• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Phần I: Thiếu niên Lãnh Huyết

Tập 2: Một chọi mười một

Chương 11: Bẻ gãy

Người dịch: Robin Lee
Nguồn: tangthuvien.vn


Rốt cuộc Gia Cát tiên sinh cũng đến thăm chàng.

Năm đó Lãnh Huyết mười sáu tuổi.

Dường như ngay từ ban đầu ông đã mang dáng vẻ lão niên, vậy nên suốt mười lăm năm nay ông không già đi nữa.

Ông vừa nhìn thấy Lãnh Huyết, liền vuốt chòm râu dài, hai tay chắp sau lưng, đôi mắt tinh tường khẽ híp lại, mỉm cười nói:

- Thật ra võ công của con giờ đây không tệ chút nào.

Lãnh Huyết đáp:

- Nhưng con vẫn chưa có một vị sư phụ vừa ý.

- Người thầy tốt nhất trên đời chính là bản thân mình.

Gia Cát tiên sinh nói.

- Vì chỉ có bản thân con hiểu rõ con muốn học cái gì, học như thế nào.

- Nhưng con vẫn chưa định hình được thứ võ công của riêng con.

- Đúng, ai cũng phải năm chắc nền tảng cơ bản của võ học. Loại công phu nào cũng thế, càng luyện nhiều, càng hiểu sâu càng tốt. Nhưng sau cùng vẫn phải tập trung luyện một loại của riêng mình. Bất kể đó là loại công phu gì, ít nhất con phải thực sự thành thạo một loại tuyệt chiêu, đến mức con có thể dựa vào nó, sử dụng nó, thứ võ công có thể đem đến thành tựu và giúp con giác ngộ.

- Con nên luyện tuyệt chiêu gì ạ?

- Cái đó chỉ con mới biết được.

- Ngài có thể dạy con không?

Lãnh Huyết hỏi với giọng thành khẩn.

Nhìn ánh mắt đầy chân thành, nhiệt huyết trên khuôn mặt lạnh lùng tuấn tú của thiếu niên, lão nhân cười:

- Con có biết vì sao ta đợi đến lúc này mới đi gặp con không?

- Con không biết ạ.

- Con có biết vì sao từ trước đến nay ta không đích thân truyền thụ võ nghệ cho con?

- Ngài không muốn thu nhận một đồ đệ vừa ngốc nghếch vừa bướng bỉnh như con.

- Đương nhiên không phải.

Lão nhân cười.

- Vì con dốt nát.

- Ta không đến được vì ta không thể đến. Thật ra ta là Thái phó của đương kim thiên tử. Trên triều đình, bè phái phân tranh, quyền hành rơi vào tay nịnh thần bất tài, nội ngoại câu kết, ngoài mặt hay trong bụng đều đầy toan tính, chúng thi nhau nịnh hót lấy lòng thánh thượng, tham quan sách nhiễu nhiều vô kể, dối trên gạt dưới, gian thần bòn rút của công, trung thần bị gạt ra ngoài, dân chúng đói khổ, quan đàn áp, dân chúng phản kháng, đạo tặc, thảo khấu hoành hành khắp nơi, các phe phái chèn ép lẫn nhau, chính ta cũng vô cớ bị cách chức bốn lần. Có điều, thời thế bây giờ sẽ theo lòng dân, cơ nghiệp giang sơn mấy trăm năm nguyên khí mạnh mẽ, bè lũ gian thần tép riu đó đừng hòng nói lật là lật đổ được. Triều đình cất nhắc, trọng dụng ta mấy lần để dẹp loạn, bảo toàn quyền lực, đồng thời luyện binh để đối phó giặc ngoại xâm, bảo vệ hoàng thành. Thứ ta muốn bảo vệ không phải quân thần yếu nhược, không phải danh lợi phú quý, mà vì chính nghĩa dân tộc, thiên đạo lương tri. Mỗi lần ra sức vạch trần sai phạm, đưa ra ý kiến khiển trách, can gián, ngăn gian thần hoành hành, tinh thần và thể lực đều bị vắt kiệt cả. Vì vậy ta không thể đến thăm con. Ngoài con ra, ta còn thu nhận ba đồ đệ nữa, ta cũng không có thời gian thường xuyên đến đôn đốc chúng học nghệ.

Lãnh Huyết nghe ông giải thích, chỗ hiểu chỗ không, có điều những chuyện này chàng đã từng nghe nhắc tới trong sách.

- Nếu phiền toái như vậy, ngài có thể thôi không quản nữa mà!

- Nếu ai cũng không muốn quản vậy thì để yên cho tiểu nhân nắm quyền, kẻ xấu đắc thế, thiên hạ còn đâu chính nghĩa.

- Ngài không ưa bọn họ, vì sao không giết quách họ đi cho rồi?

- Hễ ghét ai là giết người đó thì thiên hạ đâu còn vương pháp?

- Nhưng bọn họ cũng đuổi cùng giết tuyệt trung thần hiền sĩ, vì sao ngài không cho họ nếm thử thủ đoạn của chính họ?

- Giết người không phải cách hay. Chỉ bằng một lời nói đã định đoạt chuyện thiên hạ, coi đó là luật pháp, như vậy sớm muộn thiên hạ sẽ đại loạn, cứ nói giết để diệt trừ hậu hoạ nhưng thật ra hậu hoạ nhiều vô số, giết sao cho xuể. Nếu họ đánh người tốt vậy ta sẽ đánh người xấu, thử xem liệu tà có thể thắng chính không!

- Nếu ngài có quyền lực trong tay, liệu có trở nên hủ bại tham lam như bọn người kia không?

- Ta có thế có quyền, nhưng nếu không vì muốn kìm hãm gian thần, ta đã sớm quy ẩn sơn lâm. Sự nghiệp quan trường đối với ta chỉ như phù du. Nếu có một ngày ta trừ được cái ác mà lại trở thành một trong số chúng thì ngày đó con nhất định phải diệt trừ ta.

Gia Cát tiên sinh mỉm cười, trong ánh mắt lộ vẻ nghiêm túc.

Lãnh Huyết sảng khoái đáp:

- Vâng ạ!

Sau đó nói tiếp:

- Ngài bận rộn như vậy, vì sao hôm nay lại đến thăm con?

- Con từ nhỏ lớn lên nơi hoang dã, ngộ tính đặc biệt cao, thông minh hơn người. Họ không dạy được con, vậy để ta thử xem sao.

Lãnh Huyết mừng rỡ, suýt chút nữa nhảy cẫng lên.

- Trên giang hồ, không có việc giúp được hay không giúp được, chỉ có người đủ mạnh hay không đủ mạnh. Ai cũng phải học hỏi, thất bại không nản chí, nước mắt nuốt vào trong. Chỉ cần đủ quyết tâm, đảm lượng, kiến thức và vận khí, nhất định có thể thoát khỏi quy luật “thân bất do kỷ,” bảo toàn sơ tâm. Trên triều đình cũng như vậy. Một khi tham chiến, tất phải tính đến trường hợp thân bại danh liệt, nếu may mắn giành chiến thắng thì công thành thân thoái mới là nước cờ khôn ngoan.

Từng lời của Gia Cát tiên sinh rõ ràng, rành mạch như khắc sâu trong tâm trí Lãnh Huyết.

- Quy luật ở đây là: Con càng mạnh, kẻ khác càng không dám gây sự với con, con chỉ cần đạt đến cấp độ không sợ bị người đánh, như vậy đã là thành công rồi.

Sau đó Gia Cát tiên sinh hỏi chàng:

- Con muốn luyện loại công phu nào nhất?

Khi nói chuyện, thần sắc của Lãnh Huyết có vẻ ngưng trọng vượt xa tuổi tác, tựa như lời nói ra sẽ định đoạt vận mệnh cuộc đời chàng.

- Kiếm.

Gia Cát tiên sinh nhìn chàng, dường như nhìn thấu tâm can chàng.

- Vì sao?

- Vì kiếm giống con.

- Giống tính cách con?

- Con cảm thấy mình giống một con báo dữ đang truy sát con mồi, không thể lùi bước, chỉ có thể truy kích.

- Được!

Gia Cát tiên sinh nói, giọng nói như tiếng vàng rơi trên đất.

- Vậy thì luyện kiếm!

Gia Cát tiên sinh chỉ cho chàng vài cái tên: Ca Thư Lãn Tàn, Đại Thạch Công, Thanh Sấu Thượng Nhân.

- Con đi tìm những người này, nói với họ là ta bảo con tới, họ sẽ dạy con một vài phương pháp để sinh tồn và kinh nghiệm về nhân tình thế thái, những cái này không thể học trong sách. Nếu thiếu hiểu biết về những kiến thức đó thì rất khó sống sót hay làm chuyện mình muốn.

Gia Cát tiên sinh lại nói:

- Họ cũng sẽ dạy con về trình tự, phương pháp phá án, điều tra, truy tung.

Ông còn dạy chàng một lộ kiếm pháp.

“Việt* Lộ Kiếm Pháp.”

- “Việt Lộ Kiếm Pháp” có tám mười hai chiêu. “Việt Lộ Kiếm Pháp” nghĩa là gì? Tức là trước mặt không còn đường nữa, vì thế phải khai phá ra một con đường khác, như vậy đường cụt vẫn là đường sống. Khi đối mặt với địch nhân cũng áp dụng đạo lí tương tự.

- Con phải đối mặt với kẻ địch vì kẻ đó chặn đường con hoặc hắn đẩy con vào thế không còn cách nào khác, con muốn đi tiếp về phía trước thì bắt buộc phải đánh ngã hắn, bước qua xác hắn, do đó nó có tên là “Việt Lộ Kiếm Pháp.”

*Việt: vượt qua, vượt lên.

- Ta truyền cho con “Việt Lộ Kiếm Pháp” và một thành “Việt Đạo Kiếm.” Môn phái của ta có một quy tắc, một khi đã truyền thụ võ công cho đồ đệ thì bản thân không được luyện nữa, và công lực của môn võ công đó sẽ tự tiêu tán đi rất nhanh. Vì thế mỗi khi thu nhận một đồ đệ, công lực sẽ tiêu tán đi một chút, một lần dạy một loại võ công sẽ mất đi loại võ công đó. Trước đây ta từng dạy “Vô Sao* Đao Pháp” cho một đệ tử ta không còn nhớ tên, bây giờ ta đã quên hẳn bộ đao pháp đó rồi.

*Sao: vỏ đao, vỏ kiếm.

- Ngoài ra, “Tự Tại Môn” chúng ta còn có một qui tắc cổ quái. Con nhập môn rồi, không được gọi ta là sư phụ, chỉ cần gọi “Thế thúc” là được. Con có ba vị sư huynh, chúng cũng gọi ta như vậy.

Trong sau ngày, Lãnh Huyết đã hoàn toàn nắm được khẩu quyết của “Việt Lộ Kiếm Pháp” do Gia Cát tiên sinh truyền thụ.

Gia Cát tiên sinh ở cùng Lãnh Huyết mười ngày, rất nhanh đã đến lúc ông phải đi.

Kinh thành đang mây cuộn gió nổi, biến động không ngừng, có quá nhiều việc cần Gia Cát tiên sinh trở lại lo liệu chu toàn, đấu tranh, kiểm soát.
Nơi quan lại chen chúc nhau như chốn kinh thành, người có cái đầu lạnh chưa chắc biết buông tay, người có thể buông tay lại chưa chắc biết suy xét. Khi đạt đến mức độ vừa thông suốt mọi việc, vừa có thể bình thản buông bỏ thì tiếc thay người sống tóc đã bạc trắng, đáng thương thay người chết đã thành bộ xương khô từ lâu!

Nửa năm sau, Gia Cát tiên sinh lại tới thăm Lãnh Huyết.

- Con luyện “Việt Lộ Kiếm Pháp” đến đâu rồi?

- Con không luyện ạ.

- Thế còn “Việt Đạo Kiếm”?

- Con bẻ gãy nó rồi ạ.

- Vì sao?

- Vì đó không phải kiếm pháp của con, nó không giống con. Cho nên con dùng kiếm pháp người dạy con, khai phá một lộ kiếm pháp khác, thu gọn tám mươi hai chiêu xuống thành một lộ khác tương tự, không có tên gọi, nhưng đó mới là kiếm pháp của con. Hơn nữa, con sợ sẽ đi vào vết xe đổ của Hạ giáo luyện, quá chú trọng vào bảo kiếm mà lơ là luyện tốt kiếm pháp, cho nên con bẻ gãy kiếm, xây dựng một loại kiếm pháp có thể biến bất cứ thanh kiếm nào thành bảo kiếm.

- Ý con là con không những không luyện bộ kiếm pháp ta dạy con, lại còn bẻ gãy thanh bảo kiếm ta tặng con?

- Vâng ạ.

Lãnh Huyết chờ bị phạt.

- Nhưng thanh kiếm gãy đó con vẫn giữ lại, đó là kiếm do Thế thúc tặng con, con không nỡ vứt nó đi. Thanh kiếm đó giúp con ngộ ra rất nhiều.

Gia Cát tiên sinh cười ha hả.

Ông nhìn Lãnh Huyết bằng ánh mắt tán dương:

- Con làm rất đúng. Con bẻ gãy kiếm của ta, tạo ra một loại kiếm pháp khác, như vậy mới đúng là “Việt Lộ Kiếm Pháp,” “Việt Đạo Chi Kiếm.” Khi không có đường kế thừa từ người đi trước hoặc con đường đó không phù hợp thì cứ mở ra một con đường của riêng mình. Thức kiếm pháp vượt đại đạo chân chính nhất định phải do bản thân tự mở ta. Luân thương là đại đạo, thiên lí là nhân đạo, hiệp đạo là kiếm đạo. Quả nhiên con không làm ta thất vọng.

Ông nhấn mạnh từng chữ:

- Bẻ gãy kiếm thật hay!

- Không bẻ gãy kiếm thì không có đường tiến lên.

Ngữ khí của Gia Cát tiên sinh giống như đang nói chuyện với bằng hữu tri giao, cốt nhục thân sinh.

- Sau khi luyện thành tài, con muốn làm gì?

Lãnh Huyết thẳng thắn đáp:

- Hành hiệp trượng nghĩa.

- Với cá tính của con, nếu muốn hành hiệp trượng nghĩa thì chỉ có hai cách.

Gia Cát tiên sinh nói.

- Một là theo ta về kinh, ta sẽ giao cho con xử lí một số vụ án lớn, nếu lập được công, ta sẽ bẩm tấu lên hoàng thượng, sắc phong cho con danh hiệu “Thần Bộ,” từ đó về sau dưới cương vị bộ khoái, con có thể trừ bạo an lương, hành hiệp chấp pháp, trợ giúp ta đánh cường quyền, duy trì chính nghĩa! Con chưa đi tìm Đại Thạch Công, Ca Thư Lãn Tàn, Thanh Sấu Thượng Nhân để học nghệ sao?

Lãnh Huyết đáp:

- Nhưng làm bộ khoái thì có gì hay ạ?

Gia Cát tiên sinh giải thích:

- Nếu làm một bộ khoái tốt, con có thể đường đường chính chính trừ bạo an lương, trừng trị kẻ ác, bảo vệ kẻ yếu.

Lãnh Huyết lại hỏi:

- Như thế nào là bộ khoái không tốt ạ?

Gia Cát tiên sinh:

- Đó là người mượn việc công làm việc tư, giúp kẻ ác làm việc xấu, bóc lột dân chúng.

Lãnh Huyết nghĩ ngợi rồi hỏi:

- Bộ khoái dựa vào đâu để phân rõ trắng đen, diệt trừ cái ác, bảo vệ chính nghĩa?

- Dựa vào “pháp” (luật).

Gia Cát tiên sinh:

- Kẻ nào phạm tội tất phải bị trừng phạt theo luật pháp.

- Nếu quan cao, đại tướng phạm tội thì sao ạ?

- Thiên tử phạm pháp, tội như thứ dân.

- Nếu hoàng đến hành động ngông cuồng, võ đoán chuyên quyền, người có còn trợ giúp, bảo hộ hắn nữa không?

- Hỏi hay lắm!

Gia Cát tiên sinh thở dài, chòm râu bạc không gió mà khẽ động, nhãn thần có thể phát sáng trong đêm tối, toả sáng trước ánh bình minh.

- Ta nhậm chức trong triều, chí không ở công danh, tâm không cầu phú quý, chỉ mong có thể tận lực giúp thiên tử giữ thiên hạ thái bình. Nếu hoàng đế ngang ngược vô đạo, đi ngược lòng dân, ta sẽ liều chết can gián. Khuyên bảo không nghe, ta đành thoái lui. Nếu hoàng đế vẫn mê muội làm phương hại đến giang sơn bách tính, ta sẽ thay trời hành đạo, cho dù là thiên tử cũng không ngoại lệ! Nói ta phản nghịch, ta sẽ phản nghịch! Nói ta tạo phản, ta sẽ tạo phản! Thứ thiên tử ngang ngược vô đạo không xứng làm thiên tử!

Ông ngừng một lát rồi nói tiếp:

- Hôm nay ta nguyện ý tận lực, liều chết vì đương kim thiên tử bởi lẽ vận nước đang suy, chỉ cần hoàng thượng giữ vững tinh thần, quyết tâm mạnh mẽ, trọng dụng hiền tài, quốc lực tất sẽ giàu mạnh, bách tính được sung túc, như vậy ta có chết vạn lần cũng không hối tiếc. Không phải ta chỉ bảo hộ hoàng thượng mà bỏ qua dân chúng, ta cũng không cầu thăng quan phát tài. Dân không no ấm thì sao triều đình đứng vững nổi? Ta chỉ mong có thể bảo hộ biên cương, vỗ yên dân chúng, diệt trừ tham ô, quét sạch ác bá. Ta không sợ bị người đời chỉ trích, chỉ mong không thẹn với lòng mình. Nếu con theo ta, con cũng phải ghi nhớ điều này. Giả sử có ngày con có hành vi tham ô, phạm pháp, ta sẽ bắt giữ con. Giả sử có ngày ta trở nên biến chất, lộng quyền, con cũng hoàn toàn có thể bắt trói ta về chịu tội. Nếu luạt pháp không trị nổi ta thì con cứ một kiếm chém chết ta.

- Có điều, đây là những lời giữa chúng ta, ngoài hai ta, ba vị sư huynh của con cũng hiểu tâm ý của ta.

Gia Cát tiên sinh thận trọng nhắc nhở.

- Những lời này nếu không phải người đáng tin cậy thì không nên tiết lộ, tránh để kẻ khác vu cáo tội đại nghịch bất đạo, âm mưu tạo phản. Chí lớn chưa thành, lỡ chẳng may liên luỵ người vô can thì đâu phải hành vi của người làm nên đại sự!

Lãnh Huyết lắng nghe, ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói:

- Một con đường nữa là gì ạ?

- Con đi làm sát thủ, ta không quản con.

Gia Cát tiên sinh nói.

- Nhưng con chớ giết nhầm người tốt, kẻo rơi vào tay ta.

- Sát thủ?

Lãnh Huyết tròn mắt ngạc nhiên.

- Sát thủ dựa vào cái gì mà giết người?

- Dựa vào lương tri.

Gia Cát tiên sinh nói.

- Giết người nhằm tư lợi cho bản thân là hành vi của một hung thủ vô nhân tính. Những sát thủ vì dân trừ hại, vì nước trừ bạo thì vẫn còn chút đạo lí. Có điều lương tri rất dễ bị lẫn lộn, một khi phán đoán sai lệch, giết nhầm người lương thiện, làm hại người tốt thì chính là tạo nghiệt đó.

- Làm bộ khoái thì không được giết người ạ?

- Đến lúc vạn bất đắc dĩ, đối phương không chịu nhận tội, để hắn sống sẽ càng hại thêm nhiều người, khi đó có thể giết. Có những lúc nếu không giết người sẽ bị người giết, khi đó có thể khai sát giới.

- Xem ra làm sát thủ thoải mái hơn làm bộ khoái nhiều.

- Cho nên mới nói làm sát thủ thì dễ, làm bộ khoái thì khó. Trên phải đối phó đám cẩu quan quyền quý, dưới phải liều mạng chiến đấu với ác bá lộng hành, tuy muốn bảo hộ dân chúng lương thiện nhưng rất dễ bị hiểu lầm, bị khinh miệt. Thực ra làm bộ khoái không phải việc nhàn hạ, cũng không dễ làm tốt.

Gia Cát tiên sinh nói.

- Ta hiểu, trong lòng con cũng hiểu, với cá tính của con, thích hợp làm sát thủ hơn.

Thế nhưng Lãnh Huyết bừng bừng khí thế trả lời:

- Con lại thích làm việc khó!

Gia Cát tiên sinh:

- Sát tính của con quá mạnh.

- Hay là...

Lãnh Huyết thả trí tưởng tượng bay xa.

- ...trước tiên để con làm sát thủ, giết kẻ xấu cho đã rồi quay lại làm một bộ khoái tốt, được không ạ?

Gia Cát tiên sinh cười.

Nụ cười trìu mến như đối với đứa con ruột của mình.

- Sát nghiệp của con quá nặng.

Khi Gia Cát tiên sinh chắp tay sau lưng vừa tự nói một mình, vừa thong thả tản bộ, trông rất đẹp, có thể tưởng tượng dáng vẻ ông thời trẻ đã từng anh tuấn tiêu sái đến nhường nào. Khi trầm tư suy nghĩ là lúc ông đẹp nhất, ngay cả Lãnh Huyết cũng thấy vậy.

- Bất kể con lựa chọn làm sát thủ hay bộ khoái, con vẫn nên tích luỹ chút kinh nghiệm trước, giết vài kẻ địch đáng giết, hoặc bị giết trong tay chúng.

Nghe đến “kẻ địch,” ánh mắt Lãnh Huyết càng sáng hơn.

Tựa như hai vầng mặt trời sáng rực.

- Đương nhiên không phải kẻ địch của cá nhân ta, mà là kẻ thù chung của dân chúng.

Ánh mắt Gia Cát tiên sinh tựa như hai mũi châm.

- Chúng đi ngược lại đạo trời, nên cũng là thiên địch...

Ngữ khí của ông trở nên ngưng trọng như gánh áp lực nghìn cân.

- Phàm là thiên địch, tất có bản lĩnh phi thường, tuy chúng hoàn toàn đáng giết, nhưng không dễ đối phó chút nào...

Lãnh Huyết không cần nghĩ ngợi, đáp:

- Để con thử xem!

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenConvert.NET
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK