Trông thấy Nguyên Thập Tam Hạn muốn ra tay, Thiên Y Cư Sĩ cũng quát lên:
- Ngón cái không, ngón trỏ gió, ngón giữa lửa, áp út nước, ngón út đất.
Nguyên Thập Tam Hạn ngẩn ra.
Đây là một số kinh văn đơn giản trong Sơn Tự kinh, có điều Nguyên Thập Tam Hạn lại tu luyện kinh văn đảo loạn. Mặc dù cuối cùng hắn vẫn hiểu được cảnh giới vô thượng của Sơn Tự kinh, nhưng bởi vì con đường sở học của hắn khác biệt, cho nên vừa nghe thấy pháp quyết năm ngón tay này lại rất kinh ngạc.
Thân pháp của Thiên Y Cư Sĩ như ma quỷ, nhanh chóng di chuyển giữa đại điện, vẫn không làm ánh nến lung lay, nhưng lại quét Lão Lâm thiền sư, Thái Thủy Trạch, Trương Thán, Vô Mộng Nữ và cả Triệu Họa Tứ ra ngoài điện.
Thiên Y Cư Sĩ lại ngâm nga:
- Thiền tuệ luân trí thức, tinh định cái lực hành, nhẫn niệm quang nguyện tưởng, giới tiến cao phương thụ, đàn tín thắng tuệ sắc, tuệ tín thắng đàn sắc, phương tiến cao giới thụ, nguyện niệm quang nhẫn tưởng, lực định cái tinh hành, trí tuệ luân thiền thức… (1)
Đây chỉ là tên gọi khác của mười ngón tay. Sơn Tự kinh vốn là một loại pháp kinh tu vi từ ngoài vào trong, nhưng Nguyên Thập Tam Hạn lấy được bản sao lại là câu cú lung tung, nội dung đảo loạn, tuy hắn vẫn ngộ ra một con đường khác, nhưng lần này khi nghe được nguyên văn cũng nhất thời ngẩn ra.
Lúc này, Thiên Y Cư Sĩ đã nhanh chóng di chuyển những tượng thần trong phật điện.
Trong phật điện vốn có mười tám pho tượng la hán, đã vỡ mất hai pho, cộng thêm tượng của bốn đại thiên vương, ngoài ra còn có hai pho tượng bồ tát, nhưng một pho đã vỡ thành từng mảnh khi Thiên Y Cư Sĩ xuất hiện, một pho khác lại kết hợp với Nguyên Thập Tam Hạn, trở thành “người” giữa thần và ma.
Hai mươi pho tượng thần còn lại này chỉ hơi dịch chuyển biến hóa, đèn phật lập tức ảm đạm. Ngay cả cao thủ như Lão Lâm thiền sư vốn quen thuộc với địa hình ngôi chùa này, còn có hảo thủ như Triệu Họa Tứ nhãn lực rất cao, nhưng cũng không thể thấy rõ tình cảnh trong phật điện.
Chẳng qua chỉ là di chuyển mấy pho tượng thần bằng đất, cục diện lập tức xảy ra biến hóa cực lớn.
Thái Thủy Trạch bởi vì bị thương nặng, cho rằng thị giác của mình đã mơ hồ, do đó cố gắng nhìn quanh. Trương Thán sợ hắn lo lắng, vội vàng giải thích theo những gì mình biết:
- Ta cũng không thấy nhìn rõ như vậy. Ta nghĩ, đây có thể là cư sĩ đang thi triển “Đại Mạn Đồ La pháp trận”. Nghe nói, trên thế gian mỗi chuyện, mỗi vật đều có vị trí của nó, cũng có thần của nó. Cho nên một số hạt giống có thể trưởng thành trên mảnh đất này, có thể khỏe mạnh trên đất của nó, nhưng lại khô chết trên mảnh đất khác, hoặc lớn lên thành thứ khác thường. Lại có những người ở một số nơi cảm thấy buồn bực khó ở, không được như ý, ở một số nơi khác lại váng đầu hoa mắt, nôn mửa không ngừng, nhưng ở một số nơi lại có thể tâm thần sảng khoái, thi triển hết sở trưởng. Dù là núi sông, cây cỏ, đất đai, dụng cụ, âm thanh, ngôn ngữ, hữu tình hay không hữu tình, chỉ cần xác định được vị trí của nó là có thể dung hợp tách rời, thi triển ra uy lực vô biên của nó. Xem ra cư sĩ chính là đang sử dụng phương pháp này.
Thái Thủy Trạch nghe vậy vội la lên:
- Ngươi đã biết pháp, vì sao không đi giúp cư sĩ một tay?
Trương Thán cười khổ nói:
- Ta chỉ biết pháp, nhưng không có công lực phá pháp, ngay cả vào pháp cũng không được, chỉ sợ không giúp được mà còn làm hại cư sĩ.
Nói đến đây, chợt nghe được một tiếng than, dường như đến từ trên trời.
Lão Lâm hòa thượng biến sắc, nhanh chóng lướt ra khỏi cửa chùa, ngẩng đầu nhìn lên. Trời cao mái cong, chỉ có một vầng trăng sáng, nào có ai?
Bên này Lão Lâm hòa thượng chỉ nghe than thở, nhưng lại không thấy gì.
Bên kia Nguyên Thập Tam Hạn lại thấy được chính mình, không chỉ có mình, còn có Bưu Cục.
“Bưu Cục” là một địa danh, là nơi Nguyên Thập Tam Hạn sinh ra.
Nơi Nguyên Thập Tam Hạn sinh ra rất kỳ lạ, bởi vì ở nơi đó không ai ngủ.
Ở nơi đó, chẳng biết vì sao không người nào có thể ngủ được.
Tập quán đặc biệt này đã ra đời vào ba mươi chín năm trước khi Nguyên Thập Tam Hạn sinh ra. Nghe nói vào một buổi tối, người ở Bưu Cục đều mơ thấy nhận được một phong thư đã bị người khác mở ra, trên đó viết hai chữ “Vô Mộng”. Sau đó chẳng những mọi người không có mộng, thậm chí ngay cả giấc ngủ cũng không có, giống như trúng phải một lời nguyền.
Khi còn nhỏ, Nguyên Thập Tam Hạn là người kiên nhẫn nhất, cũng là người khiến người ta kinh ngạc nhất.
Bởi vì hắn tìm cách ngủ.
Hắn không chấp nhận phong tục không có giấc ngủ này, vì vậy hắn tìm trăm phương ngàn kế để ngủ.
Ông trời không phụ người khổ tâm, cuối cùng hắn đã có thể ngủ được.
Nhưng không phải vào buổi tối, mà là ban ngày.
Từ đó hắn quen ngủ ban ngày, ban đêm lại tỉnh dậy. Nhiều năm qua đều là như vậy, không thay không đổi.
Người của Bưu Cục bởi vì đã quen không ngủ, cho nên xem hắn là ngoại tộc.
Trong sơn thôn hoang vắng nhưng dân số đông đúc này, mọi người thường xếp hàng trên một con đường lớn hình chữ thập, chờ mặt trời biến thành màu đỏ hoặc màu lam, trăng biến thành màu vàng hoặc màu trắng. Trắng thì mọi người sẽ làm việc, vàng thì mọi người sẽ ăn cơm, đỏ thì mọi người có thể đi lại, lam thì sẽ phải dừng lại tất cả hoạt động. Cũng không ai biết tại sao phải căn cứ vào những màu sắc này để sinh hoạt ăn uống, thậm chí cũng không hiểu vì sao mặt trăng mặt trời ở đây lại chuyển đỏ biến trắng.
Không biết vì sao, người ở nơi đó lại thích ăn thịt chó.
Người trong trấn thích nuôi mèo, nuôi heo, nuôi bò, thậm chí nuôi thằn lằn và cóc, nhưng lại không nuôi chó.
Không biết tại sao, người ở nơi đó không nuôi chó, chỉ thích ăn thịt chó.
Từ nhỏ Nguyên Thập Tam Hạn đã hoài nghi, chó là từ đâu tới?
Hắn từng tốn rất nhiều thời gian đi tìm chó.
Mỗi lần hắn xuất phát đi tìm chó, sau người đều có rất nhiều chuồn chuồn bay theo.
Hắn đi đến đâu, chuồn chuồn lại bay đến đó, ngoại trừ lúc qua cầu.
Đến buổi tối, chuồn chuồn vốn rất ít khi bay lượn, nhưng đối với hắn lại là ngoại lệ.
Hắn không ngủ được, chuồn chuồn cũng không ngủ không ngừng.
Nhưng chỉ khi đi tìm chó, chuồn chuồn mới lượn theo quanh hắn.
Có điều hắn vẫn không tìm được chó. Vì không hài lòng với thất bại của mình, hắn phạt mình chỉ ăn sách.
Từng quyển sách nuốt vào.
Cho đến một ngày, hắn đột nhiên tìm được một tấm gương.
Tấm gương này được kẹp trong một trang sách, trên mục lục có ghi “Sơn Tự kinh”.
Hắn ngạc nhiên.
Tấm gương rất rõ ràng, đó là một mặt gương nho nhỏ hình tròn.
Hắn dường như thấy được trong gương có một cái bóng quen thuộc, hắn phát hiện trong bóng dáng kia có chính mình.
Hắn muốn gọi đối phương, nhưng lại không gọi được.
Lúc này, mặt gương bỗng nổi lên sóng gợn như mặt nước.
Khi tấm gương một lần nữa trở nên rõ ràng đến mức trong suốt, trong gương lại xuất hiện một con chó.
Con chó thè đầu lưỡi màu tím nhỏ dài và chẻ nhánh, đang nhìn hắn cười, cái đuôi còn nở ra một đóa hoa, hoa nhỏ.
Lúc này, cảm giác của hắn lại giống như thôn dân, hắn cực kỳ giận dữ.
Hắn muốn giết nó.
“Ta muốn ăn nó!”
Khi hắn sinh ra loại cảm giác này, trong gương đã không có chó, chỉ có chính mình.
Một người tóc trắng xoá, thoạt nhìn ít nhất phải bảy mươi tám tuổi.
Thế là hắn lập tức cảnh tỉnh.
Không đúng, ta lớn lên tại trấn Bưu Cục, nhưng ta dường như không lớn lên, bởi vì đã mất đi quá trình trung gian.
Ta chỉ có giai đoạn còn trẻ và rất già, thiếu đi quá trình từ trẻ đến già.
Sau đó hắn hét lớn một tiếng, tay phải chỉ trời, tay trái chỉ đất, đi vòng bảy bước, quát lớn:
- Trên trời dưới đất, mình ta độc tôn!
Lại hét lớn một tiếng:
- Phá!
Cục diện ầm ầm tan vỡ.
Đó đương nhiên là ảo, nhưng cảm giác trong ảo lại là thật.
Trong mộng không có trật tự thời gian.
Mộng cũng có mấu chốt, giống như người có chỗ hiểm.
Nguyên Thập Tam Hạn tỉnh ngộ từ trong mấu chốt này của mộng, sau đó phá giải, cho nên đã phá tan “Đại Mạn Đồ La pháp trận” do Thiên Y Cư Sĩ dùng pháp lực của hai mươi pho tượng thần hợp lại thi triển.
Trận pháp này trước tiên đưa chuyện quá khứ của kẻ địch vào trong thời không hiện tại, luân chuyển chồng chất giữa thực hư ảo diệt, sau đó đưa thần trí của đối phương vào mộng trong mộng, nghi thật nghi ảo, không thể tự thoát. Trừ khi người làm phép mở trận, nếu không thì sẽ vĩnh viễn bị nhốt trong trận, ngơ ngơ ngẩn ngẩn, vĩnh viễn rơi trong phiền não phù phiếm.
Nhưng Nguyên Thập Tam Hạn lại dựa vào tuyệt thế thần công, Sơn Tự kinh tu ngược, đã thành không cần nhiễm tịnh, không kinh thiện ác, làm ngũ nghịch tội mà bỏ qua chân như, vượt qua dục vọng thông thường mà được pháp thân (2), lại dùng tu vi “Nhẫn Nhục thần công” phá tan ảo cục. Đó là một loại cảnh giới sinh không ở tương lai, sinh không ở quá khứ, sinh không ở hiện tại, sinh không ở trưởng thành, sinh là toàn cơ hiện, chết là toàn cơ hiện (3). Pháp lực do Thiên Y Cư Sĩ dùng tượng phật bày trận cũng không làm gì được hắn.
Hắn phá trận, sau đó lập tức phản công.
Thiên Y Cư Sĩ chợt cảm giác được thế công của đối phương.
Không chỉ là công kích của tay, không chỉ là công kích của chân, còn có lông mày, ánh mắt, hơi thở… ngũ quan phát kình, thậm chí còn có nội kình của lỗ chân lông và ngũ tạng, từng đợt nối tiếp nhau như dời non lấp biển tràn đến.
Đối với Nguyên Thập Tam Hạn, thân thể tóc da bất cứ nơi nào cũng là vũ khí.
Đối với Thiên Y Cư Sĩ, y không có khả năng ngăn cản, cho nên y không hề ngăn cản.
Y dùng bốn đại thiên vương và mười sáu pho tượng la hán ngăn cản cho mình.
La hán và thiên vương tạo thành một loại pháp lực chí đại chí cương, lực lượng này lại được dẫn dắt bởi sức người nhỏ bé chí âm chí nhu.
Bởi vì bản thân Thiên Y Cư Sĩ không có công lực, cho nên y chỉ có thể mượn lực lượng của người khác vật khác.
Giống như trăng không phát sáng, thứ phát sáng là mặt trời. Nhưng trăng vẫn ảnh hưởng đến bầu trời mặt đất, thủy triều lên xuống, vẫn chiếu sáng lòng trời lòng người, gió sớm liễu buông.
Chú thích:
(1)
Trích từ “Thập chỉ dị danh” (tên gọi khác của mười ngón tay) trong đại cương Mật tông.
Tay phải:
Ngón cái – không – thiền tuệ luân trí thức.
Ngón trỏ – gió – tinh định cái lực hành.
Ngón giữa – lửa – nhẫn niệm quang nguyện tưởng.
Ngón áp út – nước – giới tiến cao phương thụ.
Ngón út – đất – đàn tín thắng tuệ sắc.
Tay phải:
Ngón út – đất – tuệ tín thắng đàn sắc.
Ngón áp út – nước – phương tiến cao giới thụ.
Ngón giữa – lửa – nguyện niệm quang nhẫn hậu.
Ngón trỏ – gió – lực định cái tinh hành.
Ngón cái – không – trí tuệ luân thiền thức.
(2)
Nhiễm tịnh: Đạo Phật lấy thanh tịnh làm cốt, cho nên đất Phật ở gọi là tịnh độ, chỗ tu hành gọi là tịnh thất, v.v. Người tu cầu được về nơi Phật ở gọi là vãng sinh tịnh độ. Phép tu theo phép cầu vãng sinh làm mục đích gọi là tông tịnh độ.
Tịnh tức là không có sự ô nhiễm. Sự ô nhiễm nào? Trước hết, ta gọi tên nó là sự bận rộn. Chúng ta bận rộn quá, bận rộn về chuyện đi cúng, làm đám và xây cất. Chúng ta đâu có thì giờ để tu học, đâu có thì giờ chăm sóc cho nhau, đâu có thì giờ thương nhau. Có sự bận rộn là không có tịnh, tức là nhiễm.
Chân như (tathatā, bhūtatathatā) là một khái niệm quan trọng của Đại thừa Phật giáo, chỉ thể tính tuyệt đối cuối cùng của vạn sự. Chân như chỉ thể tính bất động, thường hằng, nằm ngoài mọi lí luận nhận thức. Chân như nhằm chỉ cái ngược lại của thế giới hiện tượng thuộc thân thuộc tâm. Tri kiến được Chân như tức là Giác ngộ, vượt khỏi thế giới nhị nguyên, chứng được cái nhất thể của khách thể và chủ thể. Chân như đồng nghĩa với Như Lai tạng, Phật tính, Pháp thân.
Ngũ nghịch tội:
1. Làm thân Phật chảy máu. Đề Bà Đạt Đa (Devadatta) ôm lòng hại Phật. Từ trên đỉnh núi xô một tảng đá to xuống đè Phật, thần hộ pháp từ trên không trung đỡ lấy, nhưng mảnh đá văng trúng chân Phật chảy máu. Nếu hại Phật sẽ kết tội với hết thảy chúng sanh. Phật là bậc đạo sư của ba cõi, [hại Phật] khiến cho cơ duyên nghe pháp đắc độ hết thảy chúng sanh bị đứt đoạn, tội lỗi ngập trời.
2. Giết A La Hán: La Hán là bậc đắc đạo, giáo hóa một phương. Nếu hại La Hán chính là đoạn huệ mạng của rất nhiều người. Bậc thiện tri thức thật sự sẽ có ảnh hưởng đến ngàn năm vạn đời. Như Khổng lão phu tử lúc tại thế chẳng nổi danh, chẳng làm quan lớn, là một người tầm thường bất đắc chí, bất đắc dĩ phải quay về nhà dốc lòng dạy học, những người tuân theo giáo huấn của Ngài nhất định được phước. Cái học do Ngài truyền lại chính là phước báo trời người mà công đức còn chẳng thể nghĩ bàn, huống chi giáo hóa của Phật là công đức lợi ích khôn sánh trong thế gian lẫn xuất thế gian.
3. Giết cha.
4. Giết mẹ. Cha mẹ có ân đức rất lớn đối với chúng ta. Giết hại cha mẹ thuộc về Tánh Tội, tự nhiên đọa trong địa ngục Vô Gián (Avīci Nairaka). Kinh Địa Tạng đã giảng [về địa ngục Vô Gián] rất tường tận.
5. Phá hòa hợp Tăng: Tăng đoàn là nơi bồi dưỡng nhân tài hoằng pháp cho nhà Phật. Nếu phá hoại Tăng đoàn thì cũng là tội lỗi đọa địa ngục Vô Gián. Chư Phật xuất thế cũng chẳng cứu được. Thời gian trong địa ngục Vô Gián cũng là vô lượng kiếp.
Pháp thân: Đại Thừa Phật Giáo quan niệm rằng mỗi một vị Phật đều phải có đủ ba Thân là Pháp Thân, Báo Thân và Hóa Thân, và Pháp Thân bao giờ cũng là nền tảng, là bản thể của hai Thân kia. Pháp Thân còn được xác nhận là “chân” Thân, là Thân thật của Phật, nghĩa là Phật trên phương diện đúng nghĩa nhất. Pháp Thân được ví như mặt trời và vô lượng Hóa Thân được ví như vô lượng tia sáng của mặt trời tỏa rộng khắp mười phương. Có mặt trời tất có ánh sáng tỏa khắp, có Pháp Thân dĩ nhiên là sẽ có vô lượng Hóa Thân đi đến khắp mười phương giáo hóa độ sinh.
(3)
Cơ là huyền cơ diệu dụng, toàn cơ là thiền giả hoạt động tự do không trở ngại. Khi sống dùng cơ độc lập tuyệt đối của sống để đạt được pháp giới, khi chết cũng dùng cơ độc lập tuyệt đối của chết để đạt được pháp giới. Đây tức là “sinh cũng toàn cơ hiện, chết cũng toàn cơ hiện”, còn được gọi là toàn cơ toàn hiện, toàn cơ hiện, toàn cơ hiện tiền.
Danh Sách Chương:
Bạn đang đọc truyện trên website TruyenConvert.NET
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK