lý Sảm, Lý Hạo không có bị tia sét kia đánh trúng, không thể nhập vào thân xác Lý Sảm. Thì chắc rằng Lý Sảm giờ này vẫn còn đang ôm người đẹp, hơi sức đâu mà đến tận nhà Trần Trung Tá, và chắc rằng bức di thư ấy cũng đành chôn vùi trong cát bụi thời gian.
Bức di thư tuy rất dài nhưng nội dung cực kỳ đơn giản, đầu tiên là Trần Trung Tá tạ lỗi với nhà Lý vì không còn đủ sức phò trợ, nhưng ông đã gửi gắm lại ba báu vật sống cho Lý Hạo. Ba người con của Trần Trung Tá đều là nhân tài hiếm có trên cõi đời. Trần Trung Vũ có thần lực thiên sinh, từ bé đã có thể làm được những chuyện vượt sức người thường. Hàng ngày, Trần Trung Vũ đều lén đến các võ quán để rình trộm học nghệ, nên cho đến bây giờ vẫn chỉ múa may vài đường cơ bản. Nếu được học võ tới nơi tới chốn, Trần Trung Vũ chắc chắn sẽ trở thành mãnh tướng chốn sa trường.
Trần Trung Văn thì ngược lại, yêu văn không yêu võ. Trần Trung Văn cực kỳ ham mê đọc sách, mọi loại sách trên đời đều đọc qua, đến khi trưởng thành thì Trần Trung Văn đã làu kinh sử sách các nhà. Bởi vì được theo cha học văn viết chữ từ bé, nên Trần Trung Văn học được tất cả tài học ở người cha. Có thể nói Trần Trung Văn hiện nay chính là phiên bản của Trần Trung Tá.
Nhưng hai người anh trai vẫn không thể bằng đứa em gái út Trần Huyền Trân. Nàng là tuyệt thế kiều nữ, xinh đẹp vô ngần. Chẳng những nàng thông hiểu cầm, kỳ, thi, họa mà văn, võ đều song toàn. Các vấn đề khó khăn, rắc rối nhiều khi Trần Trung Tá còn phải thỉnh giáo người con gái chỉ điểm thêm.
Số là khi nàng còn bé, vô tình gặp gỡ một vị ni cô thường tu trên núi, có lần đi ngang qua kinh thành. Vừa thấy Trần Huyền Trân, vị ni cô đâm ra yêu thích, lại tận nhà Trần Trung Tá xin nhận làm đệ tử chân truyền. Dĩ nhiên Trần Trung Tá không muốn rời xa con gái, để con phải lên núi tu hành cực khổ. Kì lạ thay, Trần Huyền Trân cũng quý mến vị ni cô ấy, cứ níu áo đòi theo. Trần Trung Tá chiều lòng con gái, nên cho theo vị ni cô.
Cách nửa năm Trần Huyền Trân đều về thăm nhà một lần. Đến khi nghe tin mẹ mất rồi cha ốm nặng, nàng được sự đồng ý của sư phụ, mới trở về ở luôn với cha và hai người anh trai. Tuy rằng dung mạo của nàng xinh đẹp, nhưng người dân xung quanh không ai hay biết. Lúc rời khỏi nhà, nàng đều đeo mạng che mặt, lại đội nón rộng vành có màn che bốn phía, cho nên không ai thấy được khuôn mặt chính thức của nàng.
Mỉm cười đưa lại bức di thư cho Trần Trung Văn, Lý Hạo hiểu rõ chỉ cần Trần Trung Văn đọc xong bức di thư này, hắn sẽ không cần phải hao tổn thời gian miệng lưỡi nhằm chiêu nạp ba người con của Trần Trung Tá.
Trong thời gian chờ đợi Trần Trung Văn đọc xong bức di thư. Lý Hạo ngẩn ngơ nghĩ về người con gái út Trần Huyền Trân kiều diễm. Lý Hạo cảm thấy rất hứng thú với nàng, tuy nhiên khi nhớ tới thân phận đệ tử ni cô của nàng, Lý Hạo lại hơi chùn lòng. Chả biết bao nhiêu năm tháng ở chung với một bà sư già, có khiến nàng mắc bệnh lãnh đạm với đàn ông hay không?
Oái oăm hơn là tên khốn Lý Hạo lại đi cầu mong nàng mắc chứng bệnh Hít tơ ri a thì hay hơn nhiều. À mà khoan đã, nếu nàng mắc bệnh này thì phải để hắn chữa mới được, hắn không muốn để kẻ khác ăn ốc xong, hắn phải đi đổ vỏ một chút nào. Ngầm cầu khẩn Ông Trời hãy rủ lòng thương xót giúp hắn, để bù lỗ cho việc sai thiên lôi đánh hắn, hãy để hắn cua được người đẹp này, hắn sẽ không chửi bới, nhục mạ Ông Trời nữa.
Thấy Trần Trung Văn gấp lại bức di thư, dâng hai tay cho mình. Lý Hạo cầm lấy nó, bỏ vào vào hộp gấm rồi trao cho Lê Việt Công giữ, hắn mỉm cười: “Khanh đã đọc hết bức thư rồi đúng không? Ý của khanh ra sao?”
Kéo anh trai cùng quỳ xuống khấu đầu, Trần Trung Văn hô lớn: “Thảo dân nguyện vì hoàng thượng xả thân, đền nợ nước báo ơn vua.”
Trần Trung Vũ ngơ ngác chẳng hiểu tại sao em trai lại làm như vậy, nhưng từ trước đến giờ hắn luôn thực hiện theo lời người em trai thông minh này, nên hắn không chút do dự quỳ lạy và hô theo từng lời nói của người em.
“Ha ha ha, hay lắm. Trẫm lại có thêm hai nhân tài như hai khanh phò trợ, đại nghiệp lo gì không thành? Mời hai khanh đứng lên.” Đi tới nâng người hai anh em Vũ, Văn đứng dậy, Lý Hạo cười nói.
“Hoàng thượng có gì cần phân phó, mời hoàng thượng nói ra, anh em thảo dân sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ.” Trần Trung Văn vừa đứng lên, cung kính nói.
“Hiện giờ thì chưa cần tới các khanh phải làm việc gì cho trẫm. Điều thiết yếu trước mắt là phải chữa trị khỏi hẳn căn bệnh của Trung Văn đã. Có sức khỏe tốt mới có thể làm việc hiệu quả được chứ hả? Cố gắng dưỡng bệnh đi.” Lý Hạo ôn hòa lên tiếng.
Lý Hạo quay sang phía Lê Việt Công bảo: “Khanh cấp cho họ túi bạc để họ dư dả trang trải cuộc sống sau này. Bí mật truyền ngự y trong triều lại đây chữa khỏi bệnh cho Trần Trung Văn, nhớ phải truyền ngự y tốt nhất.”
Ngân hàng di động Lê Việt Công rút ra một túi bạc đưa cho Trần Trung Văn cầm lấy. Trần Trung Văn cứ xua tay từ chối, Lý Hạo phải trợn mắt hạ lệnh, Trần Trung Văn mới tuân theo. Nước mắt Trần Trung Văn cứ tuôn rơi lã chã. Hắn vô cùng cảm động trước đức độ của hoàng thượng, luôn miệng thề thốt sẽ báo đáp ân huệ mà hoàng thượng đã giành cho gia đình hắn.