Dạo này tôi cảm thấy tôi không được bình thường rồi, chắc hôm nào chạy về cho ông Dinh khám xem tôi bị bệnh gì. Vì cứ mỗi lần nhìn thấy cậu hai Khôi là tôi lại tim đập chân run, cảm giác thiệt khó chịu lắm. Nằm lăn qua lăn lại cũng không ngủ được, tôi liền ngồi dậy đưa chân xỏ vào đôi guốc gỗ rồi đi ra ngoài. Từng bước, từng bước chân kéo tôi đến chỗ cậu hai đang ngồi, cậu ấy đang mệt mỏi ngồi dựa vào tường. Tôi lưỡng lự không biết có nên đến không, nhưng rồi thì con tim cứ thúc giục kéo bước chân tôi đến đó. Tôi nhẹ nhàng ngồi xuống đối diện cậu hai Khôi, đôi mắt mình chìm đắm trong gương mặt mệt mỏi nhưng vẫn hút người của cậu ấy. Vầng trán rộng, đôi lông mi dài cong vút, cái mũi cao và kèm theo bờ môi hút người. Bất chợt cậu hai Khôi mở mắt, khuôn mặt, ánh mắt lạnh lùng đến đáng sợ. Tôi luống cuống lấp liếm:
— Dạ… dạ… cậu Lân nói em mang chút bánh cho cậu ăn khỏi đói bụng. Chứ đêm khuya thức canh dễ đói lắm.
Cậu ấy nhìn tôi nghi hoặc, nhưng vẫn nhận lấy cái bánh trên tay tôi rồi ăn, tôi nhanh nhẹn lại rót cho cậu ấy chén trà ấm. Ngây ngô hỏi:
— Chắc là cậu buồn lắm phải không cậu? Lúc ông mất, em thấy cậu trầm tư lắm.
Cậu hai Khôi chắc nghĩ tôi cũng như đám người làm trong nhà nên cũng thoải mái nói chuyện:
— Mày không có ba má sao mà hỏi vậy? Cảm giác mất đi người thân là điều gì đó hụt hẫng, đau xót lắm.
Tôi cúi mặt, ánh mắt nhìn xuống đất mới trả lời:
— Em không có ba má, bà Lan – má của cô hai Nhàn lượm được em, rồi nuôi em.
Cậu hai Khôi như cảm thấy có chút áy náy, nhưng cậu ấy vẫn điềm tĩnh trả lời:
— Thì… đợi ông bà đó mất rồi mày biết.
Tôi cũng tranh thủ xin xỏ:
— Mà cậu ơi, cậu có rãnh không cậu, có nhận thêm con ở không cậu? Em xin tình nguyện ở đợ cho cậu cả đời, em chỉ dám xin cơm ăn ba bữa mà thôi.
Cậu hai Khôi nhíu mày nhìn tôi khó hiểu:
— Ủa, cô hai mày không đủ tiền trả cho mày hay sao mà mày xin ở đợ nhà tao?
— Đâu có, em chỉ muốn xin ở đợ cho cậu thôi. Việc gì cậu sai em cũng làm hết, chỉ cần ở gần cậu là được.
Cậu hai nhìn tôi rồi lại ngước cổ lên trời, đưa đôi mắt xa xăm nhìn ra bầu trời đen kịt ngoài kia:
— Đừng mộng tưởng quấn lấy tao. Đời này tao không tin đàn bà nữa, toàn lũ giả dối.
Nghe cậu ấy nói là tôi biết cậu ấy hiểu sai ý tôi rồi. Gì mà quấn lấy cậu ấy chứ, tôi có phải cây tầm gởi đâu. Với lại thân phận tôi thấp kém, lại mồ côi sao dám mơ giấc mộng uyên ương với cậu ấy. Tôi vội giải thích:
— Không phải như cậu nghĩ đâu. Do em có bệnh lạ là….
Tôi chưa kịp dứt lời thì lời bà ba Thơm đã vang lên, cắt ngang câu nói của tôi:
— Mọi người ăn miếng cháo đi. Đêm dài sẽ đói bụng.
Bà ba Thơm liếc thấy tôi ở đó nên đon đả hỏi han:
— Hoa, lại ăn cháo nè.
— Dạ.
Bà ba Thơm múc ra mấy chén, rồi có chị giúp việc bưng đưa cho mọi người phụ bà ấy. Sau đó đích thân mang cho cậu hai Khôi một chén:
— Cậu hai ăn đi, ăn lấy lại sức.
Cậu hai Khôi cũng kiệm lời, không cảm ơn bà ba Thơm lấy một câu. Nhưng có vẻ bà ba Thơm cũng quen với việc này rồi, nên thái độ vẫn bình thường. Sau đó liền nắm tay tôi kéo lại bên kia:
— Qua đây đi, ăn miếng cháo cho ấm bụng.
— Dạ.
Tôi đứng lên rồi đi theo bà ba, nhưng ánh mắt cứ luyến tiếc chỗ cậu ấy. Tôi sẽ kiếm cơ hội giải thích cho cậu ấy hiểu, tôi không muốn cậu ấy nghĩ tôi là kẻ trèo cao.
[…]
Đúng ba ngày, ông hội đồng Lộc cũng được mang đi chôn. Hôm nay trời không nắng, nhưng trời vẫn khá nhiều mây, người nhà ai nấy trong bộ áo tang trắng xoá, một màu trắng đau thương ảm đạm. Nối tiếp nhau cùng đưa ông ấy về nơi an nghĩ cuối cùng, tôi không được đi theo nên ở nhà phụ mọi người dọn dẹp. Khi công việc đã đâu vào đó, ai ăn được thì ăn, ai không ăn nổi thì về phòng nghĩ ngơi.
Mấy hôm sau, bà Châu gọi hai cậu lên để nói chuyện, có cả cô hai Nhàn nữa:
— Má tính đi chùa ở thời gian cho thanh thản.
Cậu hai Khôi lên tiếng:
— Má cứ đi đi, khi nào tinh thần thoải mái rồi về. Ở nhà có bọn con lo rồi.
Cậu ba Lân cũng góp lời:
— Đúng rồi má, từ ngày ba bệnh đến nay má cũng không có thời gian gì cho mình. Cứ quay qua quay lại với ba, giờ má cứ ra ngoài chút cho thoải mái đi má.
— Ừa, mấy đứa ở nhà tự lo mọi việc nghen.
Nói rồi, bà Châu đứng lên và bỏ về phòng. Bà đi chùa để niệm phật, cầu siêu cho ông, bởi bà không biết vì sao bà hay thấy ông về. Ông cứ đứng từ xa nhìn bà, đôi mắt u buồn ảm đạm, không gọi bà hay trăn trối gì với bà một câu.
Chồng mất chưa được bao lâu, bà Châu lại không có nhà. Bà hai Ngân cũng không cả nể ai, vẫn mua sắm thoải mái, vẫn chưng diện như thường. Mấy cậu cũng không ai nói đến, bởi xưa nay thấy vậy cũng quen rồi, lại thấy không ai nói năng gì bà được nước lấn tới.
Hôm nay, sau khi hoang ái với thằng Thành xong, bà lại lấy chuyện cũ ra kể:
— Cái số tao nó chó thật Thành ạ. Lấy chồng mà không có mụn con, đã thế chồng lại chết sớm.
Thằng Thành đưa bàn tay thô ráp cứ vuốt ve lấy thân thể nuột nà của bà ấy, giọng thủ thỉ:
— Có con rồi, bà lo gì buồn.
Bà hai Ngân đưa tay sang véo vào má thằng Thành một cái nựng nịu:
— Ừa thì có mày, mày cũng chỉ là chỗ giải toả sinh lý thôi, chứ mày yêu thương gì tao đâu.
Bà hai Ngân nói thẳng, thô nhưng tất cả lại thật, thằng Thành cũng có vừa đâu. Nó theo bà hai Ngân lâu như thế cũng thiếu gì sự lươn lẹo:
— Thì con với bà hợp nhau là được rồi, thế giờ bà không cần con nữa à? Không cần chỗ giải toả tâm lý này nữa à?
Biết thằng Thành nói dỗi, nên bà ấy dỗ hắn:
— Xí, tao thách cả dòng họ mày cũng không dám bỏ tao đấy.
— Bà biết thế là được.
Thằng Thành theo bà hai Ngân, vừa được tiền lại vừa được tình. Bà hai Ngân không sợ, thì nó cần gì phải sợ. Rồi nó lại cùng bà hoang ái, không sợ ai ở phía ngoài kia.
[…]
Cậu ba Lân thương cô hai Nhàn lắm, vẫn biết mong ước của cô ấy là gì. Hôm đó bất ngờ cậu ba Lân hỏi cô ấy:
— Em… có muốn đi học lại không?
Đôi mắt to tròn long lanh tựa mặt nước, nháy nháy vài cái vì ngạc nhiên, nhưng cũng nhanh chóng trả lời:
— Có… em có…
— Vậy anh cho em đi học lại.
Cô hai Nhàn vui mừng đến nỗi nắm chặt lấy tay cậu ba Lân lay lay:
— Thật không? Anh nói có thật không?
— Anh đã nói dối em gì chưa?
— Chưa. Nhưng mà em sợ má lắm…
— Không sợ đâu, anh xin anh hai là được. Má chủ nhà này, nhưng cũng cả nể anh hai vài phần, có anh hai đứng ra thì không lo gì hết.
Cô hai Nhàn lồng hai tay vào nhau, miệng cười vui vẻ:
— Vậy tốt quá đi, chúng ta lên đó ở nhà dì em đi. Không cần phải thuê nhà ngoài.
— Sao lại ở nhà dì em, anh có nhà trên đó mà.
Cô hai Nhàn quên mất độ giàu có của nhà này như nào, vội nhoẻn miệng cười trừ. Cô liền nắm lấy tay cậu ba, nhỏ nhẹ:
— Em cám ơn anh, em biết anh thương em lắm.
Cậu ba Lân kéo tay rồi ôm cô hai Nhàn vào lòng:
— Em biết là được rồi.
Cô hai Nhàn hạnh phúc lắm, phúc phần cô lớn thật nên mới lấy được người như cậu ba Lân. Cô cũng yêu thương cậu ấy lắm, có điều chưa để lộ ra nhiều mà thôi. Như sực nhớ điều gì, cô hai Nhàn vội nói:
— À, vậy khi mình đi để em Hoa đi theo nghe. Em sợ trên đó không có ai phụ.
— Cứ để em Hoa ở nhà đi, trên đó nhiều người làm lắm. Với lại…
Cậu ba Lân ghé sát tai cô, hơi thở ấm áp phả vào tai cô, buông lời mật ngọt, nó khiến cô nóng rang cả người:
— Với lại… anh muốn mình riêng tư chút.
Cô hai Nhàn ngại ngùng e ấp, nép sát mặt vào bờ ngực săn chắc của cậu, thủ thỉ:
— Vậy… vậy em nhờ anh một việc.
— Em cứ nói đi.
— Dạ là thế này.. thế này…
Khi nghe xong thì cậu ba Lân thấy đó là việc rất chi đơn giản. Tưởng đâu cô nói cậu hái sao trên trời cho cô cơ.
[…]
Việc cô hai Nhàn nhờ thì cậu ba Lân không thể chậm trễ được. Ngay lập tức cậu đi tìm cậu hai Khôi bàn việc, khi đến phòng riêng cũng mạnh dạng xông vào chứ không cần gõ cửa:
— Anh hai..
— Chú tìm anh có việc gì không?
Cậu ba Lân kéo cái ghế đối diện rồi ngồi xuống. Miệng cười xởi lởi:
— Đang làm việc hả anh hai? Có mệt không em nói mấy người dưới bếp nấu chút đồ bổ cho anh.
Cậu hai Khôi nghe thế liền liếc mắt lên nhìn. Dẹp những giấy tờ sổ sách qua một bên:
— Muốn xin gì, nói lẹ.
Cậu ba Lân lại nhe răng cười nhơn nhơn:
— Có anh hai là hiểu em thôi à?
— Từ nhỏ đến giờ muốn xin gì thì toàn giả bộ quan tâm tôi thôi.
— Đâu có, em thật lòng mà.
— Muốn gì thì nói đi, anh mày không vui lại đổi ý bây giờ.
— Ế ế… em nói. Em muốn xin anh hai cho vợ chồng em lên thành phố, để cho vợ em được học hết chuyên ngành.
— Ừa, tuỳ chú. Thấy cái nào thoải mái cứ làm, đừng để già rồi mất đi… có những việc muốn lại không làm được.
Cậu ba Lân cũng buồn khi nghe cậu hai Khôi nói như thế. Chỉ tiếc ba của họ mất sớm quá, tuổi đó đáng lẽ ra là được ẵm cháu rồi:
— Thôi anh, người có số hết.
— Ừa. Chú lên đó rồi gởi thư về cho anh.
— Dạ, em biết rồi anh hai. Cảm ơn anh hai thương em.
— Nhà có hai anh em, không thương chú sao được.
Cậu hai Khôi tuy lạnh lùng ra mặt, nhưng với người thân thì cậu ấm áp quan tâm lắm. Như sợ quên điều quan trọng khác, nên cậu ba Lân nói luôn:
— À, anh hai. Bọn em lên thành phố sẽ không đưa con Hoa theo, anh cho nó theo hầu hạ anh nghe.
Cậu hai Khôi cũng thản nhiên, nhà có thêm đứa làm cũng không sao. Cậu đưa tay rót chén trà, rồi nhanh chóng đồng ý:
— Được thôi, cứ để nó xuống bếp với mấy người dưới đó đi.
— Không, ý em là để nó đi theo anh, hầu hạ riêng cho anh thôi.
Cậu hai Khôi nhíu mày, cứ nghĩ rằng cậu ba Lân đang muốn gắn kết một mối nhân duyên nào:
— Chú biết tính anh mà, anh không để tâm đến phụ nữ nữa. Đừng có giở trò gán ghép gì đây.
— Không có thiệt mà. Nhàn nó coi Hoa như em ruột, sợ bị người khác bắt nạt nên mới nhờ anh cho Hoa nương tựa trong thời gian bọn em đi.
— Sao không đưa nó theo?
— Bọn em mới cưới mà, anh có muốn bồng cháu không?
Cậu hai Khôi khẽ nhoẻn miệng cười, đôi môi tạo thành hình vòng cung cực kỳ đẹp:
— Rồi, hiểu… vậy nói nó dọn qua phòng kế bên anh.
— Dạ, em cảm ơn anh.
Cậu ba vui vẻ bỏ đi, không quên hôn cậu hai Khôi một cái.
[…]
Ngày tiễn vợ chồng cô hai Nhàn lên thành phố mà tôi khóc như mưa. Nhưng biết làm sao được, tôi cũng không thể bu theo được. Mặc dù tôi rất thích cậu hai Khôi, nhưng nếu được chọn tôi vẫn muốn ở cạnh cô hai nhà tôi hơn. Khi chiếc ô tô đi khuất, cậu hai Khôi nói với tôi:
— Khóc cái gì mà khóc, bọn nó đi học chớ có đi chết đâu mà khóc như tế?
Tôi đưa tay quệt ngang nước mắt, liếc nhìn cái thái độ cay cú của cậu:
— Cậu sao biết được cảm giác của em.
— Cảm giác của mày kệ mày, tao không cần biết. Đi vô, chuẩn bị đồ cho tao đi công chuyện.
Tôi vẫn lườm lườm cậu ấy, nhưng chân vẫn phải lo đi, chứ lỡ việc không khéo tôi lại ăn đòn. Khi tôi đi vào phòng thì bà ba Thơm đang ở đó, sắp xếp quần áo gì cho cậu ấy. Thấy tôi bà ba Thơm ngạc nhiên vô cùng:
— Hoa, sao em lại vào phòng của cậu hai Khôi?
Nhìn thái độ ngạc nhiên ấy, tôi đoán việc tôi được hầu hạ đặc biệt bên cạnh cậu ấy chắc bà ba Thơm còn chưa biết. Tôi không nghĩ gì, nhoẻn miệng cười xởi lởi:
— Dạ, tại cô hai Nhàn đi lên thành phố nên giao em cho cậu hai Khôi trông chừng.
— Ủa? Em bao nhiêu tuổi rồi mà phải trông chừng. Có việc gì thì qua chỗ chị, có chị có em cho vui.
Tôi mừng lắm, không ngờ được bà ba Thơm quan tâm như vậy. Vì bà ấy cũng cỡ trạc tuổi cậu hai Khôi thôi, với bà ba Thơm nói danh phận của bà ấy không quan trọng bằng cái xuất thân của bà ấy. Nên cứ gọi chị xưng em là được rồi, nhưng tôi sợ không phải phép nên cứ gọi bà xưng em. Tôi lại ôm chầm lấy bà ba Thơm:
— Vậy tốt quá, em cảm ơn bà ba nhiều lắm.
Từ phía ngoài, giọng cậu hai Khôi vang lên:
— Chuẩn bị đồ cho tao xong chưa?
Tôi luống cuống nhìn quanh, tôi còn không biết đồ cậu ấy để đâu thì lấy đâu ra mà chuẩn bị:
— Ơ.. dạ… em…
— Cái thứ gì đâu mà lề mề.
— Không phải… em…
— Có cãi là giỏi à.
Tự nhiên bị mắng oan, tôi ngậm ngùi câm nín. May sao có bà ba Thơm giải vây:
— Thôi cậu đừng la con bé, nó còn chưa biết việc. Cậu cần gì tôi chuẩn bị cho cậu.
Đối với bà ba Thơm, cậu hai cũng giữ khoảng cách chừng mực:
— Dì bày việc cho nó. Sau này việc của tôi cứ giao cho nó làm.
— Tôi sợ nó vụng về sẽ làm cậu không vui.
— Không sao. Hỏng việc thì ăn đập, lần sau hết dám hỏng việc.
Tự nhiên tôi thấy hình tượng cậu hai Khôi trong tôi bị sụp đổ. Không những cậu lạnh lùng nghiêm khắc, mà còn bạo chúa nữa. Bà ba Thơm lại xin:
— À, hay cậu để nó qua chỗ tôi. Cần gì tôi sẽ cùng nó phụ việc cho cậu.
— Không cần, cứ để nó ở đây. Dì về đi, đây hết việc của dì rồi.
Bà ba Thơm lặng lẽ rời đi mà không nói thêm gì, từ hồi gặp bà ấy đến giờ bà ấy rất kiệm lời, hiền hậu. Cũng tội cho bà ấy nữa, còn quá trẻ mà lại mang tiếng goá chồng, tôi cứ mãi nhìn theo bóng dáng ấy mà quên bén việc cần làm. Cậu hai khôi hắng giọng đe nẹt:
— Giờ định đứng đó luôn hả?
— Ơ… em…
— Qua tủ kia lấy đồ cho tao.
— Dạ, em đi liền…
Theo hướng tay cậu hai Khôi chỉ, tôi lại mở cái tủ gỗ nâu sần. Khi cánh tủ mở ra, bên trong liền phảng phất ra mùi thơm nhẹ, rất dễ chịu. Mà chưa biết lấy bộ nào tôi với lại hỏi:
— Lấy bộ nào hả cậu?
Cậu hai Khôi lại cay cú:
— Cái gì cũng đến tay tao.
Cậu hai tiến lại, áp sát vào tôi:
— Đây, dãy này là tao đi công chuyện. Mấy bộ xếp dưới kia là tao mặc ở nhà. Rõ chưa.
— Dạ rõ.
Người cậu hai Khôi như mang một nguồn năng lượng huyền bí gì đó. Khi áp sát cậu thế này, cứ như có một luồng điện chạy xẹt ngang qua cơ thể tôi. Tê tê nhưng rất thích. Cậu ấy thay đồ xong rồi dẫn tôi đi công chuyện chung với cậu ấy.