Ngô Viết Trọng vừa cho ra mắt độc giả lịch sử tiều thuyết Trần Khắc Chun. Đây là tác phẩm thứ 8 của ông kể từ năm 2001 khi ông xuất bản tập truyện đầu tay Vết Hằn Mùa Xuân. Nhưng tính theo lịch sử tiểu thuyết thì đây là tác phẩm thứ tư sau Tình Hận (xuất bản năm 2002, đến năm 2005 thì được bổ khuyết và tái bản dưới tựa đề mới là Lý Trần Tình Hận), Công Nữ Ngọc Vạn (2004), Dương Vân Nga: Non Cao và Vực Thẳm (2005). Lịch sử tiểu thuyết Trần Khắc Chung được hoàn tất hai năm sau truyện dài Thăm Thẳm Trời Xanh, có vẻ đúng theo trình tự mà tác giả tự ấn định trước, nghĩa là truyện lịch sử và truyện tình cảm xã hội phải xuất hiện xen kẽ nhau.
Thoạt tiên, lướt nhìn tựa đề quyển sách, tôi hơi thất vọng vì đinh ninh tác giả đang bước chân vào lối mòn nhiều người đã đi qua. Không phải tự nhiên ý nghĩ đó tới với tôi. Chính cái tựa sách đã khiến tôi lầm tưởng ông Ngô Viết Trọng chọn sai đề tài. Thật vậy, lâu nay tên tuổi Trần Khắc Chung đã được dư luận kết nối với tên tuổi Huyền Trân công chúa. Đề cập tới người này ắt phải làm liên tưởng tới người kia. Chuyện tình trên biển cả giữa hai nhân vật lịch sử này là chuyện thật hay chuyện hư? Trước kia nó đã được các nhà viết sử, viết truyện lặp đi lặp lại quá nhiều lần nên ai cũng tin đó là chuyện thực. Gần đây đông đảo sử gia đã hoài nghi và phủ nhận sự chân xác của chuyện tình nói trên. Những bài viết của họ được xây dựng trên chứng cớ cụ thể nên phải được đánh giá cao. Tuy nhiên, lý luận của sử gia dù có chặt chẽ đến đâu chăng nữa cũng không xóa tan đi dễ dàng cái định kiến đã tồn tại lâu dài trong lòng dân gian. Nếu nhà văn Ngô Viết Trọng có chiều lòng độc giả mà triển khai rộng rãi câu chuyện tình Khắc Chung - Huyền Trân - một chuyện tình mà đời nay nhiều người còn tin là đã biến thành cụ thể ngay trên thuyền đi từ Chiêm Thành trở về đất Việt – thì ông vẫn làm tròn nhiệm vụ của một nhà văn. Tôi chỉ tiếc là Ngô Viết Trọng chọn lựa khai thác một đề tài đã trở nên nhàm chán thôi.
Vừa nghĩ ngợi như vậy thì tôi phát giác mình trách oan Ngô Viết Trọng. Chẳng là tôi muốn soát lại xem ông ấy có kèm tên Huyền Trân theo sau tên Trần Khắc Chung như tôi tưởng không; phải chính mắt trông thấy mới có lý do chính đáng để khen chê người khác. Nhưng đọc kỹ lại tựa sách tôi vẫn không tìm được điều mình chờ đợi: chỉ vỏn vẹn có ba chữ Trần Khắc Chung thôi chứ không thấy tên Huyền Trân theo sau. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Tác giả Ngô Viết Trọng đã khéo léo tách ra khỏi vết xe của những người đi trước. Độc giả có ấn tượng ngay rằng trọng tâm của tác phẩm không còn đặt nơi mối tình Khắc Chung - Huyền Trân nữa. Nó nằm lệch qua một bên, bên phía cuộc đời của riêng cá nhân ông quan đại thần nhà Trần. Ngoài bìa sách thì thấy như thế, bên trong ra sao chưa rõ.
Thế là tôi phải lên đường theo chân Ngô Viết Trọng qua tác phẩm của ông để xem ông có lâm vào cảnh tiền hậu bất nhất hay không. Ngay ở chương đầu tôi đã mang một tâm trạng hỗn độn, vừa thích thú, vừa lo âu. Thích thú mà thấy nhà kể chuyện sử Ngô Viết Trọng tự nhiên thoái lui nhiều bước, nhường chỗ cho nhà văn Ngô Viết Trọng thi thố tài năng. Qua mười mấy trang ngắn ngủi, Ngô Viết Trọng đã phác họa ra được một bức tranh sống động ghi nhận cảnh đời của Trần Khắc Chung thuở còn là một cậu bé họ Đỗ cực kỳ tinh nghịch, chuyên phá làng phá xóm. Lo âu vì e Ngô Viết Trọng ham viết văn, ham phân tích tâm lý mà phải bị lạc lối, phải biến lịch sử tiều thuyết của mình thành truyện dã sử lúc nào không hay.
Qua chương 2 tôi thấy an tâm hơn vì Ngô Viết Trọng bắt đầu trở lại với giọng kể chuyện cố hữu của ông. Ông tiếp tục duy trì cái giọng đó tới lúc kết thúc tác phẩm. Phân tích tâm lý, mô tả động tác, cảnh tượng, v.v… đều phải nhường bước cho tường thuật sự kiện. Bây giờ tới phiên nhà văn thụt lui lại núp phía sau nhà sử. Ông chủ Ngô Viết Trọng hiểu rõ hơn ai hết là hai người không thể cùng lúc đứng ngang nhau được. Ông dứt khoát chọn lựa: hi sinh nhà văn, chỉ cho ông này chường ra lúc đầu thôi, về sau bắt ông ấy phải đứng chống lưng cho nhà sử. Độc giả phân chia thành hai nhóm khác nhau. Nhóm thứ nhất cảm thấy mất bớt hứng thú vì không còn hưởng được cái chất tiểu thuyết thuần túy ở chương đầu nữa. Họ có ấn tượng như đang sống lại thời ấu thơ tại một thôn xóm nào đó thì đột nhiên được mang tới một nơi trang nghiêm để nghe tường thuật về những điều bí ẩn trong đời một nhân vật lịch sử. Nhóm thứ hai - người viết nằm trong nhóm này – thì lại thoải mái hẳn ra. Khi nghe kể chuyện lịch sử, họ hăm hở muốn biết sự thật hơn là bận tâm về những tiểu tiết tâm lý vốn dĩ có nhiều khả năng gợi ý cho người nghe nghĩ rằng đó là chuyện hư cấu. Mô tả sống động cuộc đời của một nhân vật lịch sử vào thuở niên thiếu bằng một chương ngắn gọn, thế cũng đủ lắm rồi, không cần triển khai dài dòng theo chiều hướng đó.
Tuy quan niệm thưởng lãm có khác nhau, hai nhóm độc giả trên đây đã gặp lại nhau trên một đất đứng chung khi họ đi tới tận cùng của tác phẩm. Tất cả đều không phủ nhận việc Ngô Viết Trọng muốn nhìn Trần Khắc Chung theo suốt chiều dài cuộc đời của nhân vật này chứ không tập chú vào một đoạn đời ngắn ngủi, một mối tình nồng nhiệt hay một công trận lừng lẫy của ông ta. Y như trong trường hợp Dương Vân Nga, lần này Ngô Viết Trọng dẫn trình Trần Khắc Chung trong mọi tư thế, lúc ngất ngưỡng trên đỉnh non cao cũng như khi ngụp lặn dưới đáy vực sâu. Đặc biệt Ngô quân đã dùng nhiều chương để kể chuyện Trần Khắc Chung âm mưu giành giựt quyền bính, ám hại hoàng thân quốc thích v.v… (chẳng hạn như bức tử Huệ Vũ vương). Những hành vi ám muội này trước đây đã được trình bày giản lược trong nhiều bộ chính sử. Nay Ngô Viết Trọng triển khai ra thêm không phải nhằm mục đích bôi bác Trần Khắc Chung mà thật ra chỉ nhằm giúp độc giả nhìn thấy nhân vật này dưới nhiều góc cạnh khác nhau thôi.
Để xây dựng tác phẩm cho chặt chẽ vững chắc hơn, họ Ngô không dừng lại nơi đó. Qua lối trình bày sự việc diễn ra, ông đã gián tiếp tán thành hay phi bác quan điểm của nhiều sử gia. Khi cần thì ông mặc thị đề xướng giả thuyết để giải thích những điểm mơ hồ trong lịch sử chưa được làm sáng tỏ. Xin viện dẫn ra đây vài trường hợp điển hình.
Trước kia chuyện tình Khắc Chung - Huyền Trân được truyền tụng trong dân gian và ghi chép trong sử sách như là một sự kiện đích thực. Ngày nay nhiều sử gia bác bỏ quan điểm này và xem đó chẳng qua là một giai thoại không căn cứ vững chắc. Ngô quân thiên về các sử gia hiện đại nói trên nhưng ông nỗ lực dung hòa hai phía. Ông trình bày như thể Khắc Chung và Huyền Trân được kết nối nhau bằng một thứ tình cảm nhẹ nhàng, kín đáo, không vượt quá xa ra ngoài vòng nghi lễ triều đình.
Nhiều sử gia không tin Huyền Trân bị bắt buộc phải lên dàn hỏa để chết theo chồng, Ngô Viết Trọng tán thành quan điểm đó. Nhưng nếu đúng như thế thì tại sao sử sách lại viết rằng vua e Huyền Trân công chúa bị thiêu đốt nên sai Trần Khắc Chung đi giải cứu? Tại sao giải cứu xong lại đi loanh quanh lâu ngày mới về tới kinh đô? Ngô Viết Trọng đã giải đáp các vấn nạn này một cách rất hợp lý. Ông đã làm được điều mà các sử gia chưa làm được. Đọc kỹ tiểu thuyết lịch sử Trần Khắc Chung mới thấy Ngô Viết Trọng đã phải suy nghĩ nhiều trong nỗ lực dung hòa và phối hợp các quan điểm mâu thuẫn giữa các sử gia.
Nhận xét cuối cùng của tôi về tiểu thuyết lịch sử Trần Khắc Chung mang nặng chất chủ quan. Những gì trân quí nhất mà tác phẩm này mang tới cho tôi chưa chắc đã tạo được đôi chút hứng thú và quan tâm nơi người độc giả khác. Những hoàn cảnh éo le, những diễn biến gay cấn gây hồi hộp trong tác phẩm này dần dà cũng phai mờ đi nơi ký ức của tôi. Nhưng những suy nghĩ miên man về lịch sử mà nó gợi lên trong lòng tôi vẫn còn tồn tại vương vấn lâu dài. Người như Trần Khắc Chung, thông minh, sắc sảo, lỗi lạc, gian xảo, hiểm độc, thế mà kết cục cũng đành thúc thủ trước những may rủi của cuộc đời. Ông ta gây ra cho người khác biết bao điều oan ức để rồi chính ông ta lại cũng phải mang tai mang tiếng oan uổng. Giờ đây nhiều sử gia giải oan cho ông vài tội và kết thêm cho ông vài tội khác. Nhưng những lời minh oan và kết tội này có giá trị đến bao giờ? Liệu mai kia mốt nọ chúng có bị đảo ngược không khi nhiều tài liệu cũ được khám phá ra? Trường hợp Trần Khắc Chung cũng là trường hợp của nhiều nhân vật lịch sử khác bị mang tiếng oan uổng suốt nhiều thế hệ, hoặc được suy tôn thành thần tượng trong khoảng thời gian hết sức lâu dài mặc dù không xứng đáng với vinh dự này. Tác phẩm Trần Khắc Chung gợi cho tôi nhớ tới những nạn nhân lịch sử và thần tượng lịch sử. Bởi lẽ ấy, tôi dành cho nó một vị trí đặc biệt trong lòng tôi.
Tống Diên
Danh Sách Chương:
Bạn đang đọc truyện trên website TruyenConvert.NET
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK