Mùa xuân, trời nắng nóng. Thuyền buôn ngoại quốc xin vào buôn bán trên lãnh thổ Đại Cồ Việt, họ dâng lên nhiều thứ sản vật hiếm lạ. Hoàng đế ra lệnh, chỉ cần thương nhân nộp tô thuế đầy đủ thì có thể tự do mua bán.
Tháng tư, trời hanh khô. Đinh Tiên Hoàng nhận Lưu Mộng – con gái út Lưu Cơ (劉基) làm con nuôi, phong An Mộng công chúa. Tháng năm, đại hôn gả An Mộng công chúa cho Trần Nguyên Thái – bào đệ của Phò mã đô úy Trần Thăng, hai anh em họ Trần đều làm phò mã của Đinh triều.
[Nhắc lại kiến thức: Các bạn có nhớ “tứ cột triều Đinh” là những ai không? Đó là Nguyễn Bặc (Quốc công), Trịnh Tú (Sứ thần), Lưu Cơ (Đô hộ phủ sĩ sư), Đinh Điền (Ngoại giáp). Sử cũ gọi chung là “Bặc Điền Cơ Tú”. Bốn nhân vật này hiện tại ít xuất hiện nhưng đến khi Đinh Tiên Hoàng băng hà sẽ đóng vai trò lớn trong triều đại Đinh Phế Đế]
Tháng sáu, thời tiết thất thường, hoàng đế phái tân phò mã đem lễ vật sang triều đình phương Bắc, đây là lần thứ ba đặt quan hệ ngoại giao Việt – Tống
Tháng mười, trời trở rét. Triệu Khuông Dẫn băng hà, đặt miếu hiệu là Tống Thái Tổ. Em trai Triệu Khuông Nghĩa lên ngôi, niên hiệu Thái Bình Hưng Quốc năm thứ nhất.
Đinh Sửu (977), Thái Bình năm thứ 8, Tống Thái Bình Hưng Quốc năm thứ 2.
Tiếp tục phái Trịnh Tú đi sứ nhà Tống, dâng lễ chúc mừng tân đế lên ngôi. Sứ thần mang theo thông điệp hòa hảo và tự tôn dân tộc, 6 tháng sau bình an trở về.
Trước sân triều, Trịnh Tú nói lên suy nghĩ của mình: “Tân hoàng nhà Tống, so với Tiên hoàng còn nhiều mưu tính và tham vọng hơn.”
Mậu Dần (978), Thái Bình năm thứ 9, Tống Thái Bình Hưng Quốc năm thứ 3
Mùa xuân, tháng giêng, thổ địa có biến, vỏ trái đất dịch chuyển gây động đất nhỏ, lòng dân chúng hoang mang. Các chùa chiền, miếu thờ tấp nập hương khói. Khuông Việt Đại sư giở tử vi, cho rằng thời cuộc sắp đi bước ngoặc lớn. Nam Việt Vương cho dựng thêm 9 bảo tràng khắc kinh, cầu thọ cho hoàng đế, cầu phúc cho chúng dân, cầu thịnh cho hoàng triều.
Đinh Bộ Lĩnh cho rằng hoàng tộc thiếu đi ngôi thái tử nên mất cân bằng âm dương, phong Đinh Hạng Lang làm hoàng thái tử, Đinh Toàn làm Vệ Vương. Năm đó, thái tử 8 tuổi, Vệ Vương vừa tròn 5. Đối với quyết định của nhà vua, Trinh Minh hoàng hậu rất yên lòng, Ca Ông hoàng hậu rất vui sướng, Đan Gia hoàng hậu rất thất vọng, các quan thần có chút hoang mang, Nam Việt Vương cúi đầu không nói.
Tháng hai, trời có mưa đá.
Tháng sáu, vào hạ, nắng hạn, lúa trên đồng thiếu nước, Quốc Công dâng sớ kiến nghị cho nông dân và quân dân hợp sức đào kênh rạch dẫn nước ngọt, đắp be bờ ngăn nước mặn. Hoàng đế thông qua.
Kỷ Mão (979), Thái Bình năm thứ 10, Tống Thái Bình Hưng Quốc năm thứ 4.
Bình yên thế là kết thúc. Gợn nước lăn tăn góp thành sóng to, sóng to nối tiếp sóng dữ, sóng dữ làm nên bão lớn…
Tôi đứng trong tâm bão, hoàn toàn an ổn nhưng lại là nguồn gốc làm cho lốc xoáy, sóng gào… Có đôi lúc vai trò của người xuyên không chính là tạo nên bi kịch cho lịch sử…
Tôi mất đi những người thân quan trọng, Đại Cồ Việt mất đi những vĩ nhân lớn, Lê Hoàn sụp đỗ những niềm tin…
Toàn nhi lên ngôi, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn nhiếp chính, Tứ trụ Đinh triều bất mãn…
Nhiếp chính vương hoàn toàn biến thành con người khác, lòng đầy hoài nghi và thù hận không biết phải cầm đao chém ai. Triều thần nhìn hắn mà sợ hãi.
Dương quyến nữ bệnh lạ qua đời, để tang 3 ngày, Thái hậu ra lệnh không ai được viếng. Nhiếp chính vương quỳ ở điện Vân Sàng ba ngày, Thái hậu lạnh lòng quyết không cho gặp.
Vương gia cho trồng một biển hoa quỳnh trong hậu cung, Thái hậu sai người đốt bỏ, khẩu dụ rằng: “Ai gia ghét nhất là hoa quỳnh!”
Năm Kỷ Mão trời đất hỗn độn, quan dân đều bất an. Nhiếp chính vương ban ngày lo chính sự, đêm đến lại lấy rượu làm vui. Đại phu nhân, Nhị phu nhân nhà họ Lê trước sau lại có tin vui, quần thần kéo đến vương phủ chúc mừng.
Những chuyện này kể ra rất dài, tôi cũng thấy tóc mình trong một năm đã muốn chuyển màu trắng. Nước mắt ngài rơi, lòng ngài thống khổ tôi cũng đau gấp bội nhưng vì đại cuộc không cách nào giúp ngài làm dịu bớt đi. Một Lê Hoàn chỉ yêu, bây giờ cũng chỉ hận. Trời khéo trêu lòng người, có đôi lúc ta phải nuốt nước mắt mà sống cho qua tháng đoạn ngày!