Hoàng Phi trốn sang Kinh Bắc từ khoảng thượng tuần tháng giêng năm Kỷ Dậu, mãi đến hạ tuần tháng ba, nàng mới gặp Nguyễn Anh Tề. Trong khoản đó, công tử về Thanh Hoá và đi khắp các sa môn ở hai trấn Lạng Sơn, Kinh Bắc, mãi sau cùng chàng mới gặp lệnh bà.
Bao nhiêu cố thần nhà Lê, tức tối về nỗi thay quyền chính, rủ nhau họp thành bè đảng, toan sự khôi phục; họ cố lùng kiếm cho ra Hoàng phi, song bà hết sức lẩn tránh không muốn ra mặt. Chỉ một mình Anh Tề là có duyên được thấy bà trong một buổi ngẫu nhĩ; trước kia khi theo cha ra Thăng Long, trong lúc dự đám cưới công chúa Ngọc Hân lấy Uy quốc công Nguyễn Huệ, công tử có nhận được mặt Hoàng Phi, thuở ấy còn là vợ Hoàng tôn Duy Kỳ. Vể đẹp phúc hậu và hiền thục của Hoàng phi, nhất là cái mồm nàng cười rất có duyên, đã để một kỷ niệm xâu xa trong tâm hồn công tử, bởi lẽ nét khuynh thành của vợ Hoàng tôn, từng chút một, giống như tạc nhan sắc của Anh Trinh, An Trinh người thiếu phụ chàng thờ trong linh đài như thờ một nữ thần tuyệt đẳng.
Lầy này, gặp Hoàng phi dẫu bà gầy đi, yếu đi, xanh xao tiều tụy đi. Anh Tề cũng nhận được ngay tức khắc: những kỷ niệm giấu trong đáy óc chàng đã giúp chàng có mộ thứ trực giác vững vàng, tìm được Hoàng phi trong một ni cô nâu sồng: điềm đạm.
Phụ phục trước mặt người đàn bà thứ hai mà chàng sùng kình, nhưng sùng kính một cách tối cao thượng thiêng liêng – Anh Tề vừa khóc vừa đập đầu xuống đất:
- Tâu lệnh bà, kẻ hạ thần tìm Lệnh bà đã mấy tháng trời này; mãi bây giờ mới được chiêm ngưỡng tôn nhan trong am sâu thanh vắng này! Hạ thần vốn dòng dõi cựu thần nhà Lê, sống chết vẫn thờ nhà Lê, dẫu bị gan óc lầy đất cũng không hối hận. Thần là con trưởng Bằng quận công Nguyễn Hữu Chỉnh; Cha thần thủa bình sinh chịu ơn nặng của tiên triều, của Hoàng thượng, nhưng không may giữa đời bị hại, chưa báo đáp non sông nhà Lê được một chút nào. Thần sinh sau đẻ muộn, song cũng cố noi theo ý chí tổ tiên, đêm ngày lo sự khôi phục cho xã tắc. Vả chẳng, quân Tây Sơn giết mất cha và em thần, thù ấy bất cộng đới thiên, lẽ nào thần nỡ khoanh tay ngồi mà không báo?
“Nay thân bốn bể không nhà, tang hồ một túi, thực không còn có sự gì bó buộc nữa. Mục đích của thần là đi tìm Lệnh bà, ngỏ cho Lệnh bà biết việc cơ mật để Lệnh bà an lòng chờ đợi, rồi thần sẽ ra đi, đi tìm Thánh thương, giúp Ngài lấy lại sơn hà!”
Hoàng phi nghe nói nửa mừng nửa sợ, không hiểu Nguyễn Anh Tề có thực bụng trung nghĩa hay chỉ là một tay thám tử của tân triều. Cố hết sức trấn tỉnh tâm thần, nàng mời khách vào phương trượng. Trong khi đàm luận, Hoàng phi trong cử chỉ và dung mạo của Anh Tề, biết chàng không phải là người gian giảo phản trắc, cũng cứ thực tình giải tỏ cho chàng biết những nỗi đoạn trường cơ cực, bấy lâu nay đèn nén trên mái đầu còn non nớt của nàng.
Thế rồi, từ giã Hoàng phi, Nguyễn Anh Tề phấn khởi ra đi, sau khi thề với nàng sẽ lấy thân thế và sinh mệnh giúp nhà Lê khôi phục.
Trong chốn am sâu thẻ lạnh, Hoàng phi ra sức đợi chờ. Năm lại nối năm, những ngày buồn vắng hờ hững lướt qua không đem lại cho nàng một tin tức gì vui vẻ. Vua Chiêu Thống còn hay đã mất, nàng mịt mù chẳng biết tăm hơi. Bạn với nỗi u ẩn trong lòng, với cảnh tiêu điều ám đạm, nàng chỉ còn biết vùi sự đau đớn âm thầm trong làn khói xanh nghi ngút, trong sự thanh kiết nâu sồng, trong mấy pho kinh Ðịa tạng mà, ngày đêm chăm chỉ, nàng vừa gõ mõ vừa dốc lòng tụng niệm rì rầm.
Bao nhiêu kỷ niệm rực rỡ của thời xưa, bao nhiêu nông nỗi khó khăn vừa mới trải, dần dần, như bị thôi miên bởi giọng ê a ru ngủ, trôi vào gầm tối vắng ơ hờ. Quên sự phú quí quên đời ngọt bùi, quên mùi lượt là đài các, Hoàng phi có đủ gan quên hẳn, quên cả, chẳng thèm tiếc nhớ đoái hoài. Nhưng mà... nhưng mà... tình mẫu tử, nghĩa phu thê, cái đau đớn của một thiếu phụ xa con xa chồng, nó lắm lúc, giữa bể lòng phẳng lặng, rào rạt lên như làn sóng cuộng, rồi nhô cao, nhô mãi, phi bọt tứ tung trắng xoá, gây thành một trận phong ba. Trận phong ba ấy, nếu linh hồn Hoàng phi chỉ hơi bị sự gì xúc cảm, là một lần lại bồng bột lên, làm náo laọn hẳn tâm nàng. Thương con, nhớ chồng, những tình cảm thiêng liêng của một cô phụ thất thế lỡ duyên, nước Cam lồ, dẫu đầm ấm đến đâu, cũng khó nỗi rửa tiêu đi được.
Bởi thế, dù lắm lúc Hoàng phi cố hết sức trấn tĩnh tâm thần để tụng kinh niệm Phật, nàng vẫn thấy nhoi nhói trong linh hồn, như bào xé, như cắn rứt, những nỗi niềm cay đắng gây ra bởi cuộc phân ly. Sự chờ đợi của nàng, tưỏng đâu nó sẽ có kết quả mỹ miều mãn nguyện; có ai hay nó cũng mất đi với đống tro tàn của tấm hy vọng hảo huyền như mộng tưởng, nó bỗng hoá ra vô dụng, như đã vô dụng, những ngày áo não đợi chờ...
Thế rồi... thế rồi, một buổi sáng mùa đông năm Quí Sửu (1793), một câu chuyện của Nguyễn Anh Tề kể lại, nó đã khoảnh khắc diệt hết những nguyện ước đầm ấm ấp ủ khối lòng lạnh lẽo của Hoàng phi, nó đã làm tiêu tán hết bao nhiêu nỗi thương đau, bao nhiêu nguồn nhục nhã, bao nhiêu cơn sầu thảm, từ trước đếnnay, nàng vẫn kiên tâm hoài bão. Giờ đây, nàng chỉ còn biết cúi đầu trước số mệnh, sống nốt quãng đời thừa, sống nhẫn nại, sống âm thầm, sống hiu quạnh như một ni cô đắc đạo. Xác nàng tuy còn chứa một đôi chút sinh khi khiến nàng góp mặt với trần ai, nhưng hồn nàng đã chết rồi, tâm nàng đã héo rồi, nàng có sống cũng như thác vậy.
Không còn một hy vọng gì hồi lại được ngọn lửa trong lòng nàng đã vùi tắt ngấm; không còn một khoái lạc gì trên đời xúc động được xác thịt nàng đã cằn, con tâm nàng đã cỗi; không còn một thị dục gì nhóm lại những tia sáng trong mắt nàng ngày nay như say sưa đắm đuối trong bầu mộng tưởng; không còn một cộng cuộc gì làm nở lại nụ cười xinh đẹp trên đôi môi nàng xưa kia thắm đỏ, mà giờ đây nhợt nhạt, tím bầm...
Chỉ bởi vì... Sáng hôm đó, đương buổi trước Phật đài, Hoàng phi rù rì khấn khứa, nàng thình lình thấy một bóng người từ từ tiến đến, bóng một người đàn ông vạm vỡ, đeo một lưỡi gươm trường vắt vẻo bên hông. Người đó là Nguyễn Anh Tề.
Thấm thoát năm năm cách biết, chàng nhìn nàng thấy nàng hình dung tiều tụy; mà nàng trông chàng cũng thấy chàng già xấu xí đi nhiều. Nét mặt trước kia khôi ngô rắn rỏi, đôi mắt buổi thiếu thời sáng ngời và linh lợi, chỉ trong một quãng biệt ly ngắn ngủi, đã bị cuộc phong trần làm cho cằn cỗi ám mờ. Ðôi mắt mất hẳn tinh anh cũng như nét mặt kém vẻ khôi ngô trắng trẻo: những nét dăn, - kỷ niệm bao cuộc đau thương thấm thía, - hoành hành trên làn da đen xạm như đồng.
Sau khi vào nhà phương trượng, mới thoạt đặt lưng ngồi xuống, chưa kịp nhấp giọng bằng vài giọt nước hồng mai, Anh Tề đã lệ rỏ đầm đìa, nức nở trước khi kể chuyện, khiến Hoàng phi chợt thấy vẻ thương tâm của tráng sĩ, đã đoán ngay lời chàng sắp nói, tất chỉ là những tin dữ dội, thảm buồn. Nàng cũng oà lên khóc.
Hồi lâu, thấy khối lòng hơi khuây khoả nhẹ nhàng, chừng như đã trút được ít nhiều đau khổ trong nguồn nước mắt trào ra, Anh Tề mới lấy vạt áo lau mặt, nhìn Hoàng phi một cách âu sầu:
- Lệnh bà đừng than khóc làm chi nữa cho mình vàng thêm mỏi mệt! Hạ thần đã định tâm gắng hết sức bình sinh giữ lòng bình tĩnh, ngõ hầu an ủi Lệnh bà. Nhưng thần ngày nay khí thế đã kiệt rồi, hy vọng đã tuyệt rồi, thần chịu ngậm miệng nhai nuốt quá nhiều đau đớn, hoá nên không kiên gan được nữa, không cầm được giọt lệ nữa! Lệnh bà chắc đã đoán rõ những chuyện thần sắp thuật ra toàn là những tin xé ruột, toàn là những trang của một pho lệ sử thảm thương. Phải, thần chịu nỗi cay đắng đem lại cho Lệnh bà một mối hận ngàn thu không sự gì giải được. Thần là kẻ thông tin của Thảm khốc, người sứ giả của Ðoạn trường. Thần là một con xú quỉ, nhưng cũng là một vị phúc tinh. Thần đến đây để báo cho Lệnh bà những đại tang mà oan nghiệt gieo lên đầu chầu, mà cũng đến đây để làm cho mối thương tâm của chầu bớt đi một phần thiết tha sâu sắc.
Tâu Lệnh bà Thánh thương ngày nay đã là người thiên cổ, Ngài xuống suối vàng tìm Thái tử đã hơn một tháng nay rồi! Chỉ còn một mình Thái hậu ở lại bên Tàu, để ngày đêm thương khóc cháu và con, như Lệnh bà khóc chồng và con vậy...”
Anh Tề nói đến đây, chưa dứt câu, Hoàng phi đã kêu rú lên, vật mình xuống đất, khóc ngất đi một lúc. Anh Tề và con nữ tỳ hết sức lay gọi, phun nước vào mặt, bấy giờ nàng mới tỉnh, những tĩnh rồi càng rên rỉ khóc than. Anh Tề thấy cảnh động lòng cũng phải sụt sùi thổn thức. Song chàng vội trấn tĩnh, uống cạn mấy chén nước hồng mai, rồi nói:
- Bây giờ Lệnh bà có quá sầu muộn, sự cũng đã rồi, chỉ tổ làm cho ngọc thể đã yếu còn suy nhược dần dần đi mãi. Lệnh bà mới chỉ nghe nói đức vua đã băng hà, Thái tử đã thất lộc, nhưng Lệnh bà chưa biết rõ những cớ sự, những nông nỗi, đã xảy ra trước cái chết của hai ngài.
Lệnh bà cũng nên lắng tai nghe thần kể rõ nguồn cơn; như thế, dù không theo Hoàng gia sang đến nước người, chầu cũng tựa hổ được gần cạnh Hoàng thượng và Ðông cung trong khoảng cách xa nhau vậy.
Lệnh bà chắc hẳn còn nhớ hôm thần qua đây tìm chầu lần thứ nhất. Chiều hôm ấy, sau khi ra khỏi Tam thanh này, thần cứ thẳng đường, đi không nghỉ, đến cửa Nam quan. Rồi, nhân một buổi tối trời, thầnnai nịch chỉnh tề, vượt qua ải đi sang Long Châu.
Sang đến nơi, nghe nói Thánh thượng cùng quan Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị đã về Nam Ninh, thần cũng theo sang ở đó. Chưa được bao lâu, Tôn Sĩ Nghị phải gọi về triều, Phúc Khang An đến thay làm Tổng đốc Lưỡng Quảng. Nguyên vua Càn Long nghe tin Nghị đại bại trốn về, bèn thịnh nộ giáng chỉ bắt Nghị về kinh đô trị tội. Phúc Khang An là người Mãn Châu, thuộc về dinh Hoàng Kỳ, vốn được vua nhà Thanh tin dùng, nên cho ra thay Sĩ Nghĩ. An ra đến Quảng Tây, nghe tiếng quân An Nam mạnh thế lắm, trong bụng đã sợ, có ý muốn hoà, cho khỏi bị thất thố như quan Tổng đốc cũ. Ðương khi băn khoăn, may làm sao vua tôi nhà Tây Sơn tỉnh ý, từ trước đã sai Ngô Thời Nhiệm thảo quốc thư đưa sang Tàu tạ tội, xin giảng hoà và đem giao trả những quân bắt được trong khi giao chiến. Bên này thì Phúc Khang An cũng muốn tránh việc binh lửa, sai đưa quân thư sang An Nam nói việc lợi hại và khuyên Quang Trung dâng biểu tạ tội cho yên hẳn sự can qua. Nhận được thư vua Tây Sơn phái ngay người đem vàng bạc sang đút lót cho Khang An và sai cháu là Quang Hiển cùng quan là Vũ Huy Tấn tải đồ cống phẩm sang Yên Kinh vào chầu kiến vua Càn Long để xin thụ phong.
Phúc Khang An, được ăn lễ, mượn tay trong là Hoà Thân giúp đỡ. Hoà Thân cũng là người Mãn, trước kia cùng coi việc phiêu viễn với Khang An trong dinh Hoàng Kỳ, rất có thế lực. Nguyễn Quang Hiển sang Yên Kinh, trước hết vào hầu Hoà Thân, dâng vàng bạc châu báu và trình thư của Nguyễn Huệ cầu khẩn giúp đỡ. Bởi thế, mặt ngoài nhờ Khang An đạt biểu nói hộ, mặt trong thì có Hoà Thân dùng lời tâu khéo, điều gì cũng hợp ý vua, nên Càn Long sai sứ sang phong cho Huệ làm An Nam quốc vương, lại giáng chỉ đòi Quốc vương vào chầu.
Cách đó mấy tháng sau, thiên hạ thấy một đoàn xa mã vào Yên Kinh: Bón quan văn võ Ngô Văn Sở, Ðặng Văn Chân, Phan Huy Ích, và Võ Huy Tấn phò vua An Nam vào chầu Thanh Hoàng đế. Ngoài những phẩm vật đem cống tiến như sừng tê, ngà voi, bạc vàng châu báu vân vân, còn có thêm một đôi tượng đực. Trong khi hành trình, vua tôi An Nam nhiều phen nghỉ trong quán dịch, những cung, trạm ở dọc đường phải phục dịch cung đốn rất là vất vả. Khi tới địa phận Quảng Tây, quan Tổng đốc Lưỡng Quảng Phúc Khan An và quan Tuần Phủ Quảng Tây là Tôn Vĩnh Thanh phải thân đưa Quốc vương vào chầu.
Ròng rã mấy tháng trời, đoàn xa mã tới Yên Kinh; Vua Càn Long cho vời An Nam quốc vương và các quan theo hầu vào Nhiệt Hà, lại cho Quốc vương lên tận bệ rồng làm lễ “bão tất” (ôm gối), như tìnhc thiên hạcon vậy. Xong, Thanh hoàng đế ban cho Quốc vương được vào điện ăn yến với các thân vương. Ðến lúc giã từ về nước, vua Tàu lại sai thợ khéo vẽ một bức tranh truyền thần Quốc vương rồi ban cho, ân lễ thực là tối hậu.
Quốc vương An Nam từ đấy được vua nhà Thanh yêu mến, hoá không ai nghĩ đến việc chinh phạt nhà Tây Sơn nữa. Mãi sau này, cách đó non nửa năm, các quan theo hầu Hoàng thượng ta và thần mới được rõ có đoàn cống tiến An Nam sang Tàu, nhưng Quang Trung không sang, sai người Phạm Công trị dung mạo giống mình, trá hình làm Quốc vương sang chầu Thanh Hoàng đế.
Những sự đó xảy ra mấy tháng sau khi Phúc Khang An đem Hoàng thượng và các quan ta về Quế Lâm. Nó lại hết sức giấu giếm những viếc phong vương cho Nguyễn Huệ, hoá nên vua tôi vẫn mịt mờ, không biết một tí gì. - Bấy giờ đi theo Hoàng thượng có Hoàng thúc Lê Công Duy Án, cùng các quan văn võ như bọn Ðinh Nhạ Hành, Ðịnh Lịnh Dận, Trần Huy Lâm, Lê Doãn, Lê Dĩnh, Phan Khải Ðức, Bế Nguyễn Cung, Bế Nguyễn Doãn; cả chín người nối gót Thánh thượng và ra mắt Khang an khi hắn vừa tới nhậm chức. Thằng ác bá ấy trong lòng không muốn giúp nhà Lê nữa, nên ngoài mặt tuy làm ra vẻ hiền hoà mà trong lòng đã bày đặt sẵn mưu kế quỉ quyệt để chia rẽ Chúa thượng ra một nơi, lũ quan tòng vong ra một nẻo. Hắn bèn dùng ngay Ðịnh Nhạ Hành làm Thủ bị Toàn châu, phong Phan Khải Ðức làm Ðô tư Liễu châu, còn thì tùy tiện an trí mỗi người một chỗ, để có Hoàng thúc, các quan Trần Huy Lâm, Lê Doãn, Lê Dĩnh theo chúa thượng vào Quế Lâm mà thôi. Tháng tư năm Kỷ Dậu (1789), vua tôi vào thành Quế Lâm, Phúc Khang An bèn giả vờ an ủi Chúa thượng, nói thác rằng:
- Hiện nay tiết trời đã sang hạ, khí hậu không tốt vì nắng nực lắm, sang đánh phương Nam không tiện e quân sĩ bị nhiều nhiệt chứng mà chết. Ðợi đến mùa mát mẻ, ta sẽ khởi quân. Vậy nhà vua nên bảo bọn thuộc tướng sửa soạn luyện tập trước đi, hễ tới dịp thì phát binh ngay, nhân lúc xuất kỳ bất ý mà tiến sang như nước lũ, hoạ may có cơ toàn thắng được. Song le, nhà vua nên cạo đầu và theo lối ăn mặc nhà Thanh, lúc về nước sẽ không ai nhận được mặt; trong việc hành binh phải hư hư thực thực, biến trá cho bên địch khó lường. Lúc nào lấy lại được giang sơn bấy giờ nhà vua sẽ để tóc ăn mặc lối Nam, tưởng cũng không lấy gì làm muộn vậy!
Thánh thượng không biết Khang An chủ tâm lừa dối, cũng vui lòng giống giả các quan bắt chước Ngài, cạo đầu gióc tóc ăn mặc y phục Mãn Thanh. Nào ngờ Khang An lại nhân thế mà phản trá, nó làm ngay một tờ biểu dâng vua Càn Long, đại khái nói rằng:
- Vua An Nam không có ý viện binh nữa, hiện đã cạo đầu đổi áo, yên tâm ở lại nước Tàu, không về nữa. Vậy xin bãi hẳn việc đánh phương Nam, cho dân sự khỏi nạn binh lửa.
Trong triều có tay trong của bọn nó là Hoà Thân tán thành nói vào, khiến vua nhà Thanh xuống chỉ thôi hẳn sự dùng binh. Nhân đó, cách mấy tháng sau, Nguyễn Huệ lại sai Phạm Công Trị trá hình làm Quốc vương làm lễ ôm gối Càn Long. Càn Long nghe lời Khang An VÀ Hoà Thân, phong vương tước cho Huệ. Thế rồi việc viện binh của Hoàng thượng ta xin, nó bèn bỏ lảng đi. Không những thế, vua nhà Thanh còn tưởng Chúa thượng cùng các quan muốn ở lại bên Tàu nên giáng chỉ cho đòi vua tôi cùng về Yên Kinh để an trí cả một chỗ. Tháng Hai năm Canh Tuất (1790), Thánh thượng và các quan tòng vong lên cả kinh thành nhà Thanh.
Lúc bấy giờ có mấy ông cựu thần triều ta nghe nói vua ở Yên Kinh, bèn theo sang hầu Ngài. Trong bọn đó, có các ông Lê Quýnh, Trịnh Hiến, Phạm Như Tùng, Hoàng Ích Hiểu, Lê Hân, Nguyễn Quốc Ðống, Nguyễn Viết Triệu, Lê Quý Thích, Nguyễn Ðình Miên, Ðàm Thận Xưởng, Lê Văn Trương, Lê Tùng, Lê Thức và ít người nữa.
Phúc Khang An thấy bọn quan mới sang này không ăn mặc theo lối áo Tàu, bèn bắt cả về Quảng Tây rồi ép phải gióc tóc đổi áo như mọi người. Ông Lê Quýnh, không chịu đưọoc sự áp chế vô lý ấy, bảo Khang An rằng:
- Ông cho gọi chúng tôi đến, đã chẳng bàn được điều gì có ích, lại còn dỗ dành chúng tôi cắt tóc thay y phục, thế là nghĩa gì? Tôi nói thật cho ông biết: Ðầu chúng tôi có thể chặt được, chứ tóc không gióc được; da chúng tôi có thể lột được, chứa áo thì không đổi được!
Phúc Khang An giận lắm lắm, nhưng cũng không biết làm thế nào, bèn đem giải cả về Yên Kinh. Ði đến Sơn Ðông, may sao gặp Càn Long đi du ngoạn, thấy lũ quan ta bị trói, cho đòi vào hỏi rằng:
- Vua nhà ngươi đã chịu cạo đầu thay áo theo kiểu nhà Thanh, sao các ngươi còn bướng bỉnh chưa chịu?
Ông Lê Quýnh tâu rằng:
- Chúng tôi muôn dặm tòng vong, xin cứ cho theo tục lệ vào ra mắt Quốc vương, rồi sau sẽ xin lĩnh mệnh.
Vua Càn Long nghe lời nói khẳng khái, lại trông nét mặt rắn rỏi của ông Lê, phải khen ông là bầy tôi trung nghĩa, sai thả cả các quan ra rồi cho đưa vào Yên Kinh yết kiến Thánh thượng. Thánh thượng bấy giờ cũng Thái hậu và Hoàng tử được vua nhà Thanh an trí ở ngõ Hồ Ðồng toà Quốc sử giám cửa Tây Ðịnh, ngoài cửa toà có đề biển: “Tây An Nam dinh”. Còn các quan thì cùng cho ở ngõ Hồ Ðồng Dương phố, cửa Ðông Trực, ngoài cửa có đề chữ: “Ðông An Nam Dinh”.
Bọn ông Lê Quýnh đến ra mắt vua, thấy Ngài đã cạo đầu đổi áo, cũng đều gióc tóc thay y phục cả. Chỉ có ông Lê là nhất định chết thì chết chớ không chịu, bởi thế nên chiếu tội vi mệnh, bị bắt giam mãi mãi.
Thánh thượng đến Yên Kinh được mấy hôm thì có Nhương hoàng Kỳ Ðô Thống là Kim Giản, phụng chỉ Càn Long, ra phong cho Ngài chứa Tả Lĩnh và đưa cho mũ áo Tam phẩm. CÁc quan tòng vong thì mỗi người được một thạch gạo và ba lượng bạc.
Thánh thượng tức uất người lên, song phải nuốt thầm nước mắt chịu thụ phong và nhận áo mão. Kim Giản đi xong, Ngài ôm đầu ngồi khóc, rỏ ra huyết lệ, Ngài giận nỗi bị quân Tàu đánh lừa, bèn cho gọi các quan đến, rồi cùng mấy ông Phạm Như Tùng, Hoàng Ích Hiểu, Lê Quí Thích, Nguyễn Ðinh Miên, Lê Văn Trương, Lê Tùng và Lê Thức uống máu ăn thề nguyện sống chết thế nào cũng dâng biểu xin binh cứu viện. Nếu không cho nữa, thì ít ra cũng cắt cho đất hai tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên, để phụng thờ tôn tự, mà không nữa, thì xin ho về nước, để vào Gia Ðịnh với chúa Nguyễn mưu đồ việc khôi phục cho nhà Lê.
Làm biểu vừa xong, đến nói lót trước với Kim Giản. Nhưng không có lễ vật gì dâng biếu, nên tuy nói hết nước dãi mà nó vẫn không nghe. Thánh thượng cùng các quan, không biết làm thế nào, đều phủ phục xuống đất mà kêu khóc. Kim Giản thấy thế, bất đắc dĩ phải mời cả vào an ủi mà rằng:
- Nhà vua hãy cứ an tâm, cứ về quán dịch nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng quí thể đã; đợi để thương lượng thế nào, sau này tôi sẽ cho biết.
Nó dỗ dành như thế, nhưng ngày hôm sau, nó bàn mưu với Hoà Thân phân trí vua tôi mỗi người đi một chỗ để khỏi bị nghe những lời kêu chúng taoán thán khó chịu. Ðến tháng tư năm Tân Hợi (1791), ông Hoàng Ích Hiểu phải đày sang Tây Vực, ông Lê Hân đi Phụng Thiên, Ông Nguyễn Quốc Ðỗng sang Cát Lâm, các ông Nguyễn Viết Triệu, Lê quí Thích, Nguyễn Ðinh Miên, Ðàm Thận Xưởng, Lê Văn Trương thì bị giải sang bến Trương Gia tỉnh Trực Lệ.
Thế là chung quan mình Chúa thượng không còn ai cả, chỉ có hai ông Phạm Ðình Thiện cùng Ðinh Nha Hành bỏ chức Thủ bị Hoàng Châu theo lên, và vài người hầu cận nữa mà thôi.
Thánh thượng lúc bấy giờ ruột đau như xé, đêm ngày Ngài lo lắng chua xót, khóc lóc kêu vang, ngồi đứng bất an, hình hài chốc lát tiều tụy hẳn đi, trông thương hại quá. Sáng hôm sau, Ngài cưỡi ngựa sang dinh Kim Giản, kêu oan cho lũ bề tôi bị đi đày, gặp ngay Kim Giản vào chầu vua Càn Long ở vườn Viên Minh. Ngài bèn nối gót đi vào cửa vườn, bị lũ lính giữ vườn ngăn cản lại. Lúc đó có tên nội thần là Nguyễn Văn Quyên theo hầu Chúa thượng; Quyên thấy lũ quân canh láo xược, bèn nổi giận đùng đùng, xông lại mắng chửi:
-Lũ chó Ngô kia! Sao chúng mầy dám vô lễ, làm nhục đến vua tao!
Vừa mắng vừa cầm gạch đá ném vào chúng nó. Bọn lính bị chửi cùng xì xồ chửi lại, rồi chúng kéo ùa cả ra xúm lại đánh cho Quyên một trận nhừ tử. về đến nhà, Quyên bị bệnh mà mất.
Từ đó trở đi, Chúa thượng thấy mình bị lừa đảo, đến nỗi hoá ra lực cô thế yếu, trong lòng rầu rĩ buồn bã, song không dám nói đến chuyện xin viện binh nữa, vì biết có nói ra cũng chỉ tổ phí lời. Ngài đành kiên nhẫn sống cùng Thái hậu và Hoàng tử một quãng đời tẻ lạnh. Không hy vọng cũng không khoái lạc; đêm đêm ngài chong đèn ngồi khóc, khóc chán lại đem thơ ra ngâm, giọng ngâm nghe buồnr ầu thảm thiết, có thể cảm động được quỷ thần. Nghe vua than oán bi ai, những kẻ như thần theo hầu Ngài, cũng thấy gan ruột như bào như xé, nhưng còn biế làm thế nào trước sức mạnh vô cùng của số mệnh tàn ác bất lương, và trước cách đối phó giảo quyệt sâu độc của lũ quan Tàu nham hiểm!
Vì Chúa thượng ưu tư quá, càng ngày sức lực Ngài càng đ6am ra suy kiệt. Ðã thế, phúc bất trùng lai, hoạ vô đơn chí, Hoá công cay nghiệt còn đem đến cho Ngài những nỗi đau đớn, thâm thúy bằng hai sự mất nước, lìa ngôi! Ðó là sự Hoàng tử thất lộc. Tháng năm năm Nhâm Tý (1792), có dịch lên đậu ở Yên Kinh, Hoàng tử không may nhuốm bịnh. Chữa chạy mãi đều vô công hiệu: được non một tháng trời, Ðông cuang lìa bỏ cõi đời. Thánh thượng không còn biết mùi gì là ngon ngọt nữa, thú gì là vui vẻ nữa. Ngài chỉ hết than lại khóc, hết khóc lại ngâm, làm cho Thái hậu cũng vật mình kêu khổ. Chả bao lâu sau, khi Ðông cung khuất bóng, vua vì quá lao tâm mà thọ bệnh, mỗi ngày một nặng, nằm lì bì liệt giường chiếu, đến ngày 16 tháng mười năm Quí Sửu (1793). Ngài gọi các người theo hầu trong buổi lưu ly, ứa nước mắt cầm tay cả lũ chúng tôi, hổn hển ngỏ lời cảm tạ và từ biệt, rồi băng hà, không trối trăng lại điều gì cả!
Vua thăng hà mà không có một ngự y nào bên cạnh giường bệnh, không có một người cung phi nào săn sóc trôgn nam, không có một vị đại quan nào đứng túc trực, không có một hồi chiêng hồi khánh nào báo hiệu Ngài về Trời! Thực là một cảnh tối cảm động thương tâm, thương tâm nhất là thấy vua một nước to, chỉ lỡ sa cơ thất thế mà chết khổ như một kẻ thường dân vậy.
Tự cổ chi lai, trong lịch sử chưa bao giờ có ghi chép một việc bi ai dường ấy. Cũng đã có nhiều vị đế vương chết dưới mũi tên hòn đạn, bị hành thích hoặc bất đắc kỳ tử, nhưng chưa ai từng thấy một vị Hoàng đế chết ưu sầu thống thiết thế bao giờ!
Hạ thần cùng mấy kẻ tòng vong đều phục xuống khóc. Còn Thái hậu thì người đau đớn quá, đau đớn đến nổi ngồi thở ra, lặng đi hàng giờ, không nói.
Bọn chúng tôi xúm nhau lại tắm rửa cho Chúa thượng bằng nước ngũ vị hưong, xong lấy áo Long Cổn và mũ miện Hoàng đế cho ngài, rồi khâm liệm ngay, kẻo sợ quan Tàu kiếm chuyện.
Yên đâu đấy, chúng tôi mới sai người báo tin cho Kim Giản, để Giản vào tâu vua nhà Thanh. Càn Long truyền chỉ dùng lễ tước công tống táng cho Chúa thưọong. Chúng tôi tìm được một ngôi đất tốt ở ngoài cửa Ðông Trực, bèn xin cho táng thi hài Thánh thượng ở đó.
Việc ma chay chu tất, chúng tôi bèn thương lượng với nhau, kẻ ở lại hầu Thái hậu, người trốnv ề cố quốc thăm nhà. Trong mấy vị triều thần sang tòng vong, có nhiều vị tuyệt thực hay vẫn cảnh theo vua về chín suối. Dăm ba người lại vì cơ cực mà chết trước, chỉ lác đác còn một đôi ông, thì mỗi ông bị đày đi ở một chốn xa xăm.
* * *
Thưa Lệnh bà, đó là pho bi sử của Chúa thượng nhà ta đó. Trời đã đến lúc không trợ nhà Lê ta nữa, thì có quay cuồng cũng vô ích mà thôi. Hạ thần trước kia, cũng rắp tâm hy sinh cả thân thế và số mệnh cho sự khôi phục, nhưng một phen sang đến tàu, thần biết rằng ý chí của thần chỉ là một mộng tưởng. Bởi lẽ,c hịu ức hiếp dướu quyền lũ quan Tàu tàn ác, Thánh thượng còn khi nào được thấy ngày trở lại nước Nam ta? Nữa là còn mong ở sự giúp binh cứu viện!
Thần nay là một kẻ chí khí đã cạn, gia đình đã nát, hy vọn gđã tuyệt, khôgn còn liên lạc gì với cõi phù thế nữa. Nhưng sở dĩ thần sốn sót đến ngày nay, là vì riêng muốn báo ơn Thánh thượng đến kỳ cùng, muốn được gặp Lệnh bà một lần nữa để báo cho Lệnh bà biết những nông nỗi mà Hoàng gia đã phải trải qua bên khách địa.
Nay mục đích thần đã đạt, thần xin cúi lạy Lệnh bà gìn giữ mình vàng, chóo nên ưu sầu quá độ. Mệnh số đã như vậy, biết làm thế nào? Còn về phận thần, thần xin từ giã Lệnh bà; được giáp mặt Lệnh bà lần này tức là lần trót vậy.
Tâu Lệnh bà, nỗi đau đớn của thần, nếu nó không giống sự mất ngôi mất nước, nó cũng là cho thần từ năm sáu năm này, ăn không biết ngon, mặc không biết đẹp, sống thác không quản, cực nhục không từ, nó đã làm cho thần không biết mùi sinh hoạt là gì nũua, không biết thú sinh tồn là gì nữa! Bây giờ đây, giũ nhẹ được trong lòng những ân oán trước kia chất nặng, thần chỉ còn biết êm vui trong sự theo vua xuống chốn tuyền đài.
Thôi, xin lạy Lệnh bà!”
Câu chuyện nói tới đây, công tử Nguyễn Anh Tề vùng đứng dậy, đi ngay, để một mình Hoàng phi ngồi gục mặt xuống bàn, chả biết nàng mê hay tỉnh. Ra đến ngoài hiên, Anh Tề mới nhận thấy mặt trời gần xế bóng...
Lịch sử chép rằng cách đấy sáu năm, tháng một năm Kỷ Mùi đời vua Gia Khánh. Thái hậu theo vua và Hoàng tử về trời. Lại có chín năm, năm Nhâm Tuất (1802) khi Thế Tổ Cao hoàng nhà Nguyễn đã nhất thống được thiên hạ, quan nhà Lê, nhân dịp có sứ ta sang Tàu cầu phong cho Thế tổ, dâng biểu xin đem di hài Thái Hậu, Cố quân và Hoàng tử về nước. Vua Gia Khánh chuẩn lời cầukhẩn đó, tha cho tất cả các quan tòng vong khi trước được về xứ sở phương Nam.
Khi cải táng phần mộ Cố quân, người ta thấy da thịt đã tiêu tán cả chỉ còn quả tim trơ lại, không nát, vẫn tươi đỏ như thường. Ai trôgn thấy hoặc nghe biết sự đó cũng động lòng thương xót, ái ngại cho tình cảnh một ông vua von quốc phải đày đoạ đến như thế, để lại muôn đời một tấm gương thảm kịch đáng thương. Ai cũng phải oán trách lũ quan Tàu quá tàn nhẫn, có những thói dã man áp chế khiến cái khổ của Chiêu Thống phải kết lại thành khối, đến mấy đời sau cũng chưa siêu thoát đi được.
Ðem di hài Cố quân và Hoàng gia về đến biên giới thì gặp Hoàng phi mặc sô gai ra Nam quan đón rước linh cữu hộ tống về Thăng Long. Về đến Thăng Long trong khi hoàn linh cửu Cố quân lại đó, bà Hoàng phi Nguyễn Thị Kim cũng tuyệt thực mà chết, để lại một tấm gương trinh liệt mà đã cách mấy trăm năm rồi, cũng chửa ám mờ.
Ngày 24 tháng một năm Nhâm Tuất, các quan cơ thần nhà Lê rước ma Cố quân, Thái hậu, Hoàng phi và Hoàng tử về Thánh hoá, đem táng ở lăng Bàn Thạch, thuộc về đất phủ Thọ Xuân. Di hài nội thần Nguyễn Văn Quyên và mấy ông quan tử tiết cũng đều phụ táng ở đó.
Sự nghiệp nhà Lê, từ ngày Thái tổ khởi nghĩa ở Lam Son, cho đến lúc Chiêu Thống bị vong quốc theo Tôn Sĩ Nghị sang Tàu, trước sau gồm tất cả được 360 năm, mở đầu bằng một kỷ nguyên rực rỡ oanh liệt, để kết cục băng một sự nhục nhã bi thảm, biểu hiệu cho sự hưng suy vinh nhục ở đời.
Trong lúc đưa ma Cố quân ở Tàu về, các quan cựu thần nhà Lê có khóc viếng linh cữu bằng một bài thơ bát cú. Thơ rằng:
Nằm gai nếm mật mấy năm thừa!
Nấm cổ đưa về đất xưa,
Bể Bắc, chín lần rồng lẩn sớm,
Non Nam một đỉnh hạc về trưa,
tưởng đâu năm nọ như ngày nọ,
Nghĩ đến bao giờ khóc bấy giờ!
Thua, được, cuộc cờ thôi để đó,
Gội ơn cây cỏ vẫn còn thưa.
Danh Sách Chương:
Bạn đang đọc truyện trên website TruyenConvert.NET
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK