Tiểu hoàng môn, cái gì mà vừa rồi ta nghe như có tiếng binh mã ồn ào trước Ngọ môn thế vậy?
- Khải điện hạ, ấy là sai tướng bên Suý phủ đem tin thắng trận từ xa về dâng Đức hoàng thượng ngự lãm...
- Sao? Triều vương Nguyễn Hữu Cầu và Thuận Thiên Khởi Vận đại nhân Nguyễn Danh Phương...
- Đều đã bị Minh Đô vương bắt sống cả và hiện đương bị giải theo đám quân khải hoàn về kinh sư. Tiểu thần nghe nói lúc Trịnh Vương về tới huyện Kim Anh có truyền mở tiệc khao thưởng binh sĩ, bắt Hữu Cầu thổi kèn, Danh Phương dâng rượu vui lắm...
- Hừ! Anh hùng đến Nguyễn Hữu Cầu mà cũng đành cam chịu nhục thế ư? Uy danh của họ Trịnh phen này lại được một lớp hào quang làm cho chói lọi. À, thế còn dân chúng? Họ đối với việc thắng trận của Minh Đô vương ra sao?
- Khải điện hạ, bách tính hoan hô và cổ võ nhiệt liệt. Có lẽ vì bởi cuộc đắc thắng cặp díp này hẹn sẽ làm nhẹ hẳn cho trăm họ một phần lớn những thống khổ mà bao nhiêu cuộc rối loạn đã gây ra khắp trong nước từ bao lâu nay.
- Sao không nói là từ cái ngày nhà Hậu Lê ta trung hưng có được không? Từ ngày ấy, nào Trịnh - Mạc tương đấu, nào Trịnh - Nguyễn chiến tranh, thêm những thủ đoạn hoang dâm, tàn ác của một vài kẻ quyền thần như lũ Trịnh Giang chẳng hạn, làm cho khắp dân gian chỗ nào cũng bày ra cái cảnh điêu tàn, tang tóc. Dân chúng mở miệng ra chỉ để mà nguyền rủa, mà oán hận. Mãi nay, thấy các loạn đảng bị tan vỡ, họ chắc sẽ được hưởng thái bình nên mới náo nức khen ngợi để tỏ sự vui sướng của họ. Được lòng thiên hạ tức là được cả thiên hạ. Nhà Trịnh phen này tha hồ mà xưng vương, xưng bá, tha hồ mà lấn át thiên tử...
Câu nói đầy vẻ hằn học ấy bị rơi tõm vào sự yên lặng thăm thẳm của một nơi cung khuyết mà những vẻ vàng son phần nhiều đã mờ nhạt. Tiểu hoàng môn, sau khi thổi mồi lửa châm vào ngọn sáp vàng, khẽ lùi bước ra ngoài và khép chặt cửa son lại. Trong phòng chỉ còn trơ lại một chàng trai trẻ vừa thốt ra những lời gay gắt nọ.
Chàng thanh niên ấy trạc độ hai mươi sáu, hai mươi bảy, vẻ người rất phong nhã và thông minh. Chàng có một gương mặt trái xoan, một vầng trán rộng, một đôi mắt to, sáng nhưng đượm vẻ mơ màng tư lự. Mái tóc chàng búi gọn lại sau gáy, mình chàng mặc tấm áo sa màu lam hoa thất thể, nó làm cho da mặt chàng trở nên trắng xanh, rất hợp với vẻ mơ màng trong đôi khóe mắt.
Nhất là khi tên quân hầu đã ra khỏi, gương mặt chàng thanh niên càng đầy vẻ buồn rầu, uất phẫn. Chàng thò tay cầm lấy quả ấn vàng đặt trên án, lật ngửa mặt ấn nhìn lâu lâu sáu chữ cổ triện đẫm vẻ son khô: "Đông cung Thái tử chi ấn". Chàng khẽ nhếch một nụ cười chua chát:
- Hừ! Đông cung Thái tử, Trừ quân... Đông cung với Trừ quân là ông vua rấm trước... Nghĩ như mình chẳng qua một thằng phường chèo còn lẫn trong buồng chèo, chứ vua với chúa gì?
Ý tưởng ấy càng khiến chàng thanh niên thấm thía cái mỉa mai của địa vị chàng, của địa vị tất cả các vua Lê mà sinh mạng cùng nhục vinh đều ở trong tay họ Trịnh. Chàng hồi tưởng việc Trịnh Tùng giết vua Lê Kính Tông, Trịnh Giang thí vua Lê Duy Phương, và ngay mới ít lâu nay, Minh Đô vương Trịnh Doanh tự nhiên vô cớ truất bỏ ý Tông Hoàng đế. Họ Trịnh có cả thiên hạ, trong khi nhà Lê chỉ được hưởng lộc một nghìn làng. Họ Trịnh chiếm được cả chính quyền lẫn binh quyền, vua Lê chỉ được giữ năm nghìn quân túc vệ để canh giữ các cung điện.
Chính ngay Thái tử cũng thế, từ khi bắt đầu biết suy nghĩ, Thái tử thực chưa phút nào được thấy mình là của mình, kể cả những lúc ăn, ngủ. Quanh mình ngài, tường vách đều như có tai, có mắt và cái tịch mịch chốn cung vi tựa hồ cũng biết nghe ngóng và rình xét từng ý nghĩ, từng cử động của người.
Thái tử buông một tiếng thở dài, đoạn rời bỏ chiếc phương kỷ và đứng dậy đi bách bộ trong gian phòng rộng, ánh nến soi không đủ sáng.
Giữa cái u ám mơ hồ, ánh nến tuy vậy cứ lóe ra nhiều tia lửa chạy ngoằn ngoèo trên vàng son của bàn, ghế, sập, chân quỳ mà đã hàng hai thế kỷ nay, bao đời cung nhân, nội giám vẫn nối tiếp lau chùi, gìn giữ... Trên mặt tường trong treo một bức trung đường vẽ tích "Anh Hùng Độc Lập" kèm câu đối, thủ bút của Thánh Tôn Hoàng đế, nét chữ tươi như hoa. Mặt tường bên tả treo bộ tứ bình cũng của Thánh Tôn Hoàng đế ngự đề khúc "Quỳnh uyển cửu ca" đối với bốn bức họa ở tường bên hữu: "Lư thu phong đỉnh, Bạch Vân tàn vi, Hàn nguyệt mai hoa, Cô chu ngộ vũ" do Thái tử vẽ. Ngoài ra, một thanh cổ kiếm, vài cây đàn là những thứ đồ tiêu khiển bình nhật của Thái tử.
Lại một lần nữa, các đồ bài trí thanh nhã phong lưu, nhất là cái ngụ ý của thơ họa làm cho ngọn lửa thù oán đương ngùn ngụt trong lòng Thái tử Lê Duy Vỹ dịu hẳn. Tre già măng mọc, người đi rồi tới, trong khi sự vật cứ y nhiên trường tại. Cái trật tự ấy không thay đổi là may biết chừng nào. Phỏng thử bây giờ trật tự ấy bị đảo lộn, sự vật cứ đến rồi đi, trong khi người cứ lúc nào cũng ám ảnh quanh ta. Trời, mới thí dụ thế cũng đã đủ ngã lòng! Là vì đem so sánh với người, sự vật sẽ trung thành và an ủi biết chừng nào. Sự vật càng lâu càng quý, thời gian không chút ảnh hưởng nào đến cái đức tính của sự vật, năm tháng chỉ càng làm tăng cái giá trị của chúng lên. Người trái hẳn, bất nhất vô cùng và làm ta mệt long, mệt trí vô cùng. Mối thâm tình nhất của lòng người sẽ phai mòn theo năm tháng.
"Chẳng thế mà bao kẻ đời đời hưởng lộc nhà Lê, nay đã công nhiên thờ họ Trịnh để mong được nghênh ngang mũ vàng, đai bạc!".
Thái tử càng nghĩ đến nhân tình càng ngao ngán. Giá không nghĩ đến công phu khai thác của tổ tiên và không thương cảnh phụ hoàng già nua cô quạnh, Thái tử có lẽ đã rời xa nơi cung khuyết một mình đi ngao du sơn thủy, nếu không cũng cạo đầu làm một kẻ tu hành.
Tưởng tượng mình đầu trọc, áo nâu, Thái tử bỗng mỉm cười vì chàng chợt nhớ đến Tiên Dung Quận chúa, con gái út Minh Đô vương, em Thế tử Tĩnh Quốc công Trịnh Sâm, là vợ chưa cưới của Thái tử.
Nguyên Minh Đô vương và Vương phi Nguyễn Thị Ngọc Vinh đều có lòng kính trọng và thương yêu Thái tử Lê Duy Vỹ về tài năng, đức hạnh và trạng huống. Hai người muốn rằng cái vực sâu vẫn ngăn cách họ Lê và họ Trịnh sẽ được lấp đầy bởi một mối lương duyên nên đã quyết định đem Tiên Dung Quận chúa gả cho Thái tử. Cuộc hôn nhân ấy chỉ còn là một vấn đề thời gian.
Về phần Thái tử, một bên là tình riêng, một bên là nghĩa chung, nhiều lúc cũng tự thấy lúng túng khó nghĩ hết sức.
Đành rằng mối tình thương yêu và sự trọng đãi của vợ chồng Trịnh Vương đã khiến Thái tử vô cùng cảm động và cái nhan sắc tuyệt vời, cái tài hoa xuất chúng của Quận chúa cũng làm cho Thái tử rung động đến tận những từng lớp sâu xa nhất của tâm hồn. Nhưng đồng thời Thái tử vẫn không qua cái thù kỷ thế của hai họ và cái bổn phận của chàng là phải nghĩ cách thu hồi quyền bính về cho ngai rồng.
"Mà lừa dối, dù là lừa dối kẻ thù, ta cũng không thể làm nổi!".
Thái tử chép miệng và than vừa dứt tiếng, cửa son bỗng hé mở rồi một võ tướng mặc đồ dạ hành tiến vào. Tướng ấy chưa kịp thi lễ, Đông cung Thái tử đã cất tiếng hỏi:
- Chẳng hay chức Điện tiền Hiệu điểm có việc chi mà đêm hôm còn tới đây?
Nguyễn Lệ chắp tay vái và đáp:
- Khải điện hạ, thần đem quân đi tuần phòng các cửa cung, qua đây nhân vẳng nghe có tiếng nói vội vào xem, không ngờ kinh động tới điện hạ...
Thái tử Duy Vỹ tươi cười nói:
- À, tướng quân đến rất phải lúc. Nội triều thần văn võ, ta chỉ còn trông cậy ở tấm lòng trung dũng của tướng quân mà thôi. Vậy, tướng quân hãy vào đây, ta có một việc muốn hỏi...
Dứt lời, Thái tử bước lại cái sập chân quỳ chạm rồng vàng. Ngài ngồi lên chiếu cạp vàng, một tay dựa vào chồng gối ấp, cạnh chiếc kỷ con tiện để một chiếc lư trầm, một lọ sứ Giang Tây cắm mấy bông sen trắng và một cuốn Tam Quốc Chí in thạch bản. Theo lệnh Thái tử, Nguyễn Lệ rón rén ngồi lên một chiếc đoản kỷ bằng gỗ bạch đàn ở trước sập.
- Minh Đô vương đại thắng các nghịch đảng, hiện đương ban sự hồi trào, tướng quân có biết chăng?
Nguyễn Lệ nhìn Thái tử:
- Khải Thiên tuế, Minh Vương thắng trận, tin ấy bay về kinh sư, dù kẻ thường dân ai mà không biết!
- Ấy, ta chính đương nghĩ ngợi về việc này! Minh Đô vương đắc thắng, các loạn đảng dẹp tan, quyền thế họ Trịnh từ nay sẽ càng vững như Thái Sơn, bàn thạch. Minh Đô vương lại có lòng quý trọng ta, muốn đem Tiên Dung Quận chúa gả cho ta, việc ấy tướng quân hẳn cũng đã biết!
- Hạ thần quả biết việc ấy.
- Tướng quân nghĩ thế nào?
- Khải điện hạ, việc ấy rất nên!
- Ồ, thế tướng quân quên rằng...
- Hạ thần không quên. Và chính vì vậy, hạ thần cho việc hôn nhân của điện hạ và Tiên Dung Quận chúa là rất nên vậy...
- Nghĩa là ta nên nhân dịp cầu thân để xí xóa mọi thù oán cũ?
- Xí xóa hay không là một chuyện khác. Hiện thời, họ Trịnh đương mạnh, điện hạ hãy cầu lấy yên thân đã. Mà cái dịp để điện hạ yên thân tốt hơn hết chính là cuộc hôn nhân với Tiên Dung Quận chúa...
Thái tử Duy Vỹ nóng bừng cả mặt. Chàng hổ thẹn và đau đớn khi thấy mình, đường đường một đấng tu mi, phải cầu che chở ở một cuộc hôn nhân. Nguyễn Lệ chừng đoán rõ ý ấy nên vội đánh vào mặt tình cảm của Thái tử:
- Đức hoàng thượng hiện nay đã già, Thái tử rất nên tránh cho ngài sự lo nghĩ. Vả lại, việc này có do tự điện hạ thỉnh cầu đâu! Chẳng qua là ý của Minh Đô vương và ý của Trịnh Vương phi mà thôi. Còn như lợi dụng cuộc hôn nhân để tránh sự bất trắc, mưu ấy người xưa những bậc anh hùng hào kiệt cũng thường khi phải dùng đến, Thái tử chớ ngại!
Thái tử Lê Duy Vỹ nghe lời nói hợp lý nên cũng nguôi dạ. Viên Điện tiền Hiệu Điểm nói thêm:
- Vả lại, Điện hạ chắc cũng biết đấy, Thế tử Tĩnh Quốc công Trịnh Sâm bên Lượng Quốc phủ vẫn có ý ghen ghét tài năng với điện hạ...
Duy Vỹ đứng phắt dậy:
- À, nếu ta nghe tướng quân, ấy chẳng qua muốn tránh sự lo lắng cho phụ hoàng và tránh sự nguy vong cho xã tắc đó mà thôi, chứ thằng Trịnh Sâm thì ta có sợ gì!
- Đã đành Thái tử và Thế tử, hai bên chưa chắc làm gì nổi nhau, nhưng một mai Minh Đô vương qua đời, Trịnh Quốc công lên kế vị chúa, Thái tử liệu có vây cánh và thế lực mà đương đầu với y chăng?
Đông cung Thái tử buồn rầu lại ngồi xuống sập. Chàng chống một bàn tay dưới cằm, mắt mơ màng nhìn ngọn sáp...
Nguyễn Lệ rón rén lui ra.
Ở một góc phòng, con rồng bằng đồng hun vẫn lặng lẽ rỏ xuống cái âu thau sáng loáng từng giọt nước đều đặn, long tong...
Mãi sau, Thái tử Lê Duy Vỹ mới như người chợt tỉnh một cơn mê. Chàng đưa mắt nhìn quanh khắp mọi vật, suy nghĩ một lát, đoạn khẽ lẩm bẩm:
- Nguyễn Lệ nói phải! Cuộc hôn nhân quyết không nên tránh và cũng không thể tránh được nữa! Oan gia kết làm thân gia, chỉ thương cho Quận chúa số kiếp chẳng ra gì, biết đâu rồi chẳng có ngày phải chịu đau khổ của một bà Chúa Thao!
Danh Sách Chương:
Bạn đang đọc truyện trên website TruyenConvert.NET
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK