Thiết lập
Thiết lập
Kích cỡ :
A-
18px
A+
Màu nền :
  • Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Trên đoạn đường ngắn vài chục bước chân, Hoa Xuân Hùng kể cho Hoàng Đỗ nghe chiến công của anh em Yết Kiêu. Hùng kể rằng Chương Dương là trại quân thủy rất lớn của giặc. Có thể nói phần lớn thuyền chiến của giặc đóng ở đó. Giặc canh phòng và bày thế trận phòng ngự thủy trại này rất chu đáo. Chúng dàn một loạt đồn quân bộ dọc một bờ sông. Các đồn hình thành một mạng lưới vừa có chiều dài, vừa có bề dày. Dưới sông, chúng dùng những thuyền vận tải lớn thả thành ba mặt lđá. Thuyền nào cũng thả ba neo rất chắc chắn. Từng cụm cọc đóng sâu xuống lòng sông để giăng lưới sắt. Mỗi một lđá, chúng mở ba cửa để thuyền bè ra vào; cửa lđá mở, đóng bằng bốn dây xích sắt. Trong trại, thuyền chiến giặc đậu san sát, mũi hướng sẵn về phía các cửa thủy trại. Hoa Xuân Hùng chợt cười hì hì:

- Trên bộ thì chúng nó phi ngựa nhặng xị đồn nọ sang đồn kia, thế mà dưới nước thì chúng nó đậu thuyền như bè gỗ. Cứ ỳ ra.

Hoàng Đỗ lé mắt nhìn Hùng. Anh lính đội quân thủy toét mồm cười:

- Chúng nó say sóng. Mật xanh mật vàng tung tóe sạp thuyền, mui thuyền.

- Sao lại mật xanh, mật vàng?

- Nôn. Nôn mà.- Hoa Xuân Hùng phá lên cười.- ít nhất cứ ba thằng phải có một thằng nôn.

- Nghe nói chúng nó cũng nhiều đứa thạo nghề sông biển kia mà?

- Cũng có, nhưng đâu mà nhiều. Thằng nào thạo nghề buồm lái thì ở A Lỗ tất cả rồi.

- A Lỗ! A Lỗ!...

Hoàng Đỗ nghiêng đầu nghĩ ngợi. Cái tên A Lỗ nghe quen quen.

- Là cái kho lương, kho cỏ của chúng nó ấy mà.

A Lỗ đúng là kho lương, kho cỏ của giặc, nhưng không phải chỉ có thế. A Lỗ là một đồn lớn của giặc nằm trên đường huyết mạch vận tải lương, cỏ, khí giới, thuốc men của giặc từ bên nước chúng đến vùng hành binh của Đại nguyên soái Thoát Hoan. Giặc giao cho một tên tướng mưu mẹo quỷ Quyệt là Lưu Thế Anh chỉ huy A Lỗ đồng thời chỉ huy cả việc vận chuyển thủy, bộ. Như vậy A Lỗ chính là quả tim điều động máu nuôi quân, nuôi ngựa của cả đạo quân xâm lược. Những tên lính thạo nghề sông biển của quân Nguyên không được dùng vào việc đánh nhau nữa. Chúng phải đưa về A Lỗ để Lưu Thế Anh sai phái trong việc vận tải kể từ khi quân giặc bị dân binh các lộ đánh chặn tứ tung.

- À!

- Đấy đấy, thế là lũ giặc ở Chương Dương say sóng. Đức ông Chiêu Minh chí tâm đánh tan đoàn thuyền chiến giặc ở đấy. Nhiều thuyền lắm, cơ man là thuyền.

- Hay, lính thạo thì đưa đi, thế mà thuyền thì để lại.

- Thuyền này là thuyền chiến mà lại. Có đem đi cũng chẳng chở được bao nhiêu.

Hoa Xuân Hùng đứng hẳn lại, làm điệu bộ cho Hoàng Đỗ xem.

- Cơ man là thuyền, nhảy vào đốt thuyền này rồi nhảy sang đốt thuyền kia. Cứ thế nhảy mãi mà không thấy hết. Lửa thì cứ đùng đùng cháy. Táp cả tóc đây này.

Hoa Xuân Hùng trật khăn cho Hoàng Đỗ xem. Tóc anh lính đánh thủy trụi cả một mảng lớn và da đầu cũng bị bỏng. Hoa Xuân Hùng, bằng những câu cóc nhảy như thế, thuật lại cho người bạn mới nghe trận đánh kỳ thú của anh em Yết Kiêu. Những người lính trạo nhi đã sắp sửa thuyền bè và chiến cụ từ chiều. Các cánh cung và cánh nỏ đều được thay dây mới. Những lưỡi kiếm được mài kỹ lưỡng sắc như nước. Những lưỡi kiếm được tra lại cán, chêm chốt chắc chắn. Anh em trạo nhi thách đố nhau, hứa hẹn với nhau sẽ lập công lớn. Cuối canh ba, Yết Kiêu ra lệnh cho binh lính xuống thuyền. Tất cả đều giữ miệng. Đầu canh tư, những con thuyền nhỏ đưa các chiến sĩ cảm tử xuống gần tới thủy trại Chương Dương. Họ bỏ thuyền trườn xuống nước, lặn vào các cửa thủy trại giặc, nhẹ nhàng trèo lên thuyền, dùng vũ thuật giết gọn những tên quân canh của giặc đang ngủ gật. Rồi nấp chờ hiệu lệnh. Hồi hộp! Đến giữa canh tư, từ chân trời phía tây Chương Dương xẹt lên ba vệt pháo hiệu.

Các chiến sĩ cảm tử lập tức nổi lửa châm vào những vật dễ bắt cháy xếp sẵn trong những chiếc thuyền kề các cửa thủy trại. Lửa bốc lên rất nhanh và các cửa thủy trại bị những con thuyền bốc cháy bịt kín. Bên ngoài sông, những chiếc thuyền thoi nhanh nhẹ lướt như bay dọc chiều dài của thủy trại. Những mũi tên đầu quấn giẻ tẩm nhựa châm lửa bắn vào dãy thuyền giặc. Tên bay như mưa lửa. Tiếng mõ, tiếng lệnh hô rồi tiếng trống đồng đánh điệu xung trận rần rần. Những nghĩa sĩ cảm tử, sau khi đã đốt thuyền bịt cửa thủy trại giặc, trở nên xông xáo hơn. Họ châm đuốc nhựa, rồi một tay đuốc, một tay mã tấu nhảy chuyền vào các thuyền giặc mé trong. Họ nhảy qua đâu, lửa lại bốc lên ở đấy. Một bên tiếng quân ta reo hò, một bên tướng giặc la ó thất thanh. Giặc hoàn toàn trở tay không kịp, nhưng dù không quen nghề sông nước, chúng vẫn tỏ ra là những tên lính quen chiến trận. Bọn tì tướng giặc sau một lát hoảng hốt đã dần dần lấy lại bình tĩnh. Một vài tên tướng giặc, mình xoay trần trùng trục vì trời nóng, không kịp mặc áo giáp đã xông lên mui những chiếc thuyền lầu. Tiếng chúng nó ra lệnh gằn lại, giận dữ và nhuốm phần lo lắng.

Bọn giặc được lệnh chặt neo những chiếc thuyền đã bắt cháy, đẩy trôi xuôi cho khỏi lan sang những chiếc còn lành lặn. Bọn cung thủ dàn sau những tấm ván chắn tên, bắn ra từng loạt. Tướng giặc cho kéo lên cột buồm thuyền tướng một quả đèn lồng múi lợp lụa màu hỏa hoàng. Chắc là lệnh cố thủ, và mệnh lệnh này đã làm cho lũ giặc hung hãn xiết lại thế trận vững hơn nữa. Trận đánh diễn ra gần một trống canh, các thuyền giặc chưa bén lửa vẫn còn được đến hai phần bạ Chúng té nước lên những chỗ dễ bắt cháy như mui, buồm, rèm che cửa. Chính vào lúc đó, một đoàn thủy thủ đưa đức ông Chiêu Minh xẹt thuyền bên ngoài trại giặc để quan sát. Chiêu Minh vương Trần Quang Khải nhanh chóng ra những mệnh lệnh khẩn cấp. Một mặt, các thuyền thoi dựng phên che tên lên, lượn bên ngoài thủy trại giặc, mưa tên vào. Quân ta bắn cả tên mang lửa, cả tên mũi bằng đá mài, cả tên mũi đồng mũi sắt và cả tên tẩm thuốc độc bằng nhựa cây sui và củ nâu trắng. Từng trận mưa tên buộc giặc chúi đầu xuống và gieo rắc sợ hãi trong lòng binh tướng giặc. Một mặt, mười chiếc thuyền vận tải lớn chứa đầy chất dẫn lửa và thuốc pháo đã chuẩn bị sẵn từ lâu, rời chỗ đậu kín trong một vụng sông ở bãi Tự Nhiên. Đoàn thuyền này do Yết Kiêu và một lão dân binh chỉ huy, một người quá nửa đời người sống trên sông nước. Đoàn thuyền im lặng, không một đốm lửa, di chuyển trong đêm, tiến vào mé trên của thủy trại giặc. Khi đoàn thuyền vào đến cửa thủy trại còn đang cháy to, giặc mới nhìn thấy. Chúng hốt hoảng ra lệnh cho nhau bắn ra nhưng không kịp nữa rồi; đoàn thuyền đột nhiên bùng cháy lên và cứ thế, như mười quả tinh cầu lửa, xé nước sông, xuyên vào đám thuyền giặc đang đậu chụm lại. Đến đó, sự tan tác của thế trận giặc trở nên hoàn toàn, quân ta reo to lên, lừa những kẽ hở xông vào, đốt, chém, đốt, bắn, đốt, thét hàng... Khi bình minh, toàn thể đoàn thuyền chiến giặc chỉ còn là những mảnh lửa rần rật, từng đám từng bè cháy rải rác cả mấy chục dặm sông. Những tên lính Nguyên bám vào những mảnh ván, những đoạn cột buồm, mặt chúng nhọ nhem, tiếng kêu ngợp nước. Quân ta lướt thoi đi, dùng câu liêm móc chúng lên, tát cho mỗi đứa một cái cho chóng tỉnh rồi ném cho mỗi đứa một nắm cơm với con cá mắm...

Kể đến đấy, vẻ mặt Hoa Xuân Hùng đột nhiên khác đi và giọng nói trầm hẳn xuống:

- Thật là một trận thắng to quá, hả dạ quá, giá mà...

Im lặng. Hoa Xuân Hùng đứng hẳn lại. ánh lửa từ mấy đống củi xa xa soi mơ hồ vầng trán bướng bỉnh và đôi mắt sáng lạnh lùng. Vẻ mặt Hoa Xuân Hùng u uẩn. Hơi thở chìm hơn, dài hơn. Hoàng Đỗ tuy còn ít tuổi nhưng cũng hiểu lúc này phải tôn trọng sự im lặng của người bạn mới... Một miếng đất lở xuống sông. Hoa Xuân Hùng bàng hoàng nhìn Hoàng Đỗ:

- Không! Sao lại thế được? Tạo sao lại không còn con người ấy.

Hoa Xuân Hùng buồn rầu ngồi kể cho Hoàng Đỗ nghe thêm về trận đánh. Tới sáng, quân ta được lệnh hồi. Điểm người, đội quân đục thuyền mất tích một chiến sĩ. Mất có một chiến sĩ, nhưng chính lại là lão dân binh chỉ huy đội thuyền cảm tử đã lập công lớn trong trận nổi lửa. Lão dân binh này xưa nay vẫn được tất cả lính đục thuyền, kể cả Yết Kiêu, coi là thầy.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenConvert.NET
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK