Nói về Nguyệt Ba từ ngày quan bắt cả bọn về phủ, giam cầm trót tháng mà chẳng thấy xong, nay đem Ó ra khảo, mai dẫn Đạo ra tra, cứ như vậy hoài mà xử đoán điều chi chưa xử. Ngày kia Nguyệt Ba ngồi trong ngục bồng con cho bú, thấy thân con, nước mắt chan hòa, nghĩ vì phận con đói khát mà thương, biết tháng ngày nào hết cực, còn phận mình, nghĩ vì mình mang ơn của Ó, Ó vì mình mà phải rạt ràng, bởi vậy muốn cho ơn nghĩa đặng toàn, mới đem phận đóa vàng mà che chở.
Ngày trước cũng tưởng thầy Đề có thế mà ra tay tế độ, tháo cũi dùm cho Ó sổ lồng, dè đâu mình lầm nhằm chú Mã Giám Sanh, nói lấy đặng mà dỗ dành thân bồ liễu, nay ra cớ sự ni, chốn ngục môn còn ở, chữ trinh đã trót lỡ rồi, giận thay, ăn ở sao mà bạc như vôi, nếm đặng nhụy rồi chẳng đoái hoài chi tới, dầu có thoát khỏi vòng lao lý, mặt mũi nào dám thấy nghĩa nhơn, tưởng liều thân mà báo đáp chút ơn, hay đâu nỗi lầm tay bợm bải, nghĩ hổ thay phận gái, thà rằng tự ải cho xong, xác thịt dần trôi nổi giữa dòng, may rửa sạch tấm lòng nhơ nhuốc.
Nguyệt Ba đang ngồi than thở, bỗng thấy Đội lệ bước vào ngục, biểu Đạo, Ó và Nguyệt Ba sửa soạn cho sẵn, cơm nước cho no, chiều lối năm giờ tàu tới, lính giải về xứ, vì có lịnh quan Khâm sứ mới truyền. Nguyệt Ba nghe nói mừng lòng, mới hỏi thầy Đội, chẳng hay giải về xứ cho quan xử đoán vụ nầy phải chăng?
Thầy Đội đáp rằng phải, song chẳng phải một vụ nầy mà thôi, hãy còn một vụ khác tại Bến Tre, cha mẹ chồng nàng kiện thưa chi đó, nên quan Biện lý Bến Tre xin giải nội vụ đến cho người tra xét.
Dứt lời, thầy Đội bước ra, kế một chặp, có bốn tên lính tỉnh nai nịch vào lãnh tội, dẫn xuống mé biển đợi tàu. Chừng tàu tới, ngừng đợi ngoài khơi, nội bọn xuống ghe, có người đưa ra tới chỗ. Khi cất hàng hóa xong xuôi, tàu liền chạy, chưa trót đêm đã tới Vũng Tàu.
Nguyệt Ba thấy đã gần xứ sở thì mừng, còn Ó thấy trời biển minh mông, nhớ mẹ ruột đau như cắt. Ó than rằng: “Phận làm con, mẹ già cận địa viễn thiên, nan thức âm dương chi nhựt, mà mình chẳng đặng sớm viếng tối thăm, không lo oạn dưỡng, bỏ mẹ già quạnh quẽ, cơn ấm lạnh không tường, nghĩ mà hổ phận làm trai chẳng bì trang phụ nữ.
Chưa quá mười một giờ sớm mai, tàu đã tới Saigon, lính liền dẫn Ó, Đạo và Nguyệt Ba lên, đem tới trình quan Đốc lý tuần thành, quan dạy giam Nguyệt Ba vào một phòng, còn Ó với Đạo chung một phòng để đó đợi tàu sai lính giải thẳng về Bến Tre.
Nguyệt Ba tuy chưa đặng rảnh thân, mẹ con còn lao đao lận đận mặc dầu, nhưng mà biết mình gần phụ mẫu chi bang, nên muôn việc thảm sầu đà nguôi dạ; còn ức có một đều, trông về cho mau tới, đặng mà giữa quan nha cáo sự ức oan, một là trả oán Hà Hương cho hpi3 dạ hờn, hai là rửa sạch tiếng nhuốc nhơ từ ấy.
Ó thì lòng tư tư thiết thiết, nào có tiếc chi thạn, thương mẹ già sức yếu tuổi cao, ấm lạnh lẽ nào khó biết. Tới đến đây, xứ lạ người âu cũng lạ, ngồi một mình lả chả lụy tuông; Đạo thấy Ó mặt buồn, mới lấy lời phân giải: ” Nay về tới Saigon rồi, chắc sau chiều mai cũng tới Bến Tre, xin cậu hãy nguôi lòng, để mặc tôi liệu lượng. Ngày nọ cậu thương mà chẳng giết, tha cho tôi sống đặng mà về, nay đến xứ tôi rồi lẽ nào tôi quên ơn cậu. Khi trước vợ chồng họ Đậu, đãi tôi cũng hậu tình, bởi tôi ham tiền làm chuyện bất bình, nay ăn năn đã muộn. Trạnh đã chết Hồ thời cũng chết, còn một mình tôi chịu khổ đến giờ, từ ấy những nay, Hà Hương nào có đoái hoài, sống thác mặc ai nấy chịu. Cậu đừng buồn, đã biết sát nhơn thì thường mạng, nhưng mà có chứng tôi đây, để tới quan tôi bẩm rõ khúc nôi, một là đem thân trâu ngựa đền bồi, cứu Cậu cùng Cô tôi khỏi lỗi. Phận tôi quan dầu có chẳng thương làm tội, tôi cũng đành nào dám trách nhau, miễn là cho biết đá biết vàng, miễn quan rõ mà minh oan cho đặng.”
Đạo đang đàm đạo cùng Ó, bỗng nghe tiếng cửa khua, Ó mới ngước mặt lên, thấy lính bước vào hai cậu. Biểu Ó Đạo đưa tay còng lại, dẫn đem ra tới trước mặt quan, cũng có Nguyệt Ba đứng đó một hàng, quan dặn lính việc đàng việc sá, dứt lời lính dặn cả ba xuống tàu lục tỉnh, chín giờ tàu chạy, Nguyệt Ba mừng rất đỗi mừng, năm giờ sáng tới Mỹ Tho, bộ hành lao xao lố xố. Lính mới đem cả ba qua tàu Bến Tre đợi giờ chạy.
Tám giờ bốn mươi lăm phút xe lửa tới, bộ hành xuống tàu đông nức; người Bến Tre đi Saigon về, Nguyệt Ba quen mà chẳng dám nhìn, cúi mặt làm thinh mà chịu. Những ngưới khi trước biết Nguyệt Ba, nay coi lạ hoắt, vì xưa kia Nguyệt Ba mày tằm mắt phụng má phấn môi son, nay áo rách quần mòn, lại có con bồng nách. Đen đúa như lọ trách, ốm ròm tợ chàng hiêu, chẳng phải họ làm kiêu, bởi coi khác nhiều nên không biết.
Bộ hành xuống đông đủ rồi, chín giờ tàu chạy, bởi thuở ấy kinh Chẹt Sậy chưa đào, còn cạn, tàu chạy tắt không đặng, nên phải chạy vòng ngả sông lớn xa đàng, ba giờ chiều mới tới Bến Tre. Vợ chồng họ Đậu nghe, chực đón. Vợ họ Đậu thấy Nguyệt Ba hình dung hư kém, quần áo lang thang, nhìn mặt dâu mắt chảy hai hàng, thấy thằng cháu nhỏ, buồn liền đổi hân oan bất tận. Nghĩa Hữu cũng mầng hớn hớn, Nguyệt Ba giận ngó ngơ, chẳng thèm cho con trẻ nhìn cha, lính vội dẫn đến tòa ra mắt.
Khi lính dẫn cả bọn tới tòa, Nghĩa Hữu tuốt theo, dọc đàng kêu Nguyệt Ba mà hỏi rằng: “Từ khi nàng lâm nạn đến giờ không hay tin tức chi cả, cha mẹ với tôi hết lòng tìm kiếm cũng chẳng ra, nay chẳng biết có việc chi mà nàng bị bắt giải về đây, lại có tên Đạo là tớ nhà khi trước, với người lạ mặt nào đó?”
Nguyệt Ba rưng rưng nước mắt đáp rằng: “Chàng niệm nghĩa vợ chồng thiếp rất đội ơn, còn việc ni chẳng giả lơ sao chớ, lẽ đâu chàng lại không hay; tình nghĩa vợ chồng đầu ấp tay gối, có lý nào Hà Hương lại chẳng to nhỏ cùng chàng, đến nay chàng phải hỏi.”
Hữu rằng: “Nàng cố chi việc nhỏ, mà phân những tiếng ớt tiêu, ta thật là chẳng rõ điều chi cả. Từ ngày nàng lạc bước, ta xốn xang gan tấc biết bao, cơm bữa đói bữa no, đêm ra vào không ngủ, như vậy nàng có biết cho ta chăng? Nay mà thân lâm ư dũ lý, nàng khá phân cho ta rõ ngọn ngành, về thưa lại cùng cha với mẹ, đặng mà kiếm phương gỡ rối cho nàng, nàng chớ có nệ chấp để nước tràn khó nhảy.”
Nguyệt Ba rằng: “Xưa giữa vời còn khỏi, người ngay có kẻ độ sanh, đây dầu mắc chốn lao đình, lượng bao nệ lấm đầu lấm óc. Chàng hãy rảnh trí mà lo cho Hà thị, e có khi tan ngọc nát ngà, thiếp chẳng phải dài tóc trắng da, mà phải sợ đầu quàng môi trớt.”
Hữu còn đang nói nữa, phút đâu tới cửa tòa, lính bèn dẫn Nguyệt Ba, cùng Ó, Đạo, trình qua Biện lý. Quan Biện lý liền hỏi tên họ cả ba rồi dạy đem giam vào khám. Nghĩa Hữu đưa theo tới cửa, ba người vô, Hữu bơ vơ lỡ ở lỡ về, đứng ngó theo mà trong bụng sụt sùi, tức ấm ức, mà khôn mở miệng. Nghĩ lại giận, xưa kẻ chơn trời người góc biển, nay gặp mặt nhau, chưa kịp mừng, vội thấy chi ly. Cũng tại nơi mình, đến phòng nọ bỏ phòng kia, nên đến đều tồi tệ; đôi vợ một chồng chẳng dễ, bây giờ nệm chích gối nghiêng, cha mẹ chịu ưu phiền, con trẻ vợ hiền cực khổ.
Vậy thì về to nhỏ cùng cha với mẹ, tính phương chi lãnh vợ con mình, lẽ nào ngơ mặt làm thinh, dường ấy ra tình phụ bạc. Hữu Nghĩa nghĩ như vậy rồi, liền quày quả trở về, vào nhà thấy cha mẹ đang ngồi, Hữ mới nói: “Chẳng biết vợ con tôi mắc tội chi, nặng nhẹ dường nào, mà về tới đây quan dạy giam vào khám. Xưa tưởng xương tàn đất khách, nay nó về tới đây đặng rồi, xin mẹ cha rộng lượng cứu cùng, lo mưu chi tính kế chi, kẻo tội nghiệp con tôi cực khổ.”
Vợ họ Đậu nói: “Tao với cha mầy đang tính mướn Trạng sư xin lãnh nó ra, để tại ngoại hầu tra, đặng đem nó vế nhà cho dễ. Vậy thì mầy mau đi thăm hỏi, mướn ước sức mấy trăm, về nói lại cho cha mầy hay, đặng ổng đi mướn lấy.”
Hữu mừng, lật đật trở ra thành phố, gặp thầy Giáo Nên mừng rỡ rước liền, đem về o bế kiếm tiền, chịu lãnh ra công đi mướn.
Nghĩa Hữu nghe lời Giáo Nên nói êm tai rằng có đủ ba trăm thầy lãnh đi mướn Trạng sư tức tốc. Hữu về thưa lại cùng mẹ, vợ họ Đậu nói, ngỡ nhiều thì không nổi, chớ năm ba trăm dễ tiếc với dâu, bèn chạy kêu chồng, thỏ thẻ lời hơn lẽ thiệt.
Họ Đậu nói: “Hễ đau chơn thì há miệng, vợ chồng mình thương dâu chi nệ tốn tiền, nhưng mà e công vụ bất thiền, nếu mất tận còn mới chết cho chớ.”
Mụ nói: “Có lẽ nào người biết lẽ mà làm hôi mớ, ba trăm đồng bạc mà bao nhiêu, bạc nọ tiêu, nhơ nhuốc ấy dễ tiêu, thôi thôi, xin cha trẻ đánh liều, như mình đánh ba ngoe một bữa, tiếc mà làm gì.”
Bàn soạn xong xuôi. Họ Đậu têm trầu bỏ dãy, bạc gói xách ra đi: “Hữu đi với tao, kẻo tao không biết Giáo Nên Giáo Hư nào hết.” Cha con liền tách dặm, chưa mấy hồi đã thấy tới nơi, gặp thầy Giáo chào mời, rước về nhà trò chuyện.
Họ Đậu hỏi: “ Thầy nói vậy mà tính có kham cùng chẳng, đừng bỏ tôi giữa đàng ngơ ngẩn khốn thay, thầy giúp xong xuôi tôi chẳng nói sai, thưởng thầy hai ngươn bạc! Bây giờ thầy phải chịu khó đi qua Mỹ mướn Trạng sư cho chắc, tổn hao sở phí mặc tôi, mau qua đây mà tính cho rồi, kẻo vợ chồng tôi bồi hồi thán tức. Như khuya nầy thầy đi, tôi đăng trước một tram năm bảy chục, cuộc hườn thành chồng túc số cho, còn phận thầy tôi đưa năm con cò, mượn cánh lần dò đàng sá.
Nên nghe nói liền cười hả hả, tôi đây ai chả biết danh, đất bằng làm nổi song cũng xong, chẳng phải như người ta, nói bướng lấy của bỏ dông, để cho người chịu mang công cả tháng. Để mai trời rựng sáng, tôi xuống đò đi thẳng Mỹ Tho, ông ở nhà bằng an, trong hai ngày tôi trở xuống đò, về báo tin cho ông biết.
Họ Đậu liền từ biệt, bước ra đàng đi riết về nhà, vợ thấy mừng lật đật chạy ra, chào cha trẻ đàng xa về tới. “Xong cùng chẳng ông mau nói lợi, Mụ không yên luống đợi trông tin, bao giờ quan mới thả dâu mình, tội nghiệp mẹ con nó chốn dũ lý hình cực khổ!”
“ Chớ phải Mụ đi mới ngộ, đem đưa tiền cho chúng nó xài, Lão chớ phải ai à! Số ba tram lão trả phân hai, chừng an việc đóng vài tram nữa. Giáo Nên đà sắm sửa, qua Mỹ rồi vài bữa có tin; Trạng sư qua mà lãnh dâu mình, chẳng cần phải buồn tình chi lắm.”
Nghĩa Hữu lòng mầng thới thậm, cơm nước rồi tách dặm thăm con, tới rồi đây, mà biết làm sao vào chốn ngục môn, vách dựng thế khôn vô đặng. Buồn ý Hữu mới tạm ngồi nghỉ nắng, thấy cây Gia ngụ ý liền mầng. “Vậy thì thót lên cao dòm xuống ngó chừng, ngó lâu ắt có lần cũng gặp.” Nghĩ vậy bèn leo lên, thật quả thấy Nguyệt Ba ngồi trong sạp, bồng con ru vát mặt ngó mông, Hữu thấy vậy động lòng, mắt ròng ròng lụy nhỏ.
Muốn cho biết chồng đây vợ đó, nhưng mà không biết sao, cứ lấy tay chỉ trỏ cầu may, Nguyệt Ba thì ngồi nghĩ nỗi đắng cay, nào dè vậy mà day mặt lại.
Hữu cũng muốn cất tiếng lên kêu đại, mà sợ e trong trại lính hay, nếu như cứ ngồi đây mà vịn nhánh hoài, lâu cũng mỏi tay khó chịu. Chi bằng đánh liều đợi kiếu, lính có nghe cũng không hiểu là ai, dẫu cho rảo kiếm phía ngoài, mình ở trên cây ai biết, xét như vậy, Hữu mới cả tiếng lên kêu riết: Bớ mẹ trẻ, ngó lên đây, bớ mình, bớ Nguyệt Ba, bớ …. Nguyệt Ba đang than thở, nghe tiếng đâu vở lỡ kêu mình, nàng bèn bắt mặt lên nhìn, thấy Nghĩa Hữu đang ngồi trên nhánh.
Danh Sách Chương:
Bạn đang đọc truyện trên website TruyenConvert.NET
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK