An Tư thu mình trong chiếc áo mỏng. Thì giờ gấp rút, nàng chỉ còn mươi trống canh để nói chuyện với Chiêu Thành Vương, vì thế nên khi cùng nhau đi, nàng quên không mặc thêm áo. Trời đã gần sáng sương mai phủ đặc cả một góc trời, một vài giọt trên cành rỏ xuống vai nàng lành lạnh và chân nàng buốt. Vài tiếng chim sẻ sẽ kêu trong bóng tối, nghe non nớt ai oán như lời than, nhưng cũng có một chút gì ấm cúng khêu mạch sầu của người thiếu nữ. Thì thầm đâu đây có tiếng quân nói chuyện, nghe thân mật như những ngày ở thôn quê. Trời đang ấm, thì rét bỗng lại trở về qua các cành cây trĩu lá và thổi lạnh thêm tâm hồn. Chiêu Thành Vương ái ngại:
- Thôi, ta về vậy, công chúa chắc rét lắm.
An Tư thổn thức. Phút giây chóng quá và chia phôi đã giơ tay tàn phũ. Trong bóng tối mập mờ của đêm sương, nàng trông rõ nét mặt đăm chiêu nhưng vẫn ngang tàng của người bạn, một tay chàng để trên đốc kiếm, một tay nắm chặt tay nàng, vừa âu yếm vừa bảo hộ.
Nàng chợt thấy cực buốt đến thâm tâm. Nàng nói:
- Về cũng thế, vương hãy ở đây cho hết trống canh. Sao lại rét thế này được?
- Tôi sợ công chúa rét, nên khuyên công chúa về, chứ một khắc ngàn vàng, ly biệt chỉ còn trong gang tấc, lẽ nào tôi lại muốn cùng công chúa chia tay sớm thế.
- Trời trêu ngươi, lại còn trở rét. Hay là rét nẩy lộc.
- Hay là rét nàng Bân?
Nàng không ngờ chàng nhắc đến người đàn bà mà chuyện thương chồng cảm động còn truyền tụng trong nhân gian. An Tư mơ màng. Nghĩ đến người vợ may mắn, mà tấm lòng thành đối với người chồng lính thú đã thấu đến hoàng thiên, nàng ao ước đời một đôi vợ chồng yêu nhau trong bóng tối, một túp lều tranh miễn là sum họp, nàng nghĩ đến cảnh nay mai. Thất thân cùng Thái tử nhà Nguyên. Lòng nàng bị tàn phá như một sa trường.
Sương mù nên xa để lộ vài vệt trắng của một sớm mai ác nghiệt. Nàng sát lại Chiêu Thành Vương và nói:
- Chóng quá đã sáng mất rồi!
Một tiếng chim họa mi thánh thót chốn rừng xa, một trận gió lạnh thổi ào ào, vài chiếc lá rụng, trước mặt đôi tình nhân. An Tư bỗng khóc và nói:
- Vương là khách anh hùng, sự nghiệp còn dài, chỉ thương tôi bạc phận, ít lâu nữa rồi cũng rụng như mấy chiếc lá này thôi.
- Sao công chúa nghĩ thế! Công chúa có mệnh hệ nào, thì tôi còn sống làm sao! Sự nghiệp công danh thì làm gì…
- Tôi đi phen này, thất thân cùng giặc, phụ tình vương, trái lời nguyện ước, tôi đã định lấy cái chết để đáp lại tình vương. Duyên kiếp này có thế, xin hẹn cùng nhau đến kiếp tái sinh vậy.
Nàng ôm mặt khóc nức nở. Động mối thương tâm, nguồn lệ trào ra liên tiếp, tưởng không cầm được.
Vương giữ lấy nàng, An Tư quá xúc động đứng không vững. Chàng cố nén nỗi lòng, nhưng không biết nói sao, chỉ lúng túng gọi nàng:
- Công chúa! Công chúa! Chị Liễu! Chị hãy nguôi đi, tôi có lời này muốn nói cùng chị.
Chàng lại tiếp:
- Thời khắc đã ít, sáng đến nơi rồi, chả nhẽ ta lại để nước mắt cuốn trôi hết cả.
Vương lấy làm lạ rằng chính chàng hôm qua đã muốn chết, mà nay bỗng thấy tràn trong người một nguồn hi vọng sáng tươi. Lòng yêu của chàng đã thoát khỏi những thành kiến tầm thường, vượt lên những đỉnh cao bát ngát. Chàng cảm phục tấm lòng vàng của công chúa, nó đã làm cho suốt cõi Thanh Hóa, từ vua quan đến quân đội, dân gian đều cảm kích. An Tư ngời vinh quang như một Bồ Tát sắp dấn thân vào ngục tối để cứu vớt chúng sinh. Hành động bi hùng không thua Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng.
Chàng lại thấy thương yêu nàng hơn cả bao giờ. Trước cuộc phân ly, chàng không tin rằng nàng đã đi là mất… Thắng được nhỏ nhen, đau đớn, tinh thần chàng trở nên mạnh mẽ đến nỗi chàng có cảm tưởng như là sẽ vá được chỗ rách của tình duyên…
Đêm hôm qua, sau khi biết triều đình đã nhất quyết đem dâng nàng cho Thoát Hoan để cứu năm mươi vạn người bị bắt mà Thoát Hoan sẽ đem giết cả, nếu nước Nam không chịu nộp nàng, chàng giận Thượng hoàng, giận Quốc công, giận nàng, giận thân, chán hết non sông. Tổ quốc, tất cả những lý tưởng đã nuôi sống chàng không còn giá trị nữa. Chàng chạy rông trong canh khuya như con thú mang nặng thương tích. Dần dần chàng không chịu nỗi đau đớn. Ý tưởng quyên sinh lởn vởn trong óc chàng đột nhiên thành một ám ảnh. Chàng tự nhủ:
- Không lấy được nàng, thì còn sống làm gì? Chết đi cho trọn tình trọn nghĩa.
Và chàng biến đi. Các tướng sau khi vào yết kiến Thượng hoàng về việc An Tư, trở ra không thấy Trần Thông, bỗng sinh lo ngại, đổ đi tìm. Quốc Toản là người nóng ruột nhất: Hầu đã biết tính vương sôi nổi, phẫn uất điều gì thì có thể có những hành vi táo bạo và tuyệt vọng. Họ đốt đuốc chia nhau đi tìm các ngả. Quốc Toản có cái may tìm thấy Chiêu Thành Vương trước nhất, giữa lúc vương quyết định quyên sinh. Lưỡi kiếm vừa tuốt ra khỏi vỏ thì Hoài Văn Hầu đã nhảy tới giằng lấy. Mắt vương đỏ ngầu như cuồng dại, vương nghiến răng bảo Quốc Toản:
- Sao hầu lại dính đến việc riêng của ta?
Quốc Toản nói:
- Chú làm thế thì không được. Không đời nào cháu để chú tính đến nước cùng này! Tài trai không tự vẫn.
- Ta không phải là tài trai.
- Chú không muốn cũng phải là tài trai. Chú có tài trời cũng không chết được với cháu. Chú hãy nghe cháu. Chú phải tỉnh ngộ mới được. Chết thì phải chết cho anh hùng, cho đáng mặt tài trai, cho đường hoàng chính chính; chết thì phải chết trên sa trường, sao chú lại chết tầm thường như thế, phí cả công sinh dưỡng, phí cả tiếng nhà, phí cả tài trời. Chú hãy nghe cháu; Gươm của Thái úy không để chú tự tử, gươm báu này dùng để giết quân thù, để rửa hận, chú tỉnh chưa?
Ngọn đuốc mà Quốc Toản vất bên đường đã tắt lửa, chỉ còn than hồng rừng rực. Kiếm của Chiêu Thành Vương đã bắn ra xa, vương tức bực, không tự chủ được, mắng Quốc Toản:
- Toản, việc gì đến mày?
Hoài Văn Hầu đáp:
- Chú đừng nóng nảy. Chú cứ mắng cháu xin chịu, nhưng chú nên nghĩ lại.
Trần Quỹ cũng vừa tới và đoàn quân Tinh Cương vây bọc lấy vương, người nào cũng ngơ ngác, nhiều người mừng quá ứa nước mắt khóc. Đuốc cháy tưng bừng chiếu toàn những nét mặt quen thân quyến luyến. Vương tự thẹn với đoàn quân bản độ. Trần Quỹ vẫn một giọng trung thành của người tướng già, lúc nào cũng chăm chút đến người chủ trẻ tuổi:
- Vương gia làm cho chúng con phải một bữa hãi hùng.
Vương không nói gì. Vẽ giận dữ pha chiều bẽn lẽn. Chợt có tiếng lệnh của Hưng Đạo Vương đòi Chiêu Thành Vương lên có việc khẩn cấp. Tinh thần trọng kỷ luật rất khắc khổ của vương khiến vương cúi đầu vâng lệnh.
Rầu rầu chàng theo chân sứ lên hầu. Thái độ bất phục, con mắt khinh nhờn, nét môi khinh bỉ, mỗi lúc một biến đi. Tới trước thềm, vương xin sứ chờ một lát để sửa lại nếp khăn, xốc lại áo giáp mà vương biết là không chỉnh tề. Bước vào, thoạt nhìn thấy Quốc công, chàng đã dịu những cơn bão táp trong lòng. Chàng cúi đầu như một học trò có lỗi. Chỉ một lời nói của con người khoan hồng kia cũng đủ làm cho vương trở lại thăng bằng. Lòng hờn ghét Thượng hoàng, ý trách móc Quốc công, thảy đều tiêu tan. Không dám chối cãi, vương chỉ vâng dạ. Khi chàng lui ra, lòng hân hoan nhẹ nhẹ. Chàng thẹn vì quan niệm hẹp hòi về tình ái, không xứng với giai nhân và chàng chạy đi tìm An Tư, để mong truyền cho nàng một nguồn sống mới…
Tiếng chim ca của họa mi vừa dứt, thì chàng lại nói cũng An Tư:
- Công chúa đừng quá ưu phiền, duyên của ta chưa vỡ.
Nàng ngạc nhiên:
- Vương tính còn gì nữa. Sắp vĩnh biệt…
- Vĩnh biệt là thế nào! Ta tạm biệt nhau hôm nay. Hạ sang, tôi xin hẹn gặp công chúa ở kinh thành.
- Tôi còn mặt mũi nào trông thấy vương nữa?
- Công chúa không nên nghĩ thế, dù sao dời vật đổi, tình nghĩa ta vẫn còn.
- Thất thân cùng giặc…
- Đó là tiểu tiết. Công chúa là bậc anh thư, không nên câu nệ mới được.
- Chiếc thân nhơ nhuốc…
- Trinh bạch là ở trong lòng. Xin công chúa đừng quan tâm đến việc ấy, mà phụ tấm chân thành này.
- Vì vương chân thành, nên tôi lại càng hổ thẹn, không đáng..
- Công chúa nghĩ lầm. Giữ nguyên vẹn tiết trinh như một kẻ thông thường thì ai không giữ nổi? Có gì đáng lạ. Ta ở cảnh biến, không xử sự được như cảnh thường. Trước kia tôi cũng tưởng một khi công chúa ra đi thì không bao giờ chúng ta còn có cơ nối lại duyên, nhưng Quốc công giảng rõ, tôi đã thoát khỏi thói thường. Quan Công hàng Tào đến nay vẫn còn nức gương trung nghĩa.
Công chúa cười chua chát:
- Vương nói quá. Quan Công là chuyện khác.
- Xử sự có khác nhau, nhưng lòng trung trinh là một. Chính tôi cũng đã định quyên sinh, nhưng tôi đã tỉnh ngộ. Chết đi mà uống giận, sao bằng sống để chờ nhau. Đời còn rộng, tình còn dài, duyên ta chưa hết. Công chúa hãy nhẫn nhục chờ tôi, ngày trả thù cũng không lâu. Bao nhiêu điều bất đắc chí ta sẽ rửa được hết, lúc nâng chén rượu khao quân. Công chúa liệu có chờ tôi không?
- Vương, sao vương còn bắt tôi chờ đợi?
- Công chúa vẫn còn câu chấp mãi. Nếu công chúa khăng khăng một mực, tức là phụ non nước, phụ Hoàng thượng, phụ tướng sĩ, phụ tôi. Công chúa không việc gì phải chết. Việc đời đã đến bước cùng đâu? Non nước chờ đợi ngày chiến thắng, tướng sĩ đợi chờ ngày tuyết hận, công chúa sao không đợi chờ ngày tái hợp?
Lời chàng bỗng trở nên nghiêm nghị. Công chúa se sẽ nói:
- Vương bắt tôi chờ đợi, nhưng khi ấy vương là tướng chiến thắng, tôi là gái nhuốc nhơ, mặt mũi nào còn trông thấy vương nữa.
- Công chúa nghĩ lầm.
- Xin vương tránh cho tôi nỗi nhục ấy.
- Công chúa không biết, công chúa có mệnh hệ nào, thì tôi đây cũng không sống được nữa. Nếu công chúa khăng khăng một mực thì tôi thà chết trước mặt công chúa ngay bây giờ còn hơn.
Vương tuốt gươm. Ánh sáng lờ mờ chiếu rõ nét mặt đau thương quả quyết của người chiến sĩ. Nàng giữ chàng lại, mắt nhung u uẩn và trên gò má lăn mấy hạt ngọc long lanh:
- Vương, vương.
Mấy câu thánh thót như tiếng chim ríu rít ban sớm. Nàng lại tiếp:
- Vương bắt tôi làm một điều quá nặng.
- Tôi là con nhà tướng, cử chỉ sỗ sàng, ăn nói thô lỗ, công chúa có thương, xin công chúa nghe tôi.
Nàng nói như nhớ tiếc:
- Trời đã sáng rồi!
Cây cối núi non đã hiện lên luốt tuốt trong sương. Vài tiếng gà xao xác. Đâu đây có tiếng quân đấu võ. Một vài con chim sớm bay vút lên không trung và đồng thời, một màu hồng phơn phớt điểm xuyết phía đông, tan trong sương như màu loãng. Công chúa và vương cùng chung một lòng ngao ngán. Vương vội hỏi:
- Xin công chúa nhớ cho: Đợi tôi hai tháng nữa.
Nàng ngập ngừng, má như ửng thẹn:
- Nhưng cũng xin ước một điều.
- Công chúa cho nghe.
- Tôi xin chờ đợi, nhưng sa trường bất trắc, nhỡ vương…
Chiêu Thành Vương cười ngạo mạn:
- Công chúa lo cũng phải. Nhưng tôi sẽ chẳng làm sao. Khi trước tôi còn sợ giặc, sợ chết, ngày nay tôi coi thường cả. Giặc là kẻ thù không đội trời chung, tôi không chết đâu.
- Nhưng vạn nhất mà vương rủi ro…
Vương không đáp. Công chúa tiếp:
- Tôi xin chờ đợi ngày vương khôi phục kinh thành. Nhưng vạn nhất mà vương rủi ro, thì tôi thề theo vương cho trọn nghĩa.
- Công chúa cũng vậy. Nếu công chúa không đợi đến ngày tái hợp, tôi cũng không sống làm gì.
Sáng đã hoàn toàn. Chim chóc sau một hồi do dự, nhịp nhàng ca hát theo một điệp khúc nhẹ nhàng. Cả bầu trời xuân như vọng tiếng hân hoan. Búp non mơn mởn, đất tỉnh giấc ngủ mùa đông, rùng mình dâng một mùi thơm hăng hắc. Vẻ đẹp của ánh sáng, nhạc trong của chim ca, màu sắc của cỏ cây và chất thơm của buổi mới hợp thành một ý xuân tươi. Trước mặt hai người thanh niên, trên mảnh lụa mặt hồ, một chiếc chim cuồng xuân xé toạc.
An Tư tặc lưỡi, nghĩ một mình chua xót:
- Cảnh đẹp quá, sao ta lại phải lên đường trong buổi xuân này? Than ôi, chẳng hẹn, ta mong gặp chàng mà chẳng muốn gặp chàng.
Mắt nàng như một trời bí ẩn. Và toàn thân nàng như xuyên một nét buồn. Nàng ủ rũ, nhìn vương một lần cuối cùng, lâu lâu chớp mắt để quên từng nét nhỏ tình lang. Mắt nàng ươn ướt, âm thầm.
Chàng tra kiếm vào vỏ, cầm tay nàng:
- Xin tạm biệt công chúa.
Nàng cầm chặc lấy tay chàng như cố níu lấy một lần cuối cùng con người mà nàng đã coi như cách bên kia thế giới. Tâm trí vương bỗng choán một nỗi buồn:
Nhưng rồi ta có cứu được nàng không? Sắc đẹp nhường kia, trời không đúc được một người đẹp hơn thì có lẽ nào, lại bắt nàng đi ngay được? Thông ôi! Ngươi liệu có diễm phúc cướp lại nàng không?
Chàng vấn vương những suy nghĩ và nàng (bản thảo bị mất đoạn này –BS). Thoắt ngoảnh lại thời gian sớm hết. Tần ngần nhìn nhau, họ vô tình rảo bước.
Tất cả mọi người ở Thanh Hóa đều biết Chiêu Thành Vương và công chúa tình tự trên đồi Cổ Hạc. Khi họ lên đồi người ta đã biết, nhưng không ai ngăn trở và cũng không ai chê cười. Một người như An Tư mang một sứ mệnh lớn lao mà thê thảm, ai còn trách móc? Quân sĩ được cắt đi tiễn An Tư đã tề chỉnh, thuyền hoa đã túc trực ngoài khơi, mà đôi tình nhân vẫn chưa xuống. Phút giây thần thánh, họ không dám làm loạn, giả sử An Tư và Chiêu Thành Vương đứng mãi trên đồi, có lẽ cũng không ai nỡ phá cuộc chuyện trò. Nỗi éo le của thời thế và sự lỡ dở của một nhân duyên đẹp đẽ nhất đời, đã làm cho người ta bàn tán, người ta thở than, người ta tiếc mướn, nhiều người còn ứa lệ cảm thương. Một người bỗng nói:
- Ai cũng ái ngại cho Ngưu Lang Chức Nữ, có biết đâu tình cảnh công chúa và Chiêu Thành Vương còn thảm thiết gấp trăm, gấp nghìn. Nghĩ cũng không đành lòng.
- Chức Nữ Ngưu Lang còn mỗi năm gặp mặt một lần, còn như…
- Còn như thì làm sao?
- Thì lỡ cả.
- Sao lại lỡ? Hai tháng nữa, ta đuổi Thoát Hoan đi, cứu công chúa, việc lại như xưa. Cái công cứu mười vạn sinh linh (đoạn trên nói “năm mươi vạn” xin được để yên như bản thảo) , muôn đời còn ghi tiếng, thì vài tháng thất thân cùng giặc có kể gì? Cũng không quản ngại.
Nàng đã trang điểm rất lộng lẫy, nàng tự tủi cho thân phận! Tuy đau đớn trong tình yêu, nhưng nàng không khỏi có chút tự phụ là đã không sống vô ích, giữa lúc tất cả mọi người đang lo toan việc khôi phục. Nàng tự thấy không phải xấu hổ với những người anh hùng hi sinh cho tổ quốc. Hình ảnh nàng Tây Thi phục thù cho nước Việt lảng vảng trong đầu nàng, tuy nàng tự biết không có cái tài của người con gái cán sa. Và thỉnh thoảng nàng không khỏi bằng lòng vì sắc đẹp của nàng. Cái sứ mệnh ác liệt nhưng lớn lao mà nàng mang trên vai, lắm lúc nàng lấy làm vinh hạnh: nó thỏa mãn lòng yêu nước âm thầm của nàng, với tinh thần hỉ xả bác ái, là tinh thần mãnh liệt chung cho xã hội đương thời, mà tinh thần quốc gia đã thấm nhuần mọi lớp. Mười vạn sinh linh thoát khỏi tay đao phủ, âu cũng đủ khuây khỏa lòng người thiếu nữ, mà lâu dài hạnh phúc đã gọi là hoàn toàn đổ sụp lúc bước chân ra đi.
An Tư sai đánh con ngựa bạch của nàng ra. Nàng không muốn rời xa con vật có nghĩa của nàng. Nước mắt giàn giụa, nàng nghĩ đến đêm trăng rong ruổi bên người yêu, nàng vỗ con ngựa, nó hí vui mừng và không biết đến nỗi khổ của chủ. Nàng nói:
- Con đi với ta nhé!
Rồi cực thân, nàng lại khóc. Tất cả cung tần phi chúa đều khóc vì không biết nói gì để an ủi được nàng. Nỗi đau khổ mênh mang như bể, một lời nói bình thường không giúp gì cho người xấu số. Hoàng hậu dẫn hoàng thái tử và thân ẵm công chúa Huyền Trân, khi ấy đã được sáu tháng ra chào nàng. An Tư vuốt má thái tử và ẵm Huyền Trân. Cô công chúa tí hon này cũng có đôi mắt to và buồn như An Tư. Nét mặt hao hao giống nàng. Trong hoàng tộc ai ai cũng bảo Huyền Trân sẽ đẹp như An Tư. Huyền Trân vươn bàn tay xinh xắn và nhoẻn miệng cười hồn nhiên, nụ cười đã đánh dấu sắc đẹp cực kỳ lộng lẫy mai sau. An Tư hôn hít Huyền Trân mà nàng vốn yêu rất mực.
Hoàng hậu nói:
- Cháu giống công chúa, mỗi ngày một rõ.
Nàng ôm cháu, cười buồn rười rượi:
- Cháu ngoan nhé, cháu đừng như bà trẻ mà khổ.
Nàng cố cầm nước mắt. Khi nàng trao trả Huyền Trân cho hoàng hậu, thì cô bé khóc lên, nhất định theo nàng, nàng lại phải ẵm, như thế đến ba lần. Bảo mẫu phải đem Huyền Trân đi ra chỗ khác. Tiếng khóc của Huyền Trân vẫn chưa dứt. (Về sau công chúa Huyền Trân cũng có số phận giống như bà trẻ An Tư, bị đem gả cho vua Chiêm Thành là Chế Mân - BS)
An Tư lên ngựa ra bến. Theo hầu nàng có sáu người thị nữ. Hoàng hậu và các công chúa, phi tần đều ra tiễn biệt.
Chiêu Thành Vương, Hoài Văn Hầu, văn quan võ tướng cũng theo ra. Hai bên đường, quân sĩ đứng xếp hàng gươm tuốt sáng ngời, giáo dựng lô nhô, bày ra một cảnh cực kỳ hùng tráng. Sau lưng quân sĩ là dân gian bồng bế con cái nghển đầu lên nhìn, vừa vì hiếu kỳ, vừa vì chút cảm tình đối với công chúa. Không ai nói gì, nét mặt nghiêm trang, phần nhiều buồn bã lặng lẽ. Xa xa trên đỉnh cao, phấp phới ngọn cờ vàng.
Nàng từ từ cho ngựa chạy giữa hai hàng quân sĩ, lộng lẫy trong chiếc khăn đỏ dát ngọc, chiếc áo vóc xanh, đai vàng, xiêm gấm, chiếc quần hồng và chiếc hài nhỏ thêu phượng. Những vàng ngọc và màu sắc càng làm nổi vẻ đẹp khuynh thành, nhất là bàn tay đài các và ngấn cổ trắng tinh. Đôi mắt to đen, mơ màng mà buồn rầu kia có phần ngơ ngác, thỉnh thoảng nhìn sang bên. Người nào được nàng nhìn như được một vinh hạnh lớn.
An Tư đột nhiên nhớ mênh mang cái đất Thanh kỳ lạ này, nơi mà nàng mới đặt chân từ sớm hôm qua, vừa đúng một ngày một đêm. Nàng bâng khuâng nghĩ đến cuộc đời lạ lùng của nàng, nàng âm thầm tự trách và thèm muốn đời những người ở lại. Từ bà hoàng hậu đến các phi tần, từ Thượng hoàng đến tướng sĩ, người nào trước mắt nàng cũng thấy hiện một cuộc đời ấm cúng và chứa chan hi vọng. Và so sánh cảnh ngộ ngang trái của mình với sự sống tưng bừng và oanh liệt của các anh hùng Thanh Hóa, nàng oán thán trong thâm tâm sự giễu cợt của số phận.
Chiêu Thành Vương đi sát cạnh nàng, buồn một vẻ nhẫn nhục. Nhìn tình nhân, nàng càng thêm cực. Nàng thầm cảm cái nghị lực siêu quần của vương.
Nàng biết chuyện vương vì quá nóng đã định tự vẫn, rồi sau vượt được lên đau đớn, cúi đầu trước sự cần thiết mà quốc gia đòi hỏi. Vương tìm sự an ủi trong cái hi vọng cứu nàng nay mai. Nàng thở dài:
- Liệu có thành công không? Ôi vương gia, biết lấy gì báo đáp vương gia.
Nàng trông suốt nỗi đau thâm trọng giấu trong cái thân thể cường tráng của bạn tình. Con ngựa nâu bon bon, tay chàng cầm cương như đùa bỡn, thanh bảo kiếm gia truyền mà chàng đã tuốt hai lần cho nàng xem, thỉnh thoảng đánh vào sườn ngựa, tự nhiên có một âm hưởng êm dịu khác thường. Người chàng nhảy trên mình ngựa. Nàng muốn trong một lúc yêu mãnh liệt, choàng ôm lấy người chiến sĩ, rỉ vào tai chàng muôn lời âu yếm, và hiến cả thân nàng, không một mảy may thẹn tiếc trong một cuộc ân ái say sưa. Nàng bỗng ân hận đã để qua một trống canh vô nghĩa và đã để lỡ phút duy nhất được hoàn toàn sống với người mình yêu. Nàng tự thấy còn bao nhiêu điều đáng nói… Bốn mắt gặp nhau, má nàng ửng hồng tưởng như người tình hiểu ý.
Tiếng dân gian chỉ trỏ thì thào. Chắp nối những lời lọt đến tai nàng, An Tư biết họ đang khen mình đẹp, thán phục đức hi sinh của nàng, ca tụng hoàng gia và phàn nàn cho cuộc tình duyên. Trông rõ nhiều người như rơm rớm nước mắt. Nàng tự cảm thương thân phận, hai hàng lệ rót ròng ròng. Đồng thời tiếng sụt sùi ở đâu nổi lên, lan từ người gần cho đến người xa, từ dân gian cho đến quân sĩ. Thật là cảm động khi những anh hùng xông pha mưa gió, gan sứt như đá, cái chết lúc nào cũng cầm chắc trong tay, cũng phải nhỏ lệ thương tâm. Nàng lại thổn thức, trước những cử chỉ bất thường và chân thực.
Tướng sĩ uy nghi, cơ nào đội ấy, rõ thực là tề chỉnh. Nàng nghĩ thầm:
- Cứ trông quân sĩ, ta đã thấy trước ngày chiến thắng. Sao mà đẹp và oai phong đến bậc ấy. Thực là một cảnh tráng quan.
Nàng cố nén bảo mọi người:
- Các ông ở lại nhé.
Có tiếng đáp:
- Vâng, xin công chúa ra đi. Công chúa lập công trước, chúng tôi xin nối gót sau, theo gương công chúa. Chúng tôi thề rửa sạch được cái nhục này. Cứu được công chúa mới không hổ tiếng con trai Đại Việt.
Có người quá thương tâm và hăng hái, hô lên như để tỏ hết cảm tình với công chúa:
- Thế nào cũng cứu được công chúa mới nghe. Sát Thát!
Tiếng hô ấy vừa dứt, thì tất cả quân đội đồng thanh hô lớn, ầm ầm như tiếng sắt tiếng gang. Những mắt lệ long lanh, những nét mặt gân guốc, như tươi tỉnh lên vì tiếng hô quen thuộc anh hùng mà họ thường biểu lộ trong những dịp vô cùng tuyệt vọng hay phấn khích. Lửa nhiệt thành như truyền trong máu mọi người, lòng phấn đấu sôi nổi nhe sóng bão, trong khoảnh khắc thương cảm đã nhường bước cho một tinh thần dũng mãnh tuyệt vời. An Tư không ngờ vô ý thức nàng đã là một trong những mối để kích thích tướng sĩ và đã làm tăng cái sức chiến đấu của những người mang trọng trách giữ vững âu vàng. Hồn nàng cũng hòa theo hồn chung của quân sĩ. Nàng tự thấy hi sinh của nàng không đáng kể đối với những hi sinh nặng nề của ba quân.
Ngựa nàng đã ra đến bến. Ở đấy nàng thấy đức Thượng hoàng, đức Thiệu Bảo, Chiêu Văn Vương, Hưng Đạo Vương, cũng nhiều quan văn võ đang chờ. Nàng thấy Thượng hoàng với nét mặt buồn rũ rượi và con mắt bất nhẫn. Đột nhiên nàng thương người anh hữu ái mà nhiều lúc nàng vẫn oán hờn. Hưng Đạo Vương nhìn nàng thân mật. Nàng tấm tắt khen thầm cái hình dáng vững chãi và nét mặt cương quyết của vị chủ tướng ba quân. Đã lâu, bây giờ nàng mới gặp lại Quốc công, một người mà nàng vẫn kính phục. Nàng biết chính Hưng Đạo Vương là người đề nghị dâng nàng cho Thoát Hoan. Không có lời của vương, có lẽ anh nàng cũng không nghĩ đến việc ấy. Vậy mà trước mắt con người kỳ dị và oai nghi kia, nàng cũng không có một ý nghĩ gì oán ghét. Chiêu Văn Vương thì chạy lại ngay đón nàng theo cái tính niềm nở của vương, nhất là đối với An Tư.
Xa xa là biển mênh mông, bấy giờ đang yên lặng, nhưng không biết sóng gió đến với bao giờ, có khi trong chốc lát. Ngoài bến, một chiếc thuyền rồng hoa lệ đậu bên hai chiếc thuyền chiến. An Tư chua chát nhìn trời biển, thuyền rồng. Đến đây là tuyệt vọng, là xa hết người thân và bắt đầu từ đây là biển thù và quân thù tàn ác. Lòng nàng bỗng chết di trong giây phút.
An Tư xuống ngựa. Trời trêu người lại bày ra một cảnh thiên nhiên rực rỡ. Không trung xanh ngắt điểm những bóng mây bạc, biển cả rập rờn những gợn sóng nâu biêng biếc, óng ánh những vẩy vàng. Xa tít chân trời, mây nước hợp nhau trong một đường biển tím. Ánh sáng vàng tươi tụ cả vào cái bến phân ly. Những màu sắc của cờ quạt phẩm phục, nổ trong bầu trời vui như hội. Gió mát thổi reo mừng, và sóng biển đánh vào bờ nhịp nhàng như một điệp khúc.
Người ta đã dắt con ngựa bạch của nàng xuống thuyền. Hoặc vì sợ, hay vì linh tính báo cho nó biết cuộc phiêu lưu của chủ, nó lồng lên không chịu xuống, bốn vó nhảy chồm chồm. Khi người ta cố ấn được nó xuống thuyền, nó vẫn hung hăng. Nghe tiếng hí bất lực của con vật tinh khôn, không ai không khỏi ngậm ngùi.
Vua Thiệu Bảo là người rất dè dặt về việc An Tư, và phó mặc cho phụ hoàng và Chiêu Văn Vương lo liệu, đến đây không giữ được nổi thái độ khách quan. Ngài vốn giàu tình cảm, nhưng không biết nói sao. Ông vua quả cảm nhất nhà Trần, người đã dám khinh thường quân Mông Cổ và dám bác hết những điều yêu sách tham lam của rợ Bắc, tuy có tài cố kết nhân tâm, khích lệ tướng sĩ, nhưng trong gia đình thì rất phục tùng Thượng hoàng, và hơi vụng về trong việc khu xử, nhất là đối với đàn bà. Trong giờ từ biệt, ngài tự thấy ngượng về sự im lặng quá đáng của mình. Ngài rảo bước theo Chiêu Văn Vương, để cho vương chào hỏi An Tư xong, ngài nói:
- Công chúa vì việc nước ra đi. Hoàng gia thương cảm, quân sĩ ái ngại. Chẳng qua là cái tội của cháu đây cả, cháu làm vua một nước mà phải đem dâng hiến một người thân cho giặc, thực cháu lấy làm nhục lắm.
An Tư bỗng hồi tâm can đảm, nàng tâu:
- Quan gia không nên quá ưu phiền vì việc ấy. Nước ta nay mang một thảm họa có một không hai. Từ vua chí dân, người nào cũng lo nghĩ, cốt sao huyết thù rửa hận, đuổi quân tàn ngược ra khỏi bờ cõi. Tôi đây nghĩ mình là phận nữ nhi, không giúp được non sông, trong muôn một vẫn lấy làm tự sĩ; nay được dịp trả nợ non sông, đâu có thiệt thòi cũng không oán thán. Chẳng qua là làm trọn phận sự của một người khi quốc gia có biến đó thôi. Tôi nhận lấy việc này, trăm đau nghìn nhục cũng không quản ngại.
- Công chúa nghĩ thế thực có hơn người, nhưng nghĩ nỗi kẻ đi người ở, sao đành lòng được!
Thượng hoàng cũng nói:
- Cốt nhục phân ly, anh những mong được thay cha mẹ, đứng chủ hôn cho em, ai ngờ…
Ngài như muốn khóc. An Tư cũng khóc. Đêm hôm qua, trong bóng đèn mờ, nàng không nhận rõ nét mặt Thượng hoàng. Áng sáng mặt trời hôm nay để lộ những nét răn đau đớn và đôi mắt sưng vọp có lẽ vì khóc nhiều. Nàng nói:
- Xin Thượng hoàng bớt thương cảm cho. Tình anh thương em, em đã rõ, em đi dầu có thiệt thòi, nhưng cứu được mười vạn sinh linh, thì dù thất thân cùng giặc, em cũng đành lòng, không oán hận.
Nàng chào Thượng hoàng, vua Thiệu Bảo, Chiêu Văn Vương bước xuống bến, Hưng Đạo Vương bước lại. Nàng cúi đầu kính cẩn trước mặt người cầm vận mệnh của non sông Đại Việt lúc ấy:
- Tôi xin từ biệt đại vương.
Hưng Đạo nói:
- Tôi nghe kể chuyện về công chúa. Công chúa thực là bậc nữ trung hào kiệt, thực là đáng khen lắm. Công chúa đi phen này tức là lập công đầu vậy. Tướng sĩ cũng sắp theo ra, việc khôi phục có gian nan, nhưng tôi đã nắm chắc cái thắng trong tay. Công chúa đợi quan quân, hai tháng nữa tôi thề lại cắm cờ nước trên kỳ đài mới nghe.
- Tôi xin một lòng chờ đợi và xin gởi lời đại vương chúc quan quân hai chữ chiến thắng, chóng tấu khúc khải hoàn.
- Xin vâng lời công chúa.
Nàng đã ra trước bến. Mọi người cũng tiễn theo nàng. An Tư nói:
- Thôi, xin Thượng hoàng, quan gia, hoàng huynh và liệt vị về cho. Thế này đã là quá hậu.
Thượng hoàng nói:
- Anh sai gia trưởng của Quốc công là Yết Kiêu hộ vệ em vượt biển Bắc. Yết Kiêu là một thủy tướng thì việc đi biển không có điều chi quản ngại.
Ngài lên tiếng gọi:
- Yết Kiêu tướng quân đâu?
Một tráng sĩ râu thưa, vóc lớn, nhô ra trước mũi một thuyền:
- Xin rước công chúa lên thuyền.
Nàng vô cùng chán nản. Những lời nói can đảm của nàng lúc này chỉ là cái vỏ ngoài che đậy một mối bi thương rất lớn. An Tư trông trước trông sau: tỉnh Thanh Hóa quá phủ phàng đã đẩy nàng ra khi nàng tìm đến đấy làm chốn yên thân sau những ngày sóng gió. Nàng bất giác thở dài ngao ngán và ngần ngại.
Đằng sau nàng, xa xôi là cả một đạo quân anh dúng, với vẻ mặt buồn tênh, đang nhìn cả về phía nàng. Nàng quay lại nhìn họ một hồi lâu, cúi đầu chào họ một lần cuối cùng.
Quan quân bàn tán:
- Thảm hơn Thái tử Đan tiễn Kinh Kha!
Chợt họ hồi tưởng đến câu thơ “Việt Vương” mà họ thường ngâm, những giờ huyết chiến. Liên tưởng nghĩ đến Tây Thi: Việc ngày nay sao mà phù hợp với việc ngày xưa đến thế, sự tình cờ đã phù hợp thì kết thúc cũng phải giống nhau. Trong lúc tiễn đưa công chúa, họ phảng phất như thấy ngày đạo quân của đại vương hùng hổ tiến vào cửa ngọ môn kinh thành. Thắng xong, cứu công chúa ra khỏi cái lầu mà nàng đang mơ màng giấc điệp, trong khi quân Thoát Hoan chạy như vỡ tổ khắp nơi không thành hàng ngũ.
An Tư chợt thấy Chiêu Thành Vương bên cạnh. Nàng đã đưa mắt tìm chàng nhưng từ lúc ra tới bến chàng không biết đã biến đi đâu. Nàng đang băn khoăn thì bắt gặp con mắt người yêu.
Nàng run run hỏi, giọng thân mật và se sẽ:
- Vương đi đâu từ lúc nãy? Tôi thương vương lắm. Không biết rồi đôi ta có gặp nhau nữa không?
Vương cảm thấy biết bao nhiêu nỗi buồn trong lời người ngọc. Chàng nói:
- Công chúa đừng nói gỡ. Hè ra, ta sẽ gặp nhau. Công chúa đợi tôi ở Thăng Long, không được sai hẹn. Nhẫn nhục mà chờ, con trai họ Trần đã can đảm thì con gái họ Trần cũng phải biết kiên tâm.
Mắt nàng vẩn một mây buồn. An Tư nói:
- Vương ở lại nhé. Thôi tôi đi.
Nàng khóc sướt mướt, rũ rượi, nước mắt nhiều như nước mắt Chức Nữ biệt Ngưu Lang.
Thượng hoàng và mọi người đều ngậm ngùi. Ngài chép miệng than:
- Khốn nạn, sớm hôm qua đến Thanh Hóa hăm hở được gặp anh, tưởng được cái gì, ai ngờ? Tội nghiệp cho em gái trẫm, có ai hay nó lại vô duyên đến thế!
An Tư cúi đầu chào mọi người một lần nữa.
- Công chúa đi nhé!
Tiếng nói nhao nhao. Nàng bước xuống thuyền. Không còn hơi sức nữa, vừa vào đến cái lầu lịch sự của thuyền rồng, nàng đã tan ra trong nước mắt. Thị nữ xúm lại lay gọi nàng.
Thuyền đã ra khỏi, nàng nhòm qua cửa sổ về phía bên thành, vẫn thấy hình dáng những người thân đứng đấy trông theo. Trong số ấy, đứng biệt ra một mỏm đá ăn dài biển nhất là tráng sĩ thân yêu của nàng. Chiêu Thành Vương mà nàng không nhận rõ vẻ buồn, vì thuyền đã xa. Chàng im lặng, thanh kiếm bên mình, và chiếc bào đỏ gió đánh bạt sang một phía.
Nàng nhìn mãi, tưởng như rách mắt. Hình thân yêu dần dần chỉ còn là một dấu chấm con con rồi lẫn với hư không.
Nàng chắp tay vái vọng:
- Thôi lạy vương muôn lạy. Vương hẹn gặp ta, nhưng liệu có gặp nhau? Vương hỡi vương ơi!
Và nàng lịm đi trên đệm gấm, trong tay bầy thị nữ ngẩn ngơ.
Danh Sách Chương:
Bạn đang đọc truyện trên website TruyenConvert.NET
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK