• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Sau khi thăm các nhà máy, xe dừng lại trước trường Nữ tiểu học. Cô Benlom chạy ra đón ông Vunphran, nhưng ông xuống xe vào trường để trình bày yêu cầu. Thế là Perin theo họ, và có thể xem xét. Đúng là người phụ nữ khổng lồ mà ông Vunphran đã nói. Cô có vẻ oai nghiêm nhưng có sự xem lẫn giữa phẩm cách và lòng nhân hậu. Người ta không dám chế nhạo cô, nếu cô không có vẻ sợ sệt, chẳng hợp với ngoại hình đồ sộ của cô. Cố nhiên, cô chẳng từ chối gì đối với ông chủ đầy quyền uy ở Marôcua. Mà nếu có những trở ngại đi nữa, cô cũn sẽ tìm cách xoay xở vì cô rất nhiệt tình với việc giảng dạy, niềm vui độc nhất của cô trong cuộc đời. Với lại, mặt khác, cô thích con bé có đôi mắt sâu thăm thẳm.

- Chúng tôi sẽ làm cho em trở thành một thiếu nữ có học, điểm ấy là cái chắc, cô nói. Ông có biết không, em bé có đôi mắt con linh dương. Thật ra tôi chưa thấy con linh dương, nhưng tôi chắc là những con vật ấy có đôi mắt này.

- Rồi còn những chuyện khác nữa! Sau hai ngày học, cô có thể kiểm tra thế nào là con linh dương. Ông Vunphran trở về tòa lâu đài vào giờ ăn buổi chiều, hỏi ý kiến cô giáo.

- Thật là một thảm họa?! – Cô Benlom sẵn sàng dùng những từ mạnh như cô ta. – Thật là một thảm họa, nếu để cho cô gái này thất học!

- Thông minh, phải không?

- Thông minh! Hãy nói thông minh đặc biệt, tôi có thể nói như thế!

- Chữ viết? – Ông Vunphran hỏi, hướng những câu hỏi theo những nhu cầu mà ông thấy cần ở Perin.

- Còn xấu lắm! Nhưng em ấy sẽ uốn nắn được thôi.

- Chính tả?

- Yếu.

- Thế thì…?

- Tôi có thể đọc cho em một bài âm tả để kiểm tra chữ viết và chính tả của em. Nhưng tôi chỉ được biết có thế. Tôi muốn có một nhận xét tốt hơn về em. Tôi đã cho em làm một bài tường thuật nhỏ nói cho tôi rõ về cái xứ sở này, em đã thấy nó ra sao. Không đầy một tiếng, em đã để cho ngòi bút ghi lại, không phải tìm lời, lựa ý, bốn trang giấy khổ lớn rất kỳ lạ. Trong ấy có tất cả xóm làng, các nhà máy, phong cảnh khái quát, toàn bộ và cũng có phần tỉ mỉ. Có một trang nói về các hốc đất với những cây cối, chim, cá, hình dáng của chúng trong làn hơi nước buổi sáng và trong không khí trong lành buổi chiều. Tôi đã nghĩ em sao chép của một tác giả nào, nếu tôi không được thấy em ngồi làm bài. Tiếc thay, chữ viết và chính tả, như tôi đã thưa với ông, chưa đạt! Nhưng không hề gì! Đó là công việc của vài tháng lên lớp. Trong lúc, tất cả các bài học của thế gian cũng không thể dạy cho em biết cách diễn đạt qua ngòi bút. Em đã được trời ban cho cách nhìn, cách cảm và biết ghi lại những gì mà em đã nhìn thấy và cảm thụ. Nếu có thời giờ rảnh, xin ông đọc qua trang nói về cái hốc đất. Ông sẽ thấy là tôi không nói quá tí nào!

Ông Vunphran rất hài lòng khi nghe những lời đáng giá ấy. Nó làm dịu bớt những ý kiến bất đồng trong lúc ông vui vẻ nhận ngay em bé. Ông kể cho cô Benlom nghe câu chuyện Perin ở trong lều cỏ của một hốc đất ấy. Em đã làm ra đôi dép và tất cả những dụng cụ nhà bếp với hai bàn tay trắng. Em cũng đã chuẩn bị được một bữa ăn đầy đủ với những dụng cụ ấy, với những con chim, con cá, rau cỏ, hoa quả mà hốc đất cung cấp. Gương mặt phương phi của cô Benlom sáng lên trong lúc nghe kể. Không còn nghi ngờ gì nữa. Câu chuyện làm cô chú ý. Khi ông Vunphran ngừng nói, cô cũng lặng im, suy nghĩ.

- Ông có thấy – Cuối cùng cô nói – biết chế tạo những gì cần thiết cho nhu cầu bản thân là một đức tính căn bản đáng được mơ ước chăng?

- Đúng thế, cái đó đã bắt tôi chú ý đến người thiếu nữ này, ngay từ phút đầu, đó là nghị lực của em. Cô hãy bảo em kể câu chuyện của em, cô sẽ thấy em phải có nghị lực mới đi được đến đây!

- Em đã được cái phần thưởng của em vì được ông quan tâm đến.

- Quan tâm và còn gắn bó nữa chứ! Trên đời này, tôi chỉ đánh giá bằng lòng quyết tâm. Nhờ nó, mà tôi có ngày hôm nay. Vì thế, tôi nhờ cô bồi dưỡng cho em với sự dạy bảo của cô. Bởi vì, nếu người ta nói tất có lý, cái gì mà người ta muốn, thì người ta có thể làm được! Cái gì mà người ta bắt đầu để giáo dục nếu có những phương pháp về chuyện đó. Nhưng về mặt giáo dục làm như là việc giáo dục tính cách không cần đặt lên trước. Cô có một em học sinh có năng khiếu về mặt này! Tôi nhờ cô quan tâm giúp đỡ em phát triển tốt.

Cô Benlom không quen nói những lời xã giao để làm vừa lòng người khác cũng như cô không đành im lăng vì rụt rè hay bối rối.

- Việc gương mẫu trong đời sống sẽ có tác dụng hơn là những bài học. Vì thế, em ấy sẽ học ở cái gương của ông tốt hơn là sự dạy dỗ của tôi. Em sẽ thấy, mặc dù bệnh hoạn, tuổi tác, giàu sang, ông không bao giờ để lãng phí một phút trong cái mà ông gọi là hoàn thành nhiệm vụ. Tính cách của em sẽ được trưởng thành theo cái hướng mà ông muốn. Dầu sao, tôi cũng không quên đóng góp phần mình. Nếu em không phải là người hờ hững, vô tình, điều đó sẽ làm cho tôi ngạc nhiên hết sức, bên cạnh những gì đã làm cho em xúc động.

Là một phụ nữ tôn trọng lời hứa, cô Benlom không quên, thật thế, có dịp là cô nhắc đến ông Vunphran. Điều cô kể về ông, tuy chẳng cần thiết lắm đối với bài giảng. Thường cô bị lôi cuốn mà không biết bởi những câu hỏi khôn ngoan của Perin.

Đã nhiều lần, Perin hỏi Rôdali về bệnh tật của ông Vunphran. Tại sao ông ấy mù? Nhưng em chỉ nhận được những câu trả lời lờ mờ. Trái lại cô Bendom, có đủ các chi tiết về bệnh tật của ông chủ. Về sự mù lòa, theo người ta nói, ông Vunphran có thể chữa khỏi. Nhưng phải có những điều kiện đặc biệt đảm bảo cho sự thành công của ca phẫu thuật. Ông Vunphran bị Catarắc. Bệnh của ông không phải đã hết phương cứu chữa. Cần phải phẫu thuật. Người ta chưa dám mổ cho ông là vì sức khỏe của ông chưa cho phép. Ông bị ho kinh niên lại thêm rắc rối vì phổi bị xung huyết rổi nghẹt thở, tim hồi hộp, ăn uống không tiêu, giấc ngủ chập chờn. Muốn làm phẫu thuật, trước hết người ta phải chữa bệnh ho cho ông mà mặt khác, phải làm những tai họa biến đi. Đằng này, ông Vunphran là một người bệnh đáng ghét! Ông phạm hết khinh xuất này đến khinh xuất khác, không chịu theo những lời chỉ dẫn của thầy thuốc một cách chính xác. Thật ra, cái đó không phải lúc nào cũng dễ dàng đối với ông. Bác sĩ Ruysông dặn ông phải bình tĩnh, nhưng bình tĩnh sao được khi con trai ông mất tích? Ông cũng có lúc lo ngại hay giận dữ nên sốt liên miên mà chỉ có làm việc mới hết mệt! Khi ông chưa biết số phận của con ông thì ca phẫu thuật khó mang lại được kết quả tốt đẹp! Vì lẽ ấy, người ta phải hoãn. Sau này không biết có làm được không?

Perin dễ dàng hướng cô Benlom nói về ông Vunphran. Em cũng muốn bổ sung câu chuyện của Phabry và Môngblơ về những hy vọng thầm kín của hai người cháu và của Taluen nhưng không được! Đây có phải là một đầu đề cho câu chuyện giữa cô giáo và em học trò? Phải chăng với những chuyện "ngồi lê đôi mách" ấy mà người ta hình thành tính cách cho một bé gái? Perin đành từ bỏ ý định moi tin tức nơi cô giáo em về chuyện đó. Cuộc đi thăm của bà Brơtônơ, mẹ của Casimia đã làm cho cô Benlom phải mở miệng, nếu không chắc chắn chẳng bao giờ cô nói.

Được ông Vunphran cho biết, bà Brơtônơ đến thăm, Perin có trao đổi với cô giáo. Em cho cô hay có lẽ ngày mai, bài giảng của cô sẽ bị quấy rầy. Khi nhận được tin này, cô giáo tỏ vẻ khăn khoăn khác thường. Tính cô rất tập trung. Cô muốn giữ cô học trò trong tay, như người kỵ mã lái con ngựa vượt qua những chặng đường nguy hiểm đầy những tai họa.

Cô ấy làm sao thế nhỉ? Chỉ một lát sau, khi cô giáo nói, Perin mới có câu trả lời cho câu hỏi đã hàng chục lần lởn vởn trong trí óc của em.

- Em thân yêu, cô Benlom nói khẽ. Cô cần phải khuyên em tỏ ra kín đáo và dè dặt với các bà mà em đã được báo, ngày mai đến đây thăm ông Vunphran.

- Cô ơi, kín đáo về chuyện gì cơ? Dè dặt là thế nào?

- Ông Vunphran không phải chỉ giao cho cô lo phần trí dục mà còn phải lo về việc giáo dục em nữa. Vì thế, cô khuyên em phải kín đáo và dè dặt. Đó là vì lợi ích của bản thân em và cũng vì lợi ích của mọi người.

- Xin cô giải thích cho em rõ là em phải làm gì? Em chưa hiểu gì về lời khuyên của cô. Nghe cô nói, em sợ quá!

Em mới đến Marôcua nhưng em phải biết cả xứ này lo lắng về bệnh tật của ông Vunphran và sự mất tích của ông Étmông.

- Vâng, thưa cô, em có nghe nói chuyện ấy.

- Rồi sẽ ra sao đây những nhà máy với 7000 thợ thuyền và những người dựa vào họ mà sống, nếu ông Vunphran chết, và ông Étmông không trở về? Em sẽ thấy những câu hỏi ấy đặt ra sẽ khêu gợi những sự thèm muốn. Ông Vunphran sẽ giao việc điểu khiển cho hai người cháu ông, hay ông chỉ giao cho một người mà ông tin cậy hơn người kia, hay cũng có thể giao cho cái người từ hai chục năm nay là cánh tay phải của ông, đã điều khiển với ông cái nhà máy mênh mông này. Có lẽ ông ta hơn ai hết ở trong vị trí và trong tình trạng không để cho nhà máy lỗ lã. Khi ông Vunphran cho gọi ông cháu Têôdo về, người ta nghĩ ông sẽ chỉ định ông này làm người thừa kế. Nhưng qua năm sau, ông lại cho gọi ông Casimia vừa tốt nghiệp trường Bách Khoa, người ta mới hiểu là người ta đã lầm. Sự lựa chọn của ông Vunphran chưa được quyết định. Ông chỉ muốn người thừa kế ông, làm chủ cái nhà máy này, là con trai ông. Dẫu có những cuộc tranh cãi làm hai cha con họ xa nhau. Hơn 12 năm nay, ông chỉ thương con trai ông với niềm kiêu hãnh của người cha và ông chờ đợi. Ông Étmông có trở về không? Người ta không biết gì hết vì người ta cũng không biết ông ấy còn sống hay đã chết? Với ông Vunphran thì ông tin là con trai ông sẽ trở về sớm hay muộn. Với những người mà cái chết của ông Étmông có lợi cho họ, họ tin chắc ông ấy đã chết rồi. Họ đang vận động để làm chủ tình thế. Cái ngày mà tin người con đã chết với ông Vunphran có thể giết chết ông. Bây giờ, em thân yêu, em hiểu cái lợi của em vì cón sống thân mật với ông Vunphran, em phải tỏ ra kín đáo và dè dặt với bà mẹ ông Casimia. Bà này sẽ dùng mọi cách để làm việc cho con bà, loại trừ những người có hại cho anh ta. Nếu em tử tế với bà, em sẽ làm cho bà mẹ Têôdo ghét. Chắc chắn là bà sẽ đến, em sẽ là kẻ thù của bà Brơtônơ. Không kể là nếu em được lòng cả hai bà, em lại làm cho người lo ngại hai mà ấy ghét em. Vì thế, cô dặn em phải hết sức thận trọng. Hãy nói ít chừng nào hay chừng ấy! Nếu có khi nào người ta hỏi em mà em phải trả lời, thì hãy nói những điều vô nghĩa hay lờ mờ. Trong cuộc sống, thường có nhiều khi người ta chịu lu mờ hơn là rực rỡ dưới ánh sáng. Để người ta xem mình là cô gái ngu đần hơn là cô gái thông minh, đó là trường hợp của em. Em phải tỏ ra ít thông minh nếu em là người thông minh.

° ° °

Những lời khuyên bảo ân tình của cô Benlom tốt bụng càng làm cho Perin không yên tâm. Em lo ngại trong lúc chờ đợi bà Brơtônơ đến thăm.

Thật ra vị trí của Perin còn khó khăn hơn những lời cô giáo nói. Những khát vọng nhen nhóm chung quanh ông Vunphran khiến hai bà mẹ đang lao vào một cuộc chiến đấu. Họ muốn chỉ một mình con trai họ được thừa hưởng cái gia tài, như người ta nói, có đến hơn một trăm triệu và những nhà máy ở Marôcua.

Bà Xtanphran Panhđavoan, vợ ông anh cả của ông Vunphran, đang khát khao những thú vui phù phiếm. Bà chờ đợi ông chồng, một nhà buôn lớn, buôn các loại vải thô ở đường Săngchiê cho bà một cuộc sống giàu sang mà bà nghĩ bà có quyền được hưởng. Ông chồng bà không gặp vận may, nên không thỏa mãn được tham vọng của bà. Bà lại khắc khoải chờ đợi Têôdo thừa hưởng cái gia tài của người chú để cho bà chiếm được cái địa vị mơ ước trong xã hội Paris mà bà chưa đạt được.

Bà Brơtônơ, chị ruột của ông Vunphran, kết duyên cùng một thương gia ở Bulônhơ, ông này làm nhiều nghề mà chẳng trở nên giàu có. Là đại lý sở thuế quan, hãng bảo hiểm đường thủy, ông còn buôn bán xi măng, thầu đóng tàu, làm môi giới cho việc gởi hàng đường thủy v.v… Bà vợ ông muốn chiếm cái gia tài người em ruột cũng vì thích của cải, mặt khác, muốn phỗng tay trên bà chị dâu mà bà ta ghét cay, ghét đắng.

Trong thời gian ông Vunphran và người con trai sống hòa thuận, hai bà phụ nữ ấy chỉ giới hạn việc bòn rút ông em bằng cách mượn tiền mà không hoàn lại. Họ dựa vào thế lực của ông Vunphran để đảm bảo việc kinh doanh của họ, tất cả những gì mà người em giàu có không thể từ chối với họ được.

Từ dạo Étmông được phái qua Ấn Độ mua đay cho nhà máy để chịu hình thức kỷ luật của ông bố vì đã tiêu xài hoang phí, hai bà chị đã nghĩ đến việc lợi dụng tình trạng này. Khi người con ấy chống lại ông bố, cưới một cô vợ không được thừa nhận, thì mỗi bà lại bắt đầu, mỗi người một phía. Chuẩn bị cho con trai mình một ngày nào đó, có thể chiếm đoạt cái chỗ của Étmông.

Dạo ấy, Têôdo chưa đầy hai mươi tuổi, công việc kinh doanh không thích hợp với anh ta. Được bà mẹ nuông chiều và truyền cho anh con cùng những ý nghĩ, những ham thích xa hoa của mình. Têôdo sống chỉ để đi dạo, đi xem hát. Anh thích những thú vui mà Paris cống hiến cho các cậu công tử những gia đình mà túi tiến căng phồng cũng như xẹp lép dễ dàng. Anh ta vỡ mộng khi phải khép mình về nông thôn với ông chú nghiêm khắc chỉ biết có công việc. Ông Vunphran cũng gắt gao với cháu như với một nhân viên hạng bét ở nhà máy. Têôdo trong lòng khinh bỉ, mà vẫn phải chịu đựng cuộc sống bực bội vì nó bắt anh phải khó nhọc, phiền muộn, chán nản. Có đến mười lần trong ngày, anh muốn bỏ đi nơi khác. Anh không thể làm thế vì anh hy vọng dầu sớm hay muộn rồi đây anh cũng sẽ là ông chủ, ông chủ duy nhất của cái nhà máy quan trọng này. Anh có thể kêu cổ đông để rồi bắt nó làm việc bằng cách điều khiển từ trên cao và từ xa, thật xa, nghĩa là từ Paris. Lúc đó, anh sẽ bù lại những ngày gian khổ. Khi Têôdo vào làm việc với ông Vunphran thì Casimia mới 11, 12 tuổi. Anh ta còn quá trẻ để ngồi bên cạnh người anh họ. Mẹ anh ta không hề thất vọng! Một ngày nào đó, anh sẽ chiếm lại cái chỗ ấy, sẽ bù lại cái thời gian mất đi. Kỹ sư Casimia sẽ chế ngự ông Vunphran cùng một lúc đè bẹp ông anh con cậu, chẳng có bằng cấp gì. Vì thế, bà đã cho con vào trường Bách khoa. Ở đó, con bà chỉ cần học những môn mà nhà trường bắt thi với tỉ lệ của các hệ số: 58 về các môn Toán, 10 về môn Vật lý, 5 về môn Hóa học, 6 về môn tiếng Pháp. Nhưng ở Marôcua, những hiểu biết thô thiển thông thường lại có ích hơn là lý thuyết, nên đã xảy ra cái kết quả mà Casimia không lấy gì làm hài lòng. Ông kỹ sư không chế ngự được ông chú và cũng chẳng đè bẹp được ông anh họ có kinh nghiệm mười năm kinh doanh. Ông này chẳng phải thông thái, ông ta cũng đồng ý như thế. Nhưng ít nhất, ông ta thực dụng như ông thường khoe. Ông biết đó là đức tính đầu tiên đối với chú ông.

- Người ta nào có được học cái gì có ích đâu, - ông Têôdo nói – bởi vì họ không viết nổi một bức thư quan trọng với nội dung rõ ràng và đúng phép chính tả!

- Thật là khốn khổ, Casimia phân bua giải thích, ông anh họ tôi tưởng tượng người ta chỉ sống ở Paris chứ không sống ở nơi khác được! Không có chuyện ấy thì anh tôi hẳn đã giúp cậu tôi được nhiều việc! Nhưng còn chờ đợi gì ở anh ấy được! Từ ngày thứ năm, trí óc anh ấy bị ám ảnh chỉ mong chiều thứ bảy là chuồn về Paris. Anh sắp xếp mọi thứ, xáo trộn tất cả, chỉ vì cái mục đích duy nhất ấy. Rồi từ sáng thứ hai đến thứ năm anh ấy bị tê liệt vì những kỷ niệm của ngày chủ nhật ở Paris.

Hai bà mẹ chỉ còn phóng đại hai bản luận văn bằng cách tô vẽ thêm cho đẹp. Bà này nói chỉ Têôdo mới có thể là người phụ tá của ông chú. Bà kia khoe Casimia mới là người duy nhất, xứng đáng là người con trai thật sự của ông. Hai bà mẹ đã làm cho ông Vunphran sẵn sàng nghĩ về Têôdo như những gì mà bà mẹ Casimia nói về anh, còn nghĩ về Casimia theo lời nói của bà Têôdo. Đáng lẽ họ làm ông Vunphran quyết định thì họ làm cho ông không thể tin cậy người này hay người kia, trong hiện tại cũng như trong tương lai.

Ông Vunphran đã dàn xếp cách đối xử với họ khác với dự định của hai bà mẹ đang tham lam theo đuổi. Ông xem họ chỉ là những người cháu, chứ không phải là người con trai của ông. Về mọi phương diện, trong cách cư xử, người ta dễ thấy ông có giữ cho phân biệt ấy thật rõ rệt. Tuy có những lời yêu cầu trực tiếp hay bí mật mà người ta che đậy, ông Vunphran chưa bao giờ đồng ý cho họ ở trong tòa lâu đài. Ở đấy, không phải là thiếu phòng, tuy ông cô đơn và rất buồn, ông cũng không cho họ chia xẻ cuộc sống thân mật với ông.

- Tôi không muốn người ta cãi cọ, ganh tị quanh tôi! – Ông Vunphran thường trả lời như thế.

Xuất phát từ đó, ông cho Têôdo cái nhà ông ở trước khi xây lâu đài. Ông xếp cho Casimia ở cái nhà ông cựu kế toán trưởng mà ông Môngblơ thay thế. Vì thế họ không khỏi kinh ngạc và tức giận khi thấy một con bé xa lạ, một con "lang thang" đã chễm chệ đóng đô trong tòa lâu đài. Nơi đây chỉ khi nào họ được mời, mới được vào.

- Chuyện mày nói là cái gì thế?

- Con bé này là ai?

- Người ta phải em sợ nó vì cái gì ấy nhỉ?

Đó là những điều bà Brơtônơ đã hỏi con trai bà. Những câu trả lời đã không làm bà thỏa mãn. Bà muốn tự mình điều tra để được sáng tỏ. Bà khá ái ngại khi mới đến. Nhưng Perin đóng rất đạt cái vai mà cô Benlom đã nhắc cho em nên sau một thời gian ngắn, bà đã được yên tâm.

Ông Vunphran không phải là không quý khách song ông không muốn các cháu ở với ông. Ông rất rộng rãi, hào phóng với gia đình khi bà chị ruột hoặc bà chị dâu, ông anh ruột hoặc ông anh rể đến Marôcua thăm viếng. Trong những dịp ấy, lâu đài không có bình thường mà có dáng những ngày lễ. Những bếp lò rực lửa vì phải nấu nhiều. Bọn giúp việc mặc áo lễ, xe và ngựa rời khỏi nơi cư trú với những bộ yên cương lộng lẫy. Buổi chiều, trong bóng tối, người ta thấy trong tòa lâu đài, đèn thắp sáng trưng từ tầng trệt lên các cửa sổ trên nóc nhà. Từ Píchkynhi đến Amiêng, từ Amiêng đến Píchkynhi, bác đầu bếp và bác bếp đi lại như con thoi. Chở lương thực về.

Để đón bà Brơtônơ, người ta cũng theo cái lẽ thường ấy. Xuống ga Píchkynhi, bà thấy ngay chiếc xe bốn bánh với người đánh xe và người bồi đi đón bà về Marôcua. Xuống xe, Bátxchiêng đưa bà về phòng, vẫn cái phòng ấy dành riêng cho bà ở tầng một. Tuy vậy, nhịp sống lao động của ông Vunphran và mấy người cháu, kể cả Casimia, không hề thay đổi. Ông Vunphran gặp bà chị trong buổi tối, các bữa ăn. Ông trò chuyện với bà chị vào buổi tối. Không có gì hơn! Công việc trước hết rồi mới đến phần con cháu. Ông đối với họ vẫn thế! Họ ăn cơm sáng, cơm chiều ở tòa lâu đài. Buổi tối, họ muốn ở lại muộn mấy cũng được. Chỉ thế thôi! Còn như những giờ ở bàn giấy là thiêng liêng! Những giờ ấy thiêng liêng đối với hai người cháu. Nó cũng thiêng liêng với ông Vunphran và cũng thiêng liêng với Perin. Bà Brơtônơ vì thế, không thể tổ chức và theo dõi cuộc điều tra về cái con "lang bạt" như ý muốn của bà. Hỏi Bátxchiêng và chị hầu phòng ư? Đến bà mẹ Prăngxoadơ để khôn khéo moi ở bà cụ rồi cả dì Đênôbi và Rôdali? Chuyện ấy rất đơn giản! Về phía ấy, bà đã có những thông tin mà người ta có thể cung cấp về con bé "lang bạt", khi nó đến cái xứ này và lúc đó, nó sống ra sao. Rồi nó được sắp xếp bên cạnh ông Vunphran hình như nhờ nó biết tiếng Anh. Nhưng bà muốn tự quan sát Perin trong khi nó không rời ông Vunphran nửa bước, bắt nó nói cho rõ. Bà muốn tìm những lý do về sự thắng lợi đột xuất của nó, những cái khó trông thấy.

Trong bữa ăn, Perin không nói một câu. Buổi sáng, em đi với ông Vunphran. Sau bữa trưa, em lên ngay phòng riêng. Sau khi đi thăm các nhà máy trở về, học tập với cô Benlom. Buổi tối, sau bữa ăn em lên phòng riêng. Thế thì bà làm thế nào để nói chuyện riêng với nó, để tự do xoay nó! Vào giờ nào? Bà Brơtônơ không có cách nào thi thố tài năng nên trước khi ra về bà quyết định đến gặp Perin ngay trong phòng riêng của em. Vào lúc ấy, em tưởng đã thoát nạn, đang ngủ ngon giấc. Có tiếng gõ cửa. Em ngồi dậy, mò mẫm đi ra phía cửa và hỏi:

- Ai đó?

- Mở cửa đi em! Tôi đây mà!

- Bà Brơtônơ phải không, thưa bà?

- Đúng thế!

Perin kéo chốt. Nhanh nhẹn, bà Brơtônơ lách vào phòng, trong lúc Perin bấm đèn.

- Em cứ nằm! – bà Brơtônơ nói. – Như vậy chúng ta nói chuyện tiện hơn.

Bà lấy chiếc ghế, ngồi về phía chân giường để Perin ở trước mặt, rồi bà bắt đầu.

- Tôi muốn nói chuyện với em về ông Vunphran, cậu em tôi. Tôi dặn em một vài điều. Bây giờ, em thay Guydôm ở bên cạnh ông chủ, em có thể săn sóc sức khỏe của cậu ấy. Guydôm tuy có những tật xấu, nhưng vẫn chăm sóc ông chủ chu đáo. Em coi bộ thông minh, ngoan ngoãn. Nếu em muốn em có thể giúp chúng tôi những công việc như Guydôm. Tôi xin hứa với em là chúng tôi không quên công ơn của em đâu.

Thoạt nghe vài câu đầu, Perin có thể yên tâm vì người ta muốn nói chuyện với em về ông Vunphran, em chẳng có gì phải lo ngại. Nhưng khi em nghe bà Brơtônơ nói em có vẻ thông minh, em nghi ngờ ngay. Không thể nào bà Brơtônơ thông minh và tinh vi lại có thể thành thật trong lời nói. Em phải đề phòng vì bà ta giả dối.

- Cháu xin cảm ơn bà, - em cười toét miệng, cố làm cho nổi bật nụ cười đần độn. – Cháu chỉ xin bà giao cho cháu những việc của chú Guydôm. Em nhấn mạnh phần cuối câu hỏi, để cho người ta hiểu, họ có thể bảo em làm gì cũng được.

- Tôi đã nói là em thông minh – Bà Brơtônơ tiếp tục, tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể tin cậy ở em!

- Xin bà hãy ra lệnh!

Trước hết em phải rất chú ý săn sóc sức khỏe của cậu em tôi. Phải đề phòng cẩn thận để cậu khỏi cảm lạnh vì có thể nguy hiểm đến tính mạng cậu ấy. Bị cảm lạnh có thể gây tụ huyết ở phổi hoặc làm cho phế quản viêm nặng thêm. Em có biết nếu chữa được bệnh viêm phế quản thì người ta có thể làm phẫu thuật đem ánh sáng cho đôi mắt mù lòa! Em hãy nghĩ chúng tôi và tất cả mọi người ở đây lúc ấy sẽ vui mừng biết bao!

Lần này, Perin đáp:

- Cháu cũng thế, cháu sẽ rất sung sướng!

- Qua lời nói, tôi thấy em rất tốt bụng. Nhưng dầu em có nhớ ơn cậu em tôi, em cũng không là người trong dòng họ.

Perin lại càng làm ra vẻ ngớ ngẩn:

- Thật thế, nhưng điều ấy không ngăn cản cháu gắn bó với ông Vunphran, xin bà hãy tin cho.

- Đúng quá, em có thể tỏ rõ sự gắn bó của em. Tôi sẽ hướng dẫn cho em, không phải chỉ chống nhiễm lạnh mà phải tránh đừng cho câu ấy bị những cảm xúc mạnh bất ngờ có thể giết chết cậu ấy. Tôi biết qua các quý ông, hiện nay cậu em tôi đang chờ những tin tức ở Ấn Độ về người con trai, cháu Étmông thân thương của chúng tôi.

Bà ta nghỉ một lát, nhưng chẳng cần thiết, vì Perin không trả lời vào vấn đề ấy. Em biết chắc các "ông ấy" là hai người cháu. Họ không thể nói chuyện với em về việc tìm kiếm ấy. Casimia đã gọi bà mẹ đến gặp em. Hẳn thế chứ! Têôdo thì làm sao nhờ bà được chứ!

- Mấy ông ấy cho tôi hay em dịch những lá thư và đưa cho cậu em tôi. Điều này rất quan trọng, nếu những tin ấy không được tốt, như chúng tôi dự đoán, con tôi phải được báo trước mọi người. Nó sẽ đánh điện cho tôi. Từ Bôlônhơ đến đây không xa. Tôi sẽ đến ngay để nâng đỡ câu em tôi. Em hiểu chứ, bà chị ruột, là bà chị sẽ biết cách an ủi cậu tốt hơn là bà chị dâu.

- Ôi, đúng thế! Thưa bà! Cháu hiểu, hình như thế!

- Thế thì chúng tôi có thể trông cậy ở em chứ?

Perin chần chừ một lát, nhưng em không thể không trả lời:

- Để phục vụ ông Vunphran, cháu sẽ làm tất cả những gì cháu có thể làm được.

- Và những gì em làm cho ông Vunphran có nghĩa là em giúp chúng tôi đấy! Cũng như những gì em giúp chúng tôi cũng là làm cho ông Vunphran. Ngay bây giờ tôi muốn cho em biết chúng tôi không phải là người vong ân. Em có thích may một chiếc ao dài không?

Perin không muốn nói gì. Em mĩm cười thay cho câu trả lời.

- Một chiếc áo dài rất đẹp, vạt sau có đuôi gọn! Bà Brơtônơ vẫn tiếp tục.

- Cháu đang có tang.

- Có tang thì có tang chứ ai cấm mình mặc áo dài có đuôi sát đất. Ngồi ăn cùng với cậu em tôi mà ăn mặc như thế này ư? Em ăn mặc lôi thôi như một con chó làm trò ấy.

Perin biết mình ăn mặc không đẹp. Thế nhưng khi nghe người ta so sánh em với con chó làm trò thì em cảm thấy nhục nhã, nhất là cách so sánh ấy có dụng ý hạ thấp. Em trả lời:

- Cháu lấy những gì cháu tìm thấy ở cửa hiệu bà Lasedơ.

- Khi em còn là "một con lang thang" là Lasedơ có thể cung cấp áp cho em được. Còn bây giờ em được cậu em tôi để ý, cho ngồi ăn cùng bàn, chúng tôi không thể để em ăn mặc như thế này, xấu hổ cho chúng tôi lắm. Chuyện này chúng ta chỉ nói riêng ở đây thôi nhé!

Nghe nói thế, Perin quên mất em đang đóng kịch, em buồn rầu kêu lên:

- Ôi!

- Em không có ý niệm gì về cái áo Bờlu của em sao? Trông em kỳ cục quá!

Bà Brơtônơ khi nhắc đến chiếc bờlu bật cười, như thấy trước mắt chiếc bờlu đó.

- Chuyện ấy rồi sẽ sửa chữa thôi em ạ. Tôi muốn em xinh đẹp. Khi em mặc chiếc áo dài trong phòng ăn khi em đi xe với cậu em tôi, em mặc một bộ quần áo xanh. Rồi em sẽ nhớ đến tôi. Tôi nghĩ đò mặc trong cũng ngang tầm với chiếc áo dài này thôi. Nào, ta hãy xem sao!

- Vừa nói, với dáng điệu của người có quyền thế, bà ta vừa mở tủ soát các ngăn kéo. Rồi bằng một động tác đột ngột, bà đóng cửa tủ và nhún vai tỏ vẻ thương hại:

- Tôi nghĩ thế mà đúng. Bà ta nói tiếp, thật không xứng đáng với em chút nào?

Tức tối, nghẹn ngào, Perin im lặng.

Thật may mắn cho em. Bà Brơtônơ vẫn tiếp tục. Tôi đã đến Marôcua và chịu trách nhiệm lo cho em.

Perin muốn từ chối ngay. Em chẳng cần người ta săn sóc em với những cung cách như vậy. Nhưng em có đủ sức tự kiềm chế. Em không quên là em đang diễn kịch. Em phải đóng cho đạt cái vai mà em đã tự nhận. Với lại lời lẽ của bà ta quá thô bạo phũ phàng, trái với ý định "chứa chan những điều tốt đẹp" của bà.

- Tôi sẽ nói với cậu em tôi. Bà Brơtônơ lại nói, đặt cho em một chiếc áo dài ở một chị thợ khâu ở Amiêng. Tôi sẽ ghi địa chỉ cho cậu ấy. Em rất cần chiếc áo dài và bộ y phục đi xe ngựa. Rồi đây, một bà bán quần áo sẽ đến trang bị cho em đầy đủ. Em hãy tin tôi. Tôi hy vọng, mỗi lúc nhìn thấy áo quần em sẽ nhớ đến tôi. Thôi, chúc em ngủ ngon! Đừng quên những gì tôi vừa nói với em.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenConvert.NET
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK