Hai vợ chồng bàn tính với nhau cả buổi rồi đồng ý tạm bỏ Hà thành đi ở biệt xứ khác buôn bán để cho thời gian xóa dần dư luận ác cảm sẽ trở về.
Dư luận có lúc độc dữ nghiêm khắc, song nó lại có tính hay quên.
Nhưng đi đâu cho phải bây giờ?
Theo ý cố Hồng, muốn đi biệt sang Tàu ở Hương Cảng hay Thượng Hải không thì sang ở bên Xiêm, Tinh Châu tùy ý miễn là tếch xa cho khuất mắt. Vì ông tự biết chính mình là cái bia đàm tiếu ở Hà thành và bị người đồng bang ghét bỏ và bà vợ vì tình phải chịu vạ lây nên ông chẳng muốn quyến luyến ở đây một tí nào.
Đi mấy xứ kia, thà bảo rằng mình phiêu lưu với hai bàn tay trắng thì mới phải lo ngại cho sự sống ở chốn tha hương. Đằng này mình có nhiều tiền, đem mươi lăm vạn bạc sang mở hiệu bán các thứ kĩ nghệ của xứ Bắc như đồ đồng, đồ thêu, đăng ten và nhiều món sản vật khác thì sự phát đạt có thể cầm chắc trong tay.
Ổng chồng ngồi gảy con toán trong óc cho như thế là đúng lắm đấy.
Có điều xuất dương xa hẳn đồng đất nước nhà thì bà vợ lắc đầu không muốn:
Thế còn cửa nhà, phố xá, quê hương, giỗ tết, mồ mả ông bà, bảo tôi trút những gánh nặng ấy cho ai mà cũng không có ai thân mật để mình có thể ùy thác được. Cậu em và các cháu còn khờ dại cả lũ. . .
Thôi thì chúng ta tìm chỗ đi quanh trong cõi Đông Pháp này vậy.
Cô Tư tán thành vì thế mới được thuận tiện gần nhà cho cô thỉnh thoảng chạy đi chạy về trông nom cửa nhà, thăm viếng mồ mả.
Xuống Hải Phòng?
Không tiện, vì nó gần Hà Nội quá và nó cũng đồng tình nghiêm khắc với vợ chồng nhà cô y như Hà Nội vậy, thà cứ muối mặt ở lì lại đây mà chịu trận còn hơn.
Vào Huế?
Cũng không được. Sông Hương núi Ngự, cô Tư đã thừa biết chỉ là một cảnh hữu tỉnh cho làng thơ và khách du lịch, không phải nơi có thể kinh doanh thương nghiệp gì to lớn. Đi đâu thì đi, chứ cô vẫn muốn buôn bán đồ sộ, đâu phải chi cầu buôn lấy đủ ngày hai bữa và nộp thuế môn bài. Cà cuống gần chết đến đít vẫn cay như thường.
Duy còn Cao Miên và Sài Gòn nên lựa chọn lấy một.
Cô Tư muốn vào Cao Miên.
Cô bảo xứ ấy cũng người "đàng thổ" đang lúc nhất sơ khai thác, tất dễ buôn bán làm ăn, vả lại không làm gì có đông người đồng châu mà bảo họ ngồi lê đôi mách đi kháo chuyện riêng của mình.
Nhưng muốn cẩn thận, cô phải chịu khó viết thư vào hỏi thăm tình hình trước đã.
*
Cô ba La Vích, chỗ bạn chí thân mười mấy năm trước đã có công ơn giáo hóa, mối manh cho cô Tư trở nên me tây và nhờ đó mà tấy lên đến thế nào, ý hẳn chư vị độc giả còn nhớ.
Cái đời me tây nghĩ cũng hay: lắm cô làm mối cho chị em vớ được chồng sang đáo để mà đến chính thân mình thì số phận lại bắt vất vả, lẻ loi "chổng mông mà gào" cũng không có.
Ngay cô ba La Vích đấy, sau khi mối lái giùm bạn lấy được quan tư Garlan rồi, ít lâu ông chồng cô về Tây, cô muốn tìm chồng khác để nương thân mà số phận cản trở không cho. Nhiều đám đi lại mối manh, hồ nên lại hỏng. Cô phải một độ "ở góa" như thế đến bốn năm dư, tình cảnh túng bấn hết sức. Nước sơn nghèo nàn làm mốc thếch cả phấn hương, võ vàng cả da thịt, cô không còn thể làm me tây được nữa. Mãi sau mới gặp một ông cai máy đèn đưa nhau vào Cao Miên làm ăn khó nhọc luôn mấy năm trời. Vợ chồng khéo nhúm rau, nhúm bếp mở ra được một cửa hiệu nho nhỏ ở Nam Vang, chuyên sửa quạt máy và đèn điện. Nghe nói cô Tư có nghĩ lại tình cũ nghĩa xưa mà gửi giúp cho bạn vài trăm bạc vốn.
Giờ hai vợ chồng làm ăn đã khá có cơ tấn phát, vững vàng. Cô thường viết thư hỏi thăm cô Tư và xa trông con điều hạnh vận cùa bạn càng ngày càng lên bổng mây xanh để tiếng sáo phú quí phong lưu đưa vẳng mãi đến tận bên tai cố nhân đang lận đận ở chân cổ tự Đế thích. Còn chuyện tình duyên rắc rối của bạn mới đây, hẳn cô chưa biết.
Cô Tư viết cho bạn, hỏi qua đường đất buôn bán ờ Cao Miên và ngỏ ý muốn vào mở một hiệu bán hàng Bắc ở Nam Vang, liệu có được không?
Gần một tháng sau, cô mới tiếp được phúc thư của bạn, một tiếng bà, hai tiếng bà, không xưng hô chị chị, em em như ngày trưóc. Có lẽ cô Ba suy nghĩ cảnh ngộ hai bên đã quá biến thiên, vả lại bạn mình lại có phấn vua trang điểm nữa. Nguyên văn bức thư như sau này:
"Thưa bà,
Lá thư của bà cho tôi cái cảm giác như bắt được lạng vàng.
Tôi vội vã phúc đáp kẻo bà mong đợi sốt ruột
Nếu như đã chán cảnh Hà Nội phồn hoa, bà muốn vào Cao Miên buôn bán là sự nên làm.
Xứ Cao Miên có rừng vàng, biển bạc mà bây giờ người ta mới bắt đầu khai phá.
Định buôn cá sống, cá khô thì vào Biển Hồ, người ta mỗi năm khuấy nước hồ này kiếm lợi biết mấy trăm vạn. Có một ông lái cá người mình được triều đình Cao Miên thưởng hàm thượng thư.
Định buôn các loài gỗ quí thì vào ở Bất Tầm Boong. Xứ này có gỗ với cá là hai nguồn lợi to nhất
Còn như muốn đem hàng Bắc vào mở hiệu thì nên ở ngay kinh thành Nam Vang. Nhà nước đã cắm đắt và lấp kinh, đang mở mang thành phố càng ngày càng rộng lớn.
Dân đàng thể không biết buôn bán. Bao nhiêu thương lợi đều ở trong tay người Hoa kiều. Cửa hàng hiệu Tây cũng đã mở nhiều. Còn người xứ Bắc mình thì lơ thơ không mấy. Gọi là hàng Bắc chỉ có một hiệu Đại Thịnh của cụ Cử Can ở đường Quai Piquet là to nhất. Cụ bị an trí vào đây mấy năm nay, nhân tiện kinh doanh thương nghiệp xem ra phát đạt lắm.
Đường đất còn rộng thênh thang, mối lợi không thiếu gỉ, một người can đảm tài năng như bà thì Cao Miên là trường hoạt động rất tốt, hà cứ vào đi. Buổi đầu có sự gì cần dùng sai bảo, người bạn cũ sẽ không hề từ nan.
Kính chúc v. v. . .
Cô Ba La Vích"
Nhận được thư bạn hôm trước hôm sau cô Tư liền sắp đặt việc đi.
Vào khoảng đầu tháng ba năm 1916, hai vợ chồng đáp tàu "Orénoque" vào Nam, sau khi đã làm phép cưới với nhau cho chính danh nghĩa.
Phép cưới làm tại dinh Đốc lí Hà Nội, mỗi bên chỉ có mấy người bạn thân dự lễ và làm chứng. Một đám cưới rất thân mật và giản dị. Có thể nói là buồn tẻ như muốn giấu cả thiên hạ. cố nhiên không làm lễ ở nhà thờ và cũng không bày vẽ tiệc tùng gì hết. Cho đến người chứng hôn bên cố Hồng cũng là người An Nam mà cô Tư viện trong mấy ông bạn quen đi giùm. Chẳng có một người Âu Tây nào lại đi chứng hôn cho một nhà tu hành phá giới bao giờ.
Vả lại, cô Tư chiều ý muốn của ông chồng mà làm phép cưới cho tắc trách thế thôi. Bản tâm cô không muốn. Vì nghĩ không cần và cũng không có ích lợi gì. Con người lõi đời ấy đã có lần nói chuyện tâm phúc với một chị em sắp sửa nhập tịch làng me tây:
- Bày vẽ cheo cưới làm quái gì! Vợ chồng ăn ở với nhau quan hệ ở tấm lòng hơn là ở tờ giấy. Có hôn thư mà họ chẳng cắm sừng trên đầu nhau hàng tá rồi không ruồng bỏ nhau như vứt chiếc áo rách đấy ư? Thật lòng thương yêu thì chẳng cần hôn thư cũng ở với nhau được suốt đời. Nhất là nếu mình có của riêng càng không nên dại vì anh chồng tham lam có thể lợi dụng giấy tờ cheo cưới để xài phá, xâm đoạt của mình. Thà cứ thuận mua vừa bán, hay ở dở đi, lấy chồng như thể mua hàng vậy.
Bởi thế, lần này cô chỉ làm phép cưới để khỏi trái ý chồng. Nhưng về mặt hộ thì hai người lấy nhau theo luật phân sản. Ai có sản nghiệp riêng tự quyền người ấy chủ trương định đoạt, không được xâm phạm của nhau.
Điều ấy hình như cố Hồng lấy làm phật ý vì ông muốn trọn quyền làm chủ cái sản nghiệp của vợ kia.
Cô Tư khôn ngoan yên ủi:
- Của vợ tức là của chồng, sớm muộn thế nào tôi cũng phải giao quyền cai quản cho ông mà. Bây giờ chúng ta hăy lo việc đi Cao Miên đã.
Hai vợ chồng vào đến Nam Vang, trước khi bắt tay vào việc còn chịu khó xem xét tình hình kĩ lắm.
Không hiểu cô Tư suy nghĩ thế nào lại đổi ý: không mở cửa hiệu chuyên bán hàng Bắc như chủ kiến đã định ở nhà.
Ổng chồng một hai nài nỉ làm công cuộc khác mà ông tính hoạch lợi rất to: nấu rượu. Ý chừng nhà tu phá giới muốn tấp tểnh làm một ông Phông-ten ở đất Cao Miên.
Cũng chiều ý chồng, cô Tư xuất vốn năm sáu vạn bạc mua lại một lò nấu rượu của người khách trú có đủ khí cụ máy móc và sẵn cả mối hàng.
Họ không ngờ đã hí hửng bước chân vào cửa tử.
Chế độ nấu rượu ở Cao Miên thử thời đại khái cũng như ở xứ Bắc ta mấy lâu nay, nghĩa là không có độc quyền. Ai có vốn được lập công ty, mở nhà máy nấu rượu bán tự do miễn là đúng phép và trước khi phát hành phải có nhà Đoan xem xét đánh thuế.
Các công ty khác tha hồ cạnh tranh với hãng Phông-ten. Rượu ai nấu ngon hơn thì đông khách đắt hàng, dở thì lỗ vốn đóng cửa.
Ở đất Cao Miên mấy chục năm trước vẫn thế. Tình trạng y như ở Nam kỳ.
Ngoài rượu của hãng Phông-ten - người ta quen gọi là rượu công xi — còn có nhiều hiệu khác do những lò rượu khách trú nấu ra.
Họ rất trường lưng sẵn vốn, số rượu xuất sản nhiều, nấu ngon, bán rẻ. Lâu ngày, uống quen mùi vị đi rồi, thân chủ của họ cũng gần như khách nghiện thuốc phiện của nhà Đoan. Sức tiêu thụ rất mạnh, nhờ người đồng bang họ cổ động giúp nhau. Khắp xứ Cao Miên và Nam kì, không một đầu làng xó chợ nào chẳng có dăm ba hiệu khách. Đấy là những cơ quan sẵn sàng để truyền bá và tiêu thụ cho họ, lời rao trên báo nào cũng không thể địch lại được.
Thành ra những lò rượu khách tuy không có độc quyền của pháp luật nào cho nhưng thật sự họ vẫn độc quyền về thực tế, về khách quen, về kinh nghiệm lâu năm.
Vì thế mà hồi nào tới giờ, ta không hề thấy người bản xứ ở Cao Miên hay Nam kì mở lò rượu cạnh tranh với lò rượu khách trú vì trong cuộc cạnh tranh ấy mình chắc thua trước.
Phải biết lúa gạo là lúa gạo của mình nhưng họ mua, họ lập nhà máy xay, họ giữ trọn quyền bán. Mình mở lò rượu, gạo là nguyên liệu cần nhất, họ làm cho khó mua hay phải mua với giá đắt cũng đủ nguy rồi.
Rượu mình nấu ra, họ bảo nhau không dùng hay giữ ở các hiệu tạp hóa và họ cứ để mốc nguyên vị không giới thiệu và bán hộ cho cũng khốn.
Vợ chồng cô Tư sang Nam Vang không xét đến nơi những cái thực trạng éo le ấy nên hấp tấp bỏ tiền ra mua lò nấu rượu tưởng đâu mình có vốn thì làm gì cũng nên và tự chắc rượu mình nấu ra cũng bán chạy như họ.
Từ giữa năm 1916 đến cuối năm 1918, lò rượu cùa cô Tư kinh doanh chật vật được già hai năm rồi đành phải bán lại cho khách với giá rất rẻ.
Việc thất bại này làm ruột tượng cô Tư hao hết ba bốn vạn là ít.
Trong thời gian làm rượu, vợ chồng cô hục hặc gây gổ nhau luôn vì nỗi ông chồng đứng chủ không được phân minh về việc tiền bạc sổ sách.
Nhiều món tiền thiếu hụt đi đâu mất một cách vô cớ vô tang.
Thì ra đức lang quân đã khéo làm trò quỷ thuật cho nó chui vào trong hầu bao riêng.
Cô Tư cay đắng như ngậm quả bồ hòn nhưng muốn nhổ ra không được.
Danh Sách Chương:
Bạn đang đọc truyện trên website TruyenConvert.NET
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK