Sau khi tống giam Trịnh Tuyền, Tây Định vương Trịnh Tạc sai con là Phú quận công Trịnh Căn thay làm nguyên súy, vào Nghệ An thống lĩnh binh quyền trước vẫn do Trịnh Tuyền nắm giữ.
Phú quận công Trịnh Căn vâng lệnh đi trấn thủ, bèn triệu đô đốc Hào Man Lê Thì Hiến, tham tướng đô đốc Nhuận quận công (1) vào trong trướng bàn định. Quận Phú nói:
- Các ông giữ chức quan to ở triều đình, ăn lộc đỉnh vạc (2) nên phải hết sức hết lòng bảo đền ơn chúa. Nay chúa xứ Nam sai hai tướng Thuận, Chiêu đem quân ra quấy nhiễu miền biên giới, hiện đã chiếm bảy tám châu huyện ở xứ Nghệ An, đào hào đắp lũy, mưu tính kế sách lâu dài. Ấy là tội khinh mạn, coi triều đình ta như chỗ không người. Huống chi bọn Thuận, Chiêu lại khinh chúng ta quá lắm. Ta quyết thề rửa hận, có chúng không ta! Các ông nên mật truyền cho các đạo tuyển chọn, binh lính khỏe mạnh dám đánh, đến ngày hai mươi ba tháng này vào lúc chập tối thì lấy ghe thuyền của dân vạn chài để chở khí giới đạn dược, hạn tảng sáng ngày hai mươi bốn sẽ đánh thốc sang phía tây xã Nam Hoa (3) trèo vào đánh phá trại quân Nam của trấn thủ Đại Thắng, nhổ luôn hai đồn của Thuận Nghĩa và Chiêu Vũ. Quân đi sau tiếp lên tiếp ứng bắt cho kỳ được hai tên tướng ấy giải nộp để lập công đầu.
Cắt cử quân tướng đâu đó đã xong, các tướng tuân lệnh trở về doanh trại sửa soạn đợi lệnh.
Đến ngày bên Trịnh xuất quân đã nói ở trên, có người dân xã Phúc Châu ở phía bắc sông Lam thuộc huyện Nghi Xuân tên là Phàn Lân (4) nghe lóng được tin Phú quận công bàn định với các tướng về việc cắt cử quân tướng các đạo, tự đến cửa quân của tiết chế Thuận Nghĩa mật báo việc tướng Bắc là đô đốc Phú quận công lĩnh binh quyền thay quận Ninh, đóng đồn ở Vĩnh Dinh, đã sai thự vệ Hiển Dương đến đậu thuyền ở bến sông xã Phúc Châu, chọn lấy tám mươi chiếc thuyền của dân bản xã cùng sáu mươi chiếc ghe đi biển của đân vạn chài, hẹn đến ngày hai mươi ba tháng sáu đem thuyền đến Vĩnh Dinhđậu ở bờ nam sông Lam, chia chở đạn dược khí giới, các vật phẩm quân nhu v. v. . . Lại truyền cho bọn đô đốc Hào Man Lê Thì Hiến, đô đốc đồng tri Nhuận quận công Hoàng Nghĩa Giao, hẹn đến tảng sáng ngày hai mươi bốn người ngậm tăm, ngựa rọ mõm, lặng lẽ dẫn quân vượt sông Lam tập trung sức mạnh đánh vào lũy phía tây xã Nam Hoa để phá đồn thượng đạo của trấn thủ Đại Thắng. Phú quân công Trịnh Căn đốc xuất đại quân đi sau tiếp ứng, hợp sức với nhau đi bắt sống quân Nam.
Tiết chế Thuận nghĩa nghe Phàn Lân báo tin, cả giận nói:
- Quận Phú là đứa trẻ ranh miệng còn hơi sữa, sao dám giơ càng bọ ngựa chống xe? Ta quyết phải bắt sống hắn chém đầu đem bêu chợ mới hạ được cơn giận này.
Nói đoạn sai người đem Phàn Lân đến buồng trọ của khách nghỉ ngơi, khoản đãi. Một mặt sai người mời đốc chiến Chiêu Vũ cùng các tướng đến trướng quân bàn định.
Tiết chế Thuận Nghĩa bảo đốc chiến Chiêu Vũ:
- Quận Phú tướng nhóc ngầm dùng quỷ kế sai quân đánh úp ta ởlũng thượng đạo tại xã Nam Hoa. Ông nên nghĩ kế mà bắt sống hắn!
Đốc chiến Chiêu Vũ cả cười đáp:
- Nếu Tây Định tự dẫn xác đến đây cũng bắt sống dễ như trở bàn tay, huống hồ chỉ một quận Phú nhãi ranh chẳng bõ cho bọn ta lo nghĩ. Xin tiết chế sai người phi báo cho trấn thủ Đại Thắng biết để chuẩn bị trước, cho gom nhặt rơm củi chất sẵn một chỗ ở bờ sông, tảng sáng ngày hai mươi bốn đem quân ra ngoài lũy dàn trận sẵn trên đường đi để đón đợi. Nếu thấy quân Bắc tiến xộc đến liền tung quân chặn đánh, giả vờ thua chạy vào lũy. Tôi sẽ sai quân đốt lửa làm hiệu. Nếu quân Trịnh thừa thế đuổi kịp, trấn thủ Đại Thắng thấy nổi lửa hiệu trên hờ sông thì nhanh chóng cho quân cung nỏ quay lại đánh. Nếu quân Bắc thua trận bỏ chạy thì đuổi gấp đến gần sông đè bắt quận Phú, kịp thời thu nhặt khí giới không được chậm trễ. Thế gọi là kế "thả mồi bắt cá".
Lại sai trấn thủ Phù Dương đem một đội quân đến mai phục một chỗ trên gò núi phía tây xã Nam Hoa, hễ nghe tiếng súng nổ và thấy khói lửa báo hiệu thì cho quân xông ra đánh chặn đường để bắt bọn quận Hào, quận Nhuận. Tiết chế cùng tôi đem đại quân tiếp ứng theo đường thủy để chặn đường về của bọn quận Phú, khiến cho bọn chúng không còn mảnh giáp mà về, chẳng dám nhìn thẳng vào quân ta.
Thuận Nghĩa nghe Chiêu Vũ nói xong cả mừng, vỗ tay cười nói:
- Mưu kế của đốc chiến thật là tuyệt diệu, chính hợp ý ta.
Bèn truyền lệnh cho các tướng cứ theo mưu kế ấy mà làm, ai trái lệnh thì phải trách phạt nặng. Tiết chế Thuận Nghĩa liền sai người báo tin mật cho trấn thủ Đại Thắng như thế, như thế. . .
Tảng sáng ngày hai mươi bốn tháng sáu, quân Trịnh do hai tướng Hào Man và quận Nhuận cho quân vượt sông Lam bỏ thuyền lên bờ, chúc cờ, im trống, tiến về lũy phía tây xã Nam Hoa. Bỗng thấy phía trước cờ xí rợp đất, chiêng trống vang trời, một đoàn quân đang tiến đến chặn đường. Đó là quân của trấn thủ Đại Thắng đã dàn thế trận đợi sẵn. Đại binh bên Trịnh không dám tiến nhanh. Đại tướng Hào Man (5) thúc quân tiến lên đánh gấp. Trấn thủ Đại Thắng vờ thua chạy về lũy Nam Hoa.
Bọn Hào Man Lê Thì Hiến và quận Nhuận Hoàng Nghĩa Giao thừa thắng đuổi theo. Quân Nam chạy chậm, vừa chạy vừa ngóng nhìn về phía hờ sông. Bỗng thấy bên phía tây bắc sông có ngọn lửa bốc lên, khói đen tỏa mịt trời. Trấn thủ Đại Thắng liền hô quân quay lại ra sức đánh mạnh. Tiếng súng nổ vang như sấm dậy, đạn bay rào rào. Khi ấy quân Nam lên sức, một người địch nổi cả trăm người. Hào Man cả bại, vội thu quân chạy về, binh lính ném giáo trút giáp ai nấy đều tìm đường chạy trốn.
Quân Trịnh chạy được nửa đường, bỗng nghe có tiếng súng nổ trong rừng, rồi một đội quân tiến vọt ra, thảy đều hùng dũng, lẫm liệt uy phong. Quân Trịnh trông thấy cả kinh. Nhìn ra thì đó là quân của tướng Nam triều là trấn thủ Phù Dương. Phù Dương thúc quân đánh lớn.
Hào Man Lê Thì Hiến hoảng hốt trở tay không kịp vội bỏ quân chạy trốn, trên mình không một mảnh giáp, trong tay không một tấc sắt, cắm đầu chạy miết về phía bắc.
Đúng là:
Cầm đầu như hổ chuột.
Cuống cẳng tựa beo vồ.
Quận Nhuận phải lánh vào rừng tìm đường lẻn trốn. Hào Man Lê Thì Hiến thấy lửa hiệu ở bờ sông phía thượng lưu, ngờ quân Nam đặt phục binh, vì thế không dám cho quân tiến lên, chỉ theo đường ở hạ lưu, mạnh ai nấy trốn. Khi quân của Hào Man chạy đến bến sông thì thấy ở phía hạ lưu chiến thuyền của quân Nam nhiều vô kể đang vượt sông lướt tới. Đấy là đội thủy binh của tiết chế Thuận Nghĩa và đốc chiến Chiên Vũ đang tiến đến chặn đường. Lại nghe có tiếng hô to: "Quân sĩ gắng lên bắt sống Hào Man, quận Nhuận giải nộp sẽ được trọng thưởng thăng quan!". Hào Man nghe tiếng kinh hoảng rụng rời, đặt chân không vững, đành ngẩng mặt lên trời mà than rằng: "Phía trước là sông lớn, phía sau quân địch đuổi theo không đường trốn thoát. Thế là trời bắt ta phải chết ở đây này!". Bèn tuốt kiếm sắp tự sát.
Quân sĩ tùy tòng thấy vậy vội chạy đến can ngăn, chợt thấy phía thượng nguồn có đội thủy quân đang chèo thuyền lướt xuống, có tiếng hô lớn:
- Đô đốc chớ vội! Quân ta đã cótiếp ứng đây!
Hào Man nhìn kỹ liền bình tâm cả mừng, bèn lấy sức nhảy mạnh, ngã nhào vào trong khoang thuyền. Bấy giờ mới hay đó là nguyên súy Phú quận công Trịnh Căn đưa đoàn chiến thuyền di cứu viện. Các đội quân bên Trịnh đều lần lượt tìm đường chạy trốn về Vĩnh Dinh. Quân Nam đuổi theo không kịp. Tiết chế Thuận nghĩa truyền lệnh thu quân về trại, triệu tập họp các tướng để bàn xét ghi tên vào sổ quân công, sai người đem về tâu nộp trước sân phủ chúa.
Hiền vương Nguyên Phúc Tần nghe tâu xong cả mừng, vuốt râu cười vang, nói rằng:
- Thuật dùng binh của hai tướng Thuận, Chiêu thật chẳng kém tài của Tôn, Ngô ngày trước.
Nói đoạt bèn sai chức sự là Kiêm Lược mang vàng bạc gấm lụa ra tận nơi trọng thưởng cho tướng sĩ ba quân.
Lại thưởng cho Phàn Lân, cho giữ chức cai đội để biểu dương còng trạng. Các tướng đều vái vọng nhận thưởng.
Công việc khao thưởng đâu đó đã xong, chức sự Kiêm Lược vội lên đường trở về ngự doanh ở Quảng Bình.
Người đời sau có làm thơ rằng:
Vung gươm thu tít tận từng may,
Gặp gỡ đừng mong kịp trở tay.
Diệu kế bày choi kinh lũ ác,
Kỳ tài nức tiếng cõi Nam này.
Phù Dương mai phục ngăn đường thoát,
Thì Hiến kêu la động đất dày.
Chỉ bởi Trịnh gia còn vận thái,
Khiến nên bờ cõi khó thu ngay.
. . .
Nói tiếp thượng tuần tháng chín năm ấy có bọn Huân Lộc, Lái Kiêm, Lái Thốn người ở Vĩnh Dinh thuộc Bắc triều lén qua bờ Nam sông Lam tìm đến quân doanh Khu Độc xin bái yết đốc chiến Chiêu Vũ báo tin bọn họ ở bên bờ Bắc, ngày hôm qua nghe nói nguyên súy Bắc triều là Phú quận công Trịnh Căn cùng các tướng hội họp. Quận Phú nhận thấy Thắng Nham đóng giữ lũy Đồng Hôn (6) địa thế thấp mỏng, nay đang lúc cuối thu đầu đông nếu gặp mưa to gió lớn có thể bị nước lũ dâng ngập. Chiêu Vũ bên Nam vốn là bậc tướng tài, lại hiểu cả khí số, nếu biết bên ta chưa kịp chuẩn bị, nhân sơ hở mà đánh thọc sang thì Thắng Nham làm sao mà chống giữ nổi, huống chi nếu sai sửa đắp cao lên thì sợ lại thêm một lần khiến cho lòng quân xao xuyến, khó mà thu phục được. Vì vậy, quận Phú gọi các tướng đến họp để hỏi mưu kế chống giữ. Quận Liêm, quận Mỹ thấy quận Phú hỏi như thế, bèn xin quận Phú gấp sai người mật truyền cho Thắng Nham dời trại quân đến đóng ở dưới chân ngọn núi đất, chia quân chặn giữ những chỗ đồi gò sông lạch để tăng thanh thế. Nếu xảy lũ lụt, quân Nam thừa thế đánh sang thì Thắng Nham đã có núi đất làm chỗ dựa, đánh hay giữ đều được dễ hơn, có thể nói là không phải lo nữa. Đợi cho hết đông sang xuân sẽ trở lại đóng giũ lũy Đồng Hôn. Như thế thì cứ cao gối ngủ yên không phải lo ngại gì hết.
Bọn Huân Lộc nói các tướng bên Bắc bàn luận như thế nhưng chưa kịp thi hành, vì thế họn Huân Lộc xin đến báo tin để cảc tướng Nam triều được biết. Đốc chiến Chiêu Vũ nghe xong cười đáp:
- Quận Phú chỉ là đứa trẻ con, sao đủ mưu trí sâu xa mà dự liệu được ý đồ của ta. Ta đã tính trước rằng ngày Quý Hợi hai mươi nhăm tháng này là ngày sao Chẩn sáng nhất trong tháng, tất sẽ có mưa to gió lớn. Hơn nữa lại co mây đen phát ở phía cửa lớn của chòm Bắc đẩu, mây trắng ch ở cung Chấn (7) thì ở phía tây bắc sẽ có mưa to gió lớn nước dâng. Ta đã chuẩn bị sẵn, bên Trịnh có biết thì cũng đã muộn. Ta sẽ nhanh tay lấy trước để mưu kế khỏi bị tiết lộ. Các ông cứ tạm nghỉ trong doanh đợi xem quân ta phá trước lũy Đồng Hôn khiến cho quận Phú ớn lòng không thi hành được mưu kế nữa.
Nói đoạn Chiêu Vũ sai người phi báo cho tiết chế Thuận Nghĩa biết tin ấy. Tiết chế Thuận Nghĩa bèn truyền cho cai cơ Hùng Uy sửa soạn đầy đủ khí giới, đợi đến ngày hai mươi nhăm có mưa to gió lớn, nước sông Lam dâng cao sẽ đem quân đánh thốc sang phá lũy Đồng Hôn của Thắng Nham. Tiết chế Thuận Nghĩa đích thân đem quân đi tiếp ứng.
Tảng sáng ngày hai mươi bốn bỗng thấy mây đen bốn phía kéo đến, mưa gió sấm chớp đầy trời, cát bay đá chạy ào ào, nhà cửa xiêu đổ. Ngày hai mươi nhăm ở xứ Đồng Hôn nước ngập sâu hơn năm, sáu thước.
Thắng Nham thấy vậy cả sợ. Bỗng nghe phía ngoài lũy dậy tiếng hò reo, súng nổ vang trời. Lại thấy quân Nam ngồi trên thuyền đang lưới sóng tiến đến. Đó là đội quân của đốc chiến Chiêu Vũ cùng lúc ập qua, vượt lũ nhảy vào đánh phá doanh trại của Thắng Nham.
Bấy giờ Thắng Nham đang đốc thúc quân lính vận chuyển quân nhu khí giới để rời trại đi nơi khác, thấy tình thế như vậy ai nấy đều kinh hoàng không kịp trở tay. Quân lính của Thắng Nham cũng chẳng có lòng ham đánh. Thắng Nham một mình chạy lên núi đất tìm đường trốn thoát. Bấy giờ quân Trịnh ở lũy Đồng Hôn chết đuối nhiều không kể xiết, binh lính bị hắt sống thì gào khóc kêu la động đất vang trời.
Lại nói Thắng Nham chạy trốn dọc đường đói khát khốn khổ, ngoái lại thấy quân Nam vẫn đuổi sát phía sau. Gặp tên quân thuộc hạ mang nồi niêu chạy gấp theo sau, Thắng Nham thở dốc ngồi bệt bên vệ đường để đợi, rồi sai tên quân ấy tìm một nơi khuất gió trên sườn núi, đào lỗ bắc nồi nấu cơm ăn cho đỡ đói. Nhưng cơm chưa kịp chín đã thấy ở góc đông nam bụi bốc mù trời, một đội quân cưỡi ngựa đang gấp đường đuổi tới. Cờ xí lóa mắt, tên lông đạn đá rào rào như mưa. Thắng Nham cả sợ trèo lên núi đất nhìn cho rõ. Đó là quân của tiết chế Thuận Nghĩa và cai cơ Hùng Uy. Thắng Nham kinh hồn bạt vía, lại thêm bụng đói như cào, không tài nào chống cự nổi, vội cúi đầu co chân nhằm về phía Eo Ống mà chạy. Quân Nam đuổi theo không kịp, chỉ thu nhặt được khi giới đạn dược, voi ngựa nhiều không kể xiết. Tiết chế Thuận Nghĩa đánh trống thu quân quay trở lại sông Lam, xuống lệnh cho quân sĩ nghỉ ngơi. Ba quân các tướng đều đếền dâng công.
Tiết chế Thuận Nghĩa đập vào vai đốc chiến Chiêu Vũ nói rằng:
- Trận thắng hôm nay đủ thấy ông điều binh khiển tướng thật tài giỏi hơn người, đâu phải chỉ riêng người xưa bàn định trù hoạch trong chốn màn trướng mới là đáng khen.
Đốc chiến Chiêu Vũ đứng dậy cảm tạ rằng:
- Bọn ta trên được hoàng thiên phù hộ, giữa đội, nhờ phúc lớn của thánh chúa, dưới nhờ được tướng sĩ đồng lòng mà lập nên công tích ngày nay. Đâu phải do một mình Chiêu này mà có thể làm nên được!
Tiết chế Thuận nghĩa bèn triệu họp các tướng, cho bày tiệc chúc mừng rồi sai người về triều tâu báo (8).
Người đời sao có thơ khen rằng:
Thuyền chiến bồng bềnh lướt sóng dồi,
Binh hùng mấy vạn vượt núi đồi.
Giao long nhảy rỡn trên lưng sóng,
Hổ báo run chân trước lửa sôi.
Giá ngắt sương thu mờ mũi giáo,
Lấp loáng áo mũ sáng bừng trời.
Liệu xem tướng sĩ đà như thế,
Dân nước yên vui sẽ đến hồi.
Lại nói chuyện năm Mậu Tuất, niên hiệu Thịnh Đức thứ sáu (1658), tháng giêng, quân hai bên Nam Bắc đều đóng yên bất động. Quân sĩ hàng ngày lo việc luyện tập, dân chúng được yên nghiệp cày cấy làm ăn, phu phen tạp dịch được giảm nhẹ, trăm họ đều vui mừng.
Nói tiếp chuyện đốc chiến Chiêu Vũ viết xong tờ hiểu dụ kể tội họ Trịnh, bèn sai người lén đem ra kinh đô Thăng Long cùng các trấn ở Đàng Ngoài theo kế đã định mà treo dán hoặc đánh rơi dọc đường. Dân Đàng Ngoài nhặt được mở xem, cũng có người tức giận mà hủy đi, cũng có người trầm ngâm không nói hoặc gật đầu cho là lời lẽ trong dụ thư là có lý. Lại có kẻ nhặt được đem nạp lên cho các quan to trong triều xem, hoặc nhận để đó mà không đọc.
Từ đó nhân tâm phần nhiều oán phản, hoặc bàn bạc cùng nhau nổi dậy, hoặc quyết vượt đường xa về hàng. Tây Định vương Trịnh Tạc thấy lòng người xao xuyến bên gia tăng binh quyền cho đô đốc Lân quận công để đề phòng sinh biến (9). Nhưng cũng từ đó binh lính và dân chủng lén đường vào Nam theo chúa Nguyễn ngày một thêm đông.
Tháng hai năm ấy, đại quân của Hiền vương Nguyễn Phúc Tần đã đóng lâu ở đất Nghệ An, núi sông xa cách, lương hướng vận chuyển khó khăn. Hiền vương bèn sai các quan văn võ đến các huyện trong xứ Nghệ An lập tuyển trường để chọn lựa các hạng dân đinh khỏe mạnh sung làm lính, và chiếu theo sổ sách mà thu thóc thuế để lấy nuôi quân. Nhưng dân Nghệ An từ trước đến lúc ấy chưa từng phải nạp thuế thân nay nghe lệnh mới như thế, dân chúng bảo nhau rằng: "Chúng ta những tưởng vui hưởng nghiệp thái bình, được miễn tô thuế, ai nấy đều được yên cư, nay lại phải chịu tô thuế nặng hơn khi trước. Như thế thì ngày sau nếu trời cho Nam chúa nhất thống được cả nước thì bọn ta còn được cậy nhờ gì? Chi bằng lại theo về với quân Bắc để đợi xem thời thế ra sao". Có người nghe được dân chúng bàn tán như vậy liền ruổi ngựa đến báo cho tiết chế Thuận Nghĩa và đốc chiến Chiêu Vũ biết dân tình như thế.
Đốc chiến Chiêu Vũ nghe nói cả kinh, bèn mật sai người tâm phúc đi khắp làng xóm các huyện nói phao rằng:
"Theo định lệ của Nam triều thì việc đặt tuyển trường là để chọn trong số dân đinh những người tráng kiện cho lập thành đội ngũ để đề phòng khi quân Trịnh đánh vào. Ai có công thể được cất nhắc làm quan, không có công trạng gì cung cấp nuôi trọn đời. Nay tạm thời chỉ ghi đủ số đã ghi trong sổ thuế để cấp phát làm lương thực nuôi quân. Một mặt sẽ ghi tên vào sổ, ngày sau sự nghiệp thành công thì sẽ tra xét sổ sách mà trả về, dân chúng không nên lo ngại".
Dân Nghệ An nghe lời nói ấy mới được yên lòng (10).
Tiết chế Thuận Nghĩa và đốc chiến Chiêu Vũ cho người đi dò xét biết được như thế, hai tướng cả mừng.
Đến tháng tám, chúa Hiền xuống lệnh truyền rằng dân bảy tám châu huyện ở bắc Bố Chính ra đến Nghệ An hễ người nào có tài văn học, có thể làm được tri phủ, tri huyện hoặc các chân đề lại, thông lại ở các phủ huyện hoặc là các chức khác như cai phủ, ký phủ, thư ký, cai tổng, lại viên, xã trưởng v. v. . . thì theo thứ bậc lần lượt sẽ cho làm. Một là để đủ người xét hỏi các việc kiện tụng, phân biệt ngay gian, hai là để đủ người áp thúc thu nộp tô thuế, bắt xét giặc cướp, dẹp tắt gian manh. Từ đó dân Nghệ An nhiều người đem vàng hạc tiến nộp để xin quyền mua chức. Người thì được trao cho việc cầm quân theo đi đánh dẹp, người thì được trao chức trị dân, thi hành thưởng phạt, đều lấy làm mừng vì được chúa miền Nam cất nhắc trọng dụng.
Tháng chín, người ở Kinh Bắc, Hải Dương, Sơn Tây là Khánh Vinh, Triều Nham, Tú Phượng lén đường vào vùng giáp ranh phía Nam tìm đến dinh tiết chế Thuận Nghĩa báo tin rằng:
- Tháng tư năm nay, bọn chúng tôi ở kinh đô nghe được tin nói Tây Định vương Trịnh Tạc hội họp triều thần ở nội diện nói rằng: "Năm nước Thắng Nham đem quân đóng giữ ở lũy Đồng Hôn không biết phòng bị trước đến nỗi bị quân Nam của Chiêu Vũ đánh úp phá được. Triều đình xử tội của Thắng Nham là bề tôi được giao trọng trách cầm quân đi đánh dẹp ở ngoài, tất phải xem xét địa thế đất bằng núi hiểm để lập đồn đóng trại chống giữ, khỏi để quân giặc xâm phạm quấy nhiễu ở chốn biên cương, trên để bảo đền ơn vua, dưới để yên lòng dân chúng. Nhưng Thằng Nham làm việc khinh suất, coi việc binh như trò trẻ con để đến nỗi mất đất chết quân, tội đáng bêu đầu. Triều đình bên đem sự việc tâu lên. Nhưng Tây Định vương Trịnh Tạc cho rằng Thắng Nham là cận thần của tiên triều không nỡ xử tội chết, chỉ biếm chức bắt trở về làm dân". Sau đó Tây Định sai tham đốc Vân Khả (11) vào thay Thắng Nham giữ lũy Đồng Hôn. Nhưng Vân Khả là kẻ tham lam tàn bạo, từ khi đến lũy Đồng Hôn chẳng ngó ngàng đến việc quân, ngày đêm chỉ lấy việc hãm hiếp đàn bà con gái làm vui, dân chúng phần nhiều đều kêu khổ. Mong tôn công xếp đặt cơ thần cất quân ra đánh để tuyệt trừ hậu họa.
Tiết chế Thuận Nghĩa nghe xong sai người dẫn bọn Khánh Vinh sang đồn Khu Độc để đốc chiến Chiêu Vũ hỏi lại cho rõ. Đốc chiến Chiêu Vũ vui mừng nói:
- Ta đã nghe tin Vân Khả đem quân trên lũy Đồng Hôn nhưng chưa rõ hư thực ra sao. Nay các ông về báo tin thì không phải hồ nghi gì nữa.
Nói đoạn đốc chiến Chiêu Vũ quay lại bảo với người lính sai rằng:
- Ngươi mau về trình với quan tiết chế cùng các tướng rằng ta xin tiết chế và các tướng người ngựa chiến thuyềnđợi đến ngày Mậu Thìn mười một tháng này là ngày "lục long" sẽ có mưa lũ, ta có thể thừa cơ đánh tan quân Trịnh ở lũy Đồng Hòn, bắt sống Vân Khả trói cánh khuỷu để làm trò vui.
Người lính sai vâng lệnh trở về trình lên quan tiết chế. Thuận Nghĩa bèn triệu tướng chỉ huy các đạo đến họp bàn công việc, chuẩn bị sẵn sàng đâu đó mọi việc để đợi thời cơ.
Đến ngày mồng mười, từ khoảng giữa buổi sáng bỗng thấy mây đen ập đến rồi mưa to gió lớn ầm ầm trốc cây đổ đá, cho đến đêm hôm ấy thì nước sông Lam dâng tràn mênh mông, sóng xô dữ dội. Lữy Đồng Hòn cơ hồ sắp ngập, Vân Khả thấy thế nước cuộn dâng ầm ầm, sợ quân Nam thừa cơ cho binh thuyền tiến đánh thì không tránh khỏi như Thắng Nham bị thua to năm trước.
Vân Khả bèn sai người tìm thuyền đậu sẵn bên núi đất để đề phòng lũ cuốn. Chính lúc Vân Khả lo nghĩ, không ngờ Chiêu Vũ đang đích thân dẫn quân bản hộ ra sức chèo thuyền lướt tới, khí thế như muôn ngựa đua bon nhằm về trại quân của Vân Khả thẳng tiến. Quân Chiêu Vũ xông đánh phía đông, đột nhập phía tây, tiếng hò reo súng nổ vang trời. Vân Khả hoảng sợ lội ào qua nước chạy lên núi đất tìm đường trốn về Vĩnh Dinh, quân lính bị giết hoặc tan rã tháo chạy.
Đốc chiến Chiêu Vũ thúc quân đuổi theo nhưng thấy Vân Khả trốn chạy đã xa bèn thu quân trở về. Dọc đường gặp tiết chế Thuận Nghĩa ruổi quân đến tiếp ứng Chiêu Vũ đem chuyện Vân Khả thua chạy kể lại từ đầu chí cuối, tiết chế Thuận Nghĩa và các tướng ai nấy đều vui mừng, nói rằng:
- Quân Trịnh từ nay bạt vía, hẳn phải hết khinh nhờn quân ta!
Rồi đó các tướng đem quân trở về đóng giữ ở doanh trại cũ, sửa soạn cho trận đánh sau.
Bấy giờ Vân Khả thua chạy về Vĩnh Dinh, tự trói mình đến trước trướng của Phú nhận công Trịnh Căn xin tha tội. Trịnh Căn cả giận mắng rằng:
- Ngươi làm đại tướng, được triều đình giao cho đóng giữ ở đồn ấy sao không nhớ bài học của Thắng Nham khi trước, vin cớ vì bão lụt bị đánh úp mà vứt bỏ quân sĩ, khi giới? Xét theo phép quân, liệu ngươi có trốn tội được không?
Vân Khả chỉ cúi đầu, không biện bạch được. Trịnh Căn sai người giải Vân Khả về kinh đợi triều đình xét định. Rồi đó, Trịnh Căn giao cho Miện quận công lĩnh quân đến thay Vân Khả đóng giữ lũy Đồng Hôn. Trước khi đi, quận Phú răn dặn rằng:
- Phàm làm tướng phải rất cẩn thận! Nếu khinh suất thì phép nước không tha!
Quận Miện vâng lệnh đưa quân đến lũy Đồng Hôn lo việc sửa đắp thành trì, ngày thì chia quân phòng ngự, đêm đốt đuốc ngồi xem sách để đề phòng quân Nam lại tiến đánh. Chuyện ấy không có gì phải nói.
Nói tiếp chuyện năm Kỷ Hợi, niên hiện Thịnh Đức thứ bảy (1659), mùa xuân, ngày mồng bảy tháng giêng bỗng có người xã Thanh Kỳ huyện An Dương xứ Hải Dương là Văn Dụ tìm vào quân doanh yết kiến tiết chế Thuận Nghĩa và đốc chiến Chiêu Vũ xin được làm thuộc hạ. Văn Dụ nói năm trước ở kinh đô nghe chuyện các công khanh tại triều bàn luận rằng: Từ khi Đoan quốc công Nguyễn Hoàng vào thống quản hai xứ Thuận Hóa, Quảng Nam chưa từng động binh xâm lấn địa giới Đàng Ngoài.
Nay Dũng quận công (12) từ năm ất Mùi (1655) đến nay đã đem quân ra đánh tan quân Hàn Tiến, đuổi quận Đông, tiến thẳng ra xâm phạm Nghệ An, chiếm lấy bảy tám châu huyện, đóng giữ suốt bờ nam sông Lam, đắp lũy tiếp nhau từ núi ra đến biển, chia quân đặt đồn đóng giữ. Một mặt các tướng bên Nam chiêu dụ anh hùng, hào kiệt, thi thố ơn đức, dân chúng đều vui lòng tuân phục, chẳng phải là không do ýtrời xui nên như thế. Cổ nhân nói: Trời người cùng theo, hết loạn đến trị. Họ Trịnh trên bất trung với vua, dưới bất hiếu với tổ tiên, khinh thường tộc thuộc, đầu độc anh em, giết hại trung thần. Bọn cận thần thân tín được thể coi triều đình như chốn thảo dã, xem dân chúng chẳng khác côn trùng, sớm muộn không tránh khỏi tai họa tan nhà mất nước. Huống chi lại có lời tiên tri (sấm ngữ) nói rằng:
Cửu cửu kiền khôn dĩ định,
Thanh minh thời tiết tàn hoa,
Thập đáo dương đầu quá mã,
Hầu binh bách vạn hồi gia.
Nghĩa là:
Chín chín trời đất đã định,
Hoa tàn giữa tiết thanh minh,
Mười đến đầu dê qua ngựa,
Đội quân trăm vạn về nhà.
Theo lời sấm nói trên mà xét thì hai câu đầu đã ứng nghiệm (13). Còn hai câu: "Thập đáo dương đầu quá mã, Hầu binh bách vạn hồi gia" giải thích ra thì "dương đầu quá mã" (đầu dê qua ngựa) có nghĩa là năm Ất Mùi (dê) động binh, qua năm Ngọ (ngựa) đến năm Thân vượt qua địa giới. "Hầu binh bách vạn hồi gia" là chỉ đội quân trăm vạn của Nam chúa Dũng quận công sẽ ra Thăng Long vào năm Canh Thân. Suy nghiệm theo lời sấm ngữ đó thì quân Nam sẽ thần tốc cuốn chiếu ruổi thẳng tiến ra Trung đô, thu phục giang sơn dựng nên sự nghiệp bá vương. Bọn chúng ta nên cẩn thận giữ mình đợi thời cơ, một khi Nam chúa đem đại quân tiến ra thì tương kế tựu kế mà theo hàng. Cốt yếu là phải biết lo liệu trước, ngỏ hầu hiển rạng thanh danh tôi hiền biết chọn chúa, khỏi bị chê cười là kẻ không thức thời.
Tiết chế Thuận Nghĩa cùngcác tướng Dương Trí, Hùng Uy, Vân Long, Thịnh Hội, Xuân Đài v,v. . . nghe xong ai nấy đều mừng nói:
- Lòng trời đã như thế thì không phải to ngại gì nữa. Bọn ta khá nên sai người về vương đình tâu lên chúa thượng xin cho phát binh thẳng tiến ra Trung đô, thỏa nguyện phù Lê diệt Trịnh.
Đang lúc mọi người cùng nhau bàn luận bỗng có tiểu tốt vào trong trướng thưa rằng:
- Có mấy người làm quan bên Trịnh đến xin hàng phục, hiện đang đứng chờ lệnh ở ngoài cửa doanh Tiết chế Thuận Nghĩa nghe nói bèn sai hàng tướng là quận Hợp ra ngoài hành lang đón tiếp, mời vào trong trướng.
Bọn quan văn Đàng Ngoài lạy chào xong, tiết chế Thuận Nghĩa mời ngồi rồi hỏi:
- Các ông từ kinh đô vào đây xin cho biết họ tên cùng là từng vị ở ngoài ấy giữ chức gì?
Văn Dụ bèn đứng dậy bước lên trước trình tên từng người: thứ nhất là Đoán Hiển bá (14) người xã Bạch Trì huyện Thạch Hà giữ chức chưởng tư nghiệp Tư thiên giám, người thứ hai là Cổn Lương tử người xã Vạn Xuân cũng thuộc huyện Thạch Hà, giữ chức chiêm hậu quan ở Tư thiên giám, người thứ ba là Đoán Chân tử, đậu đồng tiến sĩ, người thôn Đồng Hoạch xã Thiên Lộc, người thứ tư là cống sĩ Canh, người thứ năm là cống sĩ Vương Điền, người thứ sáu là cống sĩ Ban, người thứ bảy là vệ sĩ hộ binh Tộ Long tử, người xã Bình hồ, huyện La Sơn (15). Cả bảy ông đây đều là người xứ Nghệ cả.
Tiết chế Thuận Nghĩa nghe xong đứng dậy chắp tay nói rằng:
- Các vị đều là kẻ anh tài hiểu biết thời thế, bỏ tối theo sáng, cùng nhau phò giúp nhà Lê. Tuy trước đây Nam Bắc xa cách muôn dặm, nay đều là anh em một nhà, không có điều gì phải lo ngại. Ngàn dặm đến đây, chỉ mong các vị đem hết sức lực bình sinh phò giúp minh chúa thành toàn sự nghiệp bá vương như ngày trước Nhạc Nghị giúp vua Yên, được như thế thì phú quý công danh không lường trước được.
Bọn Đoán Hiển đều lạy tạ nói rằng:
- Chúng tôi đều là kẻ hủ nho nơi thôn dã, ít học kém tài, đâu dám sánh với người hiền thời xưa! Chỉ là vì ngày nay các công khanh triều sĩ ở Thăng Long nghe tin chúa phương Nam là bậc tài đức cao minh, ơn nghĩa ban khắp xa gần, đích thân đẩy xe đón người hiền, vắt tóc tiếp kẻ sĩ (16). Mọi người ngày đêm chờ mong trông thấy mặt rồng để thỏa nguyện quân thần gặp gỡ. Vì vậy bạn hữu thân quen chúng tôi bảo chúng tôi đi trước vào yết kiến tôn công mong được biết ngày quân ta tiến phát nhanh chậm lối hướng thế nào.
Tiết chế Thuận Nghĩa nói:
- Phàm việc dùng binh tiến lui đều có thời nhất định chưa dám nói trước làm tiết lộ quân cơ, khiến cho tai vách mạch dừng ngoài ngàn dặm nghe biết.
Bọn Đoàn Hiển lại nói:
- Chúng tôi liệu tính nông cạn rằng ngày nay Nam chúa được trời thuận người theo, thời vận đã đến, xin sớm hẹn ngày đem binh tiến ra. Chúng tôi xin báo tin để các quan tại triều cùng anh hào tuẫn kiệt bốn phương đem người ngựa khí giới về tụ họp, trong Nam tiến ra, ngoài Bắc nổi đánh, hợp thành thế nội công ngoại kích, tất diệt được họ Trịnh.
Tiết chế Thuận Nghĩa, đốc chiến Chiêu Vũ cùng các tướng nghe nói cả mừng. Thuận Nghĩa bảo bọn Đoàn Hiển rằng:
- Các ông hãy thư thả chờ chúng tôi bàn bạc.
Nói đoạn bèn sai dọn tiệc khoản đãi hết sức vui vẻ.
Rồi bọn Đoán Hiển ra trạm nghỉ ngơi, các tướng cũng ai về trại nấy. Chỉ còn đốc chiến Chiêu Vũ ở lại, tiết chế Thuận Nghĩa nói:
- Lời nói của bọn họ thật giả ra sao chưa dám mười phần tin cả. Huống chi người xưa có câu: "thế sự tín mạc bất tín", "nhân tình nghi, tắc khả nghi" (sự đời tin chẳng bằng không tin, tình người còn ngờ thì cứ để ngờ).
Đốc chiến Chiến Vũ nói:
- Bọn họ nói xét ra cũng có lý,ta chớ nên nghi ngại. Xin tiết chế mau thảo biểu văn sai người đem về triều tâu báo.
Tiết chế Thuận nghĩa nghe theo, bèn ủy cho Chiêu Vũ thảo khải văn. Khải văn viết:
"Bề tôi văn võ vâng mệnh đem quân các đạo đi đánh xa tâu trình lên chúa thượng cao minh xem xét:
Vừa đây, các hiền sĩ làm quan văn ở Trung đô là bọn Tư thiên giám Đoàn Hiển bá trình rằng các quan ở triều đình Đàng Ngoài cùng nhau bàn hạc, có ý muốn theo vào hàng phục bên ta để được hiển rạng công danh. Bọn họ bèn giả tiếng về thăm quê ở Nghệ An tìm đến báo tin cho bên ta, xin thánh chỉ cho lệnh khi nào quân ta đánh ra để bọn họ trở về báo tin cho hào kiệt các nơi dấy binh làm nội ứng, giúp quân ta bắt sống Tây Định giải vào trước vương đình dâng nộp bàytỏ lòng kính mến, thỏa ý nguyện anh hào tuấn kiệt khắp nơi. Bọn thần xin trình lên chúa thượng xem biết.
Kính khải".
Chúa Hiền xem xong tờ khải, vui mừng nói:
- Các ngươi hãy về nói với hai ông Thuận Nghĩa và Chiêu Vũ cùng nhau bàn định. Vả lại việc ở ngoài biên đều theo lệnh của tướng cầm quân, tùy cơ ứng biến. Mưu kế gì có thể mau chóng thu phục được Trung đô thì cứ theo thế mà làm, không cần phải hỏi lại. Ngày xưa đã vậy thì ngày nay cũng thế. Việc chọn ngày định hẹn, ta đều ủy thác cả cho hai ông tiết chế và đốc chiến bàn bạc mà làm. Bao giờ tiến quân ta sẽ đem đại binh đi theo tiếp ứng.
Chức sự vâng lệnh lạy chào trở về Nghệ An trình với tiết chế Thuận Nghĩa và đốc chiếm Chiêu Vũ biết chúa truyền như thế. Hai người bèn triệu các tướng bàn tính mưu kế, định ngày xuất quân. Lại lệnh cho tướng cầm quân các đạo tập luyện quân sĩ, sửa soạn khí giới quân nhu sẵn đang đợi lệnh. Rồi đó chưởng Tư thiên giám Đoán Hiền bá, chiêm hậu Cổn Lương tử ứng nghĩa xin được làm bề tôi của chúa Nam, cùng với các cống sĩ và hộ binh Tộ Long cáo từ trở về kinh đô báo tin. Chuyện không có gì phải nói.
Ngày mười một tháng giêng năm ấy, chưởng Tư thiên giám Đoán Hiển bá Chu Hữu Tài dâng ba điều then chốt để phá địch (Địch sách khu cơ tam điều). Tiết chế Thuận Nghĩa và đốc chiến Chiêu Vũ xem qua rồi sai thủ hạp tên là Trí về vương đình dâng lên chúa Hiền vương.
Sách văn viết:
"Từng nghe: Việc quân quốc cấp bách không vượt ra ngoài ba điều thiên văn, địa lý và nhân luân. Cho nên Mạnh Tử nói: "thiên thờikhông bằng địa lợi, địa lợi không bằng nhân hòa". :Lời nói ấy đến nay càng ứng nghiệm.
Điều thứ nhất bàn về thiên thời. Thiên thời là quan hệ thống thuộc giữa mặt trời, mặt trăng và năm tháng.
Sách Xuân Thu tả truyện nói: "Sao Tuế ở vào tinh phận nước nào thì nước ấy có phúc, có thể đánh được người mà người thì không thể đánh được. Lấy việc biên cương mà nghiệm thì năm Giáp Tý, niên hiệu Vĩnh Tộ thứ bảy (1624) (17) sao Tuế ở vào độ Mùi đầu sao Thuần, đến Đinh Mão năm Vĩnh Tộ thứ chín (1627) (18) sao Tuế ở vào độ Thìn của sao Thọ. Đó là những năm quân Trịnh ở Đàng Ngoài mấy lần vào xâm lấn miền Nam, nhưng đều bị thua cả, thế lực Đàng Trong từ đó mạnh dần. Đó là một việc nghiệm. Lại đến năm Mậu Tý, niên hiệu Phúc Thái thứ sáu (1648), sao Tuế lại chiếu ở phương Nam, họ Trịnh u tối không biết xét, chỉ muốn làm liều, lại sai bọn Bộ Gia xua đàn dê đánh nhau với mãnh hổ, cho nên năm ấy quân Trịnh lại cả bại. Lúc ấy Nam chúa oai lừng cõi trời Nam (19). Đó là việc nghiệm thứ hai. Lại đến năm Ất Mùi (1655) sao Tuế ở cung Đoài, thế mà quận Tiến, quận Đông (20) không biết thiên thời, không thông độ số, lại giơ càng bọ ngựa chống xe, cho nên tự chuốc lấy bại vong. Từ đó quân ta thừa thắng tiến ra tận sông Lam, thế như xô cây mục, chiếm trọn đất đai ở bờ nam dễ như ngắt tàu lá cải. Đó là ba việc nghiệm.
Lại đến năm Kỷ Hợi (21) sao Tuế mọc ở độ Dần, lặn ở độ Thân. Thần đọc sách Cương mục có đoạn viết: Chỗ sao Sâm mà có sao Tuế mọc thì miền ấy tất là có bậc chân nhân nổi lên. Tượng trời ứng nghiệm rõ ràng lắm.
Năm ngoái, ngày mồng một tháng năm có nhật thực, mặt trời bị che hết, ban ngày trời đất tối bưng. Năm nay, ngày tiết thanh minh (mùa xuân) thì ấm mà đến cuối năm thì rét. Ý trời đã tỏ cho biết khá rõ. Thiên Hồng phạm trong kinh Thư nói: "Trời âm u lâu ngày mà không mưa, kẻ thần hạ tất có người rắp mưu phản hại bề trên. Đó là bốn việc nghiệm. Vả lại xét ngược từ khi họ Mạc tiếm ngôi nhà Lê ở kinh đô Thăng Long đã xuất hiện hai câu sấm mười sáu chữ:
Mạc thị thừa long phụ nguyên thừa thống( ) tinh lạc địa ngọ nhật đương thiên (22)
Tám chữ trên đã nghiệm: "Họ Mạc (chỉ Mạc Đăng Dung) cưỡi rồng (= làm vua) giao cho Nguyên (= Phục Nguyên) nối vị. Tám chữ dưới chưa cho biết ý nghĩa ra sao, nhưng sự việc quá khứ nói đã đáng tin thì việc tương lai cũng nên ngẫm kỹ. Đến nay lại càng ứng hợp câu sấm "Chín chín trời đất đã định. Hoa tàn giữa tiết thanh minh" . Quả là trời giúp người theo, ấy là thiên cơ chớ để tiết lộ. Than ôi! Vận hết bĩ thì đến thái, loạn tột thì trị sinh, đúng là lúc này vậy. Còn như năm nay vào tháng Kỷ Hợi, quân giặc đóng ở phía bắc, theo phép "hợp thần" mà suy thì mệnh tinh của quân giặc đã ở vào năm hạn, tưởng giặc ắt bị bắt. Ấy là giềng mối chính, ấy là thời tiết tốt, thời cơ trên dưới một lòng. Nhưng thiên thời không bằng địa lợi. Vậy có điều thứ hai bàn về địa lợi như sau.
Địa lợi đó là nói về sự kiên cố do thành cao hào sâu, địa thế hiểm trở. Xem trên bản đồ địa dư thì xứ Nghệ An long mạch khởi từ Quỳ Châu đổ xuống, chuyển vào đến châu Bố Chính rồi lại chuyển ra miền Kỳ Hoa, Thạch Hà, đến huyện Thiên Lộc vượt khởi lên thành dãy Hồng Lĩnh, làm thành một thế đất chung đúc vượng khí, đúng là nơi định cục của bậc đế vương mới đấy. Về đường thủy thì có thể thông với hai cửa biển cổ họng (23), đường bộ có thể chứa được đội quân mười vạn người ngựa. Xin cho quân ra đóng dinh tại đó làm thành thế trận "trường xà" (con rắn dài), lấy La Sơn (24) làm tả giác (góc bên trái), lấy Nghi Xuân làm hữu giác (góc bên phải), lấy đồn Khu Độc làm tiên phong, dàn thành thế trận đóng giữ, chờ cho quân địch tự tan rã. Lại thấy ở miền Hương Sơn long mạch như tám đầu rồng chầu về cung Tử vi, thanh long thì phục ở nơi Thiên Nhẫn, bạch hổ liền với bờ sông. Như thế là Thất diện, Tam tinh, Long thủy đều giao hội ở minh đường, lấy Hồng Lĩnh chín mươi chín ngọn cao làm án ngự, trấn giữ phía ngoài cho thế đất đẹp dấy nghiệp đế vương. Khi dùng võ, nói về quân bộ thì thành lũy vững chắc. thóc lúa dồi dào, nói về quân thủy thì đường sông tiện lợi.
Đem đại quân đến chiếm vùng này, chia đóng các nơi theo bản đồ bát trận làm thành thế nương dựa lẫn nhau:
Phía bắc đổi diện với địch ở cửa Khảm, lấy huyện Thanh Chương làm tả kỳ binh. Ở cửa Kiền lấy huyện La Sơn làm làm kỳ binh. Ở cửa Cấn, tả cơ tiếp ứng ở phía tây nam. Năm nay, là năm hợp của Tuế tinh nên xuất quân tiến đánh. Hữu cơ ở phía đông bắc, năm nay là năm xung, chỉ nên cố thủ cho vững chắc, hoặc tùy nghi vừa đánh vừa giữ, ví như các trường xà, bị đánh ở dầu thì đuôi tiếp ứng, đánh ở đuôi thì đầu tiếp ứng, đánh ở giữa thì cả đuôi và đầu đều tiếp ứng. Quân giặc đóng ở bên tả thì bên hữu đánh, đóng ở bên hữu thì bên tả đánh, đóng ởđầu thì tả hữu cùng đánh. Như thế không đầy năm, quân giặc phải tan rã. Đó là điều quan yếu của phép Hành quân, then chốt của kế sách mở nước. Đối với miền đất tốt phải tranh lấy thì không thể để lỡ thời cơ.
Nhưng địa lợi không bằng nhân hòa. Vậy xin điều thứ ba bàn về nhân hòa. Đó là nói về sự hòa hợp giữa vua tôi và dân chúng. Những nghĩ lòng trời mến mãi nhà Lê, chung cục triều đình vua Lê bị họ Mạc tiếm đoạt. Nhưng quả lớn nuốt không trôi, nguyên khí lại về, thực là nhờ công lao của Chiêu Huân Tĩnh công (25), chỉ trong năm năm tái tạo hoàng đồ, xã tắc nhà Lê lại được khôi phục. Không may quyền chính rơi vào tay họ Trịnh, lành dữ điểm đã rõ ráng, cõi Nam ngày càng thịnh vượng. Nay thực nhờ trời sinh thánh chúa, cúi ngước tỏ rõ oai hùng, sai tướng giỏi cầm quân, trao quyền định đoạt ở biên địa, chia quân đóng giữ nơi hiểm yếu đối mặt với quân thù. Mỗi lần vận mệnh nhà Lê trùng hưng, muốn nới bớt nỗi lo của thiên hạ, lập nền trị khắp chốn trong ngoài thì đều phải thu phục cho được lòng dân.
Lòng dân đã hướng về, xin gương ngọn cờ đại nghĩa của ta để đánh phát kẻ bề tôi phản loạn. Các vua Chính Trị (26), Hoằng Định (27) và Phúc Thái (28) đều bị họ Trịnh giết hại, mà vua hiện nay (29) cũng đang bị họ Trịnh hiếp bức đè nén, cả thần và người đều phải căm giận. Bề tôi nhà Lê đều muốn theo phép của kinh Xuân Thu để trị tội kẻ phản vua hại cha, thề không đội trời chung cùng nghịnh tặc, hẹn ngày dựng lại nghiệp trung hưng. Ngày xưa Hạng Vũ sai người ngầm giết hại Nghĩa Đế ở giữa sông, Hán vương nghe lời của Đổng Giá vạch mười điều tội ác của Hạn Vũ, đã dấy đội nghĩa binh đánh kẻ có tội, dựng lên nghiệp lớn bốn trăm năm.
Nay họ trịnh giết vua cướp quyền của nhà Lê, tội ác mười mươi, ai ai đều biết, họ lại không dáng dấy quân đánh dẹp hay sao? Xưa nữa thì vua Trụ tuy phạm nhiều tội ác nhưng không mắc tội giết vua, thế mà Vũ vương nghe lời bàn của Thái Công Vọng vạch mười điều tội ác của Trụ, cất quân đánh phạt, gây được cơ đồ to lớn hơn tám trăm năm. Huống chi ngày nay tội họ Trịnh giết vua đã vượt cả Trụ nhà Ân há lại không thể cất quân trừ dẹp? Khổng Tử ở đất Lỗ, nghe tin Trần Hằng giết vua bèn tắm gội xin cất quân đánh diệt kẻ loạn thần tặc tử, việc còn chép rõ ở kinh Xuân Thu. Nay theo phép kinh Xuân Thu để nghiêm khắc trừng phạt họ Trịnh thì có gì là quá đâu? Muốn làm được thế thì chọn dùng kẻ tài năng là việc rất lớn. Xin chọn trong số con cháu các bậc danh tướng cùng là những người mộ nghĩa, ai đáng làm cai cơ, cai đội thì giao cho làm. Lại mở các tuyển trường chọn trai tráng khỏe mạnh để sung làm lính.
Về học nghiệp khoa cử xin theo chế độ ngày xưa, mở các khoa thi Hương và thi chế sách (30) để thu dùng người có tài văn học. Đã chọn được người thì giao cho chức việc. Người có tài vũ lược thì trao chức quan cầm quân; người có đức liêm chính thì cho làm quan châu, huyện. Không cần phải đặt nhiều quan chức để khỏi phải phiền hà cho dân chúng. Người làm quan phải xét đoán các đơn từ kiện tụng để dân chúng khỏi bị oan ức, lòng người tuân phục. Dân trông ở vua, hai chữ "khoan hòa" (khoan nói, em dịu) là điều cần kíp. Ruộng công nên cấp đều cho từng đầu người, cấm những nhà quyền hào không được chiếm dụng. Ruộng tư cần phải lập sổ kê khai tùy từng nhà nhiều ít mà định rõ mức thuế (31) không được gian lận che giấu, cứ thu gặt được mười phần thì nộp thuế một phần. Như thế thì ai nấy đều vui lòng mà nghề nông có lợi, thóc lúa càng nhiều, không lo thiếu lương ăn, quân dân ai nấy đều yêu kính, trời đất tự nhiên ứng hòa, điềm lành theo nhau ứng hiện. Như thế thì tận dụng được thiên thời cũng là ở con người, sử dụng được địa lợi cũng là do con người. Có thể đánh để lấy, có thể giữ cho chắc. Ấy là nhen nhóm thời thịnh trị, ấy là kế giữ yên thiên hạ, khôi phục hoàng đồ trăm năm bền vững, phò giúp đế nghiệp vạn năm yên bình.
Ngu thần mạo muội bàn xét mấy điều quan yếu trong quan hệ giữa trời đất và con người, đâu dám gọi là tài cán. Phúc ấm ba sinh, tự biết duyên may hạnh ngộ. Kể sách trị bình, sâu mong bậc thánh chúa hiền thần lưu tâm xét đến. Thần xin tâu mọi nhẽ như trên (32). Chúa Hiền xem xong tờ tâu kế sách ba điều quan yếu bèn trao cho các quan văn trong triều cùng bàn giải xem hay dở thế nào.
Các quan đều nói:
- Quả đúng dòng chính học, đọcrộng biết nhiều, tất phải có tài kinh bang tế thế. Xin chúa thượng trọng dụng để chấn phát nho phong, bồi dưỡng mệnh mạch nước nhà.
Hiền vương Nguyễn Phúc Tần bèn phong cho Đoán Hiển bá Chu Hữu Tài chức tham chính giám hộ quân, xếp vào hạng cận thần hầu việc ở vương phủ, lấy Cổn Lương tử làm chức chiêm hậu, cho Văn Tuyển giữ chức thủ hợp đặt dưới quyền điều khiển của dinh đốc chiến.
Ba người lạy tạ lĩnh mệnh rồi ai nấy trở về bản dinh giúp rập điều hành việc quân.
Chú thích :
(1) Nhuận quận công: tên tước của Hoàng Nghĩa Giao.
(2) Chữ Hán là "đỉnh chung": ăn lộc đỉnh vạc, chỉ các quan to phẩm trật cao.
(3) Nam Hoa: tên xã, nay là xã Nam Kim, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ Tĩnh.
(4) Phàn Lân: Cương mục ghi là không rõ họ.
(5) Bản A. 24 chép là "Hào Man đại bại", đúng phải là Hào Man đại tướng.
(6) Đồng Hôn: tên thôn ở xã Mỹ Dụ, huyện Hưng Nguyên, Nghệ Tĩnh.
(7) Bản sao chép: "ư tinh thần chi cung" Tinh thần có nghĩa là các tinh tú nói chung. Ở đây chỉ về phía tây bắ ứng với cung Chấn tinh (sao Chấn). Chữ Chấn gồm Vũ + Thần, có lẽ chép sót bộ Vũ mà nhầm thành.
(8) Bản sao chép nhầm chữ "báo" thành chữ "cứ".
(9) Nguyên văn chép: "gia cấp binh quyền dữ đô đốc Lân quận dĩ phòng hữu biến". Câu này hơi tối nghĩa tạm dịch như trên.
(10) Về sự việc này ĐNTLTB chép: "Quận chúa mới đến, chúng ta ngàymong chính lệnh rộng rãi mà sao bây giờ lại thuế thân nặng hơn trước?". Nguyễn Hữu Dật nghe thấy, hai người đi các làng ấp dụ bảo dân chúng rằng: "Nay việc quân chưa xong tạm lấyđể giúp quân nhu, chứ không có ý tăng thuế". Lòng dân mới yên.
(11) Viên tướng bên Trịnh thay Thắng Nham giữ lũy Đồng Hôn, Cương mục cũng chép tên là Vân Khả và chú thích là "sót họ".
(12) Dũng quận công tức Hiền vương Nguyễn Phúc Tần. Triều đình
Lê - Trịnh ở Đàng Ngoài không thừa nhận tước vương tự phong của các
chúa Nguyễn ở Đàng Trong nên chỉ gọi Phúc Tần là Dũng quận công.
(13) Vẫn là lời của Văn Dụ thuật lại lời bàn tán của các quan triều ở Thăng Long. Ám chỉ việc Trịnh Tráng chết năm 81 tuổi (chín X chín).
(14) Trong số bảy người Đàng Ngoài đến đầu hàng quân chúa Nguyễn năm Kỷ Hợi (1654) như CNDC đã ghi ở đây, ĐNTLTB ghi ba người, trong đó có Chu Hữu Tài giữ chức Tư thiên giám, CNDC ghi là Đoán Hiển bá, như vậy Đoán Hiển bá là tên tước của Chu Hữu Tài, chiêm hậu Côn Lương (CNDC ghi tên tước đầy đủ là Côn Lương tử) và hộ kinh Tộ Long tức Tộ Long tử, ĐNTLTB ghi:hai người này đều không rõ họ.
(15) La sơn: huyện Đứ Thọ, tỉnh Nghệ Tĩnh.
(16) Theo Sử ký của Tư Mã Thiên: Chu công ở nhà gội đầu thấy có khách lạ đến thăm phải bỏ dở ba lần, vắt tóc cho khô để ra tiếp chuyện, đang dở bữa ăn vội nhả miếng cơm để ra tiếp người hiền.
(17) Nếu tính chính xác thì năm Giáp Tý 1à niên hiệu Vĩnh Tộ thứ sáu (1624).
(18) Nguyên bản sao chép là Ất Mão, đúng ra là Đinh Mão niên hiệu Vĩnh Tộ thứ chín (1627).
(19) Bản sao chép là "Nam phương uy chấn Nam thiên" . Chữ "phương" có lẽ là do chữ "chủ" (chúa) chép nhầm thành.
(20) Bản sao chép là "Tiến súy", "Đông súy" . Hai chữ "súy" ở đây hẳn là chữ "quận" chép nhầm thành. Tiến quận công tức là Tiến Hàn (Hàn Tiến) đã nói đến ởtrước.
(21) Bản sao chép là Ất Hợi. Nhưng Ất Hợi là năm 1635, không ăn nhịp với chuyện đang nói, chắc hẳn là Kỷ Hợi (1659) mà chép nhầm thành.
(22) Bản sao chép sót một chữ ởđầu vế thứ hai. Mong bạn đọc lưu ý rằng điều này nói về thiên thời địa lợi theo cách giải thích của thuyết thiên văn sấm vĩ đã lỗi thời. Đó là hạn chế lịch sử về thế giới quan khá phổ biển ở các nhà nghiên cứu quân sự thời bấy giờ.
(23) Chỉ cửa Hội và Cửa Sót, hai đầu mối giao thông đường biển quan trọng ở Nghệ Tĩnh.
(24) Tức là huyện Đức Thọ.
(25) Tức Nguyễn Kim.
(26) Tức vua Lê Anh Tông (1557 - 1573).
(27) Tức vua Lê Kính Tông (1600 - 1619).
(28) Tức vua Lê Chân Tông (1643 - 1649).
(29) Chỉ vua Thần Tông Lê Duy Kỳ (1649 - 1662).
(30) Nguyên văn: "Hương thí chế sách đẳng khoa" . Hương thí là khoa thi Hương, chế sách là khoa thi Hội (thi các môn chế nghĩa và sách văn).
(31) Bản sao là: "Minh kỳ phú hữu" (định rõ giàu có). Theo ý cả câu có lẽ là "Minh kỳ phú thuế" mà chép nhầm chữ "phú" = thuế, ra chữ "phú" = giầu.
(32) Về tờ khải điều trần chính sách do Đoán Hiền bá Chu Hữu Tài dâng lên chúa Nguyễn Phúc Tần năm Kỷ Hợi (1659). ĐNTLTB (Q. 5) chỉ chép tóm tắt các khoản điều trần trong khoảng một trang và cho biết:
"Chúa Hiền xem xong nói: "Người này học rộng nhiều văn, có thể dùng để bàn hỏi được" . Liền đó giao cho Tài chức tham chính hộ quân" .
Danh Sách Chương:
Bạn đang đọc truyện trên website TruyenConvert.NET
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK