• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Hơn 60 năm trước, tại hai làng Thủ Phú – Hải Nhuận, nay thuộc địa phận duyên hải ba xã Quảng Hải, Quảng Đại, Quảng Hùng huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, cách Sầm Sơn 5 km về phía Nam, đã xảy ra một sự kiện mà hồi đó được coi là làm chấn động cả nước. Đó là vụ tình cờ phát hiện ra một kho báu chìm dưới đáy biển.

Cũng vì thế nên báo chí đương thời, từ tờ nhật báo lớn nhất: Đông Pháp, tờ báo có uy tín lớn ở Trung Kỳ : tờ Tiếng Dân đến nhiều báo chí khác như Nam Phong, Phụ nữ Tân Văn, Trung Bắc Tân văn, Thực nghiệp dân báo, Ngọ báo… cả báo chí tiếng Pháp như Bulletin administratif de l’ Annam ( Tập san hành chính Trung Kỳ), Bulletin de la Sociéte de l ‘ Enseignement mutuel du Tonkin ( Tập san Hội Tương tế giáo dục Bắc kỳ), Bulletin de l’ école Francaise d’ Extreme Orient ( Tập san trường Viễn Đông Bác Cổ) … đều có đề cập đến dưới nhiều dạng: đưa tin, tường thuật, bàn luận.

Một phát hiện tình cờ

Sự việc xảy ra đích xác vào ngày tháng nào và ở đâu? Phóng viên tờ Đông Pháp, sau một chuyến đi chật vật, vất vả vì sự canh gác, kiểm soát, ngăn chặn của chính quyền, đã có mặt tại chỗ vào lúc tình hình căng thẳng nhất đưa tin sự việc xảy ra vào đêm 17 rạng ngày 18 tháng 7 âm lịch tức là ngày 26, 27 tháng 8 – 1934 (1). Ông phóng viên nào đó đã nhầm. Đúng ra không phải nhầm, mà ông ta bị dân sở tại đánh lừa. Lý do rất đơn giản : thu ngắn khoảng thời gian dân chài đã phát hiện ra kho vàng, để giảm tội vì không báo kịp thời với nhà đương cục.

Theo một nguồn tư liệu đáng tin cậy là điều ghi nhận của dân qua bài vè “Được vàng” khá phổ biến, mở đầu bằng hai câu :

“Tuất niên, thu thất nguyệt rằm

Rung kêu, gió thổi ầm ầm bên tai” (2)

Ta biết chính xác đó là ngày rằm tháng 7 mùa thu năm Giáp Tuất, tức ngày 24 – 8 – 1934.

Còn địa điểm được vàng? Báo chí có khi nói là biển Thủ Phú, có khi nói là biển Hải Nhuận, cũng có báo ghi là vùng biển Sầm Sơn. Ghi vùng biển Sầm Sơn có lẽ là vì để dễ nhận biết với mọi người qua địa danh Sầm Sơn nổi tiếng cách đấy không xa. Cũng như nhà văn Tchya tên thật là Đái Đức Tuấn, người Quảng Xương đã nhân sự kiện này, hư cấu nên mối tình sử qua cuốn tiểu thuyết “Kho vàng Sầm Sơn” xuất bản vào những năm 1940 – 1941, được tái bản gần đây, khá quen thuộc với mọi người, còn ghi là biển Thủ Phú hay Hải Nhuận đều có cái đúng của nó.

Làng Thủ Phú từ đầu thế kỷ XIX có tên là làng Phú Xá, thuộc tổng Thủ Hộ (3), vốn là một làng có bề ngang hẹp, trải dài dọc theo ven biển thuộc các xã Quảng Hùng, Quảng Đại, Quảng Hải ngày nay, nguyên là một trong những sở đồn điền thời Lê trên đất Quảng Xương. Tên Hải Nhuận chưa thấy có ở đầu thế kỷ XIX. Đó là một làng mới đặt vào đầu thế kỷ XX, cũng như làng Yên Nam, đều tách ra từ làng Phú Xá. Cùng với sự chia tách này, phần Phú Xá còn lại đổi là Thủ Phú, tiếp đến Hải Nhuận, Yên Nam kể từ phía Bắc xuống. Tuy vậy tên Phú Xá vẫn còn được gọi song song với tên Thủ Phú cho đến ngày nay. Người phát hiện ra kho vàng là cư dân làng Thủ Phú, còn địa điểm phát hiện là biển Hải Nhuận, giáp ranh với Thủ Phú. Chính vì vậy, sau khi thẩm định rõ ràng, văn bản chính thức của Nam Triều ghi “Tìm thấy ở làng Hải Nhuận”. Trong quá trình sáp nhập, chia tách xã, từ xã lớn đến xã nhỏ, làng Thủ Phú cắt về hai xã cũng như làng Hải Nhuận. Vì vậy, người phát hiện ra kho vàng và địa điểm phát hiện này đều thuộc xã Quảng Đại. Điểm phát hiện ở cách bờ khoảng 300 – 400 m, khi thủy triều xuống ở độ sâu khoảng 2 sải tay, khi triều dâng khoảng trên 5m.

Theo lời kể của bài vè kết hợp với lời tường thuật của báo chí đương thời, vào ngày rằm tháng 7 năm Giáp Tuất (1934), ông Nguyễn Bá Chưởng 72 tuổi cùng con trai là Nguyễn Bá Phèn 51 tuổi đi biển thả câu. Vì thiếu mồi câu, ông trở về lấy lưới của người con thứ hai là Sinh đi đánh cá tiếp :

“Bể thì sóng một sóng hai

Ông Phèn câu đánh thiếu vài mồi cua

Trở về lấy lưới Sinh Kho

Đem ra kéo chẳng lên cho lạ lùng”(5)

Cho đến non trưa, sau nhiều mẻ lưới không được cá, bố con ông tính chuyện về sớm để cúng rằm. Nhưng không hiểu vì sao, mẻ lưới cuối cùng bị vướng mắc dưới biển không tài nào kéo lên được. Ông đành bỏ lại, về nhà sai người con rể ra mò lặn :

“So ra chàng rể ở xa

Tiến, Cự Nham (6) bên nhà hiền tế tài ghê

Sai mau ra lặn lưới về

Tiến vừa lặn xuống tức thì lên ngay

Vội vàng lên nói với thày :

Giữa vuông niêm cẩn, bốn giây vững vàng

Bốn bên bốn cọc còn đang

Cạy ra chưa biết bạc vàng là đâu”

Ông Chưởng biết là có chuyện lạ, hay dở khôn lường. Ông bình tĩnh cúng rằm, sau đó tìm đến thày bói. Ông thày gieo quẻ:

“Gia rẳng 9 lễ thì của đến tay”.

Ông bèn đem lễ vật vượt quãng đường mòn qua nhiều cồn cát ra biển, thắp hương khấn vái cầu xin trời đất, thủy thần phù hộ. Hương đã tàn, ông cùng các con chở bè ra chỗ lưới bị vướng mắc. Bố con ông lặn xuống. Đúng như lời con rể báo, đó là một hòm lớn. Loay hoay, mò mẫm, cạy mở đập phá, vật đầu tiên phát hiện là tiền đồng. Ông huy động con, cháu, dâu, rể đem ‘ rổ sảo’ xúc đổ lên bè. Tiếp theo là vàng nén, bạc nén và nhiều vật quý khác.

Ông lặng lẽ giữ kín được 3 ngày đêm thì việc bị lộ. Dân chài các nơi, ngoài người làng sở tại, còn có cả Đồn Điền, Cự Nham đều ở ven biển Quảng Xương đổ về Thủ Phú, Hải Nhuận để lấy của. Theo lời tường thuật của báo chí thời đó, tiền đồng có niên hiệu Cảnh Hưng (7), các thỏi vàng đều đúc hình con bài dày khoảng 12 ly, mặt trên lòng máng, xung quanh chạm một đường chỉ, mặt dưới phẳng, một đầu có khắc hai chữ “Thập lượng” ( 10 lạng) ; cạnh bên một đầu khắc số hiệu “thập tức”, “thập thất”, ‘thập nhị”…, một đầu khắc chìm hai chữ “Bính Tuất”, còn một đầu có chữ “Đức”. Người ta phỏng đoán là năm đúc và tên người thợ đúc. Mỗi nén vàng cân nặng từ 0,6 đến 0,62 kg. Bạc nén kích thước lớn hơn, không có chữ, ngâm lâu dưới biển nên đã xỉn mầu. Ngoài vàng, bạc, tiền còn có một cái ngai ( có người nói là kiệu), một đôi kiếm, hai khẩu súng…tất cả đều nạm vàng bạc.

Sau khi hòm bị phá, vàng bạc, báu vật tung tóe tản mạn dưới làn nước biển xao động. Ngư dân thi nhau mò tìm rải rác trong nhiều ngày đêm từ 17 đến 24 tháng 7 âm lịch tức từ ngày 26 – 8 đến ngày 3 – 9 – 1934. Trong những ngày đêm này, vùng làng quê Thủ Phú – Hải Nhuận nô nức như ngày hội. Ngoài biển, thuyền bè tập trung san sát. Trên bờ dân trong vùng rủ nhau ra xem, mua bán tấp nập. “Quang cảnh nơi được vàng rất là náo nhiệt” (8)

Người được vàng cũng không biết giá cả, bởi vì quanh năm lam lũ với chài lưới, vật lộn với sóng gió lo kiếm đủ ngày hai bữa cho vợ con, có bao giờ biết đến nén vàng, nén bạc. Còn người dân trong vùng đem gạo trắng, thịt ngon đến bán chác, đổi lấy vàng bạc. Theo tường thuật của báo chí, một nén vàng lúc đầu chỉ đổi lấy 10 mũng thóc ( khoảng 60 kg gạo), một nén bạc 10 mũng khoai lang khô. Còn rượu ngon, ba chai đổi được một vác tiền đồng (9). Lúc này người ta chỉ tính đến vàng và các báu vật khác, còn bạc và tiền, nhất là tiền thì không đếm xỉa tới, tiêu pha phung phí, bạt mạng. Vì vậy người dân trong vùng trồng lúa, có khi cả đời không lội xuống biển, cũng được dịp bán sản phẩm nông nghiệp với giá hời chưa từng thấy.

Vài ngày sau khi phát hiện, một số nhà buôn vàng ở Thanh Hóa đến mua. Lúc đầu với giá 20 đồng bạc Đông Dương một nén, sau lên dần 30,40,50,60 và cuối cùng 400 – 500 đồng. Trong khi đó theo thời giá, mỗi nén 620 đồng.

Tai họa ập đến

Nhưng rồi ngày hội được vàng nhộn nhịp với niềm vui sướng đến ngỡ ngàng chỉ kéo dài được một tuần. Sáng ngày 25 tháng 7 tức 3 – 9 – 1934, theo Đông Pháp (10) cũng vì ghen ăn, có một người tên là Phó Th. Ở cách làng đem mấy thỏi vàng và bạc đến trình báo quan. Tri huyện Lê Dục Hinh phải bẩm lên tỉnh. 3 giờ chiều cùng ngày, công sứ Colas cùng Tổng đốc Nguyễn Bá Trác và án sát Tôn Thất Toại đi ô tô về tận nơi tra xét. Lập tức, lý dịch sở tại bị triệu đến, bắt khai số dân chài trong làng đã mò vàng, số lượng vàng mò được và đã bán cho những ai. 6 giờ chiều hôm đó có lệnh bủa vây. Đầu tiên là toán lính khố xanh do tên quan một Brutus đồn Phong Ý ( huyện Cẩm Thủy) chỉ huy trực tiếp canh giữ biển Hải Nhuận – Thủ Phú. Chúng cắm tiêu ở chỗ giữ được vàng, cấm không cho ai được tới gần. 10 giờ đêm, viên phó Đoan và viên Chánh cẩm (đều không rõ tên) đem lính về đóng suốt dọc đường từ Chợ Môi đến Thủ Phú – Hải Nhuận để khám xét người qua lại (11).

Người ngoài đến có đem theo tiền bạc bị đuổi về ; người trong ra bị khám rất ngặt, lục soát khắp người, có vàng bạc đều bị tịch thu hết. Chúng còn cho lập 3 trạm gác chốt ở 3 điểm đầu mối giao thông quan trọng đến nơi được vàng : Chợ Môi ( cây số 9), Bình Hòa ( cây số 14 đường Thanh Hóa – Sầm Sơn) và Ngọc Giáp ( quốc lộ 1, cây số 19 cách thành phố Thanh Hóa về phía Nam). Ngoài ra, chúng còn đặt điếm canh ở Thủ Phú, Hải Nhuận, Đồn Điền, Cự Nham và Nho Quan. Thế là cuộc vây ráp, lùng sục, khám xét, tra hỏi, săn vàng của nhà cầm quyền bắt đầu.

Đồng thời với việc săn lùng trên đất liền, chúng khẩn trương tiến hành việc tìm kiếm số vàng còn lại dưới đáy biển. Ngay từ ngày 4 – 9 – 1934, công sứ Colas đã thuê 20 người thuyền chài chia làm 4 toán lặn xuống mò trong 3 ngày liền chỉ thu được 1 nén bạc và 3 đồng tiền. Ngày 10 – 9 có 3 thợ lặn ở Nha Trang, thủy thủ của Tàu De Lanessan do công sứ Colas điện vào và thợ lặn ở Hải Phòng đều có mặt, tiếp tục lặn tìm trong nhiều ngày cũng không thấy gì hơn ngoài mấy đồng tiền (12). Ngày 19 – 9, Colas bắt bố con ông Chưởng ( lúc này đã được tạm tha) lặn mò nhưng cũng vô hiệu (13).

Được tin phát hiệu kho báu, trường Viễn Đông Bác Cổ ở Hà Nội đã phái ông Manikus và ông Công Văn Trung vào xem xét. Tiếp theo, quyền giám đốc trường Claeys cũng có mặt vào ngày 9 – 9 ( 1 tháng 8 âm lịch) để nghiên cứu về mặt khảo cổ học của các di vật phát hiện được (14). Việc tìm kiếm thêm báu vật còn lại dưới biển do nhà đương cục tiến hành hoàn toàn thất bại, chấm dứt từ sau ngày 20 – 9 (ngày 12 – 8 âm lịch). Trong khi đó trên đất liền diễn ra cuộc săn lùng, khảo xét hãi hùng mà nạn nhân trực tiếp là dân chài hai làng Thủ Phú và Hải Nhuận.

Sau khi bắt lý dịch sở tại khai báo, chúng cho dựng một nhà rạp trên bờ biển, có lính tráng cắp súng và chó berger canh giữ. Công sứ Colas hạ lệnh đòi kỳ mục các làng đến nghe hiểu dụ. Lệnh của công sứ là vậy nhưng cũng chỉ có 20 người, chủ yếu là lý dịch sở tại và mấy làng lân cận có mặt. Công sứ Colas nói đại ý : Những vật tìm thấy ở đây đều thuộc về Nam Triều, tuy vậy nhà nước cũng không để cho những người phát hiện bị thiệt thòi. Những ai đã mò được ít nhiều đều phải đem ra nộp, nhà nước sẽ thưởng cho một nửa. Nhận được vàng, quan sẽ đưa giấy biên nhận có ký tên để làm bằng. Tiền chưa có ngay nhưng không thể mất được. Ngoài vàng bạc, các vật khác cũng vậy. Colas dằn từng tiếng nói với tổng lý: “Có người tố cáo ông huyện sở tại mấy ngày trước đây dọa dẫm ai khai báo thực số vàng đã đem bán hoặc mò được thì ông chém đầu. Lời dọa nạt đó không có gì đáng sợ vì ông huyện không có quyền hành làm việc này. Hiện nay ông huyện đã về tỉnh, ít nữa sẽ có người khác đến cai trị, dân không còn phải sợ hãi mà không dám khai thực. Dân khai thực ra thì bao giờ quan Công sứ cũng che chở cho”. (15).

Một mặt vừa dụ dỗ, vừa hăm dọa, một mặt chúng tiến hành tra khảo. Trước tiên là 2 bố con ông Đường Phèn. Thoạt đầu, ông chỉ đưa ra mấy nén vàng, nén bạc. Lập tức, nhà ông bị niêm phong bố con ông mỗi người bị giam một nơi. Cha bị giam ở đồn Phong Ý còn con ở sở Kiểm Lâm. Chúng khám nhà ông, thu được 26 nén vàng, 52 nén bạc, một chuôi gươm bằng bạc, hai khẩu súng đồng và nhiều tiền đồng. Tiếp theo là những người có tham gia mò vàng đều bị tra hỏi, dọa dẫm nhằm mục đích thu lại số vàng đã mò được càng nhanh càng tốt. Phần đông những người được vàng đều cất giấu trong nhà hoặc đã bán, hay đem đi gửi. Cũng nhiều người sợ hãi đem ra nộp. Không thu được bao nhiêu, chúng theo lời khai của người được vàng cho lính sục đến nhà người mua, người được gửi để khám xét.

Báo Đông Pháp số ra ngày 12 – 9 – 1934 viết: “Những người mò được hoặc mua được vàng ở các làng thuộc huyện Quảng Xương đều đem chôn giấu vàng bạc ở dưới đất hoặc đục cột kèo nhà để giấu nên nhà chức trách phái lính đến tìm kiếm, đào đất, đục kèo, cột, làm cho đồ đạc trong nhà bị hư hỏng”. Theo tin của báo chí đương thời, số người có liên quan mò vàng, mua bán vàng ở các nơi bị bắt giam, tra hỏi, khám xét gồm: Hai bố con ông Chưởng và ông Phèn, người phát hiện và mò được vàng đầu tiên. Hơn 30 người thuyền chài bị báo cáo là đã mò được vàng. Hai lý trưởng ở Bùi thôn (không rõ tên) bị bắt giam ở huyện vì tội mua vàng không trình báo. Hai chị em buôn vàng ở Thanh Hóa là bà Hàn và em trai là Sáu ( hiệu vàng Thuận Xương). Lê Ngạc, Lý Thảo, Bộ Bảng ở làng Bảo Hậu, Nghệ An. Các cửa hiệu vàng Phúc Thái, Thăng Long, ông Nguyễn Đình Nho, bà Quản Nho, nhà hàng Tắc Phu ở tỉnh lỵ Thanh Hóa. Hiệu vàng Kinh Ký 109 Hàng Buồm, hiệu Tiến Mỹ phố Hàng Bạc ở Hà Nội. Một số người khác cả người Việt và người Hoa ở Hà Nội thì bị gọi vào Thanh Hóa cho tại ngoại, khi cần thì gọi đến xét hỏi.

Cho đến năm 1936, tại Hà Nội còn có 6 người là Vũ Thị Thanh, Hồ Séc Hi ( chủ hiệu vàng Kinh Ký), Hồng Vân, Nguyễn Thị Diệu, Lê Ngạc, Nguyễn Xuân Tích vì can tội mua vàng ở Sầm Sơn bị truy tốp, xét xử nhiều lần, đến đây mới được tha bổng.

Sau 4 ngày tra khảo, khám xét đến ngày 7 – 9 – 1934 ( tức từ ngày 26 đến ngày 29 tháng 7 âm lịch), chúng thu được 42 nén rưỡi vàng. Ngày 17 – 9 – 1934, số vàng thu được lên đến 83 nén và hơn 100 nén bạc. Theo tờ Ngọ báo, tổng đốc Nguyễn Bá Trác cho biết đã thu được 99 nén vàng, mỗi nén 10 lạng với ¼ nén trị giá 60000 đồng bạc Đông Dương và hơn 100 nén bạc. Ngoài ra còn thu được 2500 đồng bạc của người mua bán vàng chạy trốn, bỏ lại khi thấy nhà chức trách nã bắt. (16) Đây chưa phải là con số cuối cùng của số vàng mò được vì cuộc truy lùng, tra xét còn tiếp tục. Vả lại qua báo chí, con sỗ còn xa với sự thực bởi nhiều lẽ: bọn quan lại biển thủ, dân trong vùng còn cất giấu hoặc đã bán chác, phân tán không thu hồi được.

Từ lịch sử đến huyền thoại

Niềm vui ngắn ngủi, nỗi đau buồn, uất hận truyền kiếp vì được vàng của người dân chài ven biển Thủ Phú – Hải Nhuận là như thế. Vốn là ngư dân ven biển, bao đời vật lộn cùng sóng gió kiếm sống trên biển cả mênh mông ; với sức người nhỏ bé mong manh, họ chỉ biết gửi gắm niềm tin ở số phận rủi may, cầu xin sự phù hộ của trời đất, thánh thần. Được vàng rồi lại bị cướp mất vàng lại kéo theo bao nhiêu tai vạ, người dân hiền lành, chất phác vô tội không biết kêu ai, đành ngậm ngùi than thân trách phận. Họ ngấm ngầm ném hận vào lũ quan lại tây ta một cách kín đáo qua câu chuyện có vẻ hoang đường hư hư thực thực còn truyền lại cho đến ngày nay. Phần thực của câu chuyện là tri huyện Lê Dục Hinh người xã Xuân Hồ ( nay là xã Xuân Hòa, nam Đàn, Nghệ An đỗ đầu kỳ thi Hương khoa Ất Mão (1915) (17) Trước khi Phó Th đến trình báo, thì ngay tại làng Hải Nhuận đã có một phú hào đến báo. Ông Lê Dục Hinh gạt đi: “Việc gì phải bẩm báo, của nước Nam để người Nam tiêu dùng” vì vậy khi Phó Th đến báo, không thể đừng, ông Hinh phải bẩm lên tỉnh. Do đó, khi quan đầu tỉnh biết tin thì sự việc đã diễn ra được 10 ngày ( từ ngày 15 đến ngày 25 tháng 7 âm lịch). Không biết Lê Dục Hinh có mua vàng hay không, nhưng việc ông cấm dân khai báo là có thực. Chính vì vậy, ngày 29 tháng 7 âm lịch, ông bị gọi về tỉnh “tại ngoại hậu cứu” và bị kết 3 tội: Biết tin mò được vàng mà không bẩm lên quan trên ; Cho vợ con đi mua rẻ nhiều vàng ; Nhận vàng của người nộp mà không phát biên lai còn dọa dân không cho nói sự thực để nhà chức trách biết. (18)

Trong những ngày đó, Trần Mậu Trinh – tri huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An chuyển ra Quảng Xương, có tin đồn sẽ thay Lê Dục Hinh. Nhưng không hoàn toàn đúng như vậy. Trần Mậu Trinh có cùng án sát Tôn Thất Toại đến Quảng Xương giải theo Lê Ngạc nhằm truy tìm 5 nén vàng và 30 nén bạc Lê Ngạc chôn giấu ở Thủ Phú, nhưng chỉ tìm được 5 nén vàng còn bạc không thấy. Sau một thời gian, , xét Lê Dục Hinh không có tội, do đó ông lại về tiếp tục giữ chức tri huyện Quảng Xương.

Và cũng còn một sự thực nữa là vào buổi tàn của vụ được vàng, một đêm có vệt sáng ở chân trời vụt về phía Sầm Sơn mà báo chí chép là “sao sa” và “đi đến đâu cũng thấy bọn mê tín phao tin lên rằng kho vàng ở nơi ấy đã bay đi mất” (19) Thế là người ta móc nối, dựng lên câu chuyện hư hư thực thực như sau: Ông huyện Lê Dục Hinh sau khi bẩm tỉnh, đã về Sầm Sơn thắp hương khấn vái, cầu nguyện Đức thánh đền Độc Cước phù hộ cho dân An Nam, không để của người Nam lọt vào tay người Tây. Đến khi quan quân Tây, ta kéo về, thợ lặn đến, thì ngay đêm hôm đó, đức thánh Độc Cước linh thiêng đã biến số vàng còn lại thành một bó đuốc lớn rực sáng, dựng trên mặt biển rồi bay vụt về trời. Các quan Tây, ta đều trơ mắt ếch (20) .

Quả thật với phương tiện hiện đại hơn, có tổ chức hóa, Công sứ Colas và tổng đốc Nguyễn Bá Trác cũng không tìm thêm được vàng dưới đáy biển. Nhưng bằng quyền lực của kẻ thống trị, chúng đã đoạt được phần lớn số vàng, bạc, báu vật của người dân Thủ Phú – Hải Nhuận mò được, dù có phân tán nhiều nơi. Báo chí cũng đã ghi nhận điều này: “trong thực tế không một nén vàng hay bạc nào những người điều tra tìm được dưới đáy biển. Khoảng 100 thoi vàng và một số lớn thoi bạc hoàn toàn do thu hồi của người bản xứ. Họ đã trao lại cho nhà cầm quyền đổi lấy biên nhận và lời hứa được bồi thường”(21).

Thế là người dân chài tay trắng lại trắng tay. Cũng có ai đó trong khi hốt hoảng, sợ hãi cất giấu vàng ở ngoài bờ bụi, chôn ở rìa làng cạnh sông Rào, sau đó lạc địa điểm, không tìm lại được. Nhiều năm sau còn có người tình cờ đi làm đồng, mò cua bắt ốc tìm thấy vàng, lẳng lặng đem về bán lấy tiền tậu ruộng, làm nhà. Nhưng đó cũng chỉ là trường hợp hãn hữu.

Nguồn gốc và chủ sở hữu kho vàng

Trong khi việc săn lùng vàng còn tiếp diễn thì báo chí đương thời đã khảo biện rất nhiều về nguồn gốc kho báu và chủ sở hữu của nó. Cuộc bàn cãi kéo dài cho đến đầu năm 1936 mới chấm dứt. Về nguồn gốc kho vàng, người ta đưa ra nhiều giả thuyết, trong đó có 3 giả thuyết đáng chú ý :

(1) Đó là của vua Lê trên đường chạy loạn trở vàng vào Thanh Hóa, đến đây bị đắm

(2) Chúa Trịnh trong chiến tranh với Tây Sơn chở vàng chạy đến đây thì cho đục thuyền để của cải không rơi vào tay kẻ thù

(3) Số vàng bạc này là của nhà Nguyễn, sau năm 1802 sai quan ra Bắc tải về kinh đô Huế đến đây thì bị đắm. Trong số người đi áp tải có người bác của tổng đốc Nguyễn Bá Trác. Khi thuyền bị đắm, đoàn người trôi giạt sang Tàu, sau mới về được (22)

Tất cả vẫn còn là giả thuyết. Nhưng một điều chắc chắn, căn cứ vào 4300 đồng tiền được trường Viễn Đông Bác Cổ giám định đều có niên hiệu các vua Lê trước năm 1786 và chữ ghi trên súng: Đúc ngày 22 tháng giêng năm nhâm thân (1712), Vĩnh Thịnh thứ 8 (23), người ta biết đây là tài sản của nhà Lê. Trong cảnh loạn lạc, chiến tranh triền miên hồi thế kỷ XVIII, không biết kho báu này vua Lê còn giữ được hay đã lọt vào tay thế lực khác để rồi bị đắm ở ngoài biển Thủ Phú – Hải Nhuận trên đường chuyên chở.

Về chủ sở hữu kho báu phát hiện được cũng là vấn đề bàn bạc nhiều. Tiến sĩ luật Emile Tavernier trong bài “Kho vàng ở Thanh Hóa thuộc về ai?” đã viện dẫn các nghị định ngày 22 – 12 – 1899 ; 15 – 1 – 1903 của Toàn quyền Đông Dương về sắp đặt lãnh địa ở Đông Dương, bao gồm cả đất liền và hải phận ; viện dẫn dụ của Khải Định ngày 1 – 2 – 1923, sắc lệnh của Toàn quyền Đông Dương ngày 23 – 12 – 1924, 11 – 7 – 1925 giao cho trường Viễn Đông Bác Cổ quyền giám định, xếp hạng và tôn tạo các di tích, di vật lịch sử, viện dẫn cả điều 136, 237 luật Gia Long để xem xét (24). Tavernier kết luận : Những di vật dưới biển, sông và đất liền thuộc quyền sở hữu theo lãnh địa riêng của xứ Đông Dương hay lãnh địa thuộc địa ( không phải của chính quốc Pháp). Đối với người phát hiện, không có thưởng hoặc trao lại cho họ. Mọi sự chiếm giữ hoặc có ý đồ chiếm giữ toàn bộ hay một phần kho vàng đối với họ cần truy tố trước pháp luật » (25). Theo tinh thần này, kho vàng phát hiện được ở Thanh Hóa thuộc địa phận Trung kỳ thuộc quyền sở hữu của triều đình nhà Nguyễn.

Cho đến đầu năm 1936, Bảo Đại ban đạo dụ số 9 ký ngày 24 – 2, Khâm sứ Trung kỳ Graffeuil duyệt y vào ngày 6 – 3 – 1936, trong đó có 4 điều :

1 – Mọi của cải tìm thấy ở làng Hải Nhuận, tỉnh Thanh Hóa vào tháng 8 – 1934 nhà chức trách thu giữ được là tài sản của triều đình.

2 – Trừ 2 vật mẫu ( 2 nén vàng) trao cho bảo tàng Finot ở Hà Nội và bảo tàng Khải Định ở Huế, những nén vàng bạc nhập vào ngự khố (trésor royal) có trách nhiệm theo giá trị dành cho những việc quy định dưới đây.

3 – Các vật có giá trị lịch sử hay nghệ thuật như các khẩu súng khảm vàng, cán gươm, đạn súng nòng to, tiền, mảnh vỡ bình sứ sẽ trao cho các bảo tàng kể trên.

4 – Theo giá của các nén vàng, nén bạc, ngự khố sẽ trả cho trường Viễn Đông Bác Cổ chi phí đã tiêu trong việc nghiên cứu, trả tất cả mọi phí tổn cần thiết cho việc thu hồi các tài sản đó. Trích 10% giá trị hiện nay của vàng bạc tìm được, ngự khố trả thưởng cho các thần dân của nhà vua đã giao nộp cho nhà chức trách. (26)

Thực hiện dụ của Bảo Đại, Nam triều trích một số tiền cho Thanh hóa sửa chữa nhà thương tỉnh, tôn tạo đền thờ vua Lê ở làng Bổ Vệ (cạnh Cầu Bố) và cho địa phương một số tiền để xây dựng lại chùa Hải Nhuận.

Đối với người phát hiện kho vàng, ông Nguyễn Bá Chưởng đã già, chỉ có người con trai đầu là Nguyễn Bá Phèn mới ngoài 50 tuổi được phong chức “Phó tổng vệ lâm” trông giữ rừng phi lao ( sa mộc) mới trồng ven biển tổng Thủ Chính. Không một đồng nào thưởng hoặc trả lại cho những người mò được và giao nộp vàng.

Thế là ngày vui chóng tàn, tiếp đến là tai họa ập xuống phũ phàng, tàn phá cư dân vùng biển Thủ Phú – Hải Nhuận.

Vẫn còn những cồn cát mấp mô, những vạt phi lao, những bui cây hoang rậm với hoa cỏ dại trầm ngâm trong tiếng rào rào bất tận của sóng biển. Vẫn còn kiếp sống lam lũ, nhọc nhằn để rồi 11 năm sau khi được vàng (1945), nạn đói Ất Dậu lại một phen đày đọa cướp đi 217 sinh mạng già trẻ, lớn bé chiếm 19 % dân số của làng Thủ Phú, xã Quảng Đại.

Cho đến hôm nay, cảnh quan nơi đây đã thay đổi nhiều. Từ Sầm Sơn, theo đừng cái ven núi Trường lệ về phía Nam, sau 15 phút bọn bọn ven biển, ô tô sẽ đưa du khách đến nơi được vàng xưa để nghe chuyện kể với bao điều thú vị. Người viết bài này cũng xin phép được mách bảo nơi đây chính là đất hương Yên Duyên thời Trần (11), từng lập chiến tích chống giặc Nguyên năm 1258 do Toa Đô cầm đầu tràn vào Châu Á. Tấm bia Hưng Phúc rất quen thuộc đối với giới sử học – chứng minh về một làng chiến đấu chống giặc giữ nước cách đây hơn 7 thế kỷ còn đó lặng im và trơ trọi trên nền đất cũ chùa Hưng Phúc thuộc xã Quảng Hùng như nhường cho sóng gió kể chuyện “bãi bể nương dâu”, chuyện hùng tráng bị, bị thương đã diễn ra trên vùng đất ven biển có lịch sử lâu đời này (*)

Hà Nội tháng 2 năm 1996

Chú thích :

(1) Xem Quang Đạm – Nguyễn Bá Mão – Lịch sử huyện Nam Đàn. Hà Nội – 1991.

(2), (3) Theo báo Đông Pháp, số ra ngày 7 – 9 – 1934

(4) Theo ông Nguyễn Danh Tiêu người làng Nghiêm, xã Quảng Đại, là nhà nho, có học Pháp Việt, năm 1934 – 35 từng dạy học chữ nho ở làng Thủ Phú kể lại. Ông mất năm 1956 thọ 61 tuổi. Câu chuyện hiện nay vẫn còn truyền nhưng chỉ kể là quan huyện chung chung, người ta không nhớ cụ thể là quan huyện nào.

(5). Tập san của Hội tương tế giáo dục Bắc Kỳ, số 4, tháng 11-12/1934.

(6) Báo Đông Pháp Cổ số ra ngày 9/9/1934.

(7) Vĩnh Thịnh là niên hiệu của vua Lê Dụ Tông từ năm 1705 đến 1719.

(8) Tạp chí La Volonte indochinoise (Ý chí Đông Dương) số ra ngày 15/12/1934.

(9) Tạp chí La Volonte indochinoise đã dẫn.

(10) Bulletin administratif de l’ Annam số 6, ngày 25/4/1936.

(11) Hương là một đơn vị hành chính thời Trần, tương đương với Tổng sau này. Các xã Quảng Hùng, Quảng Đại, Quảng Hải, Quảng Giao vốn là một xã lớn, trước tháng cách mạng tháng 8 đều thuộc tổng Thủ Chính – đầu thế kỷ XX là tổng Thủ Hộ.

(*) Bài viết có sự cộng tác về tư liệu của đồng chí Hoàng Lượng (Viện sử học). Xin chân thành cảm ơn – NDP.

Dựa vào hai văn bản. Một bản do anh Phạm Văn Kính (viện Sử học) sưu tầm từ năm 1971, một bản do ông Đới Sĩ Sinh, xã Quảng Hải sưu tầm được cung cấp. Bài vè tương truyền do Cố Cành (đã mất) người làng Thủ Phú sáng tác, khá dài nhưng cả hai bản chỉ mới có được phần đầu gồm 50 câu kể chuyện xảy ra khi chưa có sự can thiệp của nhà đương cục. Câu đầu còn có dị bản : Nhớ năm Giáp Tuất, nguyệt rằm… »

Viện Hán Nôm – Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX, nxb khoa học xã hội 1981 tr 117

Tức ông Chưởng, dùng tên con để gọi

Bài vè. Sinh Kho là tên người con trai ông Chưởng, em Phèn

« Tiến » là tên người con rể, Cự Nham là tên làng nay thuộc xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương – Thanh Hóa.

Cảnh hưng. Niên hiệu thời vua Lê Hiển Tông từ năm 1740 đến 1786.

báo Tiếng Dân số 725 ra ngày 12 – 9 – 1934

Một vác gồm 5 quan tiền đồng, mỗi quan là 600 đồng. Cũng tiền này, 100 đồng gọi là 1 quan tiền kẽm.

(11)báo Đông Pháp ngày 6 – 9 – 1934

(13) (14) (15)báo Đông Pháp các ngày 9,11,12,23 – 9 – 1934

Ngọ báo số 2133 ngày 14 – 10 – 1934

Quang Đạm, Nguyễn Bá Mão ‘ Lịch sử huyện Nam Đàn ‘

(19)báo Đông Pháp ngày 18 – 9 – 1934

(20)Theo ông Nguyễn Danh Tiêu người làng Nghiêm xã Quảng Đại là nhà Nho có học Pháp – Việt, năm 1934 – 35 từng dạy chữ Nho ở làng Thủ Phú kể lại. Ông mất năm 1956, thọ 61 tuổi. Trong chuyện chỉ kể quan huyện chung chung mà không nói cụ thể.

(21) Tập san Hội tương tế giáo dục Bắc Kỳ, số 4 tháng 11 – 12 – 1934

(22) Báo Đông Pháp ngày 9 – 9 – 1934

(23) Vĩnh Thịnh là niên hiệu của vua Lê Dụ Tông từ năm 1705 đến 1719

(24) (25) Tạp chí La Volonte Indochinoise ngày 15 – 12 – 1934

(26) Bulletin administratif de l ‘ Annam số 6 ngày 25 – 4 – 1936

(27)Hương là một đơn vị hành chính thời Trần, tương đương với Tổng sau này. Các xã Quảng Hùng, Quảng Đại, Quảng Hải, Quảng giao vốn là một xã lớn, trước tháng 8 – 1945 đều thuộc tổng Thủ Chính. Đầu thế kỷ XX là tổng Thủ Hộ.

Nguyễn Danh Phiệt

Bài viết có sự cộng tác về tư liệu của ông Hoàng Lượng (Viện sử học)

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenConvert.NET
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK
Chương trước
Chương trước
Chương sau
Chương sau
Về đầu trang
Về đầu trang