Có lẽ Bạch Diệu Hoa cũng cảm nhận được thái độ kỳ quái của mọi người. Nàng nhìn lại bức tranh treo trên giá, mặt mũi lập tức tái mét.
Phượng hoàng nhỏ máu.
Thứ điềm đại hung như vậy lại xuất hiện trên tranh hiến thọ của nàng. Tội này thực sự không nhỏ.
- Lão Phật Gia... thần thiếp...
Giọng Bạch Diệu Hoa lạc đi. Có lẽ chính bản thân nàng cũng không biết phải nói gì.
Đại điện yên lặng như tờ, bên tai ta chỉ còn nghe được tiếng trái tim mình dồn dập. Ta nín thở, len lén nhìn về phía thái hậu. Sắc mặt bà vẫn lạnh nhạt như trước, mắt phượng nhìn chằm chằm vào bức tranh bên cạnh Bạch Diệu Hoa. Ở cạnh bên, hoàng đế hơi nhướn mày, nhưng rõ ràng là không có ý định tham dự. Hoàng hậu cũng chẳng tỏ thái độ gì, chỉ nhẹ nhàng cất tiếng:
- Bạch tiểu nghi, đây rốt cuộc là chuyện gì?
Bờ vai mảnh khảnh của Bạch Diệu Hoa run bắn lên. Nàng quỳ sụp xuống:
- Bẩm Lão Phật Gia, hoàng thượng cùng hoàng hậu nương nương... chuyện này... thần thiếp chỉ dùng màu vàng... thần thiếp thực sự không biết vì sao lông phượng hoàng lại chuyển màu...
Trong đại điển chúc thọ lại để xảy ra chuyện như vậy, đâu thể nói không biết là xong chuyện? Ta cắn chặt môi, còn chưa kịp nghĩ ra biện pháp gì thì đã nghe một giọng nói lanh lảnh cất lên:
- Tranh rõ ràng là do Bạch tiểu nghi vẽ. Từ đầu đến giờ cũng chẳng có ai lại gần tiểu nghi, ngươi không biết thì còn ai biết?
Kẻ ngu xuẩn đến độ dám lên tiếng giữa thời điểm dầu sôi lửa bỏng này, còn ai khác ngoài Dương Ngọc Huệ?
Nàng ta liếc nhìn về phía ta một cái, khinh khỉnh nói tiếp:
- Bạch tiểu nghi thay mặt Cẩm Tước cung biểu diễn, có lẽ hiền phi nương nương đối với chuyện này cũng biết ít nhiều?
Lần trước Dương Ngọc Huệ bị ta làm cho xấu mặt, hẳn muốn nhân dịp này thêm dầu vào lửa.
Ta không đả động đến Dương Ngọc Huệ, đứng dậy chắp tay hướng về phía ba vị chủ nhân trên cao kính cẩn hành lễ:
- Bạch tiểu nghi vì tiết mục ngày hôm nay đã luyện tập miệt mài suốt một tháng ròng. Thần thiếp cũng có xem qua tranh vẽ của nàng, hoàn toàn không phải thế này. Màu nước đột nhiên biến đổi như vậy, e rằng có kẻ giở trò...
- Hiền phi nương nương nói xem, phượng hoàng trong tranh nào phải vật sống, sao có thể chảy máu được? Thực khiến người ta khó mà không liên tưởng tới vài chuyện...
Nghe giọng điệu của Dương Ngọc Huệ, có lẽ muốn nhắc đến tin đồn nữ quỷ dạo trước, cố tình gán ghép chuyện xúi quẩy này lên đầu ta. Nhưng nơi này đâu phải chỗ nàng ta muốn nói gì thì nói. Phi tần dính phải lời đồn quỷ quái đều gặp chuyện, nhưng những phi tần nói chuyện quỷ quái của người khác cũng sẽ không có kết cục tốt đẹp.
Ngày xưa Phùng hoàng hậu vì tin đồn Đỗ thục dung hóa quỷ đã ra lệnh đánh chết hai cung nữ, lại phạt nặng không biết bao nhiêu người. Thái hậu vốn có tiếng nhân từ, Phùng hoàng hậu cũng hết sức xem trọng bà. Nếu lúc đó bà lên tiếng can ngăn, có lẽ Phùng hoàng hậu đã không tàn nhẫn như vậy. Thái hậu để mặc không quản, chứng tỏ bà không hề có chút khoan nhượng đối với những loại tin đồn quỷ quái.
Bị đồn là nữ quỷ là một việc hệ trọng. Ta bình an vô sự, chẳng qua cũng nhờ hoàng đế che chở mà thôi. Thái hậu tuy không rời Thuận Ninh cung, nhưng những chuyện ở hậu cung, e rằng chẳng có việc nào lọt khỏi tai bà. Chỉ có kẻ nông cạn như Dương Ngọc Huệ mới cho rằng thái hậu chưa nghe qua tin đồn thất thiệt kia, muốn nhân dịp này mượn tay bà trừng trị ta mà thôi.
Thái hậu nghe Dương Ngọc Huệ úp mở đến đây, ánh mắt lập tức trở nên sắc lạnh nhưng giọng nói lại rất khoan hòa:
- Dương quý cơ nói vậy là ý gì? Ai gia nghe chưa rõ?
Dương Ngọc Huệ nghe thái hậu hỏi đến mình, vui mừng đáp:
- Bẩm Lão Phật Gia, thần thiếp nghe nói, trong Cẩm Tước cung có một con yêu nữ thường xuyên tính kế hại người...
Những người có đầu óc đều sẽ hiểu Dương Ngọc Huệ đang đùa với lửa, mà còn là một ngọn lửa lớn đến mức có thể nuốt chửng nàng ta bất cứ lúc nào. Hoàng hậu cả kinh, vội ngắt lời Dương Ngọc Huệ:
- Dương quý cơ, trước mặt Lão Phật Gia không được nói càn!
Dương Ngọc Huệ đâu hiểu hoàng hậu thực chất đang bảo vệ mình. Bỗng nhiên bị quát lúc đang cao hứng hại người, Dương Ngọc Huệ càng lấy làm tức tối. Con người nàng ta, hễ càng tức tối thì lại càng làm càn. Nàng ta chẳng kiêng dè cãi lại:
- Thần thiếp không có nói càn...
Thần sắc thái hậu mỗi lúc một trở nên lạnh lẽo. Bà rút khăn lụa trong tay áo ra, nhàn nhã lau những vệt nước hắt lên tay khi đánh rơi chén trà ban nãy:
- Cứ nói tiếp đi. Chuyện li kì như vậy, ai gia cũng muốn nghe.
Có được sự ủng hộ của thái hậu, Dương Ngọc Huệ vui mừng khôn xiết. Nàng ta càng nói càng phấn khởi:
- Thần thiếp cho rằng Bạch tiểu nghi bị yêu nữ nhập hồn nên mới vẽ ra thứ quỷ quái như thế. À, Bạch tiểu nghi không phải từng ở tại Vị Tú hiên hay sao? Cái nơi oán khí ngút trời ấy nghe đâu cũng có một con yêu nữ, có thể nào là yêu nữ theo Bạch tiểu nghi về Cẩm Tước cung không?
"Hiền phi là yêu nữ hại người" chung quy cũng chỉ là một câu chuyện ngồi lê đôi mách. Nhưng Vị Tú hiên lại là vấn đề khác. Câu chuyện ma quái ở Vị Tú hiên bắt nguồn từ vụ án giết hại long mạch, những người từng có chút liên hệ đều chẳng còn ai sống sót. Nhắc tới chuyện này trước mặt thái hậu chẳng khác nào tự tìm đường chết.
Quả nhiên, thái hậu vừa nghe Dương Ngọc Huệ nói xong liền biến sắc. Bà đập bàn một tiếng:
- To gan!
Thái hậu thay đổi sắc mặt nhanh như chớp. Vừa mới thong thả hỏi han, chỉ trong khoảnh khắc liền hóa thành nộ khí ngút trời. Người trong cung ít ai từng thấy thái hậu tức giận như vậy, không khỏi ngây người. Ngay cả kẻ hay ăn nói bốc đồng như Liễu Yến Yến cũng sợ xanh mặt, chẳng dám nhìn lên.
Dương Ngọc Huệ cứ nghĩ mình đang được lòng thái hậu, chẳng ngờ bà nói nổi giận là nổi giận tam bành. Nàng ta vẫn ngơ ngác không biết mình nói sai ở đâu, chỉ có hai chân là theo bản năng quỳ xuống:
- Lão Phật Gia bớt giận!
Thái hậu chẳng hề bớt giận chút nào. Bà lạnh lùng nói tiếp:
- Ở trong cung lại dám đặt điều gian trá, nói chuyện quỷ thần lung lạc lòng người, còn ra thể thống gì?
Đoạn, bà liếc sang hoàng hậu, giận dữ hỏi:
- Hoàng hậu, ngươi quản giáo phi tần như thế này sao?
Hoàng hậu chẳng dám phân trần, chỉ cố gắng xoa dịu tình hình:
- Lão Phật Gia xin chớ nóng giận mà tổn hại phượng thể. Dương quý cơ tính tình bộc trực, đôi khi nói năng tùy tiện, nhưng thực chất không có lòng dạ gì...
Dương Ngọc Huệ nghe hoàng hậu nói đỡ cho mình, vội hùa theo dập đầu lạy tới tấp:
- Thần thiếp nói sai rồi! Xin Lão Phật Gia tha tội!
Thái hậu cười lạnh, chẳng nhìn đến vẻ khẩn thiết trên mặt Dương Ngọc Huệ, chậm rãi nói:
- Dương thị ngôn hành tùy tiện, phẩm hạnh thua kém. Nay giáng xuống hàng ngũ phẩm sung dung, về sau nếu còn hành xử hồ đồ, chớ trách ai gia không khoan nhượng.
Lời này nói ra như sấm sét ban trưa. Ngay cả ta cũng sợ đến thót tim. Dương Ngọc Huệ tốt xấu gì cũng là thiên kim của Hình bộ thượng thư, thường ngày hoàng hậu dẫu có không vừa ý nàng ta cũng không dám mạnh tay chỉnh đốn. Xuất thân của Dương Ngọc Huệ cao như thế, cứ nghĩ thái hậu chỉ răn đe nàng ta một chút, không ngờ lại bị hất thẳng từ nhị phẩm quý cơ rơi xuống ngang hàng với Tô Nhược. Mới hôm nào, Dương Ngọc Huệ còn châm chọc Tô Nhược địa vị thấp kém. Tô Nhược mà biết tin này, không chừng sẽ nhảy nhót ăn mừng tận ba ngày.
- Lão Phật Gia, thần thiếp biết sai rồi... Lão Phật Gia tha cho thần thiếp lần này...
Dương Ngọc Huệ như phát điên, vừa gào khóc vừa xông đến chực ôm chân thái hậu. Cung nữ Xuân Linh bên người hoàng hậu thấy vậy, vội lao ra giữ Dương Ngọc Huệ lại. Hoàng hậu cũng nói ngay:
- Người đâu, mau đưa Dương sung dung trở về.
Dương Ngọc Huệ nước mắt nước mũi lấm lem, cứ thế bị cung nữ lôi ra khỏi điện. Không gian trở lại vẻ tĩnh lặng đáng sợ ban đầu.
Dương Ngọc Huệ vì mấy câu nói mà đánh mất công sức tranh sủng bấy lâu thực sự đáng tiếc, chỉ là chẳng có ai vì đó mà thương tâm. Điều chúng ta sợ hãi chính là cơn giận bất thường của thái hậu. Những năm qua, thái hậu chướng mắt Liễu Yến Yến nhưng chưa từng trừng phạt nàng ta lần nào. Khi Liễu Yến Yến vô tình suýt hại bà dùng thức ăn mặn, bà tức giận nhưng cũng chỉ bảo hoàng hậu xử lí. Đối với ta, bà chẳng qua cũng chỉ tránh mặt không gặp, tỏ ý không chấp thuận danh vị của ta, chứ thực tế vẫn chưa làm khó điều gì. Có thể khiến thái hậu tự mở miệng trị tội, Dương Ngọc Huệ nhất định đã động vào đại kị của bà. Vụ kì án Vị Tú hiên năm xưa, có lẽ thái hậu không chỉ là người ngoài cuộc.
Ở trên đài cao, Bạch Diệu Hoa đứng như trời trồng. Sắc mặt càng lúc càng tệ. Trải qua chuyện của Dương Ngọc Huệ, những lời biện bạch càng khó thốt ra. Ta cân nhắc một hồi, bèn lấy hết can đảm bước đến ngự tiền, nâng váy quỳ xuống:
- Khởi bẩm Lão Phật Gia, hoàng thượng, hoàng hậu nương nương... Trong phần biểu diễn của Cẩm Tước cung xuất hiện việc không may, thần thiếp thân là cung chủ, cảm thấy hổ thẹn vô cùng. Thần thiếp xin được tạ tội với Lão Phật Gia.
Ta cúi gập người, lạy liền ba cái rồi mới nói tiếp:
- Thần thiếp quản sự không chu toàn cho nên mới để xảy ra chuyện không may, xin tự nhận phạt. Nhưng thần thiếp cho rằng, việc này không chỉ là không may, e có kẻ giở trò vào vật dụng của Bạch tiểu nghi hòng mưu đồ đen tối. Mong Lão Phật Gia cho phép gọi họa sư đến kiểm tra lại cho rõ ràng chân tướng.
Lúc này, hoàng đế chợt lên tiếng:
- Hiền phi bình thân đi. Trùng hợp thay, trẫm vừa mời được Tử Đạt tiên sinh vào cung bình tranh, hiện giờ vẫn đang nghỉ ngơi ở dịch quán ngay phía trước cổng hoàng cung. Lý Thọ, mau đi thỉnh Tử Đạt tiên sinh.
Lý Thọ vận chuyển người lúc nào cũng nhanh như chớp. Chưa đầy nửa canh giờ, vị được gọi là Tử Đạt tiên sinh kia đã đủng đỉnh theo sau Lý Thọ bước vào trong điện.
Tử Đạt không rõ bao nhiêu tuổi, tuy râu tóc bạc phơ nhưng nhãn quang sáng quắc, sắc diện hồng nhuận, thần thái thong dong. Nghe nói ông là danh họa tiếng tăm lừng lẫy, xem phú quý như phù du, tiền của nhiều đến đâu cũng không phải cứ muốn gặp ông là gặp. Hoàng đế mời được Tử Đạt chẳng qua là vì trong cung có một bức tranh cổ mấy trăm năm, khiến lão danh họa tò mò muốn xem tận mắt mà thôi.
Hoàng đế xem trọng nhân tài, vừa thấy Tử Đạt đã lên tiếng chào hỏi trước, còn miễn cho ông khỏi phải hành lễ với các vị chủ nhân trong điện. Tử Đạt nghe hoàng đế kể lại sự tình, ánh mắt nhìn về phía Bạch Diệu Hoa sáng rực cả lên.
Ông thản nhiên nói:
- Vị này tuổi còn trẻ như vậy đã nắm được tinh hoa của thủy ấn họa, đúng là nhân trung long phượng (1), khó tránh bị kẻ khác đố kị hãm hại. Có thể vấn đề nằm ở mực vẽ, để lão phu xem qua một chút.
Tử Đạt nói xong, nhanh nhẹn bước thẳng lên đài biểu diễn.
Bạch Diệu Hoa lùi về phía sau, nhường chỗ cho Tử Đạt.
Tử Đạt nhấc bút lông lên ngắm nghía đôi chút rồi nhúng vào bình nước rửa bút, vẩy nhẹ mấy cái, gật gù:
- Bút tốt.
Bút đã không có vấn đề, Tử Đạt liền chuyển sang mấy nghiên màu nước trên bàn. Ông nheo nheo mắt nhìn qua một loạt, đột nhiên dừng lại ở nghiên màu vàng.
Bạch Diệu Hoa cũng nhận ra, nàng rụt rè hỏi:
- Xin hỏi tiên sinh, có phải màu có vấn đề gì không ạ?
Tử Đạt cúi sát nghiên màu đến mức suýt chút là chấm cả râu vào đấy. Ông không đáp ngay mà chậm rãi nhón lấy một cây bút sạch bày bên cạnh, chấm vào nghiên màu vàng đưa lên mũi ngửi đi ngửi lại. Lâu sau, Tử Đạt mới trả lời:
- Màu vàng trong nghiên này có chút mùi chua nhẹ, không lẽ nào...
Trái tim trong ngực ta như chực nhảy ra ngoài. Nhưng đối với hội họa, ta quả không có chút kiến thức nào, muốn hỏi han cũng chẳng biết nói gì, đành cắn môi căng thẳng theo dõi.
Hoàng đế ướm hỏi:
- Tiên sinh cảm thấy có điểm nào khác thường sao?
Tử Đạt xoay người đứng đối diện với bức tranh của Bạch Diệu Hoa, chậm chạp đưa tay lần theo những vệt màu đỏ ma quái đã khô cứng trên nên vải, sau đó tiếp tục vuốt dọc toàn bộ bề mặt bức tranh.
- Tấm lụa này dường như không được bình thường...
Vừa nghe Tử Đạt nhắc đến lụa, Phong Thể Minh lập tức đứng dậy, khẳng khái chắp tay thưa với hoàng đế:
- Lụa dùng vẽ tranh là sản phẩm của Phong tộc. Hoàng thượng, xin cho Thể Minh kiểm tra lại!
Hoàng đế vừa chuẩn tấu, Phong Thể Minh liền chạy như bay lên đài. Nàng áp cả hai tay lên mặt lụa, gần như reo lên:
- Tấm lụa này thực sự có vấn đề!
Nàng quay lại, nói lớn cho tất cả mọi người cùng nghe thấy:
- Lụa Phong tộc dệt từ thiên tằm tơ, mỗi một sợi đều mỏng như tơ nhện, cho nên mặt vải cực kì mượt mà. Nhưng tấm vải này có nhiều chỗ sợi vải thô cứng rất kì lạ. Khi trước, Bạch tiểu nghi đã từng dùng lụa Phong tộc luyện vẽ, tô màu lên chất vải vẫn êm mượt không đổi, hoàn toàn không có chuyện bị cứng lại như vậy.
Bạch Diệu Hoa nghe đến đây, hai hàng lông mày dãn ra, sắc mặt cũng tốt lên. Nàng bước đến, cầm một cây bút lông đưa cho Phong Thể Minh:
- Như vậy, phiền Phong tiệp dư dùng bút này khoanh lại vài chỗ vải có vấn đề giúp thần thiếp.
Phong Thể Minh không hiểu lắm, nhưng vẫn gật đầu làm theo. Nàng lần tay trên mặt lụa kiểm tra lại một lượt, khoanh lại bốn chỗ. Bạch Diệu Hoa liền chấm mực vàng, phết lên bốn chỗ vải được khoanh lại, cùng với bốn chỗ vải khác.
Một khoảnh khắc nghẹt thở trôi qua. Trước sự kinh hãi của mọi người, màu vàng ở bốn chỗ vải được khoanh lại kia chậm rãi chuyển sang sắc đỏ tươi như máu, trong khi bốn chỗ bên ngoài vẫn giữ một màu vàng óng.
Máu trong huyết quản ta như sôi lên. Quả nhiên là vậy.
___________
Chú thích:
(1) Nhân trung long phượng: rồng phượng trong biển người thường, ý chỉ người tài.