Thuyền ra tới giữa sông, Phạm Thái trợn mắt nhìn người lái đò, trong lòng áy náy lo sợ. Vì giòng nước chảy xiết, đáng lẽ phải hết sức chèo mau để vượt qua, thì người ấy chỉ giữ tay lái cho thuyền trôi xuôi.
- Ông lái!
- Dạ.
- Chúng tôi sang ngang kia mà.
- Phải, tôi biết. Nhưng quý hồ thuyền đậu vào bờ là được, chứ gì?
Phạm Thái đoán chừng chú lái muốn sinh sự, giở thói bóc lột. Chàng nghĩ thầm: "Nếu quả thế thì thằng cha này giỏi thực! Nhưng đến bọn cướp ở bến đò Lũ, ta còn trị nổi, nữa là thứ mày!..." Thuyền vẫn trôi phăng phăng. Không những thế, thỉnh thoảng chú lái lại còn bẩy thêm một mái chèo nữa...
- Ô kìa! Sao thế này?
Nghe hoàng phi nhớn nhác hỏi, người lái đò lễ phép đáp:
- Tâu lệnh bà, xin lệnh bà cứ yên lòng.
Ba người đưa mắt liếc nhau khiếp sợ, nguồi trơ như phỗng đá. Bỗng Phạm Thái thò vào trong bọc rút thanh đoản đao. Thấy vậy, Nhị Nương cũng tay trái cầm võ kiếm, tay phải nắm chuôi kiếm. Hoàng phi đăm đăm nhìn, không hiểu sao kẻ kia lại dò biết được tung tích của mình... Nhưng người lái thuyền vẫn bình tỉnh, thản nhiên.
- Nếu nhà ngươi không vẻ lái cho thuyền vào bờ, thì ta thề rằng nhà ngươi không thể sống mà về được với vợ con tối nay.
Vừa nói, Phạm Thái vừa dữ tợn, quả quyết giơ đoản đao lên. Người chở thuyền không đổi sắt mặt, buông mái chèo ra mà cười phá lên, khiến thuyền không lái chồng chềnh ở giữa giòng sông:
- Phạm Thái giỏi đấy! Nhưng ta không có vợ, con hay chưa có vợ con thì đúng hơn.
Nhị Nương và hoàng phi nhìn nhau kinh hãi Nhưng Phạm Thái yên lặng tươi cười, tra đao vào vỏ giấu trong áo cà sa, rồi ôn tồn bảo người lái đò:
- Không cần có thông minh gớm ghiếc mới đoán được rằng tôn ông đây chẳng phải là một chú lái tầm thường. Vậy tôi xin hỏi: Tôn ông muốn gì?
Người lái đò vói vội lấy mái chèo giữ cho thuyền đi thẳng rồi cười lớn mà đáp răng:
- Ta muốn biết Phạm Thái tức Phạm Phụng, tức Phổ Chiêu thiền sư đã giết được bao nhiêu bạn đồng nghiệp của ta ở bến đò Kim Lũ?
Phạm Thái cũng cười:
- Nghĩa là tôn ông muốn trả thù cho bạn lục lâm chứ gì ? Bần tăng đây xin sẵn lòng nghênh tiếp, nhưng...
- Nhưng sao?
- Nhưng bần tăng vẫn không tin như thế.
- Không tin cái gì kia chứ?
- Không tin rằng tôn ông theo nghề trộm cướp. Bần tăng đoán già rằng, tôn ông phi là thám tử của triều đình, thì là một tay hảo hán, sống một đời tự do ngang dọc. Nếu thực tôn ông là thám tử, thì bần tăng thương hại cho cây đoản đao của bần tăng quá, vì thế nào cũng đâm trúng họng tôn ông, nhất tôn ông lại biết lai lịch của bần tăng đây, mà xin thú thực cùng tôn ông, xưa nay chưa có kẻ thù nào biết lai lịch của bần tăng mà thoát chết được. Còn như nếu tôn ông là tay anh hùng hảo hán thì xin mau mau cho biết đại danh, để bần tăng thờ là quý hữu.
Hoàng phi nói thầm bảo Nhị Nương:
- Quái! Chị trông người này không quen nhưng nghe tiếng nói, thì hình như đã gặp nhiều lần.
Người lái đò vẫn cười, rồi hất hàm hỏi Phạm Thái:
- Biết bơi không?
- Ái chà! Khá nhỉ! Ý chừng chú lái có dã tâm muốn chọc thủng thuyền chăng?
Ta can, vì nhà ngươi bị dìm chết ở đáy sông mất.
- Nhưng còn hoàng phi?
- Đã có công tử đây phò giá. Ngươi không cần phải lo hộ.
Lúc bấy giờ thuyền trôi đã được một quãng xa. Người lái đò liền bắt mạnh cho mũi thuyền rạt vào vãi sậy bên vệ sông. Nhị Nương rút phắt kiếm ra thét:
- Sao lại đưa chúng ta vào đây?
Người kia vẫn không đổi sắt mặt, ôn tồn nói:
- Tra kiếm vào vỏ!
Nhị Nương kinh ngạc, nhìn Phạm Thái, chàng bảo:
- Cứ tra kiếm vào vỏ xem hắn làm trò gì.
Người lái đò lẳng lặng cắm sào, rồi sụp xuống lạy hoàng phi:
- Đào Phùng xin khấu đầu làm lễ.
Hoàng Phi vui mừng không kịp giữ gìn:
- Trời ơi! em Đào Phùng! Thảo nào chị cứ ngờ ngợ. Nhưng mặt mũi em gớm ghiếc thế kia?
Đào Phùng quay ra hỏi Phạm Thái:
- Đạo hiệu của hoàng phi là gì?
- Phổ Bác thiền sư.
- Bạch thiền sư, chẳng có gì lạ hết. Nhân được nếm mùi kìm chín ở phủ Từ Sơn trong ít lâu Phùng này đã nhận thấy ích lợi của thứ hình phạt ấy...
Phạm Thái vội kêu:
- Trời ơi! Dễ thường Đào quân dùng kìm đốt xém da mặt chăng?
- Thưa Phạm đại huynh, khi người ta làm một tôi trung thì người ta không cần có bộ mặt đẹp cho lắm. Huống chi mặt kẻ ngu si này lại bị bên địch biết nhẵn. Vậy thì có ngần ngại gì mà không vạc nó đi. Bây giờ Đào Phùng không còn là Đào Phùng nữa, mà chỉ là Nguyễn Phác làm nghề chở thuyền.
Ba người lấy làm khiếp phục cái cách trá hình phi thường của Đào Phùng, hoàng phi hỏi:
- Nhưng cớ sao, ban nãy em làm cho chúng ta lo sợ vì những ngôn ngữ, cử chỉ khả nghi của em?
Đào Phùng cười:
- Em xin lỗi thiền sư... Đó là em thử xem Phạm Thái có thực là đấng anh hùng như người ta đồn đại không? Nếu không thì...
- Nều không thì sao?
- Thì em bắt Phạm Thái ở lại, để em tự đảm nhận lấy cái trọng trách phò giá hoàng phi lên trấn Lạng.
Phạm Thái kinh ngạc:
- Sao Đào quân biết ngu đệ phò giá hoàng phi lên trấn Lạng?
- Làm một đảng trưởng thì cái gì mà không phải biết? Ta còn biết nhiều.
Chẳng hạn Quang Ngọc muốn đảng ta hợp nhất với đảng Tiêu Sơn. Nhưng ta thiết tưởng cứ để hai đảng, mà cùng hành động thì vẫn lợi hơn.
Phạm Thái đăm đăm nhìn Đào Phùng.
- Có lẽ lắm. Nhưng ngu đệ xin khuyên hiền hữu hãy để việc ấy vào một bên.
- Bây giờ thì ta yên tâm rồi. Phạm quân có thể đương nổi việc, nhất lại có Nhị Nương trợ lực.
Nhị Nương cười ròn như nắc nẻ:
- Ông mà không phải là Đào Phùng thì tôi quyết tặng ông một lưỡi kiếm cho ông lộn cổ xuống sông, hết kiếp. Nhưng bây giờ thì ông đưa chúng tôi đến bến chứ?
Đào Phùng xua tay:
- Bất khả? Sáng nay một toán quân vừa sang sông để đi thủ trấn Lạng Sơn.
Vậy nên ở dốn lại cho bọn kia đi trước vài hôm đã. ấy chỉ vì thế mà Phùng này phải đón xa giá ở bến để giữ lại.
Hoàng phi cười:
- Em Đào rõ khéo nói kiểu cách. Làm gì có xa giá kia chứ. Nhưng em định để chị ở đâu?
- Bạch thiền sư, ở dưới chân núi Yên Xá, cách đây độ một dặm nữa thôi.
Hoàng phi nhìn Phạm Thái như để hỏi dò ý kiến. Rồi không thấy chàng nói gạt, liền nhận lời và bảo Đào Phùng chở thuyền đưa về nhà.
Một lát sau, thuyền đậu bên cạnh một bãi sậy um tùm. Một con đường nhỏ lách giữa đám lá rậm đưa quanh co đến chân núi. Năm người leo tới một dinh cơ khá rộng, làm chênh vênh trên sườn núi đất thoai thoải.
Chủ gọi người nhà bảo giết gà thết khách, và xin lỗi các vị thiền sư, vì không biết làm cơm chay. Nhưng các thiền sư cũng vui lòng nhận lời dùng cơm mặn.
Danh Sách Chương:
Bạn đang đọc truyện trên website TruyenConvert.NET
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK