Có một số việc, nói dễ hơn làm.
Điều tra, nghe ngóng tình hình, theo như lời Vạn Phong Hoả nói thì, hỏi thăm tin tức đôi khi dựa vào cơ hội, cơ hội không tới, chờ ba năm là chuyện thường tình.
Cơ hội thứ nhất là Lý Thản, từ chỗ ông ấy suy ra được nguồn gốc sự việc, đào ra vụ án ở hồ Lạc Mã.
Cơ hội thứ hai là Sầm Xuân Kiều, thông qua bà ta tìm được những chuyện xảy ra tại khách sạn nhỏ ở Tế Nam, thêm vào đó là vụ án làng Nhị Liên, Nội Mông.
Cơ hội thứ ba, thật ra chính là Mộc Đại. Mã Đồ Văn nói với ông, sau khi tán gẫu với cô gái “tuổi tâm lý chỉ ở mức mười tám” mới thấy cô thật ra không hiểu chuyện gì, là dì cô đến, người phụ nữ kia tên là Hoắc Tử Hồng.
Hoắc Tử Hồng, hồ Lạc Mã?
La Nhận coi đây là mục tiêu cần điều tra lại một lần nữa và sau đó anh tra được một chuyện khá thú vị: Hoắc Tử Hồng sinh ra ở nông thôn, gia cảnh bần hàn, cha mẹ làm nghề trồng rau, bà bỏ học từ sớm để ra quán bán hàng. Năm bà hai mươi tuổi, liên tiếp xảy ra vài sự kiện.
Đầu tiên, cha mẹ bà bán rau trở về, trên đường gặp phải tai nạn xe cộ, chữa trị không có hiệu quả, cả hai đồng thời bỏ mạng.
Tiếp đó, không bao lâu sau khi cha mẹ mất, Hoắc Tử Hồng bán nhà cũ, chuyển đến hồ Lạc Mã, thuê nhà tại số mười hai ngõ Trần Tiền.
Cuối cùng, sau khi Hoắc Tử Hồng chuyển đến hồ Lạc Mã một thời gian, án mạng xảy ra. Một tuần sau, Hoắc Tử Hồng bỏ thuê phòng, rời hồ Lạc Mã, không bao giờ quay lại.
Gần n như rất khó đào được tung tích sau này của Hoắc Tử Hồng, vị trí không cố định, thậm chí cố ý xóa bỏ địa chỉ. Tám năm trước cuối cùng mới ổn định, định cư ở Lệ Giang, mở một quán bar nhỏ, buôn bán đến tận bây giờ.
La Nhận từng hoài nghi Hoắc Tử Hồng là hung thủ, cho đến khi anh phát hiện ra hung phạm đáng nghi nhất đã chết, hơn nữa, cách chết lại giống nhau một cách đặc biệt, Lưu Thụ Hải và chú La Văn Miểu, đều bị chặt chân trái, trên lưng bị khoét một miếng da.
Hoắc Tử Hồng chắc chắn biết chuyện gì đó, mà chuyện này lại chính là mấu chốt của vụ án.
Đáng tiếc, đợt ghé thăm Hoắc Tử Hồng lần trước lại không suôn sẻ cho lắm, lúc anh mở miệng hỏi: “Thật ra bác chính là Lý Á Thanh đúng không?”, trong lòng đã chắc chắn tám mươi phần trăm. Dù sao con người luôn thay đổi. Chẳng phải người đời thường nói “không gặp ba ngày, binh sĩ khiến người ta phải nhìn bằng con mắt khác” hay sao. Tuy nhiên, ngay cả khi trên đời xuất hiện kỳ tích, thì với một người sinh ra trong gia đình nông dân, bỏ học từ cấp một, dù bao nhiêu năm trôi qua đi chăng nữa cũng không thể am hiểu mọi thứ, cầm kỳ thư hoạ đều giỏi được.
Phản ứng mãnh liệt của Hoắc Tử Hồng càng khiến anh thêm chắc chắn về suy đoán của mình.
Nếu là hai năm trước, khi chú và Sính Đình mới gặp chuyện, có lẽ anh sẽ bị nhiệt huyết kích thích mà bất chấp tất cả, cho dù có phải sử dụng thủ đoạn tồi tệ đến đâu cũng quyết phải ép hỏi để tìm ra manh mối. Nhưng hai năm đã trôi qua, hơn bảy trăm ngày đêm dày vò khiến anh trở nên càng trầm ổn, kiên nhẫn. Trước mắt, về phía Hoắc Tử Hồng, anh tình nguyện trì hoãn điều tra, thay vào đó, chuyển tầm mắt tới một người khác.
Mộc Đại.
Một người luôn ở chung sớm chiều với Hoắc Tử Hồng. Chỉ cần cô đề cập đến một chi tiết tưởng chừng không quan trọng nào đó, cũng đủ giúp anh mở ra một cánh cửa mới.
Nhưng Mộc Đại là một cô gái thông minh, muốn đạt được sự tin tưởng, hợp tác của cô, phải có dũng khí giãi bày toàn bộ sự thật.
***
Xét theo phương diện nào đó, La Nhận đã đi đúng hướng. Anh vẫn luôn chú ý vẻ mặt của Mộc Đại, ban đầu khi nghe, Mộc Đại có chút không yên tâm, sau đó dần dần tập trung, rồi đồng cảm, cuối cùng lập trường tình cảm của cô đã nghiêng về phía anh.
Cô nhìn anh đeo vòng cổ lại ngay ngắn, đột nhiên hỏi: “Thật ra anh thích Sính Đình đúng không? Nhưng cô ấy không phải em họ anh sao? Hay là…”
Đáy mắt La Nhận khẽ co lại, không trả lời ngay lập tức, anh đang nghĩ nên trả lời cô như thế nào. Một màn bi kịch, nếu kèm thêm gia vị là mối tình tuyệt vọng, ray rứt, phải chăng sẽ nhận được sự đồng tình của cô nhiều hơn nữa?
Nhưng Mộc Đại lập tức xua tay: “Thôi bỏ đi, anh coi như tôi chưa từng hỏi câu vừa rồi.”
La Nhận vừa kể cho cô thảm kịch gia đình mình, cô lại hỏi mấy câu râu ria, làm vậy có vẻ thật vô tâm.
Mộc Đại có chút ngượng ngùng: “Nhưng tôi phải giúp anh như thế nào?”
La Nhận nhìn cô hồi lâu, sau đó rút từ trong túi ra bút bi và một quyển sổ nhớ Sticky Note. Mộc Đại ít nhiều cũng đoán được mục đích của anh, tự giác hỗ trợ đặt mấy bình hạt tiêu, dấm sang một bên.
Anh viết ba tờ giấy, rồi dán song song tất cả lên bàn, theo thứ tự:
1) Hồ Lạc Mã.
2) Làng Nhị Liên trên thảo nguyên.
3) Sông Tiểu Thương.
Đặt xong xuôi, anh tiếp tục dán hang tiếp theo, đề mục lần này là “Hiện Trường”, đặt lệch về một bên so với ba tờ giấy đã dán lúc trước, dường như mục đích của anh là tạo một bảng thống kê. Lần này, ba tờ giấy đều có nội dung giống nhau: Dây, con rối.
Anh giải thích cho Mộc Đại: “Hiện trường gần như giống nhau, nạn nhân đều bị cố định bằng dây câu cá. Tôi nghĩ, loại dây được sử dụng có lẽ được lấy tại nơi khu vực xảy ra án mạng. Hồ Lạc Mã và sông Tiểu Thương đều là những nơi gần sông nước, dây câu cá rất phổ biến. Hơn nữa, chú tôi từng đến hồ Lạc Mã, có thể chú ấy cố ý bắt chước. Nhưng vụ án xảy ra ở làng Nhị Liên trên thảo nguyên, hung khúi là một đoạn dây được tách ra từ cuộn cáp.
Mộc Đại gật đầu: “Nhưng vụ án ở làng Nhị Liên, hình như không được hé lộ dẫu chỉ là chút tiếng gió?”
“Ba vụ án, nhưng chỉ có vụ án xảy ra tại hồ Lạc Mã thu hút sự chú ý của cảnh sát, được lập thành vụ án điều tra. Vụ án ở sông Tiểu Thương, hiện trường bị lửa thiêu sạch, giống hệt một vụ giết người phóng hoả. Về phần vụ án tại làng Nhị Liên, tuy không dám nói linh tinh, nhưng tôi có một suy đoán.”
Suy đoán? Có thể tin được không đấy?
La Nhận dường như biết cô đang suy nghĩ gì: “Không còn cách nào khác, dù sao không một ai từng tới hiện trường. Làng Nhị Liên ở vùng thảo nguyên nằm lệch về một phía, nghe nói còn có sói thảo nguyên thường hay tới. Căn cứ theo lời Sầm Xuân Kiều, vụ án Lưu Thụ Hải xảy ra lúc sắp sang đông. Năm ấy, một trận tuyết lớn đổ xuống thảo nguyên Nội Mông.
Dưới tình hình đó, tuyết đổ xuống, dân chăn nuôi vội vàng di chuyển trâu bò. Nhưng nếu gia đình kia bị sát hại, họ và đàn gia súc của mình chỉ có thể ở lại thảo nguyên, không tránh khỏi số phận bị đông chết. Khi tuyết rơi, đàn sói thảo nguyên càng trở nên hung ác, săn tìm tất cả thực vật có thể ăn được.”
Anh ngừng lại một lát, ngón tay nhẹ nhàng vẽ vòng trên mặt bàn: “Chỉ cần chúng ngửi thấy mùi máu tươi, nơi đó lập tức biến thành lò sát sinh.”
Thật dễ hiểu, đến mùa xuân năm sau, hiện trường vụ án chỉ còn lại một mảnh xương trắng. Người ngoài chỉ nghĩ đó là hậu quả của thiên tai, mặc dù có tra xét cẩn thận, cũng chỉ nhằm mục đích tìm ra hung thủ, không ai có thể tưởng tượng tới hoàn cảnh lúc ấy.
Tương tự như vụ án ở sông Tiểu Thương, hiện trường vụ án đều bị những yếu tố ngoại lai phá huỷ, chôn vùi.
Tim Mộc Đại đạp thình thịch, đây là ba vụ án có khởi đầu, kết thúc và thủ pháp gây án giống hệt nhau.
La Nhận lại tiếp tục viết: “Thời gian gây án.”
Mộc Đại chỉ vào tờ giấy ghi chữ “hồ Lạc Mã” rồi nói: “Vụ này tôi biết, xảy ra hai mươi năm trước.”
La Nhận dán mảnh giấy có ghi chữ “hai mươi năm trước”, tiếp đó dán ở dưới mẩu giấy ghi chữ “sông Tiểu Thương” một tờ có ghi chữ “hai năm trước”, cuối cùng là vụ án ở làng Nhị Liên, trước khi hạ bút, anh ngẩng đầu nhìn Mộc Đại một cái.
Sự thật chính là đề mục “thầy giáo” đưa ra, Mộc Đại khẽ hồi hộp: “Lưu Thụ Hải mất năm 2010, nếu vụ án ở thảo nguyên là do ông ta gây ra, vậy ít nhất cũng đã hơn năm năm…”
Còn nhớ khi ở tại biệt uyển tại Ba Thục, cô từng xem qua tư liệu về cuộc đời Lưu Thụ Hải, liền lập tức bổ sung một câu: “Ông ta bỏ nhà ra đi từ năm 2008, mất năm 2010, thời điểm gây án có khả năng nằm trong khoảng thời gian này, anh viết là sáu đến bảy năm trước đi.”
Vẻ mặt thành thật thế kia, lúc đi học cô chắc chắn là học sinh ngoan, La Nhận viết lên tờ giấy như lời cô nói.
Hiện tại, trên bàn có ba nội dung, La Nhận hỏi cô: “Nhận thấy điều gì không?”
Mộc Đại chống cằm nhìn: “Vụ án xảy ra ở hồ Lạc Mã và vụ án ở thảo nguyên cách nhau rất nhiều năm.”
Chính xác, vụ án ở làng Nhị Liên và vụ án ở sông Tiểu Thương cách nhau nhiều nhất cũng chỉ hai – ba năm, nhưng vụ án ở hồ Lạc Mã lại cách vụ án ở làng Nhị Liên những hai mươi năm.
Trong khoảng thời gian đó, có thể xảy ra vụ án mà trước đó họ chưa từng nghe qua, lại cũng có khả năng, quả thật không có vụ án nào xảy ra. Nhưng nguyên nhân không có vụ án nào phát sinh là gì?
La Nhận lại dán thêm mảnh giấy thứ tư: “Nghi phạm.”
Lưu Thụ Hải, La Văn Miểu, dưới vụ án ở hồ Lạc Mã chỉ viết một dấu chấm hỏi thật to.
Hàng giấy thứ năm: Địa điểm nghi phạm tử vong, thứ tự lần lượt là: Dấu chấm hỏi, Tế Nam, sông Tiểu Thương.
Hàng giấy thứ sáu – Tình trạng tử vong của nghi phạm: Chặt chân, khoét da, mất một mảng da hình chữ nhật. Dưới vụ án ở hồ Lạc Mã vẫn để dấu chấm hỏi như thường lệ.
Hàng giấy thứ bảy – Vấn đề khác.
La Nhận chỉ dán một tờ duy nhất dưới vụ án của Lưu Thụ Hải: Năm 2007, gặp tai nạn xe cộ ở Sơn Tây, Đại Đồng.
Mộc Đại giật mình, cô nhớ rõ trong tư liệu có ghi, Lưu Thụ Hải là người trung hậu, thành thật, cả đời chưa từng đỏ mặt tía tai với ai bao giờ. Biến cố duy nhất trong cuộc đời là vụ tai nạn xe cộ năm ấy, ông ta hôn mê bốn mươi tám giờ, năm 2008 rời nhà ra đi, chết năm 2010.
Phải chăng vụ tai nạn xe cộ ấy đã thay đổi điều gì đó trong Lưu Thụ Hải?
La Nhận lại viết thêm mẩu giấy khác, nhưng chỉ nắm chặt trong tay, không đặt lên bàn.
Mộc Đại vô cùng tò mò, nếu không vì mối quan hệ giữa cô và La Nhận còn chưa thân thiết, cô nhất định sẽ mở tay anh ra xem cho bằng được.
Nhìn vẻ mặt tò mò, mong đợi nhưng vẫn cố tình giả vờ như không có chuyện gì của Mộc Đại, La Nhận cũng ngượng không dám tiếp tục dấu diếm.
Mảnh giấy nhớ kia ghi hai chữ.
Tế Nam.
Lần đó, Sính Đình tới tìm tôi, tôi lập tức chạy tới sông Tiểu Thương.
Khi đó chú vẫn mất tích không có tin tức, tôi hỏi Sính Đình, con bé nói nó cảm thấy chú có chút khác thường, nhưng rốt cuộc vẫn không nói ra được khác thường ở điểm nào.
Sính Đình cũng không rõ ràng lắm, có những trường hợp, chỉ có người thân mới nhận ra được những điểm khác lạ không lộ ra ngoài kiểu này. Con bé nói, chú dường như thay đổi thành một người khác, có lúc tự thì thầm một mình, lại có lúc cười quái dị, đôi khi lại giam mình trong phòng trút giận, những lúc lên cơn thịnh nộ, ông thậm chí còn xé rất nhiều sách.
Bình thường, La Văn Miểu tuyệt không phải người như vậy, ông là một phần tử trí thức trung niên điển hình, nho nhã, tiến lùi khéo léo.
La Nhận gặng hỏi – Chú bắt đầu trở nên khác thường từ khi nào?
Sính Đình suy nghĩ hồi lâu, lắp bắp một lúc, cuối cùng mới nói – Hình như sau khi một đồng nghiệp trong ngành mới cha tới Tế Nam làm bài diễn thuyết về cuộc kháng chiến chống nhà Tống của Tây Hạ.
Lần đó xảy ra chút sự cố. Bởi vì từ đây tới Tế Nam không xa, đi bằng xe khách hay xe lửa đều thuận tiện, tuy đã dự định sẽ chuyển tàu ở trạm xe cuối, nhưng La Văn Miểu mua nhầm vé, trên đường xe lại hỏng, gần nửa đêm mới tới trạm xe khách Tây Giao.
Nửa đêm, trạm xe khách Tây Giao, chẳng phải lúc đó Sầm Xuân Kiều cũng làm nhân viên phục vụ tại khu khách sạn nhỏ gần trạm xe khách Tây Giao ư? Mà Lưu Thụ Hải cũng chết ở khách sạn đó lúc nửa đêm hay sao?
Không biết có phải do quá kinh ngạc hay không, Mộc Đại run run chỉ vào tên Lưu Thụ Hải, hồi lâu vẫn không thốt nên lời.
La Nhận dùng bút nối mục “Tế Nam” dưới đề mục của La Văn Miểu và “Tế Nam” trong “địa điểm tử vong của nghi phạm” vào với nhau, rồi khẳng định đáp án với Mộc Đại.
“Cùng xảy ra vào một ngày.”