Xét sử Đỗ Thiện chép rằng: Vương vốn là thần Thổ Địa ở Đằng Châu[143].
Vua Lê Ngọa Triều đang lúc làm Khai Minh Vương, thực ấp ở Đằng Châu, thường đến làng đó; thuyền đang đi giữa sông, đang lúc vua du lãm, hốt nhiên ban ngày tối đen, mây kéo mù mịt, rồi gió mưa ào đến, vua bảo kiếm chỗ đậu tránh, thấy trên bờ cao có đền thờ mới hỏi người trong thôn rằng:
- Đền thờ ấy thờ thần gì?
Thôn dân thưa:
- Ấy là đền thờ thần Thổ Địa của Đằng Châu[144].
Vua hỏi:
- Có linh không?
Thôn dân thưa:
- Dân trong châu này nương nhờ vị thần ấy, cầu mưa, đảo tạnh lập tức thấy linh ứng.
Vua mới lớn tiếng bảo rằng:
- Thần như có linh thì làm thế nào cho lui được gió mưa khiến bên này tạnh, bên kia mưa thì ta mới tin là có linh nghiệm.
Nói đoạn quả nhiên nửa sông gió, nửa sông mưa, vua khỏi bị ướt áo xiêm. Vua rất lấy làm lạ, bảo trùng tu lại miếu vũ.
Người đương thời có bài ca rằng:
Tốt thay Đại vương oai thanh trọng,
Đằng Châu thổ địa được an cư.
Hay khiến gió mưa không xâm phạm,
Nửa sông tạnh ráo, nửa sông mưa.
Vua nghe được, thầm tự phụ là phúc trời.
Vua cha băng, vua Trung Tông lên ngôi, em là Long Đĩnh (Ngọa Triều) mưu đại sự, đến đền cầu mộng. Mộng thấy một dị nhân ngâm rằng:
Muốn thắng tất thắng
Muốn thành tất thành
Phương dân đều thuận phục
Nước nhà hưởng thái bình.
Trong năm năm lạc nghiệp.
Tự bảy miếu an linh.
Thời ấy xem lẽ ấy.
Giữa trời xem bằng trình.
Vua tỉnh dậy, không hiểu ý nghĩa làm sao, nhưng cũng quyết chí giết anh[145].
Đã được ngôi vua rồi, mới thăng Đằng Châu làm Thái Bình Phủ, phong thần Thổ Địa làm Khai Thiên Thành Hoàng Đại Vương.
Niên hiệu Trùng Hưng năm đầu, sắc phong Khai Thiên Trấn Quốc Thành Hoàng Đại Vương. Năm thứ tư, gia phong hai chữ Trung Phụ. Năm Hưng Long thứ hai mươi mốt, gia phong hai chữ Tá Dực.
Lê Lượng Thái làng Đằng Khê có bài thơ rằng:
Càn khôn gây dựng đại công thành,
Phụ Dực Thần châu nổi tính danh.
Đất đẻ lòng gan bền chính trực.
Trời vun tai mắt rất thông minh.
Kỳ thay công võ muôn thần phục,
Sáng tựa hoa văn trăm quỷ kinh.
Oai dậy lôi đình Công giữ ý,
Phất phơ khí tốt tức uy thanh.
__
143. Đằng Châu (theo Cương Mục, tiền biên V, 31) là xã Đằng Châu, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên nhà Trần gọi là Khoái Lộ, nhà Lê gọi là Khoái Châu.
144. Khi nhà Ngô mất, Phạm Bạch Hổ giữ Đằng Châu, tự xưng là Phạm Phòng Ất (Cương Mục, tiền biên V 28). Hiện nay ở Đằng Châu vẫn còn đền thờ Phạm Sứ quân.
Theo Thần tích xã Đằng Châu (Kim Động Hưng Yên) thì ở huyện Đông An (Khoái Châu) có nhà họ Phạm, làm nghề buôn bán. Một hôm mẹ Phòng At qua làng Đằng Châu giữa trưa gặp mưa gió lớn, vào miếu ẩn mưa thấy hào quang sáng rực có một vị Sơn tinh bạch hổ hiện ra. bà sợ khiếp đảm, tỉnh ra đã tạnh mưa. Sau về có mang, năm Canh Ngọ (922) ngày 10 tháng Giêng, sinh một con trai đặt tên là Bạch Hổ. Lớn lên theo Ngô Quyền đánh giết Công Tiễn và quân Nam Hán. Sau lại cùng quần thần mưu truất Dương Tam Kha, lập Xương Văn. Năm 951, Bạch Hổ xin về lập ấp ở Đằng Châu ngày rằm tháng 11 (không rõ năm) đất trời u ám, có đám mây vàng sa xuống dinh Bạch Hổ, Hổ theo mây vàng mà biến mất, cho nên gọi là vua Mây (xem Nguyễn Văn Tố, Đại Nam Dật Sử, trong Tri Tân số 159).
145. Chuyện này nói tới Lê Ngọa Triều, nhưng cứ như ý tứ của bài thơ thì Thần có vẻ như muốn ủng hộ Lê Ngọa Triều (tức Long Đĩnh) mà nếu như vậy thực thì thần không “thông minh, chính trực” như Lý Tế Xuyên đã định nghĩa trong bài Tựa. Do đấy, ta có thể ngờ là người đã được thần giúp không phải là Lê Ngọa Triều mà là Lý Công Uẩn, tướng của Lê Ngọa Triều, người cũng có thực ấp ở Đằng Châu (xem chuyện Thổ thần Đằng Châu trong Thiên Nam Vân Lực Liệt Truyện sách số A.1442, tr.47‐48).
Sách Hưng Yên Nhất Thống Chí (A.963, tờ 23) vừa kể việc cầu mưa của Ngọa Triều, vừa dẫn một thuyết khác cho là việc của Lý Công Uẩn nhưng chuyện Lê Ngọa Triều có thực ấp ở Đằng Châu là một việc có thực. Theo Cương Mục (chính biên, I 39) khi đi đánh Ngự Man Vương Long Đĩnh ở Phong Châu năm 1006 nhân dịp đem quân về đến Đằng Châu, Lê Ngọa Triều sai đặt Đằng Châu lên làm phủ Thái Bình.
Danh Sách Chương:
Bạn đang đọc truyện trên website TruyenConvert.NET
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK