Phùng lão quan sát đám mây đen đang vần vũ trên bầu trời, không hiểu sao lại có cảm giác rất kỳ quái, ông quyết định tìm một chỗ cao thử quan sát kỹ hơn xem sao. Ông đưa mắt ra xung quanh thì tìm được một cây cổ thụ, nó cao ít nhất hai trượng. Ông khẽ nhún chân một cái, thân hình nhẹ nhàng vọt lên cao hơn ngọn cây rồi từ từ đáp xuống đứng trên cành cây. Cành cây đó khẽ oằn xuống rồi thẳng ra trở lại như cũ. Bọn lính Ngô đang mải chú ý tới những gì diễn ra trên bầu trời nên không để ý bên này.
Từ trên cao nhìn hướng về phía Thăng Long, nhiều đám mây đen đang tập trung lại, cuộn xoáy vào nhau như cơn lốc khổng lồ, từng hồi sấm rung chớp giật, tạo nên cảnh tượng có phần đáng sợ, vậy mà trên khuôn mặt những người dân ở thành Thăng Long lại hiện lên vẻ hân hoan sung sướng, cơn hạn hán kéo dài vừa qua khiến mùa màng thất thu, nay trời mưa tất nhiên ai cũng mừng vui. Ấy thế mà một canh giờ rồi hai canh giờ trôi qua, họ chờ đợi mãi mà trời không hề rơi một giọt nào. Trong lòng Phùng lão chợt có cảm giác chẳng lành, ông thấy khung cảnh này hôm nay có vẻ gì đó khác thường nhưng dường như lại khá quen thuộc, trong đầu suy nghĩ miên man.
Tiếng sấm mỗi lúc một vang to hơn, những luồng sét lớn đánh sáng rực khoảng không gian, trải rộng đến vài mẫu, cho dù Phùng Sĩ Chu đang ở ngoài mấy chục dặm mà vẫn thấy được rõ ràng. Ông chợt liên tưởng tới Trần lão, lo lắng thốt lên:
- A! Lẽ nào đệ ấy đang làm việc đó? Không thể nào!
Ông bất chợt nhớ lại một chuyện từng xảy ra gần trăm năm về trước. Mọi thứ cũng giống thế này, và người tạo ra nó chính là do sư phụ ông làm phép. Bây giờ nó lại xuất hiện, nếu bản thân ông không làm thì chỉ do sư đệ ông, bởi phép này chỉ có mỗi môn phái của ông biết được mà thôi. Mới nghĩ tới đây thôi, lòng ông đã sợ hãi, ông hạ xuống mặt đất rồi thi triển khinh công chạy ngược trở về lại kinh thành, bỏ luôn ý định bám theo đám lính Ngô kia.
Tiếng sấm rền vang, nhiều tia sét tụ lại với nhau thành những luồng sét đỏ rực, đáng sợ vô cùng. Người dân ngó trân trân lên trời không hiểu chuyện gì đang xảy ra.
- Sắp rồi! Nó sắp tới!
Phùng lão hoàn toàn hiểu rõ, lòng ông cực kỳ lo lắng, một trong hai thiên tượng ghê gớm nhất sắp tới, là hình phạt nặng nhất cho những kẻ dám làm trái ý trời - Thiên Khiển. Sư phụ ông năm xưa luyện mặc dù luyện thành cả hai bộ tâm pháp, võ công xuất thần nhập hóa, song khi thực hiện vẫn cần hai sư huynh đệ ông ở bên cạnh hộ pháp, huống chi Trần lão lần này làm phép một mình, chắc chắn sẽ gặp vô vàn nguy hiểm, nghĩ đến đây, ông càng tăng tốc độ, người lướt đi nhanh như chớp, trong chớp mắt đã không còn thấy bóng dáng đâu nữa.
Đúng như Phùng lão lo lắng, Trần Thì Kiến hiện tại đang một mình làm phép.
Nửa ngày trước….!
Trần lão nghe được rằng trong buổi chầu, Lê Quý Ly "đề nghị" vua hãy dời đô từ Thăng Long về Thanh Hóa, vì thế mà ông rất tức giận. Kinh kỳ đã tồn tại mấy trăm năm, nói dời đô là dời sao? Một yêu cầu thật quá ư vô lý. Ông gieo quẻ, đọc ra được số của nhà Trần đến hồi lâm nguy, ông quyết định học theo cách của sư công - làm phép trợ giúp nhà Trần vượt qua kiếp nạn.
Phép này dĩ nhiên vô cùng phức tạp và đầy nguy hiểm, luôn luôn phải có người hộ pháp bên cạnh, đáng tiếc hiện tại không ai đủ khả năng đảm đương nhiệm vụ này, duy chỉ có mỗi sư huynh ông là Phùng Sĩ Chu thì lại không rõ tung tích. Bản thân phép này là ngược với ý trời, cái giá phải trả cho việc làm phép rất đắt, sư công của ông vì thế mà đã tổn thọ ba bốn mươi năm. Nhưng để đất nước vượt qua cơn hoạn nạn, ông bất chấp tất cả, một mình làm phép.
Ngay khi ông vừa làm phép thì mây đen ùn ùn kéo đến, chưa đầy nửa khắc sau, sấm sét nổ đùng đoàng ầm ĩ cả bầu trời Thăng Long. Tất cả mọi người đều lo lắng, hối hả chạy vào trong nhà. Khung cảnh chợ búa trở nên nhốn nháo, ai nấy gấp rút dọn dẹp hàng quán, mau chóng tìm nơi ẩn nấp.
Bao quanh người ông là một luồng khí màu hồng kéo cao lên đến tận trời, đây là cách ông dùng để tạm thời tránh Thiên Khiển, bất quá lúc phép hoàn thành thì Thiên Khiển lại càng khủng khiếp hơn. Khi đấy ông đã cạn kiệt tinh lực, không dám đảm bảo mình còn có sức chống đỡ nữa hay không, có thể kết quả cuối cùng là phải bỏ mạng. Phùng Sĩ Chu biết rõ điều này nên vừa trông thấy bầu trời kia đã hiểu ra mọi chuyện, vội vàng dùng tốc độ nhanh nhất đến chỗ Trần Thì Kiến.
Thời gian dần trôi qua, một canh giờ rồi hai canh giờ... trời chuyển dần sang chiều rồi về đêm, phép đã hoàn thành được hơn một nửa. Trên đầu Trần lão bốc lên một cột khí trắng thẳng tắp, chứng tỏ ông đang vận công lực đến tột cùng. Ngay tại thời điểm quan trọng nhất thì bỗng một vật đen sì không biết từ đâu bay đến va trúng chiếc bàn hương án làm phép, ầm một tiếng, hương án vỡ tan tành.
Trần lão đang dốc toàn bộ tâm sức ra làm phép, hoàn toàn không để ý được những thứ xung quanh, khi phát hiện vật kia bay tới gần thì không kịp trở tay, cuối cùng mọi việc thành ra đứt gánh giữa đường. Ông đưa mắt nhìn lại thì thấy ngay ở nơi vật kia bay ra xuất hiện bốn gã lạ mặt. Ông tức giận nghiến răng nghiến lợi lẩm bẩm:
- Là bọn sát thủ, không ngờ chúng lại đến đây phá rối, thuật cải mệnh bị phá hỏng giữa chừng rồi, chả lẽ thời vận của nhà Trần thật sự chỉ có thể đến được chừng đó thôi hay sao?
Một trong bốn kẻ lạ mặt lên tiếng:
- Lão già, ông lẩm bẩm gì đấy, cầu nguyện trước khi chết đấy hả?
Trần lão vẫn giữ im lặng. Mây đen trên trời đang dần tan đi, sấm sét cũng dịu xuống, Thiên Khiển đã rút. Nó chỉ xuất hiện khi có kẻ làm trái với quy luật trời đất đã đặt ra, nếu như việc đó không còn dù là do tự thân nó kết thúc hay bị cưỡng ép phá hỏng thì nhiệm vụ của nó cũng chấm dứt. Ông cũng thu lại cột khí hồng, tiếp đó hỏi bọn chúng:
- Các ngươi là ai? Sao lại tới đây phá việc của ta?
Một tên mặt đen trong bốn gã đáp:
- Chúng ta là ai, lão không cần biết, chỉ cần biết hôm nay bọn ta tới đây là để giết chết lão già ngươi.
- Kẻ thuê các ngươi là ai? Sao lại muốn giết ta?
Gã cầm đao cười khẩy nói:
- Làm sát thủ thì có bao giờ tiết lộ danh tính người thuê cho mục tiêu biết chứ? Lão già, ông mau đầu hàng đi, bọn ta sẽ để cho ông được chết nhẹ nhàng.
Trần lão nhếch mép cười mỉa đáp:
- Khỏi cần các ngươi trả lời, ta đã biết kẻ đó là ai.
Ông liếc mắt nhanh vào cái trụ bên trái ở trong bóng tối rồi bất ngờ quát:
- Lê Quý Ly, ngươi nấp sau cái trụ đó làm gì, chả lẽ ngươi sợ ta đến mức không dám ra đây ư?
Trong tiếng quát ẩn chứa nội lực thâm hậu khiến mấy gã sát thủ đầu váng mắt hoa nên chúng vội vàng vận kình chống lại. Sau cây trụ chợt vang lên một tràng cười lớn, rồi một người đàn ông bước ra, dáng người y hơi mập, mặt mũi đôn hậu, đôi mắt rất linh động. Người này không ai khác ngoài Lê Quý Ly, đừng vội đánh giá ông ta qua vẻ bên ngoài, chứ ông ta thực sự là một kẻ lắm mưu nhiều kế. Quý Ly cất tiếng cười ha hả và nói:
- Trần Thì Kiến, ông quả không hổ danh là người thông minh tuyệt đỉnh, đoán ra được tôi.
Trần lão nói:
- Kẻ có tham vọng làm phản thì nhiều, nhưng kẻ có đủ khả năng lôi kéo nhiều cao thủ như vậy thì rất ít. Ngươi lại là kẻ có thế lực mạnh nhất, không phải ngươi thì còn có thể là ai chứ?
Quý Ly chỉ cười chứ không đáp, xem như y mặc nhiên đồng ý với lời "tán dương" của ông. Ông nhìn sang hướng khác, sau đó hỏi lão ta:
- Đệ tử của ta đứng ngoài cửa thế nào rồi? Các ngươi đã làm gì cậu bé?
Cậu bé ông vừa nhắc tới là đệ tử của ông, và cậu ta chính là người đã đến quán trọ tìm Phùng Sĩ Chu sáng nay. Nếu đám người Quý Ly đã vào được đây, tất nhiên có thể đoán được bọn chúng đã làm hại nó.
Quý Ly trả lời:
- Ông cứ yên tâm, ta tuy xấu nhưng không phải hạng người táng tận lương tâm, ta chỉ bảo họ đánh ngất cậu ta thôi, chừng hai ba canh giờ sau, cậu ta sẽ tỉnh lại.
Quý Ly đã nói là không làm hại nó thì sẽ không có việc gì, Trần lão thở một hơi nhẹ nhõm, đồng thời suy nghĩ tìm cách xử lý hoàn cảnh hiện nay. Ông bắt gặp lão ta ngay tại phủ của mình thì sực nhớ tới kế hoạch đã bàn luận với Hoàng Thượng vào đêm hôm trước, tâm tư bỗng thấy bất an, ông thầm nghĩ: "Hỏng, kế hoạch hỏng hết cả, tên cáo già Quý Ly tới chỗ này rồi thì làm sao Thánh Thượng có thể bắt hắn được đây, tức thật, đúng là người tính không bằng trời tính!" Ông bèn tiếp tục hỏi:
- Sao ngươi biết ta ở chỗ này mà đến?
- Ông ẩn cư mấy chục năm qua, ai cũng nghĩ rằng ông đã chết, nhưng tôi biết ông vẫn còn sống, thậm chí biết cả chỗ ở của ông.
- Ngươi giỏi lắm, chức phụ chính của ngươi quả không phải là hư danh, có mạng lưới thông tin rất giỏi. Nhưng mà ngươi đến chỗ ta không thăm hỏi đàng hoàng thì chớ, sao lại phá hoại việc tốt của ta.
Trần Thì Kiến phải công nhận Lê Quý Ly là người rất giỏi, giờ đã chẳng mấy ai còn nhớ tới ông, chỉ có mỗi lão ta, chẳng qua vẫn phải làm cho ra lẽ việc lão ta phá hỏng đại sự của ông. Quý Ly nghe xong thì trả lời:
- Hừ, việc tốt với ông nhưng là việc xấu với tôi, tôi hôm nay đột nhiên rất mệt mỏi, sức lực như bị rút kiệt, lại thêm thời tiết kỳ lạ như vậy thì biết nhất định có liên quan đến ông, vì thế tôi đến đây để ngăn lại.
Trần lão hỏi vặn lại:
- Sao ngươi dám khẳng định là do ta hại ngươi, chả lẽ ngươi hiểu thuật này là thuật gì?
- Ha ha ha, sao lại không, nếu không hiểu thuật cải mệnh này thì tôi đã không cho người đánh vỡ cái hương án kia rồi.
Ông tức tối quát:
- Ngươi có biết hành động vừa rồi của ngươi sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sự tồn vong của triều đình không hả?
Quý Ly chỉ hờ hững đáp:
- Đương nhiên tôi biết nó sẽ ảnh hưởng đến thế cục ở triều đình, nhưng có kẻ âm mưu hại tôi thì tôi phải tìm cách giải quyết chứ.
Trần lão nghe mà giật mình, thầm nghĩ bụng: “Xem cách nói của lão ta, hình như lão ta đã rã biết hết mọi chuyện rồi, thôi rồi, mình quá chủ quan, không nghĩ tới việc đề phòng tai mắt ở trong triều đình của lão ta.”
Quý Ly quan sát thấy sắc mặt ông lúc tốt lúc xấu, ánh mắt thì biến đổi liên tục, dường như lão ta hiểu đối phương đang nghĩ điều gì. Nhiều năm qua lão ta tốn công gây dựng thế lực, dĩ nhiên phải có gián điệp bên cạnh Phế Đế, nên kế hoạch kia dù sớm hay muộn thì cũng sẽ biết thôi, nhưng mà nhanh đến thế thì đúng là quá nhanh rồi, chả trách triều đình bị lão ta thao túng trong lòng bàn tay. Ông tỏ vẻ ngạc nhiên, vờ như không hay biết:
- Ngươi nói có kẻ định hãm hại ngươi thì đi tìm hắn chứ đến tìm ta làm gì?
Quý Ly bật cười lớn:
- Thì Kiến ơi là Thì Kiến, ông đừng giả ngốc nữa, tôi làm quan hai mươi năm nay đã quen với kiểu mặt đó lắm rồi. Những kẻ nào tham gia, tôi đã rõ như lòng bàn tay rồi, tội không có bằng chứng mà hãm hại đại thần là lớn lắm đấy, nhất định không thể tha được.