• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Vào khoảng hạ tuần tháng một năm Ðinh Vị (1787). Trên con đường thiên lý chạy từ Lạng Sơn lên Cao Bằng, một đoàn lương dân đi lánh nạn tất tưởi tiến bước, không quản đêm ngày. Ðoàn đó tất cả độ năm chục người, nhưng chỉ có ba người cưõi ngựa, còn bao nhiêu thì đi bộ cả. Họ cũng ăn mặc quần áo vải, song khách bàng quan ngắm nhìn cách họ cử chỉ với nhau, thì tưởng chừng ba người cưỡi ngựa kia là chủ mà lũ đi bộ tức là bọn gia nhân vậy. Ði đầu là một người đàn ông trạc năm mươi tuổi, đầu quấn một vành khăn nhiễu tam giang, mình mặc áo the kép, đội nón dứa, đi văn hài, mẻ mặt ngại ngùng lo lắng. Trên yên ngựa, trước mặt ông ta, một đứa trẻ con độ bốn tuổi, mặt mũi sáng sủa lanh lợi, ngồi dựa lưng vào lòng ông, mồm nhí nhoẻn cười, tựa hồ lấy sự hành trình làm thú vị lắm. Một tay mắc cầm roi, tay nữa lại cầm cương, người đàn ông đó phải lấy một giải lụa dài buộc đứa trẻ con chắc chắn vào mình, cho nó đừng bị ngã trong khi gió ngựa gập nghềnh lên xuống.

Theo sau người đàn ông, đi song song hai con ngựa bé nhỏ, trên ngồi hai người đàn bà. Một người đã ngoài bốn mươi, ăn mặc diểm dắn, người thứ nhì là một thiếu phụ trạc hai mươi tuổi, mà bộ quần áo đen bằng sồi càng làm tăng vẻ đẹp thuỳ mị và nước da trắng nuột như ngà non.

Lục tục nối gót ba người kỵ mã, ấy một bọn hơn bốn mươi người, trai nhiều, gái ít, coi bộ đã mỏi mệt cả, nhọc nhằn lê bước, cố theo cho kịp chủ đoàn.

Họ đi một quãng độ bốn dặm đường thì, may thay một quán trọ rộng rãi đã hiện ra dưới bóng một cây đa um tùm xanh ngắt. Ðộ ấy về mùa đông, gió bấc phả, rét cắt da cắt thịt; mặt mũi và tay chân lũ bộ hành đều thâm tím lại rất đáng thương.

Dừng ngựa cách quán làng độ đam trượng, người đàn ông có đứa trẻ con trong bọc quay đầu lại nói nhỏ với người đàn bà đứng tuổi:

- Xin lệnh bà cho phép xuống đây nghỉ một chốc rồi lại đi, nay đã gần Dồng Khê cũng chả còn bao lâu nữa thì đến Cao Bằng.

Người đàn bà sửa lại tà áo bông và mái tóc hơi lòa xoà dưới vành khăn vuông mỏ quạ, nhìn người đàn ông, một cách buồn rầu:

- Tiên sinh cứ tùy tiện, liệu định thế nào cho phải thì làm, không cần hỏi đến tôi nữa! Nay ruột tôi rối như mớ bòng bong, còn hơi sức đâu nghĩ tới những việc vặt.

Người đàn ông được gọi là tiên sinh, không phải là một lương dân đi lánh nạn, chính là một vi quan đương triều vâng lệnh vua Chiêu Thống đưa hoàng gia lên tạm trú ở Cao Bằng, ông Lê Quýnh. Ðúa bé con ông đùm trong bọc tức là Hoàng tử mà hai người đàn bà cưỡi ngựa kia, người già là Thái Hậu, người trẻ là Hoàng Phi. Trong bọn người đi bộ có ba mươi người tôn thất, còn bao nhiêu đều là nữ tỳ cùng thị vệ theo hầu.

Giữa lúc họ hàng nhà vua, nhọc nhằn, kham khổ, dìu dắt nhau tất tưởi trên đường lánh nạn, thì vua Lê, cùng vài vị trung thần và Bằng trung Công đại tư mã Nguyễn Hữ Chỉnh đương đóng đồn chống cự với quân Tây Sơn tại Mục Sơn, về vùng Yên Thế.

Nguyên từ ngày vua Thái Ðức cùng Uy quốc CôNguyễn NhạcNguyễn Huệ bỏ xứ Bắc trở về Nam, sau khi đã phù Lê diệt Trịnh, thành Thăng Long, tạm yên ổn được vài tháng. Vì trải qua nhiều nạn binh đao, khiến giường mối nhà Lê, chưa được vững vàng, lại rối bét khó lòng gỡ nổi. Nhân dân hưởng thái bình được non hai tháng, lại nhao nhao sợ hải, kẻ chạy trốn, người ở lại, không còn ra thể thống gì cả.

Ðáng lẽ sau khi Nguyễn Huệ đã diệt họ Trịnh để trả quyền bính đất Bắc lại trở về tay vua, Lê Mẫn đế phải lấy cái dịp hiếm có và cái cơ hội may mắn ấy để lập lại nền cai trị. Tiếc thay! Vua quan lúc đó chỉ là một loạt bồ nhìn vô dụng: Chiêu Thống thì trẻ người non dạ, không có tài quyết đoán, mà đình thần thì toàn là lũ giá áo túi cơm, không biết kinh luân chiến lược, con rát như thỏ.

Thái Ðức Hoàng đế vừa đi khỏi chưa đầy hai tháng, chốn Bắc Hà lại hoá ra trường binh lửa điêu tàn. Bây giờ có hai tên dòng dõi nhà Trịnh, một tên Bồng, một tên Lệ, không biết tụ họp ở đâu được dăm ngàn quân mã, đem binh về Thăng Long đánh nhau để tranh cướp quyền hành. Các quan nghe có giạc tới nơi, lại như lúc còn đời Cảnh Hưng Hoàng đế, chưa đánh đã vung cẳng chạy trốn cả, bỏ một mình vua cùng dăm tên nội thị ở lại chốn triều đường.

Ngoài thành, chả bao lâu, Trịnh Bồng phá tan quân Trịnh Lệ, rồi vào đền VẠn Thọ yết kiến vua. Chiêu Thống bèn giáng chỉ cho gọi các quan trở về; thầy giặc đã yên, họ lại ló đầu ra cả. Rồi giữa đình Kính Thiên, họ cãi nhau như mỏ quạ, kẻ bàn ra, người bàn vào, kẻ muốn gây lại nghiệp Chúa, người quả quyết chỉ tôn phù nhà Lê. Bấy giờ có Dương Trọng Tế, vốn chân khoa bảng đương làm quan trong triều, về hùa với Trịnh Bồng, hết sức giúp cho Bồng được cầm quyền chính.

Vua Chiêu Thống lúng túng, không biết nghe bên nào là phải, nhung vì tình thế bó buộc, lại nể lời khẩn cầu của Dương Trọng Tế cũng dằn lòng phong Trịnh Bồng là An Ðô Vương, sai dựng Liêu phủ mới cho y ở.

Bồng nhờ ơn Trọng Tế có công thủ xướng cho Tế dự vào giữ quyền chính trong phủ. An đô vương khi đã đắc lực rồi, vội lên mặt ngay, toan bề hiếp vua như các ông cha thủa trước. Lại được tay quân sư họ Dương hết sức siểm nịnh, bàn với Trịnh Bồng phế vua đi để tự lập, rồi sai người Nguyễn Mâu Nễ đem quân vây thành bắt Chiêu Thống để giết đi. Ðời sau chép việc ấy, pho “Nam Sử diễn chúng ta" phê rằng:

Trách thay Trọng Tế họ Dương,

Cũng trong khao bảng cũng phường đai cân.

Sao không biết nghĩa quân thần,

Bày mưu phế lập, sắp quân vây thành.

Non sông còn mặt triều đình,

Bạc đen xem thấy nhân tình mà ghê!

Khi Mẫu Nễ đem quân đến vây bắt vua, may sao có lão tưóong Hoàng Phùng Cơ, tức quận Thạc, ở trong thành phò Lê Mẫn Ðế. Quận Thạc sợ mang tiếng xấu, sai thủ hạ trèo lên thành mắng đuổi lũ nghịch tặc, khiến chúng phải hổ thẹn kéo lui; xong đâu đấy mới vào tâu vua rõ và xin vua quyết định về việc ấy.

Chiêu Thống nghe tâu vừa giận vừa sợ, lại thấy cơ nghiệp lung lay sắp đổ, nghĩ ngay đến Nguyễn Hữu Chỉnh là người trung nghĩa, cho kẻ tâm phúc đem mật chỉ vào Nghệ An mời Chỉnh ra giữ vững Sơn Hà. Hữu Chỉnh, sau khi xuống thuyền chạy tất tưởi theo vua Thái Ðức, bị nạn phong ba trôi tạt vào bờ. Ðổ bộ đi đến Nghệ An, thì vừa gặp đại binh của Tây Sơn nghỉ chân ở đó. Vua Thái Ðức rỏ lòng Chỉnh trung trực, lại thấy y cố ý theo nhà Tây Sơn cho đến cùng, bèn thương tình không nỡ lìa bỏ y như trước, cho phép ở lại giữ đất Nghệ An cùng quan trấn thủ Nguyễn Tuệ. Chỉnh bèn đóng đồn trại ở đó cùng con thứ là Nguyễn Anh Du, đêm ngày hết lòng mong tin tức của trưởng tử là Nguyễn Anh Tề, nhưng càng mong càng phải đành yên trí rằng Anh Tề đã bị bão chết rồi, không nghĩ đến chàng nữa...

Ở Nghệ An, Chỉnh chiêu mộ dũng sĩ, mãi mã tụ binh, rèn luyện khí giới, sáng chiều tập trận. Chẳng bao lâu, binh bản bộ có hơn một vạn, có đi đánh chốn nào cũng dư lực, không còn e ngại điều gì. Khi nhận được mật chiếu của vua, Chỉnh bèn thảo một bài hịch truyền đi trước, và cho bắt quân, tức khắc được đến hơn muôn, rồi chia ra làm đội tứ thành, đội tứ đột. Chỉnh thân xuất quân mã ra Thăng Long đi đến Hoa Lâm, gặp quan trấn thủ cũ là Bùi Ðình Toại, đánh cho Toại một trận ráo riết khiến Toại phải thua liểng xiển bỏ chạy. Qua Thanh Hoá, lại phá tan lũ tướng sĩ trong trấn ấy, chém chết quan trấn tướng là Trung Nghĩa Hầu. Chả mấy ngày đại đội binh mã đã kéo đến Dản Khâu (về hạt Ninh Bình). An Ðô vương sai Dương Trọng Tế đem binh chống lại. Chỉnh dàn quân đánh Trọng Tế phải trốn về Bắc Ninh. Trịnh Bồng thế yếu sức cô, cũng phải chạy sang Gia Lâm nấp trong nhà Trọng Tế, rồi thu vét của cải, nửa đêm trốn tuột vào rừng.

Chỉnh đuổi xong Trịnh Bồng, hiên ngang lẫm liệt kéo quân vào thành Thăng Long; Vua Chiêu Thống thân ngự ra bến Tây Long duyệt binh, phong cho Nguyễn Hữu Chỉnh làm đại tư đồ, thụ tước Bằng trung công; con là Nguyễn Anh Du cũng được phong làm Thành Ðình hầu. chỉnh bèn lấy phủ Chúa làm dinh cơ, đóng quân lại Bắc thành để gìn giữ nhà Lê khỏi bị những cơn tai biến.

Từ đó, Trịnh Bồng cũng một vài phen toán dấy binh khôi phục lại oai quyền đã mất, nhưng hắn đánh trận nào thì trận ấy bị thua xơ xác, không còn manh giáp trên vai. Bao nhiêu công trình của hắn thành ra vô ;dụng cả. Buồn bã, chán nản, hắn bỏ hẳn việc cạnh tranh khó nhọc, cạo đầu vào núi đi tu. Họ Trịnh, đến đời Trịnh Bồng, là dứt hẳn.

Chỉnh từ thủa xưa, vốn đã có danh tiếng ở Bắc Hà; nay lại được vua yêu, cho hưởng quyền cao tước cả, tiếng tăm lại càng lừng lẫy thêm lên mà tân khách lại càng đến đông hơn buổi trước. Chỉnh thấy mình được phú quí, cho là thời vận đã đến, có ý ỷ mình tài hoa lỗi lạc, rồi ngạo nghễ tự đắc, coi thiên hạ bằng nửa con mắt, làm lắm điều càn dỡ, đến vua Lê cũng phải lấy làm phiền, đem bụng ghét, mà nhân dân đều có ý ngờ.

Chỉnh thấy mình đường đường ngôi cao tước cả, lấy làm sung sương lắm cho dán trước cửa một hai câu đối, để cho thiên hạ biết mà thần phục và kinh sợ mình. Ðối rằng:

Mở khép càn khôn, có ra tay mới biết;

Ra vào tướng tướng, thử liếc mắt mà coi.

Chỉnh có ý muốn nói mình đã đạt được chí anh hùng, vì đã ra tay giẹp tan dư đảng Trịnh, nhất đán ngồi hàng tướng tướng làm gương cho thiên hạ trông vào.

Câu hát của thần nữ xưa kia mãi đến bây giờ mới nghiệm. Thế lực và những sự hành vi trái phép của Chỉnh đồn mãi đến tai Nguyễn Huệ trong Nam. Huệ lúc ấy được phong làm Bắc bình vương, nghe nói Chỉnh đắc thời có ý phản lại nhà Tây Sơn bèn cho người đem ra cho Chỉnh một bài thơ tứ tuyệt:

Ai ra ngoài Bắc nhắn Chim Bằng ( )

Lông cánh bao nhiêu dám vẫy vùng?

Lộng lộng lưới trời sao thoát đặng.

Rồi xem ta bắt bỏ vô lồng!

(Chỉnh xưa kia được gọi là “Chim dữ”, sau này lại thụ tước “Bằng quận công”, vì thế nên Nguyễn Huệ gọi Chỉnh là “Chim Bằng”.)

Huệ một mặt nhắn trước cho Chỉnh biết, một mặt sai Phò mã Võ Văn Nhậm làm Tiết chế, đem một vạn tinh binh ra Bắc Hà bắt Chỉnh.

Quân thủy bộ do Võ Văn Nhậm đốc xuất không kỳ ngày đêm kéo tuột ra phương Bắc; khi qua Thanh Hoa, đến thành Phố Sơn, gặp binh mã của quan Trấn thủ là Nguyễn Duật, Duật không dám chống cự, lui quân xuống giữ mặt Trinh Giang, để mặc cho Võ Văn Nhậm thẳng ruỗi ra đến hạt Ninh Bình.

Nguyễn Hữu Chỉnh nghe rục rịch có quân Tây Sơn ra Bắc, bèn cho con là Thành đình hầu Nguyễn Anh Du coi tiền đội đi trước, dàn quân trên Bắc ngạn sông Thanh Quyết để ngăn quân Tây Sơn tiến lên. Chỉnh thì tự đốc hai vạn tinh binh giữ mặt bộ. Võ Văn Nhậm sai quân thủy, vốn có tài lặn lội, nửa đêm bơi ngầm dưới nước, lấy thừng chão buộc vào mũi thuyền của quân Nguyễn Anh Du. Rồi nhân lúc trời tối đen như mực, quân Tây Sơn nổi hiệu, ra cầm đầu dây kéo mãi, bao nhiêu thuyền Bắc Ngạn đều trôi về Nam Ngạn cả. Lúc bấy giờ chúng mới nổi hiệu súng bắn về phương Bắc; quân bộ của Nguyễn Hữu Chỉnh vội vàng bắn lại, ai ngờ lại bắn phải quân thủy của Nguyễn Anh Du, vì quân Tây Sơn, sau khi kéo thuyền về mé Nam, bỏ lên bờ lẩn tránh cả.

Thủy binh của Anh Du bị bắn, cũng nhằm phía có tia lửa bắn lại, bắn mãi đến gần sáng, chết mất quá nửa bây giờ mới nhận ra rằng quân cha bắn lẫn quân con.

Anh Du sợ hãi bỏ thuyền lên bộ tìm kế thoát thân; các thủy binh cũng hoảng hốt nhảy xuống sông bỏ chạy, thành ra không mất chút công đánh phá nào, quân Tây Sơn chiếm cả được các thuyền bè. Về phần quân bộ của Hữu Chỉnh đóng ở Bắc ngạn, thì một số đông bị đán chủa thủy quân bắn chết, còn bao nhiêu đều chạy tản lạc, Chỉnh hãm cũng không nổi, phải đành thua trận, lui tàn binh về đóng ở Châu Cầu.

Quân xứ Bắc từ buổi nào đến giờ vẫn toàn là một lũ ô hợp và lười biếng, đã rúc rác còn khoác lác, chỉ dùng làm quân để đi trong đám rước thì đẹp, nhưng không thể đem ra chiến trường. Một vạn dũng sĩ ở Nghệ An đưa ra, quá nửa đã chết hoặc bị thương khi đánh nhau cùng họ Trịnh, còn bao nhiêu trộn lộn với quân xứ Bắc cùng tập tính quen sự lười biếng đi rồi.

Khi Nguyễn Hữu Chỉnh lui về Châu Cầu, Võ Văn Nhậm thúc quân ráo riết đuổi theo, hai đội binh Nam, Bắc lại xung đột một lần hăng hái nữa. Song le, quân Nghệ đánh không hết sức mà quân Bắc thì e sợ quân Tây Sơn đã từ lâu rồi, vì lần nào cũng bị quân Tây Sơn đánh cho đại bại. Cái sợ ấy in sâu trong trí họ, hoá nên chưa lo đánh đã lo lùi. Trận Châu Cầu lại phải để cho Võ Văn Nhậm thắng thế.

Hữu Chỉnh thua luôn hai trận, núng thế quá, phải bỏ thành Thăng Long cho quân địch, phò xa giá vua Chiêu Thống sang Kinh Bắc. Họ hàng nhà vua thì do ông Lê Quýnh đưa lên tị nạn ở Cao Bằng.

Vua tôi Hữu Chỉnh, sang đến Kinh Bắc, quan Trấn thủ tỉnh ấy là Nguyễn Cảnh Thước làm phản đóng cửa thành không cho vua vào. Vua và Chỉnh phải thúc ngựa chạy lên Yên Thế; Khi đi đến bờ sông Nguyệt Ðức, trong khi chưa có thuyền chở sang đò, Chiêu Thống và mấy kẻ theo hầu lại bị đầy tớ Nguyễn Cảnh Thước đón đường cướp bắt. Túng thế, Lê hoàng phải cởi cả áo ngự bào mặc đồ thường phục, mới thoát được nạn, cùng cha con Hữu Chỉnh chạy lên Mục Sơn, đóng đồn tạm ở đó.

Võ Văn Nhậm đuổi được quân Chỉnh, kéo đại binh vào Thăng Long, lấy phủ Bằng trung công làm hành doanh, rồi tụ bọn tướng đi theo mình là Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân cùng Nguyễn Văn Hoà để bàn định kế hoạch bắt Chỉnh. Hoa tình nguyện đem quân bản bộ lên Yên Thế để cướp trại, Nhậm cho đi.

Trời độ ấy về mùa đông rét mướt, về ban đêm thường mây ám lấy cả trăng sao, Nguyễn VĂn Hoà bèn cho quân đi rất nhẹ nhàng, người ngậm tăm, ngựa tháo nhạc, kéo thẳng lên Yên Thế.

Nguyễn Hữu Chỉnh và Chiêu Thống đương ngồi trong trại đàm luận bỗng nghe tiếng hò reo ầm ỹ, rồi thấy lửa cháy rực trời và ẩn hiện lấp ló trong ánh sáng không biết bao nhiêu quân mã kéo đến rầm rộ. Mấy tên nội giám trung trực phò vua lên ngựa chạy trốn trong khi Nguyễn Hữu Chỉnh nai nịt gọn ghẽ, vác siêu đao “Cổ Ðỉnh” xông ra, tả xung hữu đột, phá quân Tây Sơn để tháo lấy một huyết lộ. Chỉnh đánh mãi mà rào người vẫn không núng, lại nghe bốn bề những tên quân Bắc Hà kêu khóc sầu thảm, lại càng sờn lòng. Quân Tây Sơn thì vây bọc như thành, reo hò hăng hái, càng ngày khí thế càng mạnh, khó lòng phá vỡ được.

Con thứ Chỉnh là Thành đinh Hầu Nguyễn Anh Du thấy cha đánh không đổ bên địch, cũng hăng máu nóng mặt, vác hoạ kích xông xả vào đám hùng binh trăm vạn, đi đến đâu rẽ ra đến đấy, nhưng cắt được vòng này lại thấy có vòng khác, mà những vòng bị đứt thì đứt xong lại thấy nối liền ngay. Anh Du múa ngọn Phương thiên bạch quang bao bọc người chàng khi ẩn khi hiện, khiếng cho quân Tây Sơn trông thấy cũng phải phục tài. Tuy nhiên, phục thì phục, mà vây thì cứ vây; Du đâm bên Ðông, thích Tây, nào đỡ, nào né, nào múa, nào giết, xông pha trong vòng gươm giáo tên đạn trong hai giờ đằng đẵng, mà rút cục đã không cứu được cha còn bị hãm nhốt trong vòng vây.

Du thu hết khí lực đánh phá một hồi lâu nữa, nhưng áo bào trắng lúc ấy mồ hôi thấm ướt đẫm, máu hoen ố đỏ ngầu, mắt thì hao lên, tay chân cũng bủn rủn, lượng mình khó bề thoát khỏi. Ðương khi bối rối, chợt nghe có tiếng gió vùn vụt, chưa kịp nghiêng mình tránh ám khí, Du đã bị một chiếc dùi đồng nhọn hoắc xuyên vỡ hộ tâm kính, cắm sâu vào ngực, Du kêu lên một tiếng đau đớn, giơ tay rút mũi tên đồng, lảo đảo một khắc, rồi ngã gục xuống chân ngựa.

Quân Tây Sơn xông lại đăm chém chàng ra trăm mảnh.

Hữu Chỉnh đang cố sống cố chết múa đao gỡ lấy một đường để chạy, đương hăng hái chém được vài chục thủ cấp, sắp giải được trùng vây, bỗng nghe tiếng Du kêu, quay đầu trông lại, thấy một cảnh tượng đau đớn như bào gan xé phổi, bất giác mồ hôi ướt áo, tứ chi bải hoải, không lẹ làng như trước nữa, bị Nguyễn Văn Hoà xông đến lừa lúc chân tay bối rối, thúc ngựa vào kéo dây lưng vật ngã xuống, hô quân trói lại.

Hoà bắt được Chỉnh rồi bèn gióng chiêng bãi chiến thu quân về Thăng Long, bỏ vua Chiêu Thống chạy thoát, cùng vài tên tỳ tướng đi hộ vệ, sang núi Bảo Lộc.

Hoà giải Chỉnh về quỳ trước mặt Võ Văn Nhậm, Nhậm trừng mắt ngắm Chỉnh rồi vuốt râu cười thiên hạhả nói mỉa rằng:

- Chim Bằng lâu nay vẫn mạnh khoẻ đấy chứ? Làm sao mày làm phản?

Chỉnh thản nhiên nhìn Nhậm, Không đáp.

Nhậm cau mày, nhưng lại tươi tỉnh ngay, hất hàm hỏi Chỉnh:

- Thế nào? Cố nhân không muốn nói ư? Một lời nói của cố nhân có lẽ làm cho Nhâm đây không nỡ nhẫn tâm dùng lưỡi gươm cắt đứt mối ân tình; Nhâm chỉ sợ ràng lưỡi đao tàn ác này lại không e nể cố nhân thì lúc xuống tay cố nhân có muốn nói năng, lời nối ấy Nhậm tiếc rằng khi chậm!

Ba lần Võ Văn Nhậm nhắc đi nhắc lại lời chế giễu của mình, ba lần Nguyễn Hữu Chỉnh cứ đứng lặng yên, chờ chết.

Sau cùng, thấy kẻ thù không nhúc nhích, Nhậm bước xuống thềm:

- À! Ra cô nhân không muốn giãi tâm sự bằng lời; thế thì có lẽ ngài muốn trối trăng bằng bút. Quân đâu, văn phòng tứ bảo, mau!

Lính thị vệ đem nghiên bút lại. Trên mặt tờ giấy trắng, Chỉnh, tuy bị trói ghì cánh khuỷu, cũng cố cầm bút vạch thành bốn chữ rõ to:

“Thế nhi dĩ hĩ!”

Rồi vứt bút xuống sân, đứng thẳng người nhìn Nhậm. Bấy giờ Nhậm tuy không hiểu chữ nghĩa là gì, song cũng mang máng biết rằng Chỉnh cử chỉ như thế tức là khinh miệt mình; lửa giận bên trong bốc lên ngùn ngụt; Nhậm quay lưng đi thẳng lên đại điện, truyền quân đao phủ hành tội ngay Hữu Chỉnh dưới thềm, xả Chỉnh ra muôn nghìn mảnh rồi đem bêu đầu ở cửa thành; còn xác thịt, thì vứt ra đồng cho chó ta chim rỉa.

Võ Văn Nhậm giết xong người cừu địch, nét mặt hớn hở vui mừng. Việc tư thù đã thỏa, Nhậm mới nghĩ đến quân sự. Thì ra từ khi vua Chiêu Thống chạy giặc, triều đình không có chủ, các quan lộn xộn ra vào, không còn thể thống gì nữa. Nhậm cho tìm vua, tìm đâu cũng không thấy, túng thế phải tôn hoàng thân là Sùng Nhượng công Lê Duy Cận lên ngôi, coi tạm việc nước, gọi là Giám quốc. Các quan đều không phục, chảng ai thuận theo; Sùng Nhượng Công ở trong điện Kính Thiên chỉ có dăm người hoàng thân cùng mấy quan võ tướng theo hầu, sớm tối hầu hạ. Ðình thần không ai đến chầu, cũng không ai tâu hỏi việc gì cả.

Ngày ngày quan Giám quốc lại đi bộ từ đền Vạn Thọ sang phủ Bằng trung công, tức là hành doanh Võ Văn Nhậm rồi đứng chầu chực ở đó hàng giờ, đợi lời chỉ giáo. Nhậm lấy thế làm phiền phức, nhưng cũng không biết xử trí thế nào.

Dân trong kinh thành thấy việc chướng mắt, ngược đời ấy, ai cũng chê cười, gọi Sùng Nhượng công là “Thầy đề lại Giám quốc”.

Võ Văn Nhậm ỷ mình có tài bắt được Hữu Chỉnh, có công để nhất trong sự cứu giúp nhà Lê. Nhậm đường Sùng Nhượng công sớm chiều sang hầu, ngoài mặt giả vờ tỏ vẻ khó xử, nhưng trong lấy làm thú vị sung sướng lắm, bởi lẽ tự hào mình là người có quyền thế to lớn nhất ở xứ Bắc Hà. Sự sung sướng ấy lộ hẳn ra nét mặt: Nhậm không những chỉ dương dương tự đắc còn có vẻ kiêu ngạo trong khi đối đãi với các quan nhà Lê với cả những người ngang hàng với mình như Phan Văn Lân và Ngô Văn Sở, lúc đó sung chức Tham tán quân vụ.

Khi Bắc bình vương Nguyễn Huệ sai Nhậm ra Thăng Long bắt Chỉnh, Vương đã có ý ghét Nhậm là người tiểu nhân, không dùng được trong đại sự, lại sợ giao nhiều binh quyền cho Nhậm thì y sẽ kiêu căng cậy còng cậy tài, rồi mưu những việc phản trắc ngay. Vì lẽ đó, vương sai đi kèm bên mình Nhậm tụi Sở, Lân để dò ý tứ và chia bớt thế lực của Nhậm.

Ngô Văn Sở thấy chủ tưóong đối với mình có ý khinh bỉ, nghĩ lấy làm giận; nhân thấy Nhậm đối với Nguyễn Hữu Chỉnh, là bạn đồng liêu cũ, không có chút ân tình nào, càng đem lòng ghét Nhậm, liệt Nhậm vào hạng Trịnh Tùngtiện tiểu nhân, tàn nhẫn, không thể gây nên sự nghiệp vững bền được. Sở bèn viết thư cho Bắc bình vương, ngõ ý Nhậm tự phụ mình có công to, muốn làm phản.

Ðược tin, Bắc bình vương, lập tức truyền lịnh kéo mấy ngàn quân kỵ, đêm ngày đi gấp đường nửa đêm ra đến thành Thăng Long. Ðại đội hùng binh vừa tới nơi, Vương truyền lịnh kéo thẳng đến hành doanh Võ Văn Nhậm, trói gô Nhậm lại giải ra chợ trảm quyết.

Nhậm vừa lấy làm lạ, vừa kinh sợ, không hiểu vì lẽ gì chú vợ mình lại xử tệ với mình. Y lạy phục xuống thềm, khóc lóc kể lể nỗi oan ức và xin Nguyễn Huệ khoan dung cho. Bắc bình vương chỉ lắc đầu, cười gằn, không nói gì cả sai lính đưa ra cho Nhậm một mảnh giấy nhỏ trên có đề mười hai chữ rõ rệt:

“Bất tu đa ngôn; nhữ tài quá ngã, phi sở ngã dụng”.

(Chớ khá nhiều lời; tài mày hơn tao, tao không dùng được).

Nhậm mượn đọc xong không còn biết nói thến nào chỉ kêu trời kêu đất, oán thán phận mình. Nhậm biết rằng Huệ đã truyền lệnh, có xin van cũng vô ích. Tài Huệ có lẽ nào kém Nhậm, nhưgn Huệ nói thế, chỉ là để có cớ giết Nhậm mà thôi. Một người hữu ý, một kẻ vô tình, ai tránh cho khỏi tai vạ mà tha nhân đã lập tấm gieo trên đầu mình một chách quá tự nhiên, vô lý? Nhậm suy đi nghĩ lại, cam tâm chịu chết, chả trách chú vợ vô tình, mà trách mình quá dại dột, nai lưng đánh dẹp để gây cơ đồ cho nhà vợ, khiến giờ đâ, chưa kịp ngáp, đã hoá ra một thằng xú quỷ không đầu. Càng nghĩ càng xót xa, Nhậm sụt sùi khóc rũ xuống. Bao nhiêu những kỷ niệm về cuộc đời dĩ vãng, trong phút chốc, hiện ra, từng quãng một trong tâm hồn. Bao nhiêu hình ảnh của những kẻ thân yêu, nó bày cả trong trí nhớ, giữa chỗ sáng nhất. Nhậm thấy vợ ủ ê rầu rĩ khi nghe tin mình đã thác, thấy con gài yêu quí của mình nhởn nhơ như một cái bóng oan hồn. Nhớ đến An Trinh, lòng Nhậm như bào như xé; Nhậm tự hỏi không biết con mình lưu lạc phương nào mà mất tích, còn hay đã chết từ lâu.

Ðưong lúc mê mẩn băn khoăn, Nhậm lững thững theo lũ đao phủ, tới chọ khi nào không rõ. Tới nơi, trời còn tối mịt; mười tên quân và viên Giám trảm coi giữ phạm nhân, lột áo y ra, chỉ để cho một manh quần che thên phía dưới. Họ trói ghì mồi của họ vào một cái cột tre cao đóng rõ chặn xuống đất, lột mũ y ra, xoắn tóc y lại rồi buộc gọn gàng mớ tóc ấy vào phía trên cột, khiến cổ tù nhân không bị vướng, để lưỡi dao giáng xuống được lẹ làng.

Xong đâu đấy, cả bọn cùng ngồi nghỉ. Viên Giám trảm cho hai tên lính đứng ở cửa chợ để ngăn cấm những kẻ bán hàng không được vào, rồi chờ trời sáng rõ và lệnh bài của súy phủ mới khai đao.

Võ Văn Nhậm lúc bấy giờ sống cũng như chết, tâm hồn rối loạn, không còn suy nghĩ được kế gì thoát thân. Vừa đau đớn, vừa căm tức, vừa hối hận, Nhậm bị không biết bao nhiêu tư tưởng kỷ niệm cùng hình ảnh chạy lộn xộn trong trí nhớ, cắn rứt khối óc hèn nhát của y, làm cho y nghiến răng mắm lợi, trợn mắt, nguyền rủa nhà Tây Sơn, rồi phút sau, lại gục đầu xuống than thở.

Bốn bề lúc ấy đều im phăng phắc. Bỗng đâu, tiếng cải cọ ồn ào ngoài cửa chợ làm cho vien Giám trảm giật mình. Viên ấy vội vã bước ra ngoài; dưới ánh sáng ngọn đèn lồng, anh ta thấy một người thiếu niên vạm vỡ, ăn mặc võ phục trắng, quấn khăn trắng, đương trợn đôi mắt sáng quắc, vừa tinh anh vừa dữ dội, túm lấy cả hai tên lính, mỗi tên một tay, lắc đi lắc lại, làm cho chúng sợ hãi kêu la. Nhác thấy Giám trảm quan thiếu niên dừng lại. Cả hai tên quân, vừa bị khách lạ mặt rung cho một lúc mềm cả gân cốt, đều tức tối xoa cổ phân bua cùng bề trên:

- Bẩm, có quan lớn làm chúung, tên này tự nhiên vô cớ ở đâu đến, nhất định đòi vào, nó bèn túm lấy cổ chúng con mà lay lấy lay để, xuýt nữa gẫy xương và nghẹn thở. Xin quan lớn bắt lấy nó mà trị tội.

Thiếu niên nghe nói chỉ chống tay vào hông đứng cười. Hai tên quân lại càng căm tức. Sẵn có chủ ở đó, chúng cậy chó gần chuồng, định xông vào trói thiếu niên. Nhưng, gạt chúng ra hai bên, Giám trảm quan tiến lên mấy bước:

- Ấy chớ! Chúng bây hãy lui ra. không được vô lễ, quí khách đây tức là cố chủ của ta. Bay có mắt cũng như mù thôi! Cút!

Mắng lũ quân canh rồi, viên giám trảm phủ phục xuống lạy hai lạy, quì dưới đất. Thiếu niên rất ngạc nhiên, song nhanh trí, chàng vội vàng vái đáp lễ, đỡ viên quan đứng dậy. Mãi bấy giờ, dưới ánh đèn phờ phạc, chàng mới nhận ra người vừa khiêm tốn lạy ch2ng.

- Ơ kìa! Thế mà tôi cứ tưởng là ai! Chẳng hoá ra Nguyễn Hải đó à! May quá, thực là một dịp bất ngờ. Ai hay đâu thầy trò ta lại có ngày còn gặp nhau đây!

- Từ ngày loạn lạc xa nhau, con vẫn nhớ công tử quá. Nhất là công tử đối với con lại có chút ơn riêng con chưa báo được tí nào! Công tử bỏ đi đâu, làm cho cụ lớn nhà ta tìm mãi? Mà tới khi cụ và cậu hai kh6ng may thất lộc cậu cũng không thấy trở về. Có đi tìm cậu đến ngót tháng trời, song từ Bắc vào Nam, không biết tin tức cậu ở đâu hết c3. Biết đâu ngày ngay lại được phúc thấy nhau đây! Sau buổi cụ con và cậu hai mất rồi, con long đong mãi, bơ vơ không biết về đâu, mãi tới ngày khốn cực quá, con phải theo hầu Ngô Tư mã. Hôm nay ngài sai con đi hành hình Phò mã Võ Tiết chế. Thực là một dịp ngẫu nhiên: có ngờ đâu tự tay con lại được báo thù cho cụ! Nhưng đêm hôm đen tối, cậu lặn lội ra đây hẳn có việc gì?

- Thì còn có việc gì! Cậu đến đây để mắt được trong thấy đầu Tiết chế rơi xuống đất! Cậu đến đây để nhúng tray vào máu cừu nhân! Cậu đến đây để xin Hải cho cậu làm đao phủ đó! Cậu đến đây để làm cho tiêu tán một mối đau đớn mà, nếu không, vạn cổ cũng không tiêu; đau đớn vì nghĩ đến cha cậu, em cậu, một đời anh hùng lừng lẫy, phút chốc hoá làm xú quỷ, nghĩ đến vợ cậu, tài sắc trọn vẹn, yêu chồng rất mực, mà không may không được sống an toàn hưởng cho hết tuổi thanh xuân... Cậu đến đây là vì thế đó!

Thiếu niên nói xong câu ấy thì mắt lóng lánh chiếu ra những tia sáng sắc như gươm giáo. Tay chàng nắm lại tựa hồ muốn đắm ai cho hả giận, mặt chàng lộ ra vẻ gân guốc, cương quyết, tàn nhẫn, vì những đường dăn mà đôi mày cau lại cùng hai hàm răng nghiến chặt vào nhau vẽ ra trên khổ mặt lẫm liệt ấy.

Viên Giám trảm trông cố chủ lộ ra vẻ bất bình căm tức, bỗng dịu dàng cầm tay thiếu niên nói nhõ khuyên rằng:

- Hà tất cậu phải giết Phò mã làm chi cho mang tiếng là người không độ lượng; vả chăng giết một người nhát hèn như Võ Phò mã thì chỉ thêm bẩn lưỡi gươm thôi! Nay Trời chí công minh đã thay cậu mà trả thù hộ cậu, cậu chỉ nên đến viếng kẻ cừu địch cho kẻ kia phải đau lòng và hối hận, còn sự giết y thì cậu chớ nên làm!

Vài lời nói thành thực của Nguyễn Hải hình như khiến thiếu niên đương mê quá tỉnh, chàng gật đầu lia lịa trong khi nét mặt đổi ra hoà nhã, hiền từ. Chàng cùng Nguyễn Hải đi vào trong chợ.

Ở xa, thấy Võ Văn Nhậm bị lột trần trói ghì vào cột, ủ rũ đứng đợi sự chết, không hiểu vì sao, thiếu niên bỗng cảm động thương tình. Chàng bèn nhờ Giám trảm quan đem hai chiếc đèn lồng lại treo trước mặt tội nhân, rồi chàng từ từ tiến lại phía người khốn nạn sắp bị tử hình ấy, sụp xuống lạy y hai lạy.

Ngạc nhiên, Võ Văn Nhậm ngước mắt nhìn ngưòi thiếu niên áo trắng đoái tưởng đến y trong khi bao nhiêu gia binh gia tướng đều bỏ y trơ trọi một mình, lúc ngắm xong, Nhậm bỗng đờ mặt há hốc mồm không nói được nữa, mãi hồi lâu mới khóc lóc kêu to:

- Anh Tề công tử! Thật là tội ta đáng chết! Trời đ4 thay công tử hại ta đó mà! Ta đối đãi táng tận lương tâm với phụ thân ngươi, bạn đồng liêu của ta; nay chú vợ ta, ngươi nghe chưa, chú vợ ta lại tàn nhẫn với ta! Ðó là luật quả báo, đó là lẽ luân hồi, ta không còn oán ai được nữa! Oan oan tương báo, ta đã gieo nên oan nghiệt, ta phải làm bung xung cho nghiệt chướng của ta. Cớ sao ngươi không nghĩ thù cha mà lạy ta như vậy?

Nguyễn Anh Tề không đáp. Chàng chỉ rút trong mình một bức thư nhầu nát, giơ lên ánh đèn đọch cho Nhậm nghe, xong rồi trao cho Nhậm. Bức thư đại khái như sau này:

Bất hiếu nữ là An Trinh kính trình phụ thân là Võ đại nhân rộng xét:

Con vô phúc đã không tuân lệnh cha, dám tự tiện cùng Anh Tề công tử thề nguyền vàng đá với nhau, đôi bên kết duyên Tần Tấn. Con những tưởng có thể cùng người yêu đẹp đôi cầm sắc, có ngờ đâu hai nhà Nguyễn Võ đã gây nên một mối thâm thù! Song le, trót ăn ở với tình lang con từ trước, con đã có mang ba tháng khi theo ra đất Bắc Hà. Lúc trở về, sợ không giấu giếm che đậy được nữa, lại sợ cha giận dữ không nghĩ thương tình mà giết đi, nên con phải trốn cửa nhà, đi theo chồng về Thanh Hoá. Chúng con định lánh bõ cõi đời túi bụi, yên phận ở với nhau cho đến bạc đầu, rồi đợi khi nào mối hiềm khích của hai nhà đã tiêu tan, bấy giờ sẽ về xin cha mẹ thứ tha cho tội lỗi. Nhưng Trời xanh cay nghiệt đã ghen với hạnh phục của chúng con riêng hưởng, xui nên cha không quên thù cũ mà đang tay giết chết Bằng Trung công. Phụ thân chồng con bị thác bởi tay cha, thì con còn sống làm sao gần chồng con được nữa! Vậy nên con phải chết. Con chết để chồng con khỏi mang tiếng là người bất hiếu. Nếu con còn sống ắt chồng cũng không dung mà càng thêm đeo xú danh của một phụ nhân dâm dật.

Trước khi tự hủy mình cho toàn vẹn đại nghĩa con xin gởi lời về kính bái cha mẹ, xin cha mẹ nghĩ tình máu mũ mà tha cho tiện nữ này. Tội con thật đáng chết, cho nên con đã tự xử lấy thân, không để hổ thẹn đến nói võ tướng.

Vài lời tuyệt mệnh, xin kính trình cha rõ, mong rằng vì sự con chết, cha sẽ thương lấy chồng con, ngõ hầu sự cừu oán đến đây là dứt, đừng giây giướng đến đời sau.

Bất hiếu nữ Võ An Trinh đốn thủ.

Nghe đọc đến câu cuối cùng, Võ Văn Nhậm bỗng kêu lên một tiếng, ngất đi. Anh Tề cũng thấy trên gò mà đầm đìa những giột lệ nóng như sôi, không thế nào cầm hãm được. Chàng càng nghĩ càng thương phận vợ, thương bao nhiêu, bấy nhiêu mối căm hờn đối với Nhậm cũng hình như giảm bớt đi nhiều.

Chàng bèn lấy nước lã phun vào mặt bố vợ, lay gọi Nhậm hồi tỉnh. Mở mắt ra, Nhậm chỉ nhìn Anh Tề không đáp, nước mắt nước mũi chảy xuống ròng ròng. Hồi lâu, vừa thổn thức vừa nấc lên, Nhậm rền rĩ nói:

- Ngày nay cha đã biết sự cha làm là lỗi, nhưng hối cũng muộn quá rồi! Nếu cha không có dã tâm hãm hại phụ thân con, có khi nào cha lại bị sa vào vòng tử tội! Chả qua là oan nghiệt! Nếu biết sớm hai con yêu vụng nhau dường ấy, có nỡ nào cha làm cho hai con phải vì cha lìa rẽ nhau ra! Sự hiềm thù vô lý kia, không có căn nguyên gì, mà đã gây ra xiết bao kết quả chua cay thảm khốc. Cha giết phụ thân con, để đến nỗi con gái yêu của cha phải ngậm hờn mà chết, rồi đến lượt cha phải trả nợ mất đầu. Con được mục kích sự đau đớn thống thiết của cha, thiết tưởng con cũng nên thương hại cha mà tha thứ cho cha thì phải! Con có tha lỗi cho cha, hồn cha mới được nhẹ nhàng trong sạch, nếu không nó sẽ bị đoạ đày trong xó lầm lội mịt mờ. Hương hồn phụ thân con nếu biết có giờ này, ắt cũng chả oán hờn cha!...

Con ôi! Cha hối đã nhiều, cha đau đớn cũng đã nhiều, con có thấu cho cha không hở? Chỉ vì cha, mới nên nỗi nước này. Vì cha không giết Nguyễn Quân, thì hai chúng ta ắt đã gây nên nghiệp lớn, có đâu phải luồn lụy dưới quyền mấy thằng Tây Sơn đểu giả, dã man? Chả qua cha quá tin người, không nghĩ sâuxa, nên mới tan nát cả hai gia đình đến thế. Ôi! Ðau đớn! Ôi! Chua xót; đau đớn chua xót kể làm sao hết; mà kể lỗi xưa là mới đáng. Cha chết ngày ngay, nào có được êm ái, mau chóng hay lẫm liệt như phụ thân con đã thác; cha chết một cách khốn khổ, nhục nhã, trong khi xác thịt bị đau, linh hồn bị nát tan tành. Thế có đủ chuộc tội không con? Con có tha cho cha không con? Con có cho phép cha xưng “cha” với con không con? Con ơi, con trả lời đi, cha chỉ còn sống được nửa giờ nữa là hết đời cha vậy...”

Võ Văn Nhậm vừa nói vừa khóc một hơi dài khiến cho Anh Tề, cầm không đậu mối thương tâm, cũng khóc lên nức nở. Bao nhiêu sự oán thù căm giận phút chốc bỗng tiêu tan đi như làn khói toả, để nhường chỗ lại cho lòng khoang dung vĩ đại, cũng như cho tình thương tiếc chân thành.

Anh Tề hình như văng vẳng nghe trên không có tiếng phụ thân chàng nói xuống: “Con tha cho kẻ thù nhân đã biết hối quá!”; lại nghe như có tiếng vợ chàng thỏ thẻ từ cõi vô hình: “Tha cho cha thiếp, chàng ôi!”...

Chàng bèn lia lịa gật đầu, rồi mồm thì nói:

- Con tha tội cho cha! Con tha tội cho cha! Trong khi thân phủ phục xuống đất Anh Tề lạy Võ Văn Nhậm hai lạy; lạy xong, chàng vùng té chạy mất, không dám ngoảnh đầu trông lại, cũng không dám ở lâu chứng giám cuộc chém đầu khốc liệt thảm thương, cuộc trảm quyết mà, vừa một vài giờ trưóoc đâ, chàng những muốn tự tay mình xử hộ cho tên đao phủ.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenConvert.NET
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK