• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Nhất Vạn Tam ngủ trên xe, suốt đoạn đường mơ mơ màng màng, mơ rất nhiều giấc mơ, mơ thấy mình về thôn Ngũ Châu, người trong thôn hoặc sớm không nhận ra, hoặc vờ như không thấy anh ta, hoặc cầm đao cầm côn, khóe mắt như muốn nứt ra, đánh anh ta chạy trối chết.

Xem đi, cứ dính dáng đến thôn này, anh ta vĩnh viễn không mơ được giấc mơ nào tốt đẹp: Cái gì mà “hồn dắt cơn mộng, dạt về cố hương”, với anh ta mà nói, chỉ có bốn chữ.

Một nơi quỷ quái.

Nhưng người xưa có câu: Giấc mơ trái ngược với hiện thực.

Khi tia nắng ban mai ngày thứ ba bắt đầu xuất hiện, xe đi men theo con đường đất gồ ghề đầy ổ gà ổ vịt, xóc nảy tới cửa thôn, Nhất Vạn Tam bỗng ngẩn người.

Còn đâu làn khói bếp quen thuộc, còn đâu tiếng người náo nhiệt, gà không gáy, chó không sủa, im lặng như tận cùng thế giới, lại gần quan sát, nhà cửa lụi bại, có nhà khoá kín, có nhà lại mở toang cửa, bên trong chỉ còn những đồ đạc gia đình cồng kềnh, có con chuột chạy vụt qua, lủi từ sau cửa đến gầm giường.

Mặt Nhất Vạn Tam trắng bệch, anh ta gào lên với La Nhận: “Người trong thôn đâu rồi? Người trong thôn đâu?”

Sau khi gào xong, anh ta ôm đầu ngồi xổm xuống, bật khóc nức nở.

Còn không bằng trong mơ, “nơi quỷ quái ấy”, thực sự trở thành một nơi quỷ quái.

La Nhận bảo Nhất Vạn Tam lên xe, lùi lại thôn gần nhất mà trên đường hai người từng đi qua để hỏi thăm.

–“Thôn Ngũ Châu ư? Không, nó đã biến mất từ mấy năm trước rồi. Không xảy ra chuyện gì, chỉ là họ chuyển đi thôi.”

–“Họ kiếm sống nhờ vào nghề đãi ngọc, biển không sản sinh ra ngọc, đương nhiên chỉ có thể ra ngoài mưu sinh, cũng không dọn đi hết ngay ập tức, lục tục đi.”

Thôn này rất ít khách lạ đến, người trong thôn nhàn rỗi, nhiệt tình kể cho họ nghe về thôn Ngũ Châu ven biển kia sinh động như thật.

“Nghe nói một năm nọ rất quái lạ, hai thôn cùng sống ven biển tranh giành địa bàn, kết quả có một người đàn ông rơi xuống biển chết đuối, vợ anh ta phát điên, nửa đêm ôm hũ tro của anh ta chèo thuyền ra khơi, ai ngờ được vừa ra giữa biển thuyền lại lật. Nhưng chuyện quái dị hơn còn nằm phía sau, Trung Thu năm đó, trai phơi trăng, e là thôn kế bên báo thù, thiêu toàn bộ số trai.”

“Năm đó, cả thôn không đãi được viên ngọc nào, người trong thôn đều biết năm đó xúi quẩy, gửi gắm hy vọng vào năm sau, tháng Ba tế thần biển, làm long trọng hơn những lần trước, ai ngờ…”

Người dân kia liên tục thở dài: “Từ đó về sau, vùng biển kia trở thành gà không đẻ trứng. Thôn Ngũ Châu nhiều thế ệ làm nghề đãi ngọc, không làm những việc khác, mấy năm liền không kiếm ăn được, không thể tiếp tục chịu đựng, xem đi, mới đầu chỉ có một hai nhà chuyển đi, về sau càng đi càng nhiều, mấy năm trước trở thành thôn hoang.”

Ông ta còn nói: “Nhưng cũng có thể do ở ngoài trải qua ngày lành, người thường hướng chỗ cao mà đi, vùng biển kia không sinh ra ngọc, trở thành chốn khỉ ho cò gáy, canh giữ mãi cũng chẳng có ý nghĩa gì.”

Nhất Vạn Tam vẫn nghe: “Vậy tộc trưởng già thì sao, ông ấy cũng đi ư?”

Người dân kia hình như định đứng lên, lại vỗ đùi nói: “À, à, phải rồi, quên chưa nói, ông già kia có khí tiết, quyết không đi, nói nhà thờ tổ còn ở đây, hồn tổ tông ở đây, dẫu thế nào cũng không thể bỏ đi.”

Tộc trưởng già không đi, mỗi khi có người khuyên nhủ, ông bèn nhắm mắt lại, hai hàng lệ chảy dọc theo nếp nhăn trên khuôn mặt già nua, đọng vào hàng râu trắng xoá.

“Thôn Ngũ Châu ta có từ thời Tần Thủy Hoàng thống nhất Lĩnh Nam, thiết lập Tượng quận, đời đời kiếp kiếp, một vùng biển nuôi sống cả thôn hơn ngàn năm, không thể vì vài năm không có ngọc, các người liền bỏ đi hết. ‘ngọc đi rồi ngọc lại về’,‘ngọc đi rồi ngọc lại về’, tôi đã kể cho mấy người rồi còn gì.”

Đúng là đã từng kể, tộc trưởng già trong bụng có tri thức, lúc nhàn rỗi thường kể chuyện lịch sử cho mọi người nghe, “nói có sách, mách có chứng”, có lý có lẽ.

Truyện “ngọ đi rồi ngọc lại về”, xuất phát từ “Hậu Hán Thư – Tuần lại liệt truyện”, kể về truyền thuyết ở Hợp Phố. Truyện kể rằng, Thủ tể (*) tiền nhiệm thấy tiền tài là mắt sáng lên, lòng tham không đáy, sai người đãi ngọc không biết tiết chế, kết quả trai già dời đi hết. Sau này, Mạnh Thường nhậm chức Thái thú Hợp Phố, ông làm quan thanh liêm, tạo phúc cho trăm họ, đương nhiệm chưa đến một năm, trai ở Hoài Châu đều trở về.

(*) Thủ tể: Quan lớn ở địa phương (theo Hậu Hán Thư, từ năm 25 đến năm 220).

Thật ra, lấy cái nhìn hiện tại để đánh giá, đây chỉ là quy luật tăng giảm cố hữu của ngọc trai, Mạnh Thường cho trai thời gian nghỉ ngơi lấy sức để có thể phát triển lâu dài, cũng không phải kỳ tích quan thanh liêm cảm động trời xanh, nhưng trong suy nghĩ của tộc trưởng già thì không phải vậy, ông tin chắc rằng trai sẽ tự động quay về.

Nhất Vạn Tam khẽ hỏi: “Sau đó thì sao?”

“Sau đó, người trong thôn càng ngày càng ít, một ngày nọ, ông lão này bỗng phát điên, bê hết bài vị tổ tiên trong nhà thờ tổ, bỏ vào thuyền đãi ngọc, chèo thuyền ra khơi. Ông ấy nói, nể mặt các liệt tổ liệt tông, vùng biển này không thể chặt đứt đường sống của người trong thôn.”

Nhất Vạn Tam dường như có thể mường tượng ra, tại một sớm mai sương mù giăng giăng, các bài vị thường ngày đón nhận hương khói giờ đổ xiêu đổ vẹo trong khoang thuyền, tộc trưởng già chèo thuyền ra khơi, luôn miệng nói: “Liệt tổ liệt tông trên trời, liệt tổ liệt tông trên trời…”

Nhất Vạn Tam chợt thấy thê lương thay ông ấy, lồng ngực trào lên mùi vị cay đắng không tên: “Sau đó thì sao?”

“Sau đó à…” Người dân kia bỗng tỏ ra thần bí, nhìn trái nhìn phải, như thể sợ ai đó nghe thấy.

Ông ta vươn tay, lòng bàn tay úp xuống, vẽ một nét ngang thẳng tắp trong không khí, sau đó lại ngửa lòng bàn tay lên nhanh như cắt.

“Lật, thuyền ra giữa biển bỗng lật xuống, có nhớ chuyện lúc trước tôi kể không, một người đàn bà chèo thuyền cũng chết vì lật thuyền giữa biển? Người ta nói, thủy quỷ lấy mạng họ, lại có người đồn, có một người đàn bà, túm chân rồi kéo ông lão kia xuống, nghe mà lạnh cả sống lưng…”

Anh ta khẽ run rẩy, trước tiên dọa bản thẩn chảy mồ hôi lạnh khắp người.

***

Sau khi tán gẫu với Mộc Đại, chú Trương cũng sợ cô nghĩ nhiều, nhưng thấy hai ngày qua cô vẫn vui cười, lanh lẹ như không có chuyện gì.

Nhưng Mộc Đại rốt cuộc phù hợp làm nghề gì đây? Chú Trương thúc đem những công việc mình biết, nghe qua “ướm” lên người cô, cảm thấy đều được, nhưng vẫn thấy thiếu cái gì đó.

Lúc tốt nghiệp đại học, Mộc Đại từng nói: “Cháu không có hứng thú ngồi văn phòng làm công cho người ta, cháu vào đại học để rèn luyện, rèn luyện cơ bản.”

Cứ tưởng cô nói đùa, hoá ra không phải, lúc Hoắc Tử Hồng còn ở đây, chú Trương cũng lo lắng thảo luận vấn đề này với bà, Hoắc Tử Hồng nghĩ thoáng hơn ông, nói: “Trời sinh ra ta ắt có chỗ dùng được, con đường của mỗi người không giống nhau, nếu hiện thời Mộc Đại chưa tìm thấy con đường của bản thân, cứ để con bé chơi đi, đời người, những ngày tháng có thể vô lo vô nghĩ, vui vẻ, chỉ quan tâm đến đùa vui, thật ra không có nhiều.”

Nếu bà chủ đã lên tiếng, chú Trương cũng không còn gì để nói, “ừm” một tiếng rồi xoay người rời đi.

Ông không nghe thấy câu nói tiếp theo của Hoắc Tử Hồng.

“Không biết chừng, về sau muốn quay lại những ngày như vậy, đã không quay lại được nữa rồi.”

***

Chiều nay, chú Trương phỏng vấn người ứng tuyển.

Là phỏng vấn thật, tên nhãi con Nhất Vạn Tam nói đi là đi, chú Trương lại không rõ lắm về mấy loại rượu xanh xanh đỏ đỏ kia, Tào Mập Ú to mồm nói sẽ dốc sức làm, nhưng vào quầy bar lại thành người mù.

Sau khi anh ta đi rồi, ông mới phát hiện, Nhất Vạn Tam đúng là nhân tài kỹ thuật.

Người pha chế rượu trước mặt được quán bar quen biết giới thiệu tới, quầng mắt đen sì to đùng, mặt mũi đáng đánh đòn, lông bông, ngồi không ra ngồi, chú Trương vừa nhìn liền nổi cáu.

Ông ho khan hai cái: “Cậu từng làm ở những quán bar nào? Làm nghề pha chế mấy năm rồi? Tự giới thiệu qua về bản thân xem, xin mời.”

Chưa kịp nói xong, chợt nghe Mộc Đại vui sướng gọi: “Đại sư huynh!”

Chú Trương giật thót mình, còn tưởng rằng người mình phỏng vấn là đại sư huynh của Mộc Đại, mãi đến khi cô hoan hỉ ra cửa đón người, ông mới biết được mình nhầm.

Chú Trương tò mò nhìn ra ngoài.

Sư huynh đồng môn của Mộc Đại? Bản thân ông cũng chưa từng gặp.

***

Một người khác vì nghe được ba chữ “Đại sư huynh” mà mạch máu sôi sục là Tào Nghiêm Hoa.

Đại sư huynh đấy, là người phóng khoáng như gió, luôn khiến các tiểu sư muội hâm mộ chết đi sống lại trong truyền thuyết!

Anh ta vươn dài cổ như hươu cao cổ, sau khi nhìn thấy người thật, nụ cười trên mặt từ từ cứng đờ, có cảm giác, nụ cười của anh ta đã ngưng tụ thành băng, cầm búa gõ một cái sẽ ào ào rơi xuống thành mảnh vụn.

Đây là… Đại sư huynh của Mộc Đại?

Người vừa bước vào đại khái gần bốn mươi tuổi, dáng dấp mập mạp của trung niên, đầu đã có dấu hiệu rụng tóc, lưng hơi khòng, ăn mặc lụp xụp. Hình tượng này thật sự làm mất mặt toàn bộ người tập võ trên dưới năm nghìn năm của Trung Hoa mênh mông.

Mộc Đại vui vẻ kéo tay người đàn ông kia vào nhà, giới thiệu lần lượt từng người: “Đây là chú Trương, đây là nhân viên quán bar bọn em, Tào Nghiêm Hoa. Sư huynh, anh có thể gọi anh ấy là Tào Mập Ú. Đây là đại sư huynh của tôi, anh ấy họ Trịnh, tên Trịnh Minh Sơn.”

Tào Nghiêm Hoa còn chưa lấy lại tinh thần sau khi ảo tưởng về đại sư huynh tan vỡ, có phần không biết làm sao, bỗng liếc thấy chân Trịnh Minh Sơn, không kịp dùng đầu óc, thốt ra một câu: “Đại sư huynh… Chân anh… Khôi phục rất tốt, ha ha…”

Nguy rồi, sao có thể nói vậy, Mộc Đại từng đề cập, vì làm trộm, đại sư huynh bị sư phụ đánh gãy chân, đối với người học võ mà nói, chuyện này nhất định là đề tài cấm kỵ…

Biết mình nói lỡ, mặt Tào Nghiêm Hoa hết đỏ lại trắng.

Trịnh Minh Sơn nghe mà như lạc vào sương mù, cúi đầu nhìn chân mình: Có vấn đề gì sao?

Mộc Đại sợ bị lộ, ấn Trịnh Minh Sơn ngồi xuống: “Đại sư huynh, anh ngồi đi.”

Lại dặn Tào Nghiêm Hoa: “Đại sư huynh của tôi thích uống rượu đế, quán bar không có, anh đi mua hai chai đi, rượu xái(*) cũng được. Nếu có đồ nhắm, củ lạc, tai lợn… thì mua một ít.”

(*) Rượu xái: rượu nước thứ hai (hàm lượng còn 60% – 70%).

Rượu đế, củ lạc, tai lợn? Tại quán bar có phong cách tinh xảo, uyển chuyển như thế này?

Nơi này là quán bar, không phải quán cóc ven đường!

Tào Nghiêm Hoa không kìm được, nói: “Tiểu sư phụ, quê quá, người ta đều uống cà phê cocktail, anh ta lại ngồi kia sì sụp uống rượu, ăn lạc, trông thật kệch cỡm. Hơn nữa…”

Anh ta lén chỉ Trịnh Minh Sơn: “Kiêm chức chủ thầu công trình sao? Từ công trường đến thẳng đây à?”

Mộc Đại trừng mắt nhìn anh ta.

“Tào Mập Ú, không nên trông mặt mà bắt hình dong. Tôi nói cho anh biết, đại sư huynh của tôi rất lợi hại, anh ấy là bộ đội đặc chủng xuất ngũ, sau này lại làm vệ sĩ cho người có tiền, một mình hạ gục sáu tên cướp đường phố đấy.”

Tào Nghiêm Hoa há hốc miệng, không khép lại được.

“Còn nữa, đại sư huynh của tôi mở võ đường, học trò khắp thiên hạ, mỗi đệ tử phun một ngụm nước miếng cũng đủ dìm chết anh, còn không mau đi đi!”

***

Tào Nghiêm Hoa đi nhanh như chớp.

Khi có việc, đệ tử phải đứng ra làm thay, huống hồ đây là đại sư huynh của sư phụ.

Mộc Đại rót trà cho Trịnh Minh Sơn: “Đại sư huynh, võ đường không bận sao? Sao lại có thời gian rảnh qua đây?”

Trịnh Minh Sơn nhập học trước Mộc Đại, chỉ học vài năm, anh ta không hứng thú lắm với khinh công, sau khi được sự đồng ý của sư phụ, ông chuyển sang học cái khác, Nam quyền Bắc cước(*), loại nào cũng học, luyện hỗn tạp, lại có sự nghiệp của mình, bàn về hệ thống kungfu chính thống của sư môn, còn không bằng Mộc Đại.

(*) Nam quyền Bắc cước: Các nét đặc trưng của 2 trường phái võ thuật Trung Quốc, Phía bắc Trung Quốc do địa hình đa số là thảo nguyên, đồng ruộng bao la nên dân chúng thường đi lại bằng ngựa, võ thuật cũng ảnh hưởng rất nhiều bởi lối đánh phóng khoáng, bay nhảy, đá… Phía nam Trung Quốc (các tỉnh như Hải Nam, Phúc Kiến) do hệ thống sông ngòi, ao hồ chằng chịt và giáp biển nhiều nên dân chúng dùng thuyền làm phương tiện đi lại và vận chuyển là chủ yếu. Chính vì sống trên sông nước nên những người này mã bộ phải vững chắc, những đòn thế bay nhảy nhiều không còn thích hợp nữa mà bù vào đó là lối đánh chí cương chí dương, một đòn chắc một đòn, mã bộ vững.

Do đó, anh ta mở võ đường, không xem như sư môn nhận đồ đệ, thượng vàng hạ cám, đấu vật, trường quyền(*), cái gì cũng dạy.

(*) Trường quyền: Tục gọi là Bắc quyền, là một khái niệm bao hàm các võ phái quyền cước thuộc miền Bắc Trung Hoa, sau này các bộ môn quyền này được các môn đồ Bắc Thiếu Lâm tích hợp vào hệ thống võ Thiếu Lâm rồi cải biến đi cho thích hợp đường lối kỹ pháp của Thiếu Lâm.

Anh ta cũng không khoác lác về mình: “Võ đường gì chứ, chỉ là một lớp huấn luyện thôi, một năm chia vài kỳ, lúc khác lại bận việc của mình… Vừa hay nhận được điện thoại của em, hai bên cũng không cách nhau quá xa, thuận đường bèn qua đây.”

Một ly trà xuống bụng, anh ta đi thẳng vào chủ đề: “Sao bỗng dưng lại nghĩ đến tìm việc làm?”

Mộc Đại ấp a ấp úng: “Chuyện đó… Người sống trên đời, dù sao cũng phải nghĩ cách nuôi sống bản thân. Sư huynh, anh có ‘cửa’ nào không?”

Nghiêm khắc mà nói, lúc Mộc Đại vào học, Trịnh Minh Sơn đã sớm vào Nam ra Bắc trải nghiệm, hai người chưa từng thật sự “đồng thời” học trong sư môn, Trịnh Minh Sơn có rất nhiều việc, là sư phụ kể cho cô nghe, trong lòng cô, vị sư huynh này có can đảm có kiến thức, bạn bè nhiều, mối liên hệ rộng, vì thế sau khi được chú Trương chỉ điểm, người cô nghĩ đến đầu tiên chính là Trịnh Minh Sơn.

Cho dù không có cửa, đề nghị một hai ý kiến cũng được, cô là tiểu sư muội mà.

Trịnh Minh Sơn dựa vào lưng ghế: “Có, xem em muốn ‘cửa’ kiểu gì thôi. Nếu muốn một công việc ổn định, dễ thôi, bạn anh mở công ty, anh có thể nhờ người ta hỗ trợ sắp xếp cho em một chân trong văn phòng, có điều…”

Anh ta đánh giá Mộc Đại một lượt, chính mình cười trước: “Với bản lĩnh của em thì hơi lãng phí. Để em đến võ đường làm trợ giáo cũng được, chỉ sợ không đến hai ngày lại bị mấy tên nhóc xấu xa theo đuổi chạy mất dép.”

Mộc Đại bị anh ta trêu chọc đến phát ngượng.

Tào Nghiêm Hoa trở lại, đặt chung rượu lên bàn, kèm theo hai chiếc đũa và lạc rang, Trịnh Minh Sơn hưng trí, vỗ Tào Nghiêm Hoa: “Cảm ơn cậu.”

Siêu thật, lực tay tật trầm, Tào Nghiêm Hoa suýt bị anh ta vỗ quỳ xuống.

Mộc Đại đẩy đĩa đồ ăn về phía Trịnh Minh Sơn: “Sư huynh, thật ra em cũng nghĩ giống anh, học hỏi kinh nghiệm nhiều, trải nghiệm nhiều mới tốt. Chung quy em thấy, sau khi học võ, em vẫn chưa phải cao thủ, cao thủ là kiểu…”

Cô chống cằm, vắt hết óc hình dung cao thủ trong lòng mình: “Là kiểu có khí thế, nhìn cũng rất ngầu, rất điềm tĩnh, mặt thản nhiên nhưng giết người vô hình …”

Trịnh Minh Sơn hiểu ý của cô.

Sư phụ từng kể cho anh ta nghe về cô tiểu sư muội này: “Mộc Đại ấy à, đứa nhỏ này luôn hỏi ta, sư phụ, trông con có siêu không? Có khiến người ta sợ hãi không? Hệt như học võ là để người ta sợ hãi không bằng; thích mặc quần áo đen, vòng cổ còn treo cái đầu lâu, nhưng cười một cái liền lòi đuôi, con bé chỉ là một cô nhóc thôi…”

Mộc Đại vẫn đang nói: “Sư huynh, em muốn trở thành người như vậy, em không muốn làm nhóc con. Không muốn mỗi khi có chuyện gì xảy ra, người khác lại kéo em ra sau lưng che chở. Phải là thế này, có chuyện khó giải quyết, người ta sẽ cảm thấy, ừ, Mộc Đại có thể giải quyết…”

Cô nhóc này, nghĩ chuyện gì cũng dễ vậy sao, Trịnh Minh Sơn mỉm cười.

Hình như sư huynh thất thần, Mộc Đại vươn tay, quơ quơ trước mắt anh ta: “Sư huynh? Sư huynh?”

Trịnh Minh Sơn lấy lại tinh thần, định nói gì đó, lại nhẹ nhàng thở dài.

Anh ta nhớ sư phụ từng nói một câu.

— Người chưa trải qua giang hồ luôn mặc sức tưởng tượng được phiêu bạt khắp chốn để trải nghiệm một phen, lại không biết giang hồ hiểm ác, cuối cùng có thể đứng vững đón gió, đều phải gột rửa xương cốt, lột một lớp da trên giang hồ.

Đúng vậy, ngay cả nụ cười bình thường cũng hàm chứa trăm ngàn ý tứ.

Trịnh Minh Sơn nói: “Nếu em thật sự muốn, chỗ anh quả thật có một việc phù hợp với em.”

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenConvert.NET
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK