Thượng Tứ qua tới Ông Văn thì vợ đã sanh rồi, sanh được một đứa con trai rất ngộ nghĩnh. Cậu chạy vô phòng mà thăm vợ rờ con; cậu hỏi thăm lăng xăng, coi bộ cậu thiệt là vui, mà mợ trả lời dịu ngọt, trong ý mợ cũng không hờn giận.
Con gái lớn của ông Hội đồng là cô Hai Khỏe, vợ của Thôn Châu, đã có sanh hai lần rồi, nhưng mà cả hai đứa đều là con gái. Nay cô Ba Mạnh sanh con trai thì hai vợ chồng ông Hội đồng mừng rỡ, đến nỗi ông quên cái lỗi cũ của rể nhỏ, ông không vị chút tình rể lớn, ông đứng nhìn cháu ngoại trai mà nói rằng:
“Con Khỏe không nên thân, nó đẻ thứ con gái hoài. Coi con Mạnh nó giỏi hôn ? Nó mới đẻ một lần, mà được con trai liền. Thằng nhỏ nầy tao coi tướng nó được lắm. Để tao nuôi nó lớn rồi lập tự cho nó”.
Thượng Tứ đã có ý tính đợi vợ sinh sản cứng cát rồi cậu sẽ nói với cha mẹ vợ một lần nữa mà rước vợ về. Nay cậu nghe cha vợ tính bắt luôn con của cậu nữa thì cậu ngẩn ngơ, tuy cậu không dám cãi, song cậu phiền trong lòng.
Còn cô Hai Khỏe thấy cha trọng con của em hơn là con của mình thì cô cũng hờn, nên cô day mặt chỗ khác mà nói rằng: “Con nít mới đẻ, biết nó làm sao mà thầy dám nói nó được. Được giống gì?”.
Ông Hội đồng cười gằn mà đáp rằng: “Mầy giỏi đâu mầy sanh một đứa con trai như con Mạnh cho tao coi thử coi”.
Cô Hai Khỏe liền xây lưng bỏ đi ra, cô không thèm nói chi nữa hết. Đến khuya, hai vợ chồng cô lên xe mà về Bình Cách.
Qua ngày sau có hai vợ chồng thầy Ban biện Chí qua thăm. Thượng Tứ đặt tên con là Trần Thượng Thọ, mời Chánh lục bộ lại lập khai sanh, vợ chồng coi rất thuận hòa, mà cha con coi cũng hiệp ý. Cậu ở luôn ba bữa, rồi nói với vợ rằng cậu bỏ nhà lâu quá không tiện, nên cậu tính về rồi mỗi bữa cậu chạy qua thăm. Cô Ba Mạnh là người kỹ lưỡng về việc nhà, cô nghe chồng nói như vậy thì cho là nói phải, nên cô cũng khuyên chồng về mà xem xét việc nhà.
Thượng Tứ sửa soạn về thì có chị là cô Ba Ngọc qua thăm. Cậu phải ở nán lại hơn một giờ đồng hồ cho chị thăm chơi rồi cậu mời chị lên xe hơi về với cậu. Xe qua tới Chợ Gạo, cô Ba Ngọc không cho đưa về nhà, cô biểu chạy luôn lên Mỹ Hội đặng cô thăm thầy Ban biện.
Về tới thầy Ban biện thì đồng hồ vừa đúng 3 giờ chiều. Thượng Tứ cũng ghé lại đó mà chơi với chị một lát.
Thầy Ban biện thấy có đủ hai em thì thầy mừng, nên hai em vừa mới ngồi thì thầy nói rằng: “Hổm nay qua có ý trông thằng Tư về đặng qua nói chuyện. Bữa nay nó về mà lại có con Ba nữa, thiệt là may quá”.
Cô Ba Ngọc nghe nói có chuyện thì cô muốn biết cho mau, nên hỏi rằng:
- Anh muốn nói chuyện gì đó ?
- Chuyện của thằng Tư đây.
- Chuyện thằng Tư là chuyện gì chớ ?
- Thủng thẳng vậy mà. Hôm trước con Tư chuyển bụng. Bác Hội đồng biết xử phải, nên bác sai anh em bạn rể nó, là Thôn Châu, chạy qua kêu nó. Thôn Châu qua ghé đây trước. Qua nghe tin lật đật dắt Thôn Châu lên trển đặng hối nó đi cho mau. Con Ba, em biết qua với Thôn Châu đến đó thấy giống gì hay không ? Bước vô nhà thì thấy thằng Tư đương đãi tiệc, nó ngồi giữa, hai bên kềm hai cô nho nhỏ, mặt dồi phấn, môi thoa son, còn phía bên kia thì hai vợ chồng thầy thông Hàng, mấy cô ăn uống giởn trững om sòm. Chớ chi qua gặp một mình qua thì không hại gì, ngặt có Thôn Châu sờ sờ đó nên qua sượng trân, không biết nói sao được hết.
Cô Ba Ngọc nghe rõ chuyện rồi thì cô ngó Thượng Tứ mà nói rằng: “Trời ơi, em chơi như vậy em không sợ mang tiếng hay sao, Tư ? Em có vợ chớ phải tay không chưn rồi hay sao mà em làm lộng như vậy ? Chú Thôn Châu chú gặp đây đố khỏi chú học đi học lại thấu tai con Tư rồi sanh rầy cho mà coi. Qua nhớ hôm trước em thuật chuyện thầy thông Hàng làm mai làm mối cho em thì qua đã có nói thẩy là người không tốt, sao em còn gần thẩy làm chi nữa ? Qua dám chắc, em nghe lời vợ chồng thẩy, em chơi bời như vậy đó thì gia đạo em phải hư hết”.
Lúc thầy Ban biện thuật chuyện thì Thượng Tứ ngồi cười, mà đến chừng cô Ba Ngọc khuyên dứt, thì cậu cũng không cãi. Cậu đợi anh chị nói hết rồi cậu mới trả lời rằng: “Phải, chuyện anh Hai thuật đó thiệt có y như vậy chớ anh Hai không có thêm bớt chút nào hết. Mà chị Ba nghe rồi chị Ba rầy em, thì cũng đáng lắm. Nhưng mà em xin tỏ cho anh chị biết rằng cái việc đó bề ngoài coi thì em quấy lắm, song bề trong xét lại em không có lỗi gì. Khi má mất rồi, em nhờ chị Ba vạch giùm con mắt cho em, nên em thấy tánh tình của vợ chồng thầy thông Hàng. Mấy tháng nay em sợ thẩy lắm, em tránh xa, em không dám tới nhà thẩy. Hôm tháng hai, thẩy có xuống nhà thăm em một lần. Em nhơn dịp lên chợ mà trả bạc cho Chà và, em đưa thẩy về. Thẩy mời quá, nên em ghé nhà thẩy. Em ghé lần đó là lần chót. Vợ chồng thẩy cho một cô ra bẹo em, tưởng em như hồi trước, tè ra em hiểu ý rồi, em không thèm ngó ngàng tới, coi bộ vợ chồng thẩy mắc cở. Xưa rày em tưởng thẩy bỏ em rồi, nào dè thẩy còn muốn cạo đầu em nữa, thẩy chưa chịu thôi, nên hôm đó vợ chồng thẩy làm bộ mướn xe hơi đi hứng gió chiều, lại có dắt theo hai cô nữa. Thẩy thấy em đứng ngoài cửa ngõ, thẩy ngừng xe lại, mà em chắc dầu không có em đứng đó thẩy cũng ghé. Thẩy mừng rỡ, tỏ ý muốn vô nhà thăm em. Mình là người biết điều, lẽ nào mình cản không cho người ta vô nhà. Em mời vợ chồng thẩy vô, tự nhiên hai cô kia phải vô theo. Vô nhà rồi, họ mưu sự túc gáy đòi ăn cơm. Anh chị nghĩ lại mà coi, khách người ta đòi như vậy, lẽ nào mình là chủ nhà, mình nói hết gạo hay sao? Em phải ép bụng biểu làm vịt làm gà dọn mà đãi họ một bữa.
Chuyện thiệt như vậy đó chớ có gì đâu. Phải, người ngoài dòm vô thì cũng tưởng em dắt mèo chuột về nhà ăn uống vui chơi, mà kỳ thiệt thì không phải như vậy. Em không để ý đến mấy cô đó một chút nào hết. Mấy cổ pha lửng, thì em cũng phải pha lửng lại, đặng mấy cổ khỏi khi em là đứa ngu vậy thôi. Em hiểu tư cách, thái độ của mấy cô đó hết. Hạng người như vậy em biết chán rồi, em gần làm chi. Huống chi lửa ái tình của em đã tắt rồi, có phải mấy cô như vậy đó mà nhúm lại được hay sao, nên chị sợ em mê sa mà hư gia đạo”.
Cô Ba Ngọc là một người đàn bà được hưởng thú đầm ấm trong đạo cang thường, còn Ban biện là một đàn ông chơn chất, từ nhỏ chí lớn thầy chưa lội vào biển tình lần nào, hai người không rõ tâm sự của em, thấy em đã có vợ rồi mà còn gần gũi với đàn bà khác thì đề quyết là em lỗi niềm phu phụ, bởi vậy em nói giọng nghe rất thành thiệt, nhưng mà hai người không tin một chút nào hết. Cô Ba Ngọc đợi Thượng Tứ nói dứt lời rồi cô cười mà đáp rằng:
- Em nói nghe thiệt xuôi rót. Ai đời đàn ông con trai chơi bời với đàn bà con gái mà nói rằng không có ý gì chớ. Nói như vậy ai mà tin cho được.
- Em cũng biết khó cho chị tin lắm, mà dầu vợ em hay là người nào khác họ nghe em nói họ cũng không tin được. Họ không tin là vì họ không biết chuyện em, họ không thấu lòng em. Em nói thiệt với chị, thuở nay có hai cô gây mối ái tình cho em mà thôi, mà ái tình ấy bây giờ hết hy vọng, vì hai cô đã có chồng rồi hết, lại một cô là vợ của một người bạn thiết của em. Tại như vậy nên hồi nãy em nói lửa ái tình của em đã tắt rồi, em coi đàn bà con gái khác không có nghĩa gì hết.
- Em nói kỳ quá! Vậy chớ vợ em đó, em không có tình gì với nó hay sao?
- Thiệt không có tình gì hết, có cái nghĩa vợ chồng mà thôi. Cái nghĩa ấy gây ra là bởi cha mẹ cầm trầu cau cưới nó cho em, nó kêu má em bằng má, nó chịu tang chế cho má em, nó đẻ con cho em. Nhờ mấy điều ấy nên gây được chút đỉnh nghĩa đó, chớ nếu không có như vậy thì em không biết vợ chồng em ra làm sao.
- Em nói khó nghe lắm. Vợ chồng sao lại không có tình.
- Em không hiểu vợ chồng người ta có tình với nhau hay không, chớ vợ chồng em khó nói có tình được lắm.
- Em đừng có nói như vậy. Em có vợ như con Tư đáng gọi là có phước đa em. Tuy nó còn nhỏ mà việc nhà giỏi giắn, ăn nói nhỏ nhoi, tánh nết hiền lành, cử chỉ đằm thắm, vợ như vậy chớ đợi sao nữa em mới thương nó. Vợ chồng ở với nhau có con rồi, em đừng có xao lãng không nên.
- Không. Em có xao lãng chi đâu. Tại chị nói, nên em cắt nghĩa cho chị nghe mà thôi chớ. Tuy em nói vợ chồng em không có tình với nhau, song em có tính việc phân rẽ bao giờ đâu mà chị sợ. Mấy tháng nay chị không thấy em hay sao ? Vợ chồng em mà ở mỗi đứa một nơi là tại ai, chớ nào có phải tại em. Anh Hai có thấy tận mặt, em năn nỉ hết sức, mà ông gia em ổng không động lòng, còn vợ em nó cũng không dám trái ý cha mẹ, tại như vậy nên vợ chồng lôi thôi, chớ có phải em bỏ vợ em đâu.
Thầy Ban biện thấy cậu chỉ thầy mà phán chứng nên thầy nói rằng: “Thiệt, bác Hội đồng làm cha mẹ, bác có gắt gao một chút. Bác không biết xét cho con rể. Thằng Tư nhà cửa ruộng đất chàm nhàm mà bác cứ buộc nó phải về bển mà ở. Về làm sao được ? Bác cố chấp quá như vậy tự nhiên vợ chồng nó phải xa nhau. Thiệt, việc vợ chồng thằng Tư mà ngày sau có lôi thôi là tại bác Hội đồng, chớ không phải tại nó”.
Thượng Tứ thỏ dài mà nói rằng: “Cũng tại con vợ của em nữa. Nếu nó biết nghĩ đến phận em, nó về bên nây mà giúp đỡ việc nhà cho em, thì ai cản nó được. Mà thôi, tại hồi đi nói vợ má em giao kết lỡ rồi, bây giờ em không phép trách ai hết”.
Anh em nói chuyện với nhau cho đến chiều mà thầy Ban biện với cô Ba Ngọc cũng không hiểu tại sao Thượng Tứ nói vợ chồng không có tình với nhau, còn Thượng Tứ cũng không biết nói thế nào cho anh chị hiểu được. Thượng Tứ ăn cơm chiều rồi mới về trên nhà, còn cô Ba Ngọc thì ở lại đó mà ngủ đặng sáng cô đi lên Mỹ Tho mua đồ rồi cô sẽ về Chợ Gạo.
Từ ấy về sau, mỗi bữa Thượng Tứ đều có chạy xe qua thăm vợ con, khi ở giây lát, khi ở chơi đến tối mới về. Cậu qua như vậy cho đến ăn đầy tháng cho con rồi cậu mới huỡn huỡn năm ba bữa qua thăm một lần. Cậu tính thầm trong trí để đợi 3 tháng cho vợ con thiệt cứng cát rồi cậu sẽ xin rước hết vợ con về Mỹ Hội.
Thượng Tứ tính đợi tới 3 tháng lâu quá, bởi vì có người khác tính làm cho vợ cậu phải về nhà cậu mau hơn kìa.
Số là hôm bữa cô Ba Mạnh đẻ, ông Hội đồng mừng rỡ, ông hủy bạc cô Hai Khỏe, rồi ông tỏ ý muốn nuôi thằng nhỏ đặng ngày sau ông lập tự cho nó. Cô Hai Khỏe lộ sắc bất bình liền hồi đó, mà chừng lên xe đi về Bình Cách, cô cằn nhằn với chồng rằng: “Tôi không dè con Mạnh khốn nạn như vậy. Nó ở trong nhà một mình, nó theo òn ỷ làm cho thầy má yêu nó đặng đoạt hết gia tài mà ăn một mình. Mình thấy chưa ? Chưa gì mà thầy đã tính nuôi con của nó đặng ngày sau lập tự. Vì thầy cưng nó nên coi bộ thầy thương con của nó hơn là con của mình”.
Thôn Châu đáp rằng:
- Dì Ba là con út, tự nhiên thầy má cưng chớ sao. Vậy chớ mình không nghe người ta nói giàu út ăn, khó út chịu hay sao ?
- Con nào cũng con, chớ sao đứa thì thương, còn đứa thì ghét.
- Mình không hiểu. Tại dì Ba có chồng, mà chồng thì không thương dỉ cho lắm, nên thầy má phải thương bù, biết hôn ?
- À! Nói tới chuyện đó nghe còn khốn nạn hơn nữa. Mấy năm trước nó ao ước lắm, ham lấy chồng học trò nhà trường, bận đồ Tây coi gọn gàng, nói tiếng Tây nghe lốp bốp, nó chê làng xã là quê mùa. Nó gặp ông học trò đánh chưởi nó như vậy đó cho sáng con mắt nó ra. Đáng kiếp lắm!
- Dượng Ba học hành tài năng tới bực nào tôi không biết, mà tôi thấy cách dưởng chơi bời tôi chạy ngay.
- Chơi bời xài phá dữ lắm mà. Con Mạnh cầm chìa khóa, tiền bạc thiếu gì. Dại gì mà không xài.
- Dưởng chơi thả cửa không sợ mang tiếng mang tăm gì hết. Mình biết hôm tôi qua kêu dưởng tôi gặp việc gì hôn ?
- Gặp giống gì ?
- Gặp dưởng đương vui chơi với mèo[1]. Dưởng rước ba bốn con về nhà, con nào con nấy bóng ngời. Tôi bước vô thì thấy dưởng đương ăn uống say sưa ngả ngớn với mấy con đó, coi thiệt ghê quá !
- Đồ như vậy đó mà thầy thương nó lắm, mới đẻ con đỏ lói mà thầy khen tướng tốt, thầy tính nuôi đặng nữa lập tự cho nó cúng quảy nối giòng. Hứ ! Nghĩ mà tức cười.
- Mình nói chi cho sanh rầy. Thầy làm sao thầy làm. Tại phần số mình không có con trai thì mình phải chịu ẹp, chớ nói giống gì được.
- Con trai làm chi, mà con gái lại sao ? Con trai của con Mạnh đó ngày sau nó cũng như thằng cha nó, xài tiền phá của chớ nên thân gì. Không được. Tôi phải làm sao, chớ tôi không chịu để gia tài của cha mẹ tôi cho quân đó ăn hết đâu.
Thôn Châu nghe vợ nói mấy lời châm hẩm như vậy thì thỏa ý nên tuy không dám xúi vợ, song cũng không chịu can. Thái độ của chú Thôn nầy là thái độ của thiên hạ xưa nay, trọng lợi hơn nghĩa, coi tiền tài hơn danh dự, có chi trái đời đâu mà sợ người ta dị nghị.
Cô Hai Khỏe về nhà lo liệu hoài, không biết làm thế nào mà đuổi mẹ con cô Ba Mạnh ra cho xa cái tủ sắt của cha mẹ. Cô muốn trở qua làm rầy, lại sợ nỗi cha mẹ binh con út mà ghét thêm con lớn nữa. Cô tính không ra kế, nên buồn hiu ăn ngủ không được.
Thôn Châu là người quỉ quyệt; anh ta nghĩ hái trái cấy phải đợi chín muồi rồi mới nên hái, bởi vậy anh ta để cho vợ buồn rầu mấy bữa, chừng coi hiệp thời rồi anh ta mới cười mà nói rằng: “Chuyện nhỏ mọn quá mà buồn giống gì. Tưởng là làm việc chi kìa, chớ nếu muốn cho dì Ba nó không ở trong nhà thầy má nữa thì có khó gì lắm. Mình đem chuyện dượng Ba dắt mèo chó về nhà, y như lời tôi nói với mình hôm trước đó, mình thuật lại chi dì Ba nghe; dỉ nổi ghen lên, bồng con đi về bên Mỹ Hội mà ở liền chớ gì”.
Cô Hai đắc kế rồi, cô hết buồn rầu nữa; cô tính đợi vài tháng cho cô Ba Mạnh cứng cát rồi cô sẽ qua châm chích y như chước của chồng cô bày.
Cô Ba Mạnh đẻ đã được hai tháng rưỡi rồi. Thượng Tứ qua thăm, bồng con, nựng nịu, cậu mới về Mỹ Hội hồi trưa, thì chiều lại có cô Hao Khỏe ở Bình Cách qua liền.
Cô Hai Khỏe bước bước vô nhà chào hỏi cha mẹ rồi cô đi thẳng vô buồng mà kiếm mẹ con cô Ba Mạnh. Lúc ấy cô Ba Mạnh đương bồng con cho bú. Cô thấy chị về thì cô mừng rỡ hỏi thăm lăng xăng. Cô Hai Khỏe xớt bồng thằng nhỏ mà hun và nói rằng: “Mẹ kiếp nó, hổm nay lâu về, nay thấy nó trọng cảy[2]. Cha nó có qua hôn ?”
Cô Ba Mạnh đáp rằng:
- Qua hoài. Bữa nay cũng có qua, mới về hồi trưa đây.
- Em tính bữa nào em về bển ?
- Cha nó tính đợi đầy 3 tháng rồi sẽ rước.
- Ờ, về bển mà ở chớ. Vợ chồng có con rồi, ở một người một nơi sao được.
- Chắc thầy má cho về ở chơi ít bữa, chớ đương[3] cho ở luôn bển đa.
- Cho hay là không lại hại gì. Em ở luôn bển rồi thầy má giết em hay sao ?
- Dễ được đâu! Hồi trước kia còn không cho thay, bây giờ có thằng nhỏ nầy, thầy cưng như trứng mỏng, cầu về chơi vài bữa mà sợ thầy không cho đi, lựa là tới ở luôn bển.
Cô Hai Khỏe nghe nói như vậy thì cô không vui. Cô trả thằng nhỏ cho cô Ba Mạnh, cô móc túi lấy gói trầu ra mà ăn và nói rằng: “Thầy má làm như vậy sao phải. Ai có con lại không thương, nhưng mà thương rồi làm cho con phân rẽ vợ chồng hay sao. Không có được. Đã biết làm con thì phải nghe lời cha mẹ, mà nghe lời theo chuyện chớ nếu em nghe như vầy thì hại cho em lắm đa, nói cho em biết. Qua đã thấy mòi rồi, nên qua mới nói giùm cho em đó”.
Cô Ba Mạnh châu mày hỏi rằng: “Sao mà hại ? Chị thấy mòi gì ở đâu ?”. Cô và hỏi và ngó chị trân trân. Cô Hai Khỏe ngồi nhai trầu nhóc nhách, cô ngó sững ra ngoài cửa sổ, rồi cô thở ra mà đáp rằng:
- Nói ra thì em buồn, chớ nói mà ích gì.
- Chị có việc gì cứ nói thiệt cho em nghe mà. Có chi đâu mà buồn.
- Vì tình chị em, nên chị nói riêng cho em biết. Em ở bên nầy hoài, em để thẳng ở bển có một mình, chị sợ nó hư. Nó chơi bời tự do quá.
- Phải, ở nhà em hồi trước chơi bời lắm. Từ ngày má em ở bển mất thì thề thốt hứa chắc không chơi bời nữa, để lo làm ăn.
- Thề mớ mốc xì ! Đàn ông con trai họ thề mà nghĩa gì ! Em tin lời thề đó, em mất chồng đa, nói cho em biết.
- Từ hôm em đẻ đến nay qua bên nây ngày một, em coi không có ý gì mà.
- Nó làm bộ, em tin mà lầm ! Em biết bữa em chuyển bụng, anh Hai em qua kêu nó, anh Hai em gặp giống gì hay không ? Quá lắm, nó đương ăn uống vui chơi với ba bốn con mèo, con nào con nấy cũng lịch sự hết thảy. Qua hỏi lại thì xưa rày nó chơi thả cửa mà, mèo chó dập dều, ăn dần nằm dề trong nhà, bây giờ bác gái mất rồi, nó còn kiếng nể ai nữa. Nó lấy đứa nào nó cũng sắm đồ năm bảy trăm, mà năm ba đứa như vậy, chớ phải một đứa hay sao. Em ở riết bên nây chừng một năm nữa chắc thẳng nó bán ruộng đất hết. Vây em phải liệu coi, chớ nếu em nghe lời thầy má em ở hoài bên nây thì hại cho em lắm. Qua lại nghe nói trong đám mèo chó tới lui đó, nó yêu có một con hơn hết. Con ấy ở Mỹ Tho. Nó đương tính làm hôn thú bực nhì đặng đem con đó về ở trong nhà. Ta nói thứ đàn ông hễ họ xa vợ thì họ như vậy đó, bởi vậy lần nào qua về thăm nhà, qua có chịu ở lâu đâu.
Cô Ba ngồi nghe chị nói, mặt cô buồn hiu, song gượng cười mà đáp rằng:
- Ối ! Làm giống gì có sức thì làm. Tôi lo nuôi con tôi mà thôi; tôi không cần.
- Con nầy điên sao chớ ! Giống gì mà không cần ? Có chồng mà nói chuyện gì nghe lôi thôi vậy ?
- Vậy chớ họ không cần mình, dại gì mà cần họ.
- Có cái gì đâu nên phải cần hay là không cần. Đời nầy thiên ha yêu quỉ lắm. Mình có chồng thì phải giữ chồng, chớ hễ để hở thì họ giựt. Bây giờ em có con rồi, em phải lo gia đạo em chớ, để cho thẳng có vợ bé vợ mọn ngộ lắm hay sao ?
- Em cầu cho họ có vợ bé kia. Có như vậy em khỏi tính việc về bển nữa.
- Em nói nghe kỳ quá. Thẳng có ruộng đất nhiều, có nhà cửa tử tế, chớ phải nghèo hèn gì hay sao. Em làm chủ cái sự nghiệp như vậy thì sung sướng quá, dại gì đi giận lẩy mà để cho thứ đồ tầm bậy nó hưởng.
- Chị tưởng em màng ruộng đất nhà cửa đó lắm hay sao ? Con người ta ở đời phải cùng không chớ thứ đồ đó mà quí gì. Em không có ham đâu.
- Phải, em ỷ cha mẹ giàu, bề nào em cũng có thiếu gì tiền bạc mà lo, chị hiểu mà.
- Chị đừng có nói như vậy. Không phải tại như vậy đâu.
- Vậy chớ tại giống gì mà em cứ đeo ở nhà hoài, em không chịu về bên chồng ?
- Từ hồi trước tới bây giờ, thầy má không cho em về bển. Mà từ nầy về sau dầu thầy má đuổi về bển, em cũng không chịu đi nữa.
Cô Hai Khỏe đứng dậy bỏ đi ra, cô và đi và nói rằng: “Thôi, ở đây đặng mà ăn cho nhiều”.
Cô thấy chước của chồng bày đã không thắng mà lại làm cho cô Ba Mạnh giận, không thèm về nhà chồng nữa, thì cô bối rối không biết liệu lẽ nào. Cô buồn xo, đến chiều ăn cơm cô ăn cũng không được. Tuy vậy mà tánh tình ghen gổ của cô nó làm cho cô bứt rứt, không thế bỏ qua chuyện nầy được, nên tối lại cô thỏ thẻ nói với ông Hội đồng, cô đem sự Thượng Tứ dắt mèo chó về nhà, và tính cưới vợ bé mà thuật lại cho cha nghe. Cô thêu dệt nhiều chuyện, tính làm cho cha sợ con rể rã rời, nên lúc tóm lại cô nói rằng: “Thầy phải biểu con Mạnh về bển nó ở, chớ nếu cầm nó ở bên nây hoài, đố khỏi vợ chồng nó xa nhau”. Chẳng dè ông Hội đồng cũng như cô Ba Mạnh, ông nghe nói Thượng Tứ chơi bời thì ông nổi giận trợn mắt nói rằng: “Tao đã nhứt định không cho con Mạng về ở bển. Tưởng là thằng chồng nó tử tế thì tao còn cho qua lại, nếu nó sanh sự thì tao bặt luôn, có cần gì. Nó muốn cưới vợ khác thì cưới. Con tao thì tao bắt lại. Cháu tao thì tao nuôi. Ai làm sao được. Nó có giỏi thì lên Tòa mà kiện. Tao đi hầu, tao sẽ kể chuyện của nó cho quan Tòa biết”.
Cô Hai Khỏe nghe vậy thì cô càng thêm giận, song cô không biết nói sao được, nên sáng bữa sau cô bỏ đi về Bình Cách.
Từ ấy về sau, Thượng Tứ qua, cô Ba Mạnh đã không vui như trước nữa, mà cô lại có ý lánh mặt, giận không chịu nói chuyện với chồng. Thượng Tứ dòm thấy cử chỉ của vợ như vậy thì cậu lấy làm kỳ, song cậu không nói ra, đợi đủ ba tháng cậu sẽ xin rước về bển coi vợ nói thế nào.
Cô Ba Mạnh đẻ đã giáp ba tháng rồi, cô thì mạnh mẽ, còn con của cô thì cứng cỏi lắm. Một buổi sớm mới, cửa ngõ vừa mới mở, gà trong chuồng vừa mới thả ra thì thấy xe hơi của Thượng Tứ qua. Thượng Tứ bước vô, thấy cha mẹ vợ đương ngồi trên ván mà uống nước trà, còn vợ thì đương ngồi một bên, con nằm lòi chòi gần đó. Cậu bước lại nắm cườm chưn của con mà nựng; vợ liền bỏ đi xuống nhà dưới, coi bộ như không vui mà thấy chồng đụng đến con mình.
Thượng Tứ lấy làm buồn nhưng cậu mỉm cười rồi bước lại đứng trước mặt cha mẹ vợ mà thưa rằng: “Thưa thầy má, vợ con nay đã cứng cát rồi. Vậy con xin thầy má cho phép con rước về bển mà ở đặng phụ coi trong coi ngoài với con, chớ con ở một mình khó quá”.
Ông Hội đồng châu mày đáp rằng:
- Mầy mà cần gì vợ con. Rước vợ đặng mầy đánh chưởi nó chớ rước làm giống gì.
- Thưa thầy, con đâu có dám vậy nữa.
- Mầy mà không dám !
- Thưa thầy, hồi trước con khờ dại nên con không biết trọng vợ, mà lại làm lỗi với thầy má nữa. Từ ngày má con mất rồi thì con ăn năn lắm. Con lo làm ăn, lo sửa tánh nết, không dám chơi bời nghinh ngang như hồi trước nữa. Vợ con nó cũng biết chuyện ấy chớ chẳng không.
- Trời ơi ! Mầy mà lo làm ăn ? Mầy mà không chơi bời nữa ? Mầy khinh khi tao quá, nên mầy mới nói như vậy. Phải, mầy không đi chơi nữa. Nhà cửa có sẵn, bây giờ mầy làm chủ, đi đâu làm chi cho mất công, rước mèo về nhà chơi không tiện hơn hay sao ?
- Thưa thầy, con đâu có làm như vậy.
- Cũng còn chối ! Vậy chớ bữa vợ mầy chuyển bụng, tại sao anh Hai mầy qua kêu mầy, không phải nó gặp mầy ăn uống vui chơi với ba bốn con mèo trong nhà hay sao ?
- Thưa thầy, chuyện con ăn uống thì có. Nhưng mà mấy người ấy là khách quen đến thăm con, chớ có phải mèo chó gì đâu.
- Ờ, khách quen ! Thôi, nói bấy nhiêu đó đủ hiểu rồi. Còn mầy cưới vợ bé rồi, mầy còn rước con tao chi nữa ?
- Thưa thầy, con có vợ bé hồi nào đâu ?
- Ờ, cũng chối há ! Tao nói cho mầy biết, tao không muốn mầy bước chưn tới nhà nầy nữa. Đừng có mong rước vợ con mất công. Tao không cho đâu. Mầy có giận tao, mầy kiện tới đâu mầy kiện đi. Tao sẵn lòng đi hầu.
Thượng Tứ chưng hửng, đứng ngó cha vợ trân trân, không nói được một tiếng chi nữa hết. Thằng nhỏ nằm chòi rồi khóc hóe lên. Cô Ba Mạnh ở phía nhà sau chạy lên bồng con. Thượng Tứ thấy vợ thì day qua hỏi rằng: “Bữa nay tôi qua thưa với thầy má mà rước mình. Thầy đã không cho rước, mà lại cấm không cho tôi tới nhà nầy nữa. Trước khi tôi về, tôi muốn biết coi bụng mình ra thể nào. Vậy mình muốn về bển mà ở hay không, xin mình nói một tiếng trước mặt thầy má đây cho tôi biết, đặng cho tôi về”.
Cô Ba Mạnh bồng con, day mặt vô cây cột và khóc và nói rằng: “Tôi với mình không thế ở đời với nhau được. Thôi, mình có tính cưới vợ khác thì cưới đi đặng vui chơi cho sung sướng. Không còn vợ chồng gì nữa đâu mà lui tới”. Cô nói dứt lời liền bồng con đi vô buồng, nước mắt nước mũi chàm ngoàm. Thượng Tứ đứng ngó theo, cậu cũng ứa nước mắt.
Theo hồi trước thì chắc Thượng Tứ không thế không nói mích lòng cha mẹ vợ được. Bây giờ cậu đã thấy việc đời chút đỉnh, cậu đã sửa tánh được bộn rồi, bởi vậy cha vợ nói như vậy, rồi vợ lại nói như vậy nữa, mà cậu không nổi nóng, cậu lấy khăn lau nước mắt và chẫm rãi nói với ông Hội đồng rằng: “Bây giờ con mới thấy rõ vợ chồng cưới nhau vì tiền bạc ruộng đất, vì đương môn đối hộ, chớ không vì nghĩa tình, thì không có tình nghĩa mà ở đời với nhau được. Nhưng mà theo phận của con đây, con lại còn thấy vợ chồng con xa nhau cũng có tại cha mẹ hết một phần trong đó nữa. Con nói như vậy, không phải là con dám trách cha mẹ. Có lẽ tại trời khiến như vậy cũng không biết chừng. Thôi, số con làm rể của thầy má được có một năm mà thôi, thì con cũng cam lòng, chớ con không dám phiền trách chi hết. Vậy con xin gởi vợ con của con cho thầy má nuôi giùm. Chúc thầy má bên nây mạnh giỏi”.
Thượng Tứ nói dứt lời rồi xá cha mẹ vợ mà bước ra.
Bà Hội đồng lấy khăn lau nước mắt, chừng bà nghe tiếng xe chạy ra cửa ngõ, bà mới nói rằng: “Ông nó nóng quá ! Việc con rể để thủng thẳng ta coi đi coi lại. Mới nghe con Khỏe nói đó, thì ông bứt liền. Ông làm như vậy, tôi sợ ngày sau ông ăn năn chớ. Tôi coi ý con Khỏe nó ganh, nó không muốn cho con Mạnh ở trong nhà nầy, nó sợ con Mạnh chuyên hết của đi, nhứt là từ hôm ông nói để ông nuôi thằng nhỏ của con Mạnh đặng ngày sau ông lập tự, thì con Khỏe nó ghét lắm. Không biết chừng nó bày chuyện đặng vợ chồng con Mạnh xào xáo chơi. Sao ông vội tin lắm vậy ? Vợ chồng nó có con rồi, ông dễ rứt ra được hay sao ? Ông làm lếu quá”.
Ông Hội đồng ngồi gãi đầu ngó ra ngoài sân, ông không nói chi hết, mặt ông có sắc lo.
__
Chú thích:
1. Bạn gái, bồ, nhân tình
2. To lớn
3. Không bao giờ
Danh Sách Chương:
Bạn đang đọc truyện trên website TruyenConvert.NET
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK