Em ngượng chín cả người. Em và thầy thì thầm với nhau:
- Giờ không hôn làm sao mà yên được với bọn nó ạ?
- Nghiêm trọng vậy cơ à?
- Dạ. Em lại chả đi guốc trong bụng bọn nó ý chứ. Hôn ít hôn nhiều thì cũng phải hôn, không hôn khẳng định rầm rộ đến tối luôn. Mấy năm trước, em cũng vậy đấy thầy, cứ đi đám cưới là túm năm tụm ba cùng bạn bè bắt nạt cô dâu chú rể. Giờ thì nghiệp quật em không chừa miếng nào. Thầy đã hối hận vì nghe lời bà em xúi bậy chưa?
- Chưa em ạ.
- Ủa? Thầy không sợ hôn à?
- Tôi chưa hôn ai bao giờ nên không rõ chuyện đó đáng sợ đến mức nào. Em sợ à?
- Thú thực với thầy em cũng ứ rõ luôn. Cái lần em trót dại, em say khướt, em chả biết em đã hôn thằng Tú hay chưa nữa.
- Vậy hai chúng ta cùng không có kinh nghiệm hả em?
- Vâng. Đều là tấm chiếu mới cả, thầy ạ.
Tiếng đập bàn, tiếng la hét ngày càng rầm rộ.
- Ơ kìa? Cô dâu chú rể bàn bạc gì mà kỹ lưỡng thế? Sao mãi không hôn nhau vậy? Không yêu nhau à?
- Không đâu. Chú rể yêu cô dâu đấy. Ban nãy, chú rể còn đòi danh phận mà. Chỉ có cô dâu không yêu chú rể thôi. Cô dâu chắc bị mọi người ép quá nên mới phải lên sân khấu cưới đại cho xong.
- Có khi đối với cô dâu, cái đám cưới qua loa cuống quýt này cũng chả có nghĩa lý gì. Không khéo xuống dưới thành phố, cô dâu sẽ bỏ rơi chú rể ngay lập tức ý!
- Tội nghiệp chú rể, cưới vội nên phải mượn sân khấu của ông Tựa bà Nương, nhà trai cũng chẳng mời được ai, lại vớ được quả cô dâu ứ thể ngửi được.
- Cô dâu ơi! Hôn chú rể ngay và luôn giùm em đi ạ! Không hôn thì lui xuống, để em lên sân khấu, em cưới thay rồi em hôn hộ cho! Chú rể đẹp trai như vậy, bị phũ thì quá uổng!
Em áp lực quá chừng. Em khẽ kiễng chân, tay em đặt lên vai thầy, em bạo gan hôn chụt một phát vào môi thầy. Chiếc hôn của em chắc chẳng quá ba giây, nhưng cả người em nóng hầm hập như phát sốt. Em xấu hổ chạy vào buồng đóng cửa đánh sầm. Ở bên ngoài, bọn nó bàn tán xôn xao:
- Ơ? Tụi bay ơi! Hình như cô dâu có thích chú rể hay sao á? Tao thấy mặt cô dâu đỏ hơn cả xôi gấc rồi.
- Ừ, mặt đỏ, môi có nét cười. Xem chừng cô dâu đang rất cao hứng đó nha!
- Gớm thôi! Mới gần gũi sương sương vậy mà cái mặt đã hơn hớn ra rồi, ứ biết đêm nay cô dâu còn cao hứng cỡ nào nữa nhờ?
- Ối dồi ôi! Xin chị! Chị đừng có khơi gợi thế, kẻo cô dâu lại khấp khởi đợi chờ, tội nghiệp thân gái mong manh.
- Dào ôi! Đợi tí cho nó thêm phần hồi hộp, lúc va vào nhau càng nồng nhiệt thì cô dâu lại càng thích mê chứ sao?
Có tiếng gõ cửa nhè nhẹ, thầy từ tốn hỏi thăm em:
- Ý! Em ổn không?
Em ấm ức mè nheo:
- Em ứ ổn. Bọn nó cứ bôi bác em. Em không hề cao hứng. Cái mặt em cũng không có điểm nào hơn hớn cả. Em thề là em chả có gì phải khấp khởi đợi chờ hết. Em cũng không thích mê cái gì sất. Em bị oan!
Em nghe thấy giọng thầy nhẹ nhàng nhờ vả bọn nó:
- Cô dâu nhạy cảm, hay bị thẹn. Tụi em thông cảm, đừng trêu bé nhà tôi nữa nhé!
Bọn nó thôi không trêu em nữa, chuyển sang vặn vẹo thầy:
- Chị Na hơn em ba tuổi đó anh. Bé đâu mà bé?
- Mày buồn cười! Đối với anh, chị lúc nào chả là cô bé!
- Nếu vậy, chắc anh thương cô bé của anh lắm, anh nhỉ?
Em tò mò mở hé cửa sổ. Em đã thấy thầy gật đầu. Em không biết đó là cái gật đầu đại hay thầy thực sự thương em nữa? Em chỉ biết tâm trạng em ứ bình thường chút nào cả, em cứ ngẩn ngơ như con rồ ý. Em xấu hổ đến mức mà xế chiều, anh Thức về quê đón thầy, em không dám chạy ra chào tạm biệt. Em cũng thẹn không dám gửi bất cứ tin nhắn nào cả. Thầy thì các chị biết rồi đấy ạ, hiếm khi vồ vập lắm. Có lẽ thầy lại một lần nữa kiên nhẫn đợi em. Hy vọng rằng sẽ có một ngày, em đủ dũng khí để sẵn sàng đối diện với thầy, gửi đến thầy một lời xin lỗi chân thành nhất vì trong cơn bốc đồng đã cướp mất nụ hôn đầu tiên của thầy.
Ngày em bay sang Hàn Quốc cũng là ngày hai bé tròn mười tám tháng. Lần nào xem clip ghi lại cảnh các chị chào con để đi xuất khẩu lao động, em cũng rơm rớm nước mắt. Em biết chia ly là khổ rồi, nhưng mà không ngờ nó lại đớn đau đến vậy. Em khóc quá trời khóc, khóc từ lúc gửi hành lý tới lúc lên máy bay. Chị ngồi cùng tưởng em ra nước ngoài đánh ghen. Em đang bị khủng hoảng nhẹ nên có phân biệt được phải trái đúng sai đâu. Em mất bình tĩnh than vãn:
- Không... em... đã có chồng... đâu mà... đánh ghen? Em... em nhớ... con chị ơi! Em... em là... mẹ đơn thân... hai bé... không có... cha... giờ em đi rồi... bỏ lại tụi nó... cho bà ngoại. Em ích kỷ quá... em quyết định học lên cao... làm con em... không được ở gần mẹ. Em hối hận kinh khủng. Đợi máy bay hạ cánh... có khi... em đặt vé về luôn thôi... học hành mà làm gì?
Chị vỗ vai em động viên:
- Có gì đâu mà ích kỷ hả em? Em sang nước ngoài học không chỉ được cái bằng mà còn được va vấp trong môi trường mới. Em đi đây đi đó nhiều, tầm nhìn rộng mở, cách dạy con của em sẽ văn minh hơn. Em chịu khó rèn giũa để phát triển bản thân thêm nữa thì sau này về nước, vị thế của em sẽ khác. Kinh tế của em vững chắc thì chẳng phải đời sống của con em được ổn định hay sao?
- Nhưng... em sợ... em xa con nhiều... thì sau này... tụi nó... không thương em nữa...
- Em tưởng em cứ ở gần con thì chắc chắn tụi nó sẽ thương em à? Chị đây này, ở nhà làm nội trợ suốt mười sáu năm liền, chăm hai đứa con từ thuở lọt lòng mà đến lúc chồng chị ngoại tình với thư ký, em biết con chị bảo gì không? Tụi nó kêu loại ăn bám như mẹ bị cắm sừng là đúng rồi. Em nghĩ có cay không?
- Sao lại thế hả chị? Em tưởng mình vất vả nuôi con thì con phải thương mình chứ chị?
- Ôi dào! Em đúng là tấm chiếu mới, ngây thơ ứ chịu được. Đời mà cứ suôn sẻ như vậy thì nhiều bậc phụ huynh đã chả phải nuốt nước mắt vào trong. Trẻ con, nhất là những đứa đang ở độ tuổi ẩm ương, tâm lý chưa vững thì dễ bị thao túng lắm. Chồng chị không cấm các con xem phim thâu đêm, lại suốt ngày cho tiền mua đồ hiệu thì tụi nó chả mê. Tất nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng ngang ngược như con chị, nhưng cuộc sống mà, chả có ai dễ dàng cả. Tất cả cùng phải cố gắng thôi em.
Nghe chị động viên, em bớt hoang mang hẳn. May mắn lắm mới đi được đến ngày hôm nay, thôi thì bớt ngoảnh lại quá khứ để oán than, cứ cố gắng vững tin tiến tới tương lai tươi sáng phía trước vậy. Ký túc xá của trường bên Hàn Quốc có nhiều loại phòng, em chọn phòng rẻ nhất. Em chủ yếu chỉ ăn mì gói và cơm với muối vừng lạc thôi, tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy. Em thường xuyên săn vé máy bay giá rẻ, cứ tầm hai đến ba tháng em lại về nước một lần, tuỳ theo lịch thi. Mỗi lần em về, mấy chị ở cùng toà nhà rất hay chạy sang gửi tiền nhờ mua mỹ phẩm. Chỗ hàng xóm láng giềng với nhau nên em mua giúp thôi chứ không lấy tiền công. Chắc các chị ngại nên rất hay mua quà cho Bình và Yên. Ba mẹ con cứ trông thấy nhau là nước mắt ngắn nước mắt dài, nẫu nề ứ chịu được.
Sau hai năm trầy trật bên xứ người, em rốt cuộc cũng có thể tặng cho bà ngoại món quà mà bà mong đợi. Khoảnh khắc mở chiếc hộp màu đỏ, trông thấy tấm bằng Thạc sĩ, bà bị đơ mất gần một phút. Thế rồi, bà oà khóc tức tưởi như một đứa trẻ. Mắt em đỏ hoe. Em đã từng sa ngã. Em đã từng chơi vơi mất phương hướng. Em đã từng ôm trong mình nỗi ám ảnh vì sợ bản thân chỉ là một đứa con gái đáng thất vọng. Nhưng thật may mắn, em đã không bỏ cuộc. Khó khăn rồi sẽ qua, muộn phiền rồi sẽ bị lãng quên, chỉ có mật ngọt trong ánh mắt tự hào của người thương thì vẫn luôn còn đó, mãi theo em trên những chặng đường sau này.
#41
Cơm chào mừng tân Thạc sĩ về nước ngon bá cháy. Lươn nướng, ốc xào măng, chả lá lốt, thịt trâu gác bếp, nộm gà hoa chuối và đặc biệt là rau xào, rất nhiều loại rau non xanh mơn mởn được xào với tóp mỡ, nó lại ối dồi ôi quá xá mấy chị ơi. Xa quê, thèm nhất là ăn rau, nhiều đêm nhìn mọi người đăng ảnh bát cà pháo lên mạng thôi mà em muốn kiệt quệ. Ông Tựa, bà Nương tranh nhau gắp đồ ăn cho em. Bình, Yên cũng học đòi cầm đũa, nhưng tụi nó chưa khéo lắm, ngọn su su rơi vãi hết xuống mâm. Cơ mà, bây giờ hai anh chị ý đã dẻo miệng ghê lắm rồi.
- Bình xin lỗi mẹ Na nha. Bình vụng về quá à! Mẹ Na có thương Bình nữa hem?
- Yên cũng xin lỗi mẹ Na nha! Nhưng ứ phải Yên vụng về đâu, tại Yên sốt ruột muốn mời mẹ Na ăn món ngon nên bàn tay nhỏ nhắn xinh đẹp tuyệt trần của Yên mới bị luống cuống á. Mẹ Na phải thương Yên nha!
- Mẹ Na ứ thương ai cả, có được hem?
Em trêu. Tụi nó phụng phịu làm nũng:
- Con nít thiếu tình thương dễ bị hư lắm mẹ Na ạ.
- Vâng. Anh Bình nói chuẩn không cần chỉnh "lun nạ". Mẹ muốn tụi con ngoan ngoãn để mẹ được nở mặt nở mày thì mẹ phải thương tụi con nhiều thiệt là nhiều nha!
- Úi trụi ui! Hai cái đứa này nữa, ghét ghê! Thời gian mẹ ở với bà Nương lâu gấp mấy lần tụi em mà mẹ cũng ứ nịnh được ai đỉnh cao như tụi em. Hay là tháng sau mẹ mới đi làm nhỉ? Mẹ ở nhà chơi với tụi em mấy hôm cho đã!
- Thôi ạ! Cho dù mẹ có nghỉ làm thì Bình cũng không thể nghỉ học mẫu giáo được đâu ạ.
- Vâng. Yên cũng thế ạ. Bé lười ứ có phiếu bé ngoan đâu.
- Mẹ Na đừng buồn nha. Mẹ cứ ở nhà vâng lời cụ Nương, không được xem tivi quá nhiều, không được lem lẻm cái mồm cãi cụ Tựa, khách sang nhà mua rau phải khoanh tay chào, đợi tụi con đi mẫu giáo về rồi tụi con chơi với mẹ nha!
Vâng. Em nể anh Bình, em nể chị Yên rồi. Đã thế thì em sẽ đi làm luôn chứ ở nhà để ngồi xem anh Tựa chị Nương phát cơm chó miễn phí thì nó cũng tủi thân cái đứa FA bền vững như em lắm. Vừa về nước đã được xếp luôn vào phòng YS, em có chút không thoải mái, tại em nghe đồn sếp tổng rất đa tình. Nhưng em tự nhận định rằng một bà mẹ đơn thân sở hữu nhan sắc không mấy nổi bật như mình thì ứ bao giờ phải lo lọt vào tầm mắt của sếp. Hơn nữa, cho dù có người thả thính, chỉ cần em cứng cỏi trước những cám dỗ thì sẽ không bao giờ rơi vào cạm bẫy. YS chính là nơi kết nối giữa Tổng Giám đốc và tất cả các Giám đốc của các công ty thuộc Tập đoàn Tâm An. Bất cứ văn bản giấy tờ hay dự án gì muốn trình lên sếp tổng thì đều phải đem qua phòng YS để kiểm duyệt trước. Nếu sếp tổng bận không đi xuống từng công ty thì sẽ thảo luận với nhân viên trong phòng YS rồi tụi em sẽ thay sếp lo liệu mọi chuyện. Nói thì đơn giản nhưng đi vào thực tế mới thấy phức tạp, mỗi ngày luôn có cả tỉ vấn đề phát sinh. Phòng YS bao gồm hai mươi người, thi thoảng nếu có người nhảy việc thì Trưởng phòng sẽ tuyển bổ sung người mới ngay nên không lo bị quá tải. Đôi lúc, em căng thẳng là do em tham, em muốn tăng ca để vừa được nhiều tiền thưởng vừa mau tiến bộ thôi chứ không ai tạo áp lực cho em cả. Phòng YS chào đón em và Kẹo nhiệt tình lắm, đầy đủ hoa quả, bánh kẹo và cả sự niềm nở của mọi người.
- Nào! Chúng ta cùng nâng ly nước ngọt để chào mừng Na và Kẹo tới với phòng Yêu Sếp. Yêu Sếp! Yêu Sếp! Muôn đời Yêu Sếp!
Con Kẹo tốt nghiệp Thạc sĩ trước em lâu rồi ý chứ, cơ mà nó bận đi chu du thiên hạ nên vào làm cùng ngày với em. Nó ghé tai em thủ thỉ:
- Trước là thầy, giờ lại là sếp, suy cho cùng vẫn là một đời được người ấy dìu dắt. Duyên quá mày nhỉ?
- Thầy nào? Sếp nào? Mày liên thiên cái gì thế?
Em chau mày thắc mắc. Con Kẹo làm ra cái vẻ mặt không thể tin nổi. Nó tra khảo em:
- Đừng nói với tao rằng mày không biết thầy Tâm chính là Tổng Giám đốc của Tập đoàn Tâm An nha.
- Mày nghe tin hoa cà lá cải ở đâu đấy? Chú Tổng Giám đốc một vợ năm con, già lắm rồi mày ơi. Thầy thì vẫn còn trẻ măng á, với cả thầy bảo tao rằng lương thầy chỉ ba cọc ba đồng thôi à!
- Bố con ngơ. Thế mà cũng tin. Có ai lương ba cọc ba đồng mà đi xe Rolls-Royce, tới quán nào cũng ngồi phòng VIP không?
- Mày mới ngơ ý, ứ biết gì thì thôi. Thầy Tâm chính là thiên hạ đệ nhất săn mã khuyến mại đó mày.
- Thôi! Thôi! Người rừng ơi! Người ngồi xuống đi cho con lạy người một cái!
Con Kẹo chán em luôn, tới giờ ăn trưa nó lăng xăng bê khay cơm tới chỗ chị Nhí, Trưởng phòng YS làm thân. Em thì ứ được quảng giao như thế nên đành phải ngồi một góc hóng hớt mọi người chém gió:
- Nhớ sếp quá chúng mày nhể? Mới hai tuần không thấy bóng sếp mà tao tưởng như gu thẩm mỹ của mình bị tụt xuống âm vô cực rồi, nhìn thằng Bảo cũng thấy đẹp trai mới sợ chứ!
- Mấy lần sếp đi công tác tao đều bị như vậy đấy, nhìn ngang ngó dọc quanh phòng thấy thằng nào cũng rất ra gì và này nọ. Ấy thế mà sếp vừa về một cái, tao liếc trộm sếp xong nhìn lại bọn kia... ôi chao ôi... cứ như rồng với giun đất ý chúng mày ơi!
- Vấn đề không phải là con trai phòng mình xấu đâu mày. Công bằng mà nói thì cũng toàn thanh niên trai tráng mét tám đổ lên, to cao vạm vỡ... chỉ là... sếp tổng ý... nó lại ở một cái tầm khác.
- Ừ. Khí chất thần tiên thoát tục mày ơi. Nhiều khi tao nhìn sếp ký hợp đồng thôi mà tao cũng rùng mình luôn ý, kiểu không hiểu sao lại có người đẹp như vậy tồn tại trên cõi đời này... và lại còn là sếp mình.
- Mày chỉ được cái nói ứ sai. Chả biết bao giờ mới được gặp sếp nhỉ? Nhớ ghê!
- Sắp rồi. Lát nữa, sếp tổng và mười Giám đốc sẽ ghé qua căng tin Tâm Vị. Mấy bà tha hồ thoả nỗi nhớ mong.
- Thật hả? Mày điêu! Các sếp tụ tập với nhau thì phải đến nơi sang chảnh chứ qua đây làm gì?
- Mày đúng là cái loại tốt nghiệp sau, vào làm muộn, ứ biết gì sất. Năm nào các sếp chả ghé qua căng tin Tâm Vị vài lần.
- Ủa? Thật hả? Vậy các sếp có ăn cơm không?
- Ủa? Mày cũng hỏi thật đấy hả? Các sếp cũng là người, ứ ăn cơm chả nhẽ ăn cám? Kìa! Vừa nhắc xong! Kìa! Các sếp kìa! Đứng dậy mau!
Em vội đứng dậy cùng mọi người. Chả biết công ty của các chị thế nào chứ riêng ở chỗ em buổi đầu tiên đi làm đã được học về văn hoá ứng xử trong Tập đoàn Tâm An rồi ạ. Gặp cấp trên mà cái mặt vênh như cái bánh đa nướng thì vứt. Không ai bắt em phải xu nịnh những người có chức vị cao hơn mình, nhưng ở đâu thì cũng phải có tôn ti trật tự, gặp sếp không chào thì chắc chắn sẽ bị đánh giá đấy ạ. Căng tin Tâm Vị rộng chà bá, sức chứa lên tới ba trăm người. Cơm miễn phí cho nhân viên nhưng nó lại vẫn cứ ngon hết nấc. Em tuy ngồi ở xa tít mù tắp, nhưng vẫn nhận ra một người từng quen. Người ấy liếc nhanh qua chỗ em. Ánh mắt chạm vào nhau, có chút gì đó bồi hồi xao xuyến, có chút xúc động nghẹn ngào... cũng có chút nặng nề không sao tả xiết. Người ấy quả thực là sếp của em. Em đúng là như đi từ trong rừng ra, ngơ ngác hơn cả con nai vàng.
Em... ở tại nơi đây... ngay lúc này... tìm hoài cũng không thấy dáng vẻ thân thiện của người thầy năm xưa. Thay vào đó là nét mặt nghiêm nghị, tác phong chuyên nghiệp của một vị Tổng Giám đốc. Trang phục sếp mặc cũng rất khác, chỉn chu, lịch lãm chứ không phải kiểu giản dị dễ gần. Bộ com lê màu xanh navy chất như nước cất, chiếc khăn cài ở túi áo vest chắc hẳn là lụa tơ tằm thượng hạng, chiếc cà vạt dệt kim nom vô cùng trang trọng, ngay cả đến mái tóc cũng không để tự nhiên mà được tạo kiểu quý tộc. Đi sau sếp tổng là mười Giám đốc, có người tóc đã điểm bạc rồi, chắc phải ngoài năm mươi, nhưng chú ấy nói chuyện với sếp vẫn rất nhã nhặn chứ không hề tỏ vẻ bề trên gì cả. Các Giám đốc đều tươi cười với nhân viên, riêng sếp tổng chỉ nhìn bao quát một lượt rồi khẽ gật đầu, mọi người liền biết ý tiếp tục ngồi xuống dùng bữa. Các sếp cũng lần lượt ngồi xuống bàn tiệc lớn. Căng tin đang nhộn nhạo ồn ào tự dưng yên tĩnh lạ thường. Ai cũng như được tăng thêm mấy phần tao nhã. Mấy đứa ngồi gần em vừa chém gió bay nóc nhà mà giờ đã ăn từ tốn, nói nhỏ nhẹ, cười duyên dáng rồi.
- Kẹo! Na! Lính mới chủ động chào hỏi các sếp đi tụi em!
Chị Nhí tốt bụng nhắc nhở. Con Kẹo năng nổ hơn em nhiều, nó bắt tay hỏi chuyện từng sếp một cứ như thân quen lâu lắm rồi ý. Em thì hơi rén, chỉ dám đứng một chỗ trình bày:
- Dạ, em chào các sếp. Em tên là Kiều Niên Ý. Em còn trẻ người non dạ, rất mong sau này được các sếp chỉ bảo và dìu dắt ạ.
Giám đốc Công ty Cổ phần Truyền Thông Tâm An trêu em:
- Muốn những sếp nào dìu dắt thì em phải chỉ điểm cụ thể chứ, cứ nói chung chung như vậy biết đường nào mà lần?
Sự thoải mái của sếp khiến em bớt căng thẳng hẳn. Em vui vẻ đáp:
- Dạ, em rất hứng thú với truyền thông, chắc chắn là sẽ phải làm phiền sếp nhiều nhất rồi ạ.
- Vậy à? Lại đây! Anh em mình làm quen xíu nhờ! Anh là Thông. Rất vui được gặp em.
Sếp Thông chìa tay ra, em lịch sự bắt tay sếp. Rồi thì không lẽ lại chỉ bắt tay mỗi một người? Em đành lần lượt bắt tay các sếp còn lại cho phải phép. Mọi chuyện diễn ra vô cùng ổn, cho đến khi tay em chạm vào tay sếp tổng. Chỉ là một cái bắt tay xã giao thôi mà, không hiểu sao tim em như có dòng điện chạy qua. Em sợ lắm luôn. Giá như em sở hữu quyền năng quay ngược thời gian, em chắc chắn sẽ đấm cho con bé Na ngu ngơ ngày xưa vài quả. Ngu gì mà ngu đến mức đi tung tin đồn nhảm về sếp tổng ngay trước mặt sếp vậy? Sao mà em ngu không có thuốc chữa luôn thế? Em lí nhí mở lời:
- Em... nhân viên mới... xin phép được chào sếp ạ.
Sếp bình thản bảo em:
- Tôi, người đàn ông bị đồn là già cả, lắm nhân tình, nhiều con, cũng xin phép được chào em.
#42
Khiếp! Em có cảm giác như sếp đang nhắc khéo em ý. Mặt em tái nhợt luôn à, cái tội của em là không thể nào dung thứ. Không lẽ vừa đi làm ngày đầu tiên đã bị đuổi? Bà Nương mà biết chắc bà chửi em lên bờ xuống ruộng mất. Cả buổi chiều, em ngồi làm việc mà cứ thấy bất an. Tầm bốn rưỡi, chị Nhí thông báo tin dữ:
- Bé Na! Sếp gọi em kìa!
Em sợ muốn rớt tim ra ngoài luôn các chị ơi. Em sang phòng sếp với tâm trạng đầy lo lắng.
- Sếp! Năm xưa, em sai rồi. Em ngu muội, em tin lời đồn đại linh tinh, nói những lời làm ảnh hưởng tới uy tín của sếp. Em biết lỗi rồi ạ. Sếp làm ơn làm phước đừng đuổi việc em. Sếp tha cho em lần này, em nguyện trung thành với sếp cả đời.
Em nhanh mồm nhanh miệng nài nỉ. Sếp thong thả bảo em:
- Em bình tĩnh. Tôi gọi em qua đây không phải để đuổi việc em.
- Dạ. Vậy sếp có việc gì sai bảo ạ?
- Không. Tôi chỉ muốn đính chính ba chuyện thôi.
- Dạ, sếp cứ nói. Em xin chăm chú lắng nghe.
- Thứ nhất, tôi chưa từng kết hôn.
- Dạ... là em sai ạ.
- Thứ hai, về năm người con của tôi mà em từng nhắc đến, theo như tôi biết thì hiện tại các cháu chưa chào đời.
- Vâng, vẫn là lỗi của em sếp ạ.
- Thứ ba, trước khi em vào Tâm An làm việc, tôi chưa từng quyến rũ bất kỳ nhân viên nữ nào của phòng YS.
- Dạ vâng, em xin khắc ghi lời vàng ý ngọc của sếp. Sau này, có cho em vàng em cũng ứ thèm tin sếp có tình cảm với nhân viên nữ phòng em đâu ạ. Mong sếp bỏ qua cho những lỗi lầm thời non trẻ của em.
Em rối rít van xin. Sếp tao nhã bảo:
- À không, tôi chỉ đính chính chuyện trước kia thôi. Còn sau này như nào, tôi cũng không dám chắc.
- Nói như vậy... không lẽ... sếp còn độc thân?
- Có gì sai sao?
- Không... không sai ạ... chỉ là... cũng hai năm rồi mà. Sếp không hẹn hò với ai sao?
Sếp lắc đầu. Em dò hỏi:
- Có phải vì hành động dại dột năm xưa của em đã làm ảnh hưởng tới tâm lý của sếp không ạ?
- Ừ... thì em cũng biết đấy... sau chuyện đó... tôi đã không còn nguyên vẹn nữa rồi. Tôi có nảy sinh tâm lý tự ti âu cũng là chuyện hết sức bình thường.
Em cảm thấy vô cùng tội lỗi. Em ứa nước mắt bảo:
- Em sai rồi sếp ạ. Sếp cho em xin lỗi sếp nhiều nhiều nha. Dù sao thì cũng là nụ hôn đầu tiên của sếp, em hành xử như vậy quả thực không có tí phải phép nào cả. Hai năm qua, em luôn cảm thấy áy náy, tại em quá hèn nên em ứ dám nhắn tin xin lỗi sếp. Nếu em biết tâm lý của sếp bị ảnh hưởng nặng nề như vậy thì em đã tìm gặp sếp sớm hơn rồi. Chỉ cần làm sếp nguôi ngoai, dẫu phải quỳ gối xin sếp tha thứ, em cũng chịu.
Em chưa kịp quỳ gối thì sếp đã đi tới bên em. Sếp đứng rất gần em, tim em đập dữ dội. Sếp cúi xuống, nhìn sâu vào đôi mắt em, nhỏ nhẹ phân tích:
- Hành động quỳ gối không có ý nghĩa gì cả. Em lấy của người khác thứ gì thì tốt hơn hết nên trả lại cho họ đúng thứ đấy.
- Ca này khó sếp ơi! Có phải cướp vàng cướp bạc đâu mà trả? Hôn thì cũng hôn rồi... giờ trả sao được ạ?
- Trả được mà em.
- Trả kiểu gì ạ? Sếp cho em xin ý kiến, em thực thi liền!
- Thôi. Người nào có lỗi thì người đó tự tìm phương án khắc phục em ạ. Năm rộng tháng dài, em cứ về phòng, bình tĩnh suy nghĩ.
- Dạ vâng. Vậy em xin khắc ghi lời chỉ bảo của sếp ạ.
Năm vừa rồi, rất nhiều chị được thăng chức nên ngoại trừ chị Nhí, con gái trong phòng YS đều trạc tuổi em, trong giờ giải lao bọn em vẫn xưng mày tao cho thân mật. Bọn con gái phòng em ngày nào cũng đứng cạnh cửa kính, kéo rèm nhòm trộm sếp. Em thấy lố quá chừng, em chê ỏng chê eo bọn nó suốt thôi. Ba tháng đầu, em còn học việc nên hiếm khi được diện kiến các sếp. Bắt đầu từ tháng thứ tư, Trưởng phòng YS cho phép em trao đổi công việc với các Giám đốc. Sau nửa năm trau dồi bản thân, em chính thức được làm việc trực tiếp với Tổng Giám đốc mà không cần thông qua chị Nhí nữa. Em được sếp tổng gọi vào phòng giao việc thường xuyên hơn. Hầu hết các việc sếp giao cho em đều liên quan tới Công ty Cổ phần Truyền Thông Tâm An, nhưng cũng có lần, sếp gọi em chỉ vì chuyện trời ơi đất hỡi.
- Sếp cho gọi em ạ?
- Ừ. Tôi có chút băn khoăn.
- Dạ, sếp cứ nói. Em xin thay sếp giải quyết mọi ưu phiền.
- Năm xưa, có phải em từng bảo em sẽ chỉ chăm tôi với điều kiện tôi còn độc thân hay không?
- Dạ vâng.
- Em nói xem liệu có cách nào để tôi vừa lấy được vợ lại vừa được em quan tâm không?
Hiển nhiên là có cách rồi! Nhưng em không nói ra đâu! Ngượng chít! Sếp đừng hòng lừa em! Em đánh trống lảng sang chuyện khác:
- Lát nữa, em và anh Bảo sẽ đi mua bún chả cho phòng YS. Sếp ăn không? Em mời sếp bữa trưa luôn.
- Cảm ơn em, nhưng tôi bận rồi.
- Sếp bận gì mà ghê thế ạ? Bận quên ăn luôn!
Em tò mò hỏi dò. Sếp thở dài đáp:
- Tôi bận nghĩ xem nên làm thế nào để tâm mình không xáo trộn khi em đi mua bún chả cùng ai kia.
- Em tưởng tâm sếp luôn bất biến giữa dòng đời vạn biến chứ?
- Đâu có. Tôi cũng chỉ là con người thôi, nào đã đạt tới cảnh giới đấy.
Em biết ý gửi tin nhắn cho anh Bảo, thông báo rằng em có việc bận không đi mua bún chả được nữa. Sau đó, em ngọt giọng nịnh sếp:
- Việc gì khiến sếp không thoải mái, em ứ thèm làm.
- Vậy em có chờ đợi ai đó đi mua bún chả trở về không?
Câu này khó nhỉ? Phải trả lời sao cho vừa ý sếp đây ạ? Em cẩn thận đáp:
- Thôi. Em đói lắm. Em ứ đợi được bún chả đâu. Chắc tí nữa em xuống căng tin Tâm Vị làm suất cơm cho nó chắc bụng sếp ạ.
- Chỉ mỗi mình em mới cần chắc bụng thôi à?
Ối dồi ôi! Lại thêm một câu hỏi khó nữa, nhưng không sao, đi làm nửa năm em cũng khôn ra một chút rồi. Em nhanh nhảu nịnh nọt:
- Dào ôi! Em chỉ là con nhân viên quèn, bụng chắc hay lép thì có ảnh hưởng tới ai đâu? Người gánh vác trên vai cả Tập đoàn Tâm An, cần phải chú trọng từ bữa ăn tới giấc ngủ chính là vị sếp ưu tú của em đây. Nếu sếp không chê, em xin phép được rủ sếp xuống căng tin dùng bữa trưa với em ạ.
- Rủ mấy người hả em?
Đấy! Các chị thấy em khổ chưa? Cái câu hỏi nó có ối dồi ôi không cơ chứ? Trả lời ứ đúng là xác định luôn đấy ạ. Mấy người nhỉ? Mấy người? Mấy người đây? Em đánh liều bảo:
- Sếp và em đi từ đây xuống dưới căng tin, gặp ai thì rủ thêm người đó thôi, càng đông càng vui, sếp nhỉ?
- Đông thế thì lại đông quá em ạ.
Ôi thôi! Thế là em lại trả lời sai rồi à? Em vội vàng chữa lỗi:
- Nếu sếp thích sự riêng tư thì em mời sếp tới quán cơm Tâm An nha.
- Em đã có nhã ý, tôi từ chối thì sao phải phép nhỉ?
Câu này có phải trả lời không vậy các chị? Em chưa nghĩ xong thì sếp đã lấy áo vest rồi. Em cứ thế đi theo sếp tới quán cơm Tâm An thôi. Ngày xưa, em ở ký túc xá thì thường bắt xe buýt đến đây cho nhanh. Nhưng hiện tại, em và sếp thong thả đi bộ cùng nhau, tại quán rất gần trụ sở chính của Tập đoàn Tâm An. Sếp vẫn theo thói quen ngồi ở phòng VIP27, vẫn chiếc bàn ăn kiểu ngồi bệt đó, vẫn chồng bát đũa thời xưa và hai chiếc bình cổ cắm hoa đào. Trên bàn bày những chiếc niêu đất nhỏ xinh đựng các món ăn dân dã. Nhân viên vừa lui xuống, em và sếp chả ai bảo ai, tự dưng đều cùng muốn xới cơm cho đối phương. Sếp nhanh hơn nên cầm thìa trước, còn em thì chậm chạp, vụng về chạm ngay vào tay sếp. Em vội vàng rụt tay lại, ngại ngùng để sếp xới cơm cho cả hai. Em gắp cho sếp một miếng đậu phụ, đợi sếp thưởng thức xong liền lịch sự dò hỏi:
- Thức ăn hôm nay có hợp khẩu vị sếp không ạ?
Sếp thở dài bảo em:
- Không rõ nữa.
- Sao vậy ạ?
- À... tại lâu lắm mới được ngồi dùng bữa cùng em, tôi thấy hơi bồi hồi.
- Dạ, đúng là đã lâu lắm rồi... mãi từ hôm đám cưới của bà ngoại em.
- Và cũng là đám cưới của chúng ta.
- Vâng... đám cưới giả... cũng vui, sếp nhỉ?
- Em chỉ coi đó là đám cưới giả thôi sao?
- Đám cưới đó rõ ràng là giả mà sếp, nếu em nghĩ khác đi thì lại thành ảo tưởng rồi.
- Ở trong sự giả dối đó, tôi đã có những cảm xúc rất chân thực.
- Cảm xúc của em cũng vô cùng chân thực sếp ạ. Có thể là do bầu không khí cưới hỏi, cỗ bàn, sự nhiệt tình của khách mời, những chùm hoa... tất cả mọi thứ đều sống động... giúp chúng ta nhập vai một cách hoàn hảo.
Sếp trầm ngâm nhìn em rồi thản nhiên tra khảo:
- Vậy hiện tại, em đã thoát vai chưa?
Danh Sách Chương:
Bạn đang đọc truyện trên website TruyenConvert.NET
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK