Sau trận tuyết bất ngờ kéo tới, cả dòng sông chìm trong màu trắng xóa.
Trận tuyết này mang theo mùa đông giá rét của năm Kiến An thứ bảy về, nhiệt độ giảm mạnh, rất nhiều người không thể chịu nổi cái lạnh, không muốn đi ra ngoài nữa.
Tào Bằng đứng bên cạnh sàn đấu, lẳng lặng nhìn hai thiếu niên đang giao thủ trong sân.
Một người có ít râu hoe vàng, người còn lại cao lớn vạm vỡ, tay cầm cây búa lớn, múa vù vù.
Sau lưng Tào Bằng, Hạ Hầu Lan và Hàn Đức lẳng lặng đứng thẳng lưng.
Hai mươi tên Hắc Mạo bao quanh sân, nhìn hai thiếu niên giao chiến, thỉnh thoảng thì thầm với nhau.
Loáng cái đã ba năm trôi qua.
Tào Bằng hai mươi tuổi, càng ngày càng giống cha hắn là Tào Cấp.
Có lẽ do hàng năm đều tập võ, màu da của Tào Bằng dần có màu đồng. Thân người hắn đã cao qua tám thước, hình thể hết sức cường tráng. Tào Bằng khi còn thiếu niên nhìn rất yếu ớt, mảnh khảnh, nhưng khi hắn thành niên, lại dũng mãnh như hùng sư. Tuổi càng lớn, hình thể của hắn càng phát triển hơn. Có lẽ do điều kiện cuộc sống cũng được cải thiện nhiều, cho nên nhìn qua, Tào Bằng cũng vạm vỡ như Tào Cấp vậy. Nhìn hắn đứng đó cao lớn, uy phong, khiến người nhìn mà có cảm giác áp bách.
Dù hắn không nói lời nào, Hạ Hầu Lan và Hàn Đức vẫn cảm thấy áp lực từ người Tào Bằng phát ra.
Đó không chỉ là sát khí, mà còn là áp lực từ sự cương trực của hắn nữa. Dường như Tào Bằng càng càng ngày càng có khí thế hơn. Đôi khi, Hạ Hầu Lan thậm chí còn có cảm giác khí thế trên người Tào Bằng rất giống với Trình Dục. Khi hắn đứng thẳng người luôn khiến người khác phải lo lắng, đề phòng, nhưng không ai có thể nói rõ ra nguyên do là gì.
Người thiếu niên đang giao chiến trên sàn đấu có râu vàng hoe đó là người con thứ ba của Tào Tháo, Tào Chương.
Người giao thủ với Tào Chương chính là cháu trai của Điển Vi, Ngưu Cương.
Ba năm nay, Tào Chương và Ngưu Cương theo Tào Bằng tập võ, tiến bộ thần tốc. Đặc biệt là Tào Chương trời sinh thần lực, sau khi được rèn luyện có hệ thống, song chưởng của y có thể phát ra lực mạnh như hổ báo, thường được Tào Tháo gọi là “Hoàng tu nhi (thằng nhóc râu vàng) nhà ta có sức địch vạn người.”
Còn Ngưu Cương?
Gã không giống với Tào Chương.
Gã không có ngộ tính như Tào Chương, cho nên cũng không tiến bộ nhanh như Tào Chương.
Nhưng dựa vào khí lực, Ngưu Cương lại hơn Tào Chương. Thậm chí có đấu sức với Điển Mãn, gã cũng không rơi vào thế hạ phong.
Trong những người thuộc đời thứ hai của Tào gia thì khí lực của Ngưu Cương xếp hàng thứ hai. Người ở vị trí thứ nhất chính là Hứa Nghi, con trai của Hứa Chử. Đương nhiên, nếu tính cả Tào Bằng thì không đến lân Ngưu Cương, nhưng bởi vì hắn mang thân phận là thầy dạy của Ngưu Cương, cho nên rất nhiều người vô hình trung đã đặt Tào Bằng vào thế hệ thứ nhất của Tào gia, cho nên trong đời thứ hai mới không có tên của hắn.
Điển Mãn xếp hàng thứ ba, Điển Tồn đứng thứ tư.
Tào Chương đứng thứ năm trong bảng thần lực của đời thứ hai của Tào gia.
Tào Chương cầm trong tay một cây đại thương, quần chiến với Ngưu Cương. Đại thương di chuyển nhanh như chớp, khí thế lại mạnh mẽ. Ngưu Cương không chút hoang mang, cây búa lớn trong tay múa tít, phát ra từng tia sáng lạnh lẽo, thậm chí nước còn không lọt qua nổi. Thương pháp của Tào Chương dù mạnh mẽ nhưng vì Ngưu Cương quyết tử thủ nên nhất thời y có muốn thắng cũng không phải chuyện dễ dàng gì.
Dọc theo con đường nhỏ, ba tiểu oa nhi đi tới.
Thằng bé cầm đầu mặt tròn trịa, hơi mập mạp. Khuôn mặt thằng bé vì lạnh mà đỏ ửng như trái táo chín. Thằng bé nhảy nhót đi đầu, đôi mắt sáng nhìn chằm chằm về phía trước.
Một thằng bé nữa cao cao, nhìn có vẻ rất khỏe khoắn.
Thằng bé còn lại mảnh mai, nho nhã, mang dáng dấp như của người trí thức.
-Sư phụ, con đến đây!
Thằng bé cầm đầu nói đầy vẻ con nít.
Tào Bằng xoay người, nhìn thấy mấy thằng bé liền tươi cười:
-Thương Thư, các con tan học rồi sao?
-Dạ, đã tan học rồi.
-Hôm nay các con học cái gì?
-Vừa mới bắt đầu, Đức Nhuận tiên sinh đã dạy chúng con các môn, cuối cùng Sĩ Nguyên tiên sinh dạy chúng con luyện chữ. Sư phụ, hôm nay Sĩ Nguyên tiên sinh còn khen con, nói con viết chữ rất tốt.
Ý cười trong mắt Tào Bằng càng đậm hơn.
Ba năm, Tào Xung vẫn dùng lễ nghĩa đệ tử đối với hắn như trước.
Tuy nhiên, người dạy Tào Xung lúc đầu vốn là Tào Bằng, Hám Trạch và Hoàng Nguyệt Anh, giờ đã đổi thành hai người Bàng Thống và Thạch Đạo. Thạch Đạo là người Dĩnh Xuyên, là bạn tốt của Từ Thứ, hiện giờ đang nhậm chức Thái phó tự, khi y nhàn rỗi đều đến dạy Tào Xung.
Năm Kiến An thứ sáu, Viên Thiệu lại dấy binh.
Hai trăm ngàn đại quân vượt qua sông Hoàng Hà vào tháng sáu, quyết chiến với Tào Tháo ở Thương Đình.
Tào Tháo dựa theo kế sách của Trình Dục, lưng dựa sông lớn, quyết tử chiến với Viên Thiệu. Y lập tám mặt mai phục, đánh đại bại Viên Thiệu ở Thương Đình, khiến Viên Thiệu thảm bại, phải lui về Hà Bắc. Sau trận chiến Thương Đình, Tào Tháo thuận thế qua sông, bắt đầu chinh phạt Hà Bắc. Tào Bằng không tham dự trận chiến Thương Đình, mã vẫn ở trong thành Hứa Đô như trước.
Đối với hắn mà nói, trận chiến Thương Đình vốn là trận chiến có trong lịch sử.
Nói cách khác, khi trận chiến Thương Đình còn chưa bắt đầu, Tào Bằng đã biết kết quả như thế nào rồi. Tháng năm năm Kiến An thứ bảy, Viên Thiệu ôm mối hận mà chết, thọ bốn mươi chín tuổi.
Tào Bằng thật sự không có gì muốn nói về trận chiến Thương Đình. Bàng Thống từng nói: “Sau khi bại trận Quan Độ, Viên Thiệu tuy tổn thương nguyên khí nhưng căn cơ vẫn còn. Tào Tháo muốn tiêu diệt Viên Thiệu ít nhất cũng phải mất mười năm mới làm được. Đáng tiếc, Viên Thiệu lại liều lĩnh khai chiến ở Thương Đình, làm rung chuyển cả căn cơ ở Hà Bắc. Hai trăm ngàn đại quân mất đi cũng giúp Tào Tháo chuyển từ thủ sang thế công. Viên Thiệu là người tham lam. Nếu như gã có thể giảm bớt chút lòng tham thì thắng bại vốn còn chưa thể biết được.”
Chuyện này Tào Bằng không bình luận thêm gì hết.
Sau khi Viên Thiệu ốm chết, Tào Tháo hoàn toàn chiếm thế chủ động.
Vào năm Kiến An thứ sáu, sau khi trận chiến Thương Đình kết thúc, Thạch Đạo theo Từ Thứ đi vào Hứa Đô.
Từ Thứ nhận được thư Bàng Thống, lại đọc được bài Du Tử ngâm kia, không kìm nổi khóc òa…
Tuy rằng Gia Cát Lượng và Mạnh Công Uy, Thôi Châu Bình ra sức giữ lại, nhưng nỗi nhớ nhà của Từ Thứ như dao cắt sâu vào lòng y, ba người kia đành rơi lệ chia ly với y.
Thạch Đạo là bạn tri kỷ của Từ Thứ.
Nếu Từ Thứ phải về nhà, hắn cũng không muốn tiếp tục ở lại Kinh Châu nữa.
Tháng tám năm Kiến An thứ sáu, hai người về Dĩnh Xuyên trước. Từ Thứ đến thăm hỏi Hoàng Biếm đang giảng dạy ở thư viện Dĩnh Xuyên, rồi sau đó, y kéo Thạch Đạo đến Hứa Đô gặp Tào Bằng. Sau một hồi trao đổi, Tào Bằng liền tiến cử Từ Thứ tới Đông quận, đảm nhiệm chức Tư mã Đông quận. Năm Kiến An thứ sáu, sau khi trận chiến Thương Đình kết thúc, Hạ Hầu Uyên phụng mệnh đi tới Hà Nội, đảm nhiệm chức thái thú Hà Nội. Trình Dục đảm nhiệm chức thứ sử Duyện Châu, Đặng Tắc làm biệt giá kiêm chấp chưởng Toan Tảo lệnh, Điển nông giáo úy.
Từ Thứ cũng nhờ được Đặng Tắc và Tào Bằng tiến cử, nên được phong làm thái thú Đông quận. Mãn Sủng phong cho y làm tư mã, ngang chức với Đặng Phạm.
Thạch Đạo đóng ở Hứa Đô, nhậm chức Thái phó tự.
Sau đó, hắn lại được Tào Bằng đề cử, làm sư phụ giảng bài cho Tào Xung.
Trong hai năm vừa qua, Tào Bằng lại viết ra ba thiên nữa, đều trở thành giáo trình tiêu chuẩn cho tất cả các thư viện tư thục. Tào Bằng cũng vì vậy bắt đầu mang danh tông sư.
Chỉ có điều, dù danh tiếng của hắn trong đám danh sĩ thanh lưu càng ngày càng vang dội, Tào Tháo vẫn không để hắn nhập sĩ.
Thế cho nên, ngay đến cả Khổng Dung cũng ra mặt nói cho Tào Bằng, nhưng Tào Tháo vẫn tiếp tục bác bỏ, cho rằng Tào Bằng còn cần tiếp tục suy nghĩ.
Cứ như vậy, loáng cái đã đến cuối năm Kiến An thứ bảy.
Hai thằng bé phía sau Tào Xung, thằng bé yếu ớt chính là Tuân Vũ, con thứ của Tuân Úc; còn thằng bé rắn chắc, cao lớn chính là cháu ngoại của Tào Bằng, Đặng Ngải. Đặng Ngải nhỏ hơn Tào Xung một tuổi, nhưng lại cao hơn thằng bé một cái đầu. Từ năm Kiến An thứ năm, khi còn đang học theo Tào Bằng, quan hệ giữa Đặng Ngải, Tào Xung và cả Tuân Vũ nữa đều rất tốt, mấy đứa thường xưng hô với nhau là huynh đệ.
Tào Bằng coi như không chú ý đến chuyện này.
Trên sàn đấu, đại thương của Tào Chương đang giao đấu với đại phủ của Ngưu Cương.
Sức mạnh uy áp khiến cánh tay Tào Chương run lên, y liên tục lùi về sau.
-Tử Văn, ngươi thua rồi!
Ngưu Cương cười lớn một tiếng, nhẹ nhàng vung cây búa lớn lên.
Cây búa lớn trong tay gã xé gió, rít lên, khiến Tào Chương luống cuống hết cả tay chân. Vất vả lắm mới thoát được cây búa lớn của Ngưu Cương, Tào Chương mặt đỏ tía tai, chợt hét lên một tiếng, thân thể trùng xuống, đại thương rung lên.
Chỉ trong khoảnh khắc y run người, từ cơ thể y vang lên một âm thanh cổ quái như có như không.
-Hổ báo lôi âm?
Ánh mắt Tào Bằng sáng rực, hắn nhẹ nhàng gật đầu.
Xem ra công phu của Tào Chương đã luyện đến trình độ nhất định rồi, cốt cách và cơ bắp của y nhanh nhẹn mà lại khỏe khoắn. Lúc này, công phu của y sẽ đi vào trong cơ thể, thấm vào lục phủ ngũ tạng. Lúc trước, Tào Bằng tập võ cũng đã trải qua giai đoạn như vậy, đương nhiên hắn biết được bước này gian nan đến như thế nào. Đúng vậy, muốn luyện cho công phu đi vào nội tạng, cần phải có tiếng thanh tiếp dẫn. Thanh âm từ trong mà phát ra, kình lực từ ngoài truyền vào, nội ứng ngoại hợp. Đây chính là Hổ báo lôi âm như lời đồn của võ giả ở đời sau.
Cái gọi là “Lôi âm” thật ra không phải là tiếng sét đánh giữa trời quang.
Nó giống với tiếng sấm mơ hồ ẩn hiện trên trời trước cơn mưa hơn, như có như không, rất trầm.
Tào Chương có thể phát ra Hổ báo lôi âm đủ biết công phu của y đã đạt được thành tựu nhất định. Nếu nói lúc trước, Tào Chương và Ngưu Cương là tám lạng nửa cân thì giờ này, với trạng thái hiện tại cảu Tào Chương, Ngưu Cương không có khả năng ngăn cản y nữa rồi.
Bất kể là Tào Chương hay Ngưu Cương đều đã theo Tào Bằng tập võ mấy năm liền.
Bất kể ai bị thương cũng không phải là kết quả hắn muốn nhìn thấy.
Nhưng Tào Chương đã vận sức chuẩn bị xuất chiêu, kình lực đã phát ra. Y có muốn thu chiêu lại cũng không còn kịp nữa rồi.
Tào Bằng vội vàng quát lên:
-Ngưu Cương, lùi về sau!
Ngưu Cương luôn nghe theo lời Tào Bằng nói. Gã không nói một lời, lùi ngay lại về phía sau. Cùng lúc đó, đại thương của Tào Chương run lên, đâm về phía Ngưu Cương. Một thương này thế đến như sấm đánh, thoảng như gió thổi, mơ hồ có tiếng sấm nổ rền vang phát ra.
Tào Bằng vừa thấy thế liền xông lên.
Tuy hắn ra tay chậm hơn Tào Chương một bước nhưng đi sau mà tới trước, hoành thân ngăn trước người Ngưu Cương.
Mắt thấy đại thương tiến đến, hắn lùi chân về sau, giơ tay đánh bay Ngưu Cương ra ngoài, đồng thời nghiêng người sượt theo thân đại thương, giơ tay bổ vào cán thương. Tào Chương như bị sấm đánh, đại thương trong tay rơi xuống đất, phát ra tiếng leng keng.
-Sư phụ.
Tào Chương hơi luống cuống, bước lên trước định quỳ xuống.
-Tử Văn đừng lo. Nhát thương vừa rồi ngươi đánh tốt lắm. Xét về thương pháp, ngươi đã đạt tới cảnh giới rồi. Nếu tiếp tục tập luyện sẽ đột phá được thôi, cần phải có thêm thực chiến nữa. Xét về phần luyện tập, nếu cứ thế này chỉ sợ ngươi khó mà tiến bộ nhiều được. Như vậy đi, đợi lần này thúc phụ trở về, ta sẽ bẩm báo với y để cho ngươi nhập ngũ. Hiện giờ, chiến sự Hà Bắc vẫn chưa kết thúc, ngươi muốn gia tăng thực lực thì phải chiến đấu trên chiến trường thêm một năm nữa, đến lúc đó lại tới tìm ta. Chuyện này phải sắp xếp sớm mới được. Đúng rồi, có ai biết khi nào Tư không trở về không?
Năm Kiến An thứ bảy cũng chính là tháng chín năm Công Nguyên, Tào Tháo dẫn quân qua sông Hoàng Hà tiến về phía bắc.
Viên Đàm đang đồn trú ở Lê Dương phát động tấn công, lại phát hiện thế của Tào Tháo quá lớn, không thể ngăn được, bèn báo nguy cho Viên Thượng.
Nào ngờ đâu, Viên Thượng lo phải chia binh cứu Viên Đàm, sợ y sẽ đoạt binh không trả lại.
Vì thế, hắn liền hạ lệnh cho Thẩm Phối đóng ở Bi thành, đích thân dẫn binh mã giải cứu Lê Dương, Bất kể Viên Đàm hay Viên Thượng làm sao có thể là đối thủ của Tào Tháo được? Tào Tháo thắng hết trận này đến trận khác, khiến cho huynh đệ Viên gia đóng chặt cửa thành, không dám giao chiến với Tào quân nữa.
Nhưng khi trời đông giá rét về, lương thảo của Tào Tháo có hơi túng thiếu.
Từ năm Kiến An thứ năm, Quan Độ và Thương Đình luân phiên xảy ra đại chiến. Tào Tháo dù có kho lương thực tràn đầy cũng không tránh phải tiêu hao quá nhiều. Cho nên, Tào Tháo đã quyết định tạm thời thu binh, trở về Hứa Đô. Tào Bằng cũng đã nhận được tin tức, chỉ có điều hắn không rõ lắm cụ thể thời gian khi nào Tào Tháo hồi binh mà thôi.
Tào Chương nghe thấy thế, mới đầu rất hồi hộp, rồi y mừng vui khôn xiết.
Y trời sinh đã yêu thích võ thuật, cực kỳ thích chiến tranh, luôn hy vọng được chém tướng, đoạt cờ vì Tào Tháo, trở thành đại tướng quân bên cạnh Tào Tháo.
Chỉ có điều, do tuổi của y còn nhỏ, cho nên Tào Tháo không chịu cho y đi theo.
Lần này, tấn công Lê Dương, đến Tào Phi còn theo quân xuất chiến, khiến Tào Chương càng khó kìm chế được.
Nếu Tào Bằng đồng ý đi nói tốt cho y, Tào Tháo nhất định sẽ đồng ý. Trong lòng Tào Chương, y luôn hâm mộ Tào Bằng mười bốn tuổi đã lập được chiến công hiển hách. Hiện giờ có được cơ hội như vậy, sao y có thể bỏ qua, vì thế liên tục gật đầu.
Tào Bằng chỉ cười cười, không nói gì nữa.
Quay người lại, hắn ngoắc tay, ra hiệu cho Tào Xung, nói:
-Thương Thư, Tiểu Ngải, các con cũng chuẩn bị một chút đi. Chu Nhi, dẫn hai đứa đi thay quần áo, nếu không luyện tập cẩn thận, trưa nay không có cơm ăn đâu. Tuân Vũ, ngươi cũng đi theo theo dõi bọn chúng đi.
Bên cạnh sàn đấu, phía sau Hạ Hầu Lan và Hàn Đức, một tiểu cô nương đi ra.
Đó chính là Chu Hạ mà năm đó Cát Huyền gửi gắm cho Tào Bằng.
Chu Hạ ở Tào Phủ chỉ hai năm đã khác rất nhiều so với lúc trước. Thường ngày, nàng phụ trách chăm sóc bọn Tào Xung tập võ, cho nên không xa lạ gì. Nghe thấy Tào Bằng phân phó, Chu Hạ dạ một tiếng rồi dẫn ba người Tào Xung rời đi.
Nhìn theo bóng dáng bọn họ, Tào Bằng gãi đầu.
-Tử U, ngươi ở đây quan sát bọn chúng. Ta có chút việc, phải đi một lúc.
-Vâng!
Hàn Đức và Hạ Hầu Lan vội vàng chắp tay tuân lệnh.
Tào Bằng xoay người, đi dọc theo con đường nhỏ, xuyên qua một cánh cổng vòm, đi vào chính đường hậu viện.
-Công tử!
Hai mỹ tỳ cười hì hì tiến lên nghênh đón.
-Tiểu Loan, Tiểu Hoàn, Nguyệt Anh hôm nay có khỏe không?
-Chân phu nhân đang cùng phu nhân nói chuyện ở trong phòng, mọi chuyện đều tốt cả. Công tử cứ yên tâm, lão phu nhân đã thu xếp ổn cả rồi. Bà đỡ bất cứ lúc nào cũng qua đây được cả. Tiếu tiên sinh thậm chí còn đóng cửa Hồi Xuân đường, đang ngụ ở tiền đường rồi, không có việc gì đâu.
Tiếu tiên sinh cũng chính là vị đại phu phụ khoa Tiếu Khôn nổi danh.
Nhờ có Tào gia, Hồi Xuân đường của Tiếu Khôn làm ăn ngày càng thịnh vượng, lại thêm Trương Trọng Cảnh và Hoa Đà thường xuyên trấn thủ ở Hồi Xuân đường, thanh danh của nơi này cực kỳ có tiếng trong Hứa Đô. Địa vị của Tiếu Khôn cũng “nước lên thì thuyền lên”, người bệnh bình thường đều có học sinh của ông phụ trách. Ông chỉ việc đứng chỉ dạy mà thôi.
Nhưng Tiếu Khôn biết địa vị của ông từ đâu mà có.
Cho nên đối với chuyện của Tào gia ông rất quan tâm, lần này lại dẫn theo ba bà đỡ ngụ ở điền trang ngoài thành của Tào gia, sẵn sàng chờ lệnh bất cứ lúc nào.
Tào Bằng day day mũi, bước lên bậc thang!
Chương trình ủng hộ thương hiệu Việt của Tàng Thư Viện:
Danh Sách Chương:
Bạn đang đọc truyện trên website TruyenConvert.NET
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK