• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Nói về Ái Nghĩa nằm mấy ngày mê mết dường như không hay biết việc chi, bữa nọ thấm thuốc tỉnh hồn, mở mắt thấy Hà Hương ngồi dựa, Ái Nghĩa mới hỏi thăm duyên cớ, vì làm sao mà tới chốn nầy. Hà Hương mới đem hết đầu đuôi thau65t lại cùng Ái nghĩa.

Hà Hương lại tiếp rằng: “Thiếp thường hay than thở, tại chàng chẳng biết giữ mình, nay ra cớ sự như vầy, chắc thiếp với chàng phân cách.”

Ái Nghĩa nghe nói phân cách, chẳng hiểu cớ gì, bèn mở mắt ngó Hà Hương và hỏi: “Ta bất quá năm mười ngày rồi cũng mạnh, việc chi mà đến đỗi cách phân, hay là nàng sợ ta trọng tích mà vong thân, nên nàng muốn buông tiếng thảm.”

Hà Hương rằng: “Chàng chẳng rõ, chớ thiếp với Nghĩa Hữu khi còn ở Bến Tre phạm tội, có lục tống chạy cùng, nếu mà ra cớ sự nầy, chắc là lòi việc trước thiếp ngồi an sao đặng.”

Ái Nghĩa hỏi: “Vậy phải làm sao bây giờ?”

Hà Hương nói: “Sợ chàng giận gay không khứng, chớ việc cũng chẳng khó gì, như chàng muốn cứu thiếp phen nầy, bỏ việc oán ngày nay thì được. Chừng quan có đem Nghĩa Hữu vào mà hỏi, chàng cứ nói như vầy … như vầy … quan tha Nghĩa Hữu thì xong.”

Hà Hương dặn Ái Nghĩa quan có hỏi, cứ việc khai như vầy như vầy, Nghĩa Hữu cô can ắt là nàng vô sự. Ái Nghĩa chịu.

Chiều lại quan dẫn Nghĩa Hữu vô nhà thương đối diện cùng Ái Nghĩa đặng có vấn tra minh bạch. Khi tới phòng, quan hỏi Ái Nghĩa có định tĩnh chưa. Ái Nghĩa nói tỉnh, quan mới hỏi duyên cớ làm sao mà bị đêm.

Ái Nghĩa bẩm: “Nguyên đêm ấy, tôi có bày tiệc đãi bằng hữu. Khi ăn uống xong, khách từ giã ra về, tôi theo đưa đôi dặm. Lúc trở về lối mười giờ, gần tới nhà, tôi nghe la mã tà chói lói, tôi nhìn tiếng biết con đầy tớ của tôi la. Tôi mới lật đật chạy riết về nhà, bước vào gặp nó đương la tiếp cứu. Hỏi duyên cớ làm sao mà la thì nó nói rằng có một người lạ mặt cầm dao lên lầu đòi giết vợ tôi biểu một hai chỉ của.

Tôi nghĩ nói oản kinh vừa muốn chạy lên lầu, xảy thấy người ấy chạy xuống. Tôi quyết ra tay đón bắt, chẳng dè người ấy rút dao đâm tôi té nhào xuống đất.”

“Vậy chớ mi có nhìn biết người ấy là ai chăng?”

“Bẩm khi ấy đèn thang lầu leo lét, tuy vậy mà tôi cũng thấy chán chường người ấy vốn chẳng quen, tôi chưa từng gặp mặt.”

“Ước như có người ấy đây mi nhìn đặng chăng.”

“Bẩm đặng chớ sao không, tôi đã nói thấy mặt chán chường chẳng phải coi tháp thố.”

Quan dạy lính dẫn Nghĩa Hữu vào cho Ái Nghĩa nhìn; Ái Nghĩa ngó chăm chỉ một hồi nhìn quả là người đâm mình, vừa muốn nói phải, sực nhớ lời Hà Hương dặn lúc ban trưa, bèn vục nói: “Không phải người nầy là người đâm tôi khi đó.”

Quan bảo Ái Nghĩa nhìn đi nhìn lại đôi ba phen, Ái Nghĩa cũng cứ việc nói không phải hoài mà lại rưng rưng nước mắt. Thấy vậy quan lấy làm lạ mới hỏi: “Không phải thì thôi, cớ chi mi lại khóc?”

Ái Nghĩa nghĩ tức gặp cừu nhơn mà thù không trả, cũng vì vị bụng Hà Hương, tuy miệng thì nói không, mà lòng thì chua xót, nên khóc. Đến chừng nghe quan hỏi bèn trớ nói rằng: “Tôi tức vì tôi vì bị đâm ra thân thể như vầy, mà cừu nhơn không ai bắt đặng, nên tôi khóc chớ có gì.”

“Vậy chớ người đâm mi đó ra làm sao hình tích bao cao, gương mặt thể nào, mập ốm dường bao, bận áo quần gì nói cho minh bạch, đặng quan troàn bắt mà làm tội nó cho, khó chi mà mi phải khóc than vô ích.”

‘Bẩm, người đâm tôi khi đó Annam không phải, bộ giống Chệc lai căn trên thì bận áo rằng, dưới bận quần “kiến quít”. Bộ coi phục phịch, mặt hịt, lưng to, bụng thì bụng bồ, cẳng thì cẳng qũynh.”

Ông Cò nghe khai lắc đầu song cũng phải lấy khẩu chiêu rổi biểu Ái Nghĩa ký tên, đạon đem nhau về bót. Hà Hương mừng, ngỡ là cứu Nghĩa Hữu đặng nên trong lòng hớn hở vui vười. Chẳng dè dẫn về tới bót, ông Cò kêu Nghĩa Hữu mà hỏi rằng: “Khi mi còn ở Bến Tre mi với Hà Hương phạm tội trõng đem nhau mà đi trốn, có lục tống quan Bồi thẩm Bến Tre, troàn bắt, nay mi ra mặt đây còn Hà Hương mi dấu đâu, mau khá chỉ đặng ta bắt mà giải về Bến Tre luôn thể?”

Thị Cô nghe hỏi mặt đã biến sắc chàm, vội vàng bước vào xin về, bởi quan không rõ tri cơ nên không cầm nàng lại. Thị Cô từ giã ra về, nháy mắt lắc đầu, ra dấu biểu Nghĩa Hữu đừng khai thiệt.

Nghĩa Hữu ngụ ý bèn bẩm rằng: ‘Khi tôi còn ở Bến Tre có phạm tôi chi rằng trọng; vẫn biết Hà Hương kết nghĩa với tôi đã lâu, nhưng bởi nàng lòng độc dạ sâu, âm mưu hại vợ tôi là Nguyệt Ba, khi đổ bể ra quan bắt. Tôi rầu công việc nhà sanh biến, nên mới bỏ mà ly hương, nay xứ nọ mai xứ kia, công việc Hà Hương nào biết tới.”

Quan rằng: “Mi đừng dối phép, lục tống nói rõ ràng, rằng mi dẫn Hà Hương, tầm phương mà lánh nạn, mi còn chối nỗi gì.”

Nói rồi liền dạy giam Nghĩa Hữu vào khám đợi sáng ngày giải tới quan Biện lý. Ra tới tòa, quan Biện lý hỏi sơ một hai lời, rồi dạy lính đem Nghĩa Hữu xuống khám lớn; lập tức viết giấy thép gởi cho quan Bồi thẩm Bến tre hay rằng Nghĩa Hữu đà bắt đặng.

Nói về tòa Bến Tre, khi Hà Hương trốn rồi, tầm kiếm không ra, lại nghe rằng Nghĩa Hữu cũng đi mất nên định cho là Nghĩa hữu dẫn độ Hà Hương lánh nạn. Bởi vậy mới gởi lục tống khắp quận khắp châu cậy soát bắt Hà Hương cùng Nghĩa Hữu.

Đợi cho đến năm sáu tháng mà cũng chẳng nghe tin xứ nào bắt đặng, túng phải gởi nội vụ qua tòa Đại hình Mỹ Tho cho quan trên minh đoán.

Tới kỳ tòa đại hình Mỹ Tho mở cửa, đòi vụ Hà Hương vào trước hết; vợ chồng họ Đậu và Nguyệt Ba, vợ chồng Trần Quế, vợ chồng thị Liến và bà mụ Lưu, có Ó, có Đạo, đủ mặt, duy một mình Hà Hương đào, tầm không ra sở trú.

Khi tòa đại hình cật vấn đầu giây mối nhợ, lại phân minh rồi, xảy có trạng sư của Đạo, Hà Hương với mụ Lưu và vợ chồng thị Liến ra cãi, vu cho Nguyệt Ba với Ó phạm tội sát nhơn rồi kiếm thế chữa mình, xin tòa làm án tử tên Ó và nghiêm phạt Nguyệt Ba, chớ như chuyện âm kế đổi con, đồ mưu sát hại, điều ấy là điều vô bằng vô cớ, xin tha Hà Hương, vợ chồng thị Liến với mụ Lưu.

Kế quan trạng sư của Nguyệt Ba và ó ứng tiếng lên cãi rằng chuyện tráo con mụ Lưu và thị Liến đã chịu với quan Bồi thẩm Bến tre, chuyện âm mưu sát hại, Đạo là đầy tớ của Hà Hương cũng đã cung khai, sao lại gọi rằng vô bằng vô cớ.

Vả lại Hà Hương là một con bán hoa khắp xứ, ai lại chẳng hay, chuyện chi mà nó không dám làm, điều ác nào mà nó sợ. Ví như nó là một đứa bị hàm oan vu cáo, khốn gì nó bỏ mà lánh thân, chớ như Nguyệt Ba, tòa coi lấy mặt nó mà coi thật một con chơn chất thật thà, đáng mặt đờn bà đức hạnh. Bị âm mưu sát hại, còn sống bồng con tới cửa công đó là may, rủi bề nào là có phải một mạng thành hai; cũng là nhờ có Ó ham làm nghĩa chẳng trượng tài, cứu nàng đặng khỏi tai khỏi họa.

Chừng đem nhau về ngang suối Đá, tòa xét lời khai của thằng Đạo đó mà coi, nếu không Ó thì Nguyệt thị chả còn hồn, chẳng hờn riêng, không oán riêng, vì nghĩa mà Ó giết hai mạng du côn, tội chi lỗi chi, dẫu mà ó có giết mười mạng như vậy nữa, tòa cũng không buộc tội.

Vậy xin tòa, lấy phép công binh, minh đoán, chiếu theo luật hình mà nghiêm phạt Hà hương, Đạo đáng tội đày lưu, còn mụ Lưu phạm tội đổi con, vợ chồng thị Liến mắc án liên can đã đáng.”

Khi Trạng sư phân giải rồi, tòa kết án xử khiếm diện Hà Hương hai mươi năm tù, đợi chừng nào bắt đặng sẽ xử lại. Đạo mười năm cầm cố, mụ Lưu vì tuổi cao tác lớn tòa niệm tình kêu án treo hai năm. Vợ chồng thị Liến một năm, còn Ó thì tòa lấy tiếng vỗ về rồi tha về xứ.

Việc xong vợ chồng họ Đậu, vợ chồng Trần Quế với Nguyệt Ba rước Ó về, cầm ở đó đãi đằng rất hậu. Bởi Ó nhớ mẹ già, chẳng biết mạnh giỏi thể nào nên bươn về, cầm lâu không đặng. Vợ chồng họ Đậu và vợ chồng Trần Quế, đậu cùng nhau ba trăm đồng và hàng lụa, bưng ra một mâm, biểu Nguyệt Ba lạy Ó mà đền ơn. Ó từ chối năm ba phen không đặng, phải thọ lãnh rồi từ giã ra về. Khi sửa soạn ra đi, Nguyệt Ba kính tới thăm dưỡng mẫu, và gởi gắm thị tỳ chừng nào gặp dịp sẽ ra mà rước.

Tuy ân oán trả xong, mà Nguyệt Ba cũng còn sầu thảm hoài, giận vì Nghĩa Hữu bac tình, ghét Hà Hương ở ác. Vợ chồng họ Đậu thì mừng dâu mừng cháu, mà đêm ngày rầu trẻ xiêu lưu; còn vợ chồng Trần Quế thì mừng mất gái hư đặng gái nên, song thấy mặt cháu thêm phiền cho rể.

Nói về tòa Bến tre, ngày kia xảy đặng điển tín quan Biện lý Saigon gởi lại nói việc bắt đặng Nghĩa Hữu, quan Bồi thẩm lật đật trả lời xin giải Nghĩa Hữu về Bến Tre lập tức.

Bữa nọ vợ chồng họ Đậu đương ngồi rầu trẻ, xảy nghe bọn đầy tới đi chợ về nói rằng nghe thiên hạ đồn cậu hai bị bắt tại Saigon, tàu lại lính giải cậu hai về tới. Nghe nói vợ chồng họ Đậu chưng hửng, lấy mắt nhìn nhau, còn Nguyệt Ba rưng rưng hột lụy.

Vợ chồng họ Đậu hối Nguyệt ba lo sửa sang cơm nước xong xuôi rồi, kéo nhau ra ngừa tau coi có quả. Tàu lợi, ghé bến vừa yên, thấy lính dẫn Nghĩa Hữu lên hai tay còng tréo. Nghĩa Hữu dòm thấy cha mẹ, vợ con thì sửng sốt, còn vợ chồng họ Đậu thấy con ra thể ấy thì khóc òa, vợ họ Đậu kể rằng vì một con Hà Hương báo hại.

Nghĩa Hữu cất tiếng khóc và nói: “Xin mẹ chớ nhắc tới chuyện Hà Hương mà con mang họa.’

Dứt lời lính thúc hối Nghĩa Hữu đi, còn Nguyệt Ba thấy chồng như vậy lòng căm giận Hà Hương, ngó đến mặt chồng, nhìn lại con thêm tủi. Nghĩa Hữu đi rồi, kéo nhau trở về. Nguyệt Ba ra lạy cha mẹ chồng, khóc thưa rằng: “Tội bất hiếu chồng con đã đáng, nhưng mà xin lượng trên giải nãn kẻo thương, nếu mà để chồng con vào chốn khám đường, cả danh giá như sương trên cỏ. Vẫn biết chồng con đã chẳng thương để bỏ, sanh ra lòng tham đó bỏ đăng, còn chi mà tưởng nghĩa gối chăn, nhưng mà đoái trẻ dại lòng hằng tưởng nhớ.

Lời tục ví: Một ngày là duyên hai ngày là nợ, thấy lâm nguy ai nỡ bỏ nhau, xin cho con tới chốn đề lao, thăm hỏi âm hao cho hãn.”

Nghe dâu nói ruột tầm đòi đoạn, nhìn cháu thơ lai láng giòng châu, “Vậy thì con khá tua sắm sửa mau mau, ra hỏi nó vì sao mà bị bắt, rồi mẹ sẽ tuốt qua bên Mỹ, cầu Trạng sư luận lý giải nguy, rất đỗi là con còn xét tấm tình suy, huống là mẹ há đi bỏ lẫy.”

Nói về tên lính giải tội, khi tàu tới đã quá mười giờ, cửa tòa đóng chặt, vào không đặng mà nạp, bèn trở vào nhà hội làng, gởi Nghĩa Hữu cho trường xiên “bế nguyệt ư”, còn mình thì kiếm ăn no rồi lo nghỉ.

Nhờ vậy nên khi Nguyệt Ba ra tới mới gặp. Nghĩa Hữu thấy Nguyệt Ba vội vã chào mừng, ra tuồng mơn trớn, biểu Nguyệt Ba đem con lại coi; chẳng dè vừa mới vói tay bồng, thằng Thoàn hét la chẳng chịu.

Nghĩa Hữu gượng cười mà rằng: “Con chẳng biết cha, cha bồng không chịu!”

Nguyệt ba nghe nói liền đáp rằng: “Tại bởi cha bất hiếu, lai sanh ngỗ nghịch nhi, chàng nghĩ mà coi, đạo sanh thành chàng chẳng nghĩ vì, nghĩa vợ chồng không suy không tưởng.”

Hữu rằng: “Xin mẹ trẻ hải hà chi lượng, bởi vì ta ở chẳng kỹ cang, tội lỗi nầy chứa để muôn ngàn, dẫu thác xuống suối vàng chưa phỉ, ráng cùng ta cho toàn chung toàn thỉ, ta nhẫn dầu khỏi chốn ngục trung, nguyện đến thác ơn không dám phụ.

Về năn nỉ dùm với cha mạ, xin hãy bỏ qua chuyện cũ, ra tay cứu độ phen nầy, rồi đây ta khai bẩm như vầy, đến thầy kiện mà toan thế ấy.’

Đang nói chuyện, bỗng nghe tiếng tro61ngha26u, tên lính thức dậy dẫn Nghĩa Hữu vào quan mà nạp. Còn Nguyệt Ba bồng con trở về nhạc gia, bẩm hết đầu đuôi tự sự, đem những lời Nghĩa Hữu khóc than mà thuật lại cùng cha mẹ chồng; vợ họ Đậu nghe nói khóc òa, họ Đậu cứ điềm nhiên tọa thị.

Vợ họ Đậu nói: “Vậy thì để cho tôi qua Mỹ cầu trạng sư coi người nghĩ thế nào, chớ nài tiền bạc tốn hao miễn con khỏi lao đao lận đận.”

Họ Đậu nghe nổi giận quở la vợ một hồi cứu chi cái thằng bi pôi tội của nó để cho nó chịu. Mụ nghĩ mà coi, nó thiệt là thằng bất hiếu, làm con không cảm điệu sanh thành; bỏ vợ hiền mà theo gái lầu xanh, bề đôi lứa đã đành đen bạc. Nay đã hết cơn ưu lạc, phạm tội nên quan bắt giải về, còn chi tình mẫu tử nghĩa phu thê, mà sầu thảm ủ ê cho nhọc.”

Vợ họ Đậu nghe chồng nói như vậy khóc mà rằng: “Ông nói sao chẳng nghĩ, nước nóng còn có khi nguội, bát bể đánh con sao lành, ai cầm dao cắt ruột cho đành, ông lại biểu đừng nhìn tới nó. Vẫn biết tội bất hiếu tội đà tỏ rõ, dạ bạc tình tham đó bỏ đăng, lúc giận mụ dạy mụ răng, chờ hễ vắng mặt bóng màng thì trẻ khóc.

Ông coi không ra, chớ lòng ông thiệt độc, tình máu thịt chẳng chút nào thương, thôi ông đừng nói vô làm chi, để mặc mụ lo lường, cứu trẻ khỏi đường tai nạn.”

“Ừ! Mê như vậy mới thiệt là xứng đáng! Lão nói trước cho, mụ đừng đem phí lãng của nhà, phải nghĩ tất công già, làm cháy da mày nám. Thà đem cúng cho thầy làm đám, may Phật trời cứu giảm họa tai, thà đem ra bố thí cho ăn mày, hơn là để đi xài tầm bậy.”

“Ông nầy phân nghe rất quấy, ối, không cần, mụ khọng thèm bợn lấy của ông, điều nói mà nghe, chớ cực nhọc gì mà ông lại kể công, chớ như mụ làm xẻ mũi thở đà không muốn kịp. Hễ vợ chồng ý hiệp, của chàng công thiếp làm ăn, có đó mà chẳng có đăng, biết lấy ai ngăn mà có cả.”

“Mẹ vậy con vầy đà phải quá.”

“Sao, mẹ sao con sao mà phải quá, ông nầy nói nghe bậy bạ còn chi, nầy, mụ với ông từ thuở thanh mi, chi bạch phát còn gì ghen nữa. Hay là mụ lấy ai mà có chửa. nên sanh con phá cửa hại nhà, ông nói thì phải nói cho ra, bằng chẳng, mụ không tha cho đặng. Nghĩ thiệt là cay đắng, có nói ra nó cướp mắng trên đầu, dường ấy có nên rầu, xấu hổ con đâu biết mấy.”

Nguyệt Ba rằng: “Thưa cha, con khôn lớn, lẽ nào khờ dại, từ tùng phu đã trải mùi cay, cha nghĩ mà coi, bát trong sóng còn động thay, việc gia đạo ai ai cho khỏi. Lúc giận thì cha nói, lẽ nào không xả tội cho con, dầu rằng cho biển cạn non mòn, tình phụ tử cũng còn hoài ái.

Xin nhạc gia lượng lại, ra ơn cứu giải ngu phu, chồng con dầu khỏi chốn lao tù, ơn cha mẹ ngàn thu khắc cốt. hễ cha mẹ tốt thì con mới tốt, con dại dột tiếng lọt về cha, cha nhẫn dầu giận lẫy bỏ qua, có phải là thiên hạ dèm pha xấu hổ. Con chẳng nệ muôn ngàn nỗi khổ, cha nghĩ mà thương chút cháu thơ còn nhỏ biết chi, thuở lọt lòng cho tới biết đi, tri kỳ mẫu bất tri kỳ phụ.”

“Nói làm chi con, để nữa ổng gách bạc về âm phủ, bây giờ đây, để cho con chết rũ trong lao, lời tục ví: Chữ ‘thiên tường tát biệt’ sai nào, thôi để đó mặc tao liệu biện.”

“Mụ đừng nói thấp cao nhiều chuyện, ai của đâu đem liệng xuống sông, đổ mồ hôi lại chẳng tiếc công, xót con mắt há không tiếc của. Mụ có nói vậy, thôi thì bán hết nhà hết cửa, đem đi mướn trạng sư cứa chữa cho con, hết thì hết còn thì còn, không hơi nào mà nói.”

Dứt lời họ Đậu đứng dậy phủi đít rảo ra sau vườn, vợ họ Đậu kêu Nguyệt Ba, chỉ mà nói rằng: “Con coi đó, nghĩ thiệt đáng phiền biết mấy, ối, mà cũng tại thằng súc sanh nó ở quấy quá chừng, phải nó mà như con người ta sao mà ổng lại không cưng, bởi nó hại quá, nên ổng mới dửng dưng như thế.

Thôi, để mẹ đi kẻo trễ, con ở nhà, ráng mà coi tử tế trong ngoài, mẹ qua tính việc ít ngày, mẹ sẽ day trở lại.” Dặn rồi từ biệt chồng và dâu ra đi; xuống tàu qua Mỹ Tho tìm vào Trạng sư Portrait mà bàn luận.

Vào gặp mặt Trạng sư Bọt-tre, hai đàng mừng rỡ, vì khi trước Trạng sư Bọt-tre có cãi vụ Nguyệt Ba nên đã quen mặt, phân ngôi chủ khách ra rồi, vợ họ Đậu mới tỏ hết sự nhà, cầu Trạng sư cứa chữa. Giá cả xong xuôi, Trạng sư hứa chịu đợi ngày xử sẽ đến. Vợ họ Đậu xin Trạng sư phải qua đặng mà dự thính cung khai và lãnh Nghĩa Hữu ra ngoài, chờ ngày đòi xử.

Trạng sư bằng lòng, biểu vợ họ Đậu tạm đợi đến ngày mai, sẽ xuống tàu đi luôn thể. Vợ họ Đậu từ giã ra tiệm Quản lai cư ở đợi. Sáng ngày vào hiệp cùng Trạng sư xuống tàu trở lại.

Khi tàu tới Bến Tre, còn sớm, chưa tan buổi hầu chiều, Trạng sư đi thẳng vào tòa, ra mắt quan Bồi thẩm, hỏi thăm vụ Nghĩa Hữu. Quan Bồi thẩm nói hổm nay mắc việc chưa hỏi đến, Nghĩa Hữu hãy còn giam nơi khám, sáng mai mới là tra đặng.

Trạng sư xin ngày mai dụ thính cung khai Nghĩa Hữu. Quan Bồi thẩm cho. Trạng sư cảm ơn rồi từ giã đến tạm nơi nhà khách. Ra gặp vợ họ Đậu đợi nơi cửa tòa, trạng sư nói lại cho hay, vợ họ Đậu mừng, rồi phân tay hai ngả.

Sáng ngày lính dẫn Nghĩa Hữu tới tòa, một chặp thấy Trạng sư, Nguyệt Ba và vợ họ Đậu đi tới. Trạng sư vào phòng việc quan Bồi thẩm nghe có tiếng kêu Nghĩa Hữu, lính mở còng dẫn Nghĩa Hữu đến; quan Bồi thẩm hỏi lý lịch xong rồi liền dạy Nghĩa Hữu phải lấy lời ngay mà bẩm khai minh bạch.

Hỏi. “Mi có biết hà Hương là ai chăng?”

“Bẩm, biết Hà Hương là vợ chánh của tôi, cha mẹ tôi cưới cho tôi, sao tôi lại không biết.”

H. “Mi cùng Hà Hương ở với nhau đặng bao lâu mà xa nhau?”

“B. Ở với nhau đâu đặng một năm mà thôi.”

H. “Tình vợ chồng mi với Hà Hương mặn nồng thể nào, vì sao mà đến nỗi xa?”

“Tình nghĩa vợ chồng, Hà Hương ở cùng tôi như bát nước đầy, thương yêu nhau vô giá, bởi Hà Hương, chẳng giữ [hận làm dâu trên không thuận dưới chẳng hòa, cha mẹ tôi không bằng lòng, mới khiến điều để bỏ.”

“Vì cha mẹ mà mi bỏ Hà Hương, đi cưới Nguyệt Ba; cưới Nguyệt ba về rồi, mi còn thương tưởng vãng lai với Hà Hương chăng?”

“Bẩm, còn lai vãng như thường tình thương không nguôi dạ.”

‘Có khi nào trọn ngày đêm mi ở bên nhà Hà Hương chăng.”

“Có, có khi tôi ở luôn đó ba bốn ngày đêm với nó.”

‘Vậy thì mi rõ biết việc nhà Hà Hương lắm.”

“Phải, tôi rõ biết.”

“Mi biết Trạnh, Hồ, Đạo là ai chăng.”

“Trạnh, Hồ, Đạo là đầy tớ của Hà Hương.”

“Mi biết Hà Hương là con ai, Nguyệt ba là con ai chăng.”

“Hà Hương là con Trần Quế, Nguyệt Ba là cháu ngoại mụ Lưu chớ ai.”

“Mi nói sai, phải khai cho thật; có lý nào mi chẳng biết Hà Hương là cháu mụ Lưu, Nguyệt Ba là con Trần Quế sao, việc trớ trêu nầy mi rõ lắm chớ.”

“Trừ ra một mình mụ Lưu và thị Liến rõ biết, ngoài nữa chẳng ai hiểu thấu. Rất đỗi cha mẹ tôi và cha mạ vợ tôi còn không hiểu huống lựa là tôi.”

“Mi nói rằng mi rõ biết việc nhà Hà Hương, mi biết Trạnh, Hồ và Đạo là đầy tớ của Hà Hương, cớ sao mà khi chúng nó vưng lịnh Hà Hương giả làm bần nhơn đi xin ăn, vào nha mi mà đi bạn, mi lại không nói để vợ mi là Nguyệt Ba đi cúng chùa lầm mưu gian âm hại. Lấy đó mà suy thì mi a ý với Hà Hương mà hại vợ mi.”

“Có lẽ đâu tôi lại a ý với Hà Hương mà hại Nguyệt Ba, ấy là lời quan Bồi thẩm vu oan cho tôi đó. Khi Trạnh, Hồ, Đạo tới dối xưng như vậy, tôi có biết mặt nó là ai đâu. Còn khi tôi biết đặng Tranh, Hồ, Đạo là đày tớ Hà Hương nhờ tôi ở đêm ngày bên Hà Hương tôi mới biết.”

“Lời nói đó chẳng ngay, song ta cũng cho mi lợi khẩu; còn khi mi rõ đặng Trạnh, Hồ và Đạo ba thằng chèo ghe, hãm hại vợ mi đều là đày tớ của Hà Hương, sao mi không tố cáo cho quan bắt, mi lại làm thinh dễ vật, mi còn chưa chịu a ý với Hà Hương mà hại Nguyệt Ba sao?”

“Tôi nói sau tôi mới biết Trạnh, Hồ, Đạo là đày tớ của Hà Hương, chớ tôi có nói rằng sau tôi nhìn biết Trạnh, Hồ, Đạo là ba thằng chèo ghe đâu mà quan hỏi tôi sao không tố cáo. Tôi thật chẳng hề nghi bọn gian nhơn ấy là đày tớ của Hà Hương và tôi cũng chẳng có ý nhìn biết đặng chút dấu nào cả, vì khi đến xin ăn thì đầu đội nón trùm quần đầu gối, áo vạt khách tới mổng trôn, quả là người ghe bầu, còn khi tôi qua nhà Hà Hương, thấy Trạnh, Hồ và Đạo ăn mặc lòe loẹt, quần hàng áo lụa, khăn giầy rỡ ràng, biết đâu mà tố cáo.”

“Vì sao mà khi Nguyệt Ba nổi trôi nương tựa nơi nhà Ó, tại Hòn Bà. Sai Ó đem thơ vô cho mi hay, mi lại trao thơ ấy cho Hà Hương coi, mi nói rằng mi không a ý?”

“Điều ấy oan tôi lắm; tôi hằng ngày trông tin Nguyệt Ba mà chẳng nghe tin, có lẽ đâu hay tin lại giấu thật tôi chẳng hề gặp mặt Ó lần nào, chẳng hề đặng tin chi cả thảy.”

“Ó nói rằng khi nó giao thơ tại nhà Hà Hương là nơi mi ăn ở, sao lại không gặp mặt Ó là nghĩa gì?”

“Tôi không có ở đó thường, thoạt vãng thoạt lai mà thôi, có lẽ khi Ó đem thơ vào không có tôi nơi đó, Hà Hương tim tâm nhận lấy thơ mà dấu tôi chăng?”

Quan Bồi thẩm liển biểu lục án Hà Hương ra coi những lời Ó và Đạo khai, khi đem thơ, thật lúc đó Nghĩa Hữu không có ở bên Hà Hương nên Hà Hương nhận lấy thơ, rồi âm mưu sai thủ hạ ngừa đàng mà giết.

H. “Vậy chớ khi Hà Hương sai ba đứa đi ngừa Nguyệt Ba, mi không hay sao?”

“Thật tôi không hay, Hà Hương chẳng hề dĩ hơi cho tôi biết.”

‘Vậy chớ mi thấy vắng mặt ba đứa mi không hỏi đi đâu hay sao?”

“Tôi có hỏi, Hà Hương nói với tôi rằng đuổi chúng nó đi không cho ở nữa. Bởi lúc buồn rầu, lại thêm bất ý chẳng nghi, nên chẳng cần hỏi han nhiều chuyện.”

‘Khi chuyện dở lỡ ra rồi Nguyệt Ba về, Ó Đạo về đủ mặt, bắt Hà Hương giam vào khám, mi còn thương tiếc Hà Hương chút nào chăng.”

“Tuy nó dại ghen tương làm ra đại sự tôi cũng giận, song giận rồi nghĩ lại cũng thương, thương là thương vì một tôi mà nó sanh lòng độc hiểm.”

“Khi Hà Hương bị giam mi có đi thăm nom lần nào không?”

“Tôi hết lòng thương nhớ nhiều khi đi thăm mà không thế nào thăm nó đặng.”

“Ấy vậy lòng mi còn thương nó nhiều nên chuyện nó hại vợ mi như vậy mà mi hãy còn ước ao thấy mặt nó?”

“Phải, giận thì giận vậy chớ lòng tôi còn mến thương nó lắm.”

“Vì tình thương nhau không nỡ rời, mi đem nó trốn đi ở xứ nào từ ấy những nay.”

“Ấy là lời quan chẳng thương vu cáo cho tôi đó, tôi chẳng hề đem Hà Hương đi trốn.”

“Miệng thế đều quyết chắc mi còn chối nỗi gì, vậy chớ vì cớ nào mi bỏ xứ mà đi?”

“Vì việc gia đạo sanh biến, vợ con sanh sự bạo tàn nên tôi rầu bỏ mà đi cho khuất mắt.”

“Mi đi sao không cho cha mẹ mi hay, bỏ ra đi thình lình như vậy.”

“Nếu tôi cho cha mẹ tôi hay ắt cha mẹ tôi cản trở.”

“Mi ra đi ngày nào, đi cách nào?”

“Tôi đi nhằm buổi chiều hai muôi tám tháng hai, tôi đi tàu.”

“Mi đi lối mấy giờ, mi đi đâu?”

“Tôi đi hồi gần bốn giờ chiều, đi tàu qua Trà Vinh.”

“Người ta nói mi đi hồi bảy giờ tối, mà đi ghe không phải đi tàu, bộ lâu ngày mi quên đi chăng? Mi qua Trà Vinh làm nghề gì.”

“Tôi qua Trà Vinh ở không đâu đặng một tháng, tiền bạc hết rồi, tôi phải vào xin làm lục bộ mà chi độ hồ khẩu.”

“Mi ở Trà Vinh đặng bao lâu.”

“Tôi ở đó có dư năm tháng.”

“Mi vào làm lục lộ đặng mấy tháng rồi mi thôi?”

“Làm lục lộ hơn ba tháng.”

“Mi ở nơi nào mà đi làm lục lộ.”

“Tôi ở đậu trong nhà thầy Đội lục lộ.”

“Mi bỏ Trà Vinh mà đi ngày nào?”

“Tôi đi nhằm ngày mười sáu tháng bảy.”

“Mi đi đâu?”

“Tôi lên Saigon.”

“Mi làm nghề gì ở Saigon?”

“Tôi làm cu li nhà máy Bình Tây.”

“làm đặng bao lâu?”

“Đặng ba tháng.”

“Mi ở nhà ai mà đi làm.”

“Không ở nhà ai hết cu li chung nhau mướn phố ở.”

“Người ta nói rằng mi đi môt lượt với Hà Hương?”

“Tôi chẳng thấy mặt Hà Hương.”

“Vậy chớ khi về Saigon mi chẳng gặp nó hay sao? Mi gặp nó một lần, song nó có chồng giàu có, thấy mi đói khó nó chẳng thèm nhìn tới mi?”

“Tôi chẳng hề gặp mặt Hà Hương lần nào hết.”

“Mi liệu chắc Hà Hương bây giờ ở đâu.”

“Tôi đã nói khôn gặp mặt Hà Hương, không nghe tin Hà Hương làm sao mà liệu chắc Hà Hương ở đâu cho đặng.”

Quan Bồi thẩm ngừng lại không hỏi nữa, bảo Nghĩa Hữu ký tên lấy lời khai rồi dạy dẫn xuống khám. Trạng sư hỏi xin lãnh Nghĩa Hữu ra chờ ngày xử, vì cung khai đã hườn thành. Quan Bồi thẩm chịu, song phải xin quan Biệt lý.

Trạng sư qua phòng quan Biện lý mà xin lãnh, quan Biện lý hỏi lại quan Bồi thẩm, rồi dạy phải đăng bạc thế chưng một trăm rưỡi đồng. Trạng sư nói lại với vợ họ Đậu và Nguyệt Ba, vợ họ Đậu lật đật về nói lại cùng chồng, đặng lấy bạc ra đặng mà lãnh trẻ.

Họ Đậu nghe nói cười gằng song giả lơ, không thèm hỏi tới, bước lại ván phủi chơn ngồi tréo mảy mà ngâm rằng:

‘Bạc thế chưng tiền Trạng sư

Xưa kia lão biểu mụ đem từ

Mụ rằng con một không đành bỏ

Sự nghiệp ngày nay phải kể hư.”

Vợ họ Đậu nghe chồng ngâm như vậy, phát ghét muốn nói lợi, song nhẫn tâm làm thinh chăm chỉ đi lấy bạc, rồi lật đật ra cho kịp giờ hầu giao cho Trạng sư đặng mà lãnh Nghĩa Hữu.

Lãnh ra rồi, mẹ con tạ từ Trạng sư đem nhau về gia nội. Bước vào nhà, vợ họ Đậu hối Nghĩa Hữu: “Sao chưa lạy cha mầy mà tạ tội đi?”

Nghĩa Hữu liền cúi lạy; họ Đậu không thèm nói thốt chi cả, ngồi tréo mảy tay bưng chén trà, mắt ngó ra sân, ngụ tình xem cảnh. Nghĩa Hữu thấy vậy sợ sệt ríu ríu vào phòng, xảy gặp Nguyệt Ba đang ngồi bồng con mà khóc.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenConvert.NET
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK