Mục lục
[Việt Nam] Bút Vẽ Giang Sơn Mực Tô Xã Tắc- Sưu tầm
Thiết lập
Thiết lập
Kích cỡ :
A-
18px
A+
Màu nền :
  • Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Trong khi các sĩ tử khác còn đắm chìm trong những cảm xúc vui buồn lẫn lộn thì Nguyễn Phong lại đang cảm thấy vô cùng ngạc nhiên, bởi trong hơn sáu trăm cái tên vừa được nêu lại chẳng hề có tên của hắn, Trần Duy hay Văn Thái. Đúng lúc này, vị thái giám vừa tuyên đọc thánh chỉ lại cất cao giọng mà gọi:

“Truyền Nguyễn Phong vào tiếp chỉ!”

“Có học trò!”

Đáp lại một cách thật dõng dạc, Nguyễn Phong liền bước ra hành lễ với Lý Hiền Tông. Nhưng bởi vì cách hành lễ của hắn không đúng theo quy củ của triều đình, nên không ít quan viên đang có mặt tại điện Càn Nguyên đã phải thầm lắc đầu thay cho hắn. Chẳng qua, Lý Hiền Tông lại không mấy quan tâm đến biểu hiện thiếu lễ nghĩa của Nguyễn Phong, thậm chí ông còn mỉm cười mà nói:

“Lúc ở Hoàng Lăng ta đã được chứng kiến biểu hiện anh dũng của khanh, mà nay ở trên điện Càn Nguyên thì tác phong của khanh vẫn mạnh mẽ dứt khoát như vậy, quả đúng là bậc anh hùng trời sinh! Khá lắm, mau bình thân!”

“Tạ ơn hoàng thượng!”

Mơ hồ nghe ra được ý nhắc nhở trong lời nói của Lý Hiền Tông, trong lòng Nguyễn Phong cũng thoáng cảm thấy lo lắng. Chỉ có điều chút lo lắng ấy cũng chẳng thể làm lòng hắn vướng bận, mà trái lại, Nguyễn Phong giờ đây lại càng bình tĩnh hơn khi ứng đối với vị hoàng đế đầy quyền uy này.

Sau khi ban cho Nguyễn Phong được bình thân, Lý Hiền Tông cũng không vội nói bất cứ điều gì với hắn. Thay vào đó, ông lại nhìn sang phía Trần Kiến Quốc, nhẹ giọng mà hỏi:

“Trần thái phó, thương thế của khanh đã đỡ chưa?”

“Đa tạ hoàng thượng quan tâm! Sau khi được các vị thái y điều trị, thương thế của thần đã không còn đáng lo ngại nữa rồi.”

“Nếu vậy thì quả thật là rất tốt! Nhân đây ta cũng muốn hỏi khanh một chuyện. Trong cuộc chiến chống lại âm mưu của ma tộc, khanh thấy biểu hiện của Nguyễn Phong như thế nào?”

“Khởi bẩm hoàng thượng, theo như đánh giá của thần thì chiến thắng lần này có một phần rất lớn là nhờ vào những cống hiến của Nguyễn Phong. Bất kể việc chiến đấu chống lại thủ lĩnh của kẻ địch hay chủ trì trận pháp để đánh bại lũ ma binh đều là những công lao lớn khó có người sánh bằng. Thậm chí, nếu nói rằng Nguyễn Phong là người có cống hiến lớn nhất trong chiến thắng này cũng không quá.”

“Xem ra khanh đánh giá những cống hiến của Nguyễn Phong rất cao. Lê thượng thư, khanh có đồng ý với đánh giá của Trần thái phó không?"

“Muôn tâu bệ hạ, theo ý kiến của thần thì những nhận xét của Trần thái phó là hoàn toàn chính xác!”

Lúc này, Lý Hiền Tông lại chợt nhìn về phía Lâm thái bảo – cũng chính là gia chủ của dòng họ Lâm, trong ánh mắt thoáng qua một nét ý tứ như đã hiểu thấu. Cảm nhận được ánh mắt của hoàng đế, Lâm thái bảo cũng chỉ đành cúi đầu. Mà Lý Hiền Tông cũng không hỏi ý kiến của vị thái bảo này, thay vào đó, ông lại nhìn về phía toàn thể bá quan trong điện Càn Nguyên mà hỏi:

“Trong số các khanh, có ai không đồng ý với ý kiến của Trần thái phó hay không?”

Quần thần đã phần nào hiểu được ý hoàng thượng, thế nên tất cả mọi người đều chắp tay mà tâu:

“Chúng thần hoàn toàn đồng ý với ý kiến của Trần thái phó.”

Khẽ gật đầu tỏ vẻ hài lòng, Lý Hiền Tông lại nhìn về phía các sĩ tử mà hỏi:

“Các khanh có đồng ý với ý kiến của Trần thái phó hay không?”

Toàn bộ các sĩ tử khi được hỏi thì đều lộ vẻ kính cẩn, thế nhưng trong thâm tâm mỗi người lại đã sớm đồng ý từ lâu, bởi vì chính bọn họ mới là những người đã kề vai sát cánh chiến đấu cùng Nguyễn Phong, và cũng chính bọn họ mới cảm nhận được một cách rõ nhất tầm quan trọng của Nguyễn Phong trong trận chiến này. Thế nên, tất cả bọn họ vào lúc này lại đồng lòng mà trả lời câu hỏi của hoàng đế:

“Chúng thần hoàn toàn đồng ý!”

Sau khi đã hỏi ý kiến của toàn bộ mọi người, Lý Hiền Tông lúc này mới lại nhìn về phía Nguyễn Phong mà nói:

“Những lời nhận xét của các khanh về Nguyễn Phong rất đúng! Thế nhưng, công lao của Nguyễn Phong lại to lớn hơn rất nhiều so với những gì mà các khanh đã thấy. Có thể nói, trong cuộc chiến lần này, toàn bộ hoàng thất Đại Việt đều mang ơn của Nguyễn Phong, bởi vì chính chàng trai trẻ này đã báo trước cho chúng ta biết về những dấu hiệu của một âm mưu đáng sợ. Nếu như không nhận được lời cảnh báo ấy thì chúng ta đã không thể kịp thời ứng phó với âm mưu của đám ma tộc, và rất có thể, ngày hôm nay sẽ đánh dấu sự chấm dứt cho cả một vương triều, thậm chí là sự chấm dứt của cả một đất nước.”

Nói đến đây, Lý Hiền Tông lại nhìn thẳng về phía Nguyễn Phong chậm rãi mà nói:

“Nguyễn Phong! Vì những đóng góp to lớn của khanh đối với vương triều Đại Việt, nay trẫm sắc phong khanh làm Kinh Bắc vệ quân chánh võ úy, ban thưởng bổng lộc năm năm, ban thưởng trăm khoanh lụa tốt, trăm lạng vàng ròng. Ngoài ra, trẫm còn đặc cách ban cho khanh một tấm kim bài miễn tử. Trừ khi khanh phạm phải tội phản nghịch, bằng không thì tấm kim bài này sẽ giúp khanh miễn trừ được mọi tội lỗi.”

Lý Hiền Tông vừa dứt lời, không ít quan lại đều lộ rõ vẻ kinh ngạc. Quả thật không một ai trong số họ có thể ngờ được rằng hoàng đế sẽ ban thưởng cho Nguyễn Phong nhiều đến thế. Đúng lúc này, Lâm thái bảo đột nhiên bước ra khỏi hàng, quỳ xuống mà tâu:

“Bẩm hoàng thượng, vi thần cho rằng quyết định của hoàng thượng có điểm chưa thỏa đáng!”

“Nếu vậy thì khanh hãy nêu ý kiến của mình cho trẫm nghe!”

“Bẩm hoàng thượng. Theo vi thần thấy thì Nguyễn Phong vốn là người xuất thân nơi sơn dã, chưa nắm rõ lễ nghi, cần phải cho học lễ nghĩa đầy đủ thì mới có thể bổ nhiệm.”

“Ý của khanh cũng đúng, thế nhưng nhân tài nếu để mai một thì cũng là một điều lãng phí. Chi bằng trẫm sắc phong Nguyễn Phong làm Giám quan tuần sử, để cho Nguyễn khanh đi khắp Đại Việt ta mà học tập lễ nghĩa các vùng miền, đồng thời giám sát công vụ của quan lại địa phương, trừng trị kẻ ác, bảo vệ lẽ phải. Lâm khanh thấy thay đổi như vậy đã phù hợp chưa?”

Lâm thái bảo nghe vậy thì đã biết ý hoàng đế khó đổi, chỉ đành chắp tay mà đáp:

“Muôn tâu hoàng thượng, thần không còn ý kiến gì khác cả!”

Thế rồi, Lý Hiền Tông lại nói:

“Theo quy định của Đại Việt ta, mỗi một tuần sử đều cần phải có ít nhất là hai người phụ tá. Vậy nên, trẫm sắc phong cho Trần Duy và Phạm Văn Thái làm Giám quan phó tuần sử, chịu trách nhiệm hỗ trợ cho công việc của Nguyễn tuần sử. Lại xét đến công lao của hai người bọn họ trong trận chiến này vốn không nhỏ, nên trẫm quyết định ban thưởng cho mỗi người ba năm bổng lộc, năm mươi lượng vàng ròng, năm mươi khoanh lụa quý.”

Chờ cho hoàng đế vừa dứt lời, hai người Trần Duy và Văn Thái cũng tiến đến bên Nguyễn Phong, rồi cả ba lại cùng bái tạ Lý Hiền Tông:

“Tạ ơn hoàng thượng!”

Sau khi nhận được sự đồng ý của Lý Hiền Tông, cả ba người lại cùng lùi về vị trí của mình. Mà lúc này, vị thái giám bên cạnh Lý Hiền Tông lại hô lớn:

“Truyền dân nữ Thanh và tiếp chỉ.”

“Có dân nữ!”

Nhận được ý chỉ của hoàng đế, Thanh mới từ trong hàng ngũ các tu luyện giả bước ra hành lễ với Lý Hiền Tông. Tấm lụa trắng mà nàng vẫn đeo trên mặt đã rơi mất từ khi chiến đấu với gã ma tướng, thế nên lúc này đây, tất cả mọi người đang có mặt tại điện Càn Nguyên đều được chiêm ngưỡng dung mạo xinh đẹp của nàng. Không ít sĩ tử sau khi nhìn thấy dung nhan ấy thì đều trầm trồ, mà ngay cả các quan viên lớn tuổi cũng phải thoáng kinh ngạc một phen. Trong số toàn bộ những người đang có mặt tại nơi đây, chỉ có một số rất ít người là không bị nét đẹp ấy làm cho rung động, mà Lý Hiền Tông lại vừa khéo là một người trong số ít ấy:

“Các khanh! Trong số tất cả những người đã cống hiến cho Đại Việt vào ngày hôm nay, thì người trẫm muốn cảm ơn nhất hẳn sẽ là Nguyễn Phong. Nhưng đồng thời, trẫm còn muốn tự mình cảm ơn một người khác, chính là thiếu nữ tên Thanh này. Nếu không có nàng trợ giúp kịp thời, vậy thì rất có thể ngày hôm nay trẫm sẽ mất đi một người mà trẫm yêu quý nhất. Vậy nên…”

Nói đến đây, Lý Hiền Tông chợt đứng dậy, đưa ánh mắt nhìn về phía Thanh một cách rất chân thành mà nói:

“Trẫm cảm ơn khanh!”

Nhận ra được những lời của vị hoàng đế này là xuất phát từ chính nội tâm, Thanh chợt khẽ mỉm cười, chắp tay mà nói:

“Tấm chân tình của hoàng thượng dành cho hoàng hậu thật khiến dân nữ phải cảm động.”

Nghe được lời ấy, Lý Hiền Tông chỉ khẽ gật đầu. Sau khi đã ngồi xuống ngai vàng, ông mới lại nói:

“Khanh đã có công cứu giá hoàng hậu, lại không ngại nguy hiểm mà chiến đấu với chủ tướng của đối phương, trợ giúp Nguyễn Phong lập lên công lớn. Nếu xét một cách cẩn thận thì ngay cả những đấng mày râu cũng chưa chắc đã làm được như khanh. Nhưng vì quy định của Đại Việt ta vốn không cho phép phụ nữ làm quan, thế nên trẫm không thể sắc phong cho khanh một chức danh phù hợp với công trạng được. Mà nếu như dùng vàng bạc để ban thưởng thì lại không thể hiện được hết những công lao to lớn của khanh. Nếu đã vậy, trẫm sẽ ban cho khanh quyền được đưa ra một yêu cầu. Chỉ cần trẫm có thể hoàn thành được yêu cầu này, vậy thì trẫm nhất định sẽ đáp ứng khanh.”

Lại một lần nữa, lời nói của Lý Hiền Tông đã khiến cho tất cả quan viên trong triều phải kinh ngạc. Mặc dù ông chỉ ban cho Thanh quyền được đưa ra một yêu cầu, thế nhưng nếu xét đến khả năng của hoàng đế một nước thì phần thưởng này quả thật là rất lớn. Thế nhưng, Thanh dường như chẳng hề quan tâm đến giá trị to lớn của phần thưởng này, bởi nàng rất nhanh đã đưa ra yêu cầu của bản thân mình:

“Khởi bẩm hoàng thượng, dân nữ chỉ có một thỉnh cầu! Kính xin hoàng thượng mở một trường dạy học miễn phí dành cho trẻ mồ côi tại thành Đông Long, để bọn họ có cơ hội được học tập và trở thành người lương thiện, có cơ hội cống hiến cho đất nước Đại Việt này.”

Nghe được yêu cầu của Thanh, Lý Hiền Tông không ngờ lại thoáng trầm ngâm. Thế rồi ông lại khẽ gật đầu một cái, tỏ ý tán thưởng với Thanh mà nói:

“Thỉnh cầu của khanh rất hay! Trẫm đồng ý với khanh sẽ cho xây dựng một trường dạy học miễn phí dành cho các cô nhi tại thành Đông Long làm thí điểm. Nếu như các học sinh của trường học này đạt được thành tích tốt thì trẫm sẽ cho mở càng nhiều trường học như vậy trên khắp đất Đại Việt này!”

“Tạ ơn hoàng thượng!”

“Hoàng thượng anh minh!”

“…”

Sau khi Lý Hiền Tông ban bố quyết định này, toàn bộ quan viên và sĩ tử tại điện Càn Nguyên, cũng như tất cả các tu luyện giả có mặt tại nơi này đều đồng loạt tán tụng. Thấy vậy, Lý Hiền Tông chỉ khẽ mỉm cười. Đúng lúc này, hoàng hậu đột nhiên lên tiếng:

“Khởi bẩm hoàng thượng, thần thiếp có một thỉnh cầu!”

Có lẽ là vì trong lòng đang vui, hoặc cũng có thể vì tình cảm nồng đậm giữa hai người, Lý Hiền Tông liền bật cười mà nói với hoàng hậu:

“Nàng nói thử cho ta nghe xem nào!”

“Bẩm hoàng thượng, thần thiếp thấy Thanh là một cô gái vừa đẹp người lại vừa đẹp nết, càng nhìn càng thấy ưa. Mà thần thiếp lại vốn không có con gái, thế nên thần thiếp muốn thỉnh cầu hoàng thượng nhận Thanh làm con gái nuôi, không biết có được hay không?”

Nói đến đây, hoàng hậu không ngờ lại khẽ nháy mắt với hoàng đế một cái. Mà ngoại trừ Lý Hiền Tông ra, không một ai có thể phát hiện ra cái nháy mắt rất tinh ý này. Cũng chính vì lẽ ấy, Lý Hiền Tông sau khi suy nghĩ trong thoáng chốc thì liền gật đầu đồng ý, sau đó nhìn về phía Thanh mà nói:

“Trẫm muốn nhận khanh làm con gái nuôi, khanh có đồng ý hay không?”

Thanh nghe được lời ấy thì rất lấy làm ngạc nhiên, bối rối suy nghĩ một hồi lâu mà vẫn không biết nên quyết định thế nào. Đúng lúc này thì hoàng hậu đã bước đến bên nàng, nhẹ nhàng nắm lấy bàn tay nàng mà nói:

“Con à, ta biết con có lẽ cũng là một cô nhi, từ bé hẳn đã thiếu thốn tình thương của cha mẹ. Mà ta vốn cũng không có con gái, những khi cần một người để tâm sự thì lại chẳng biết phải tìm ai. Thế nên, nếu như con đồng ý thì hãy làm con gái của ta nhé, được chứ?”

Chỉ vài lời thủ thỉ rất giản đơn - nhưng cũng vô cùng chân thành và tình cảm - đã đủ để khiến cho cõi lòng của Thanh rung động. Mười bảy năm sống trên cõi đời này, mười bảy năm không biết đến tình mẹ bao la. Nay bất chợt cảm nhận được thứ tình cảm mẫu tính ấy từ hoàng hậu, hai mắt Thanh chẳng biết đã ửng đỏ từ bao giờ. Một giọt nước mắt nhẹ lăn dài trên má Thanh, còn nàng giờ đây cũng chỉ biết nghện ngào mà gật đầu, cố gắng lắm mới nói được ba chữ:

“Con đồng ý!”

Hoàng hậu nghe vậy thì rất vui mừng, khẽ lấy tay lau đi giọt nước mắt trên má Thanh, sau đó liền kéo nàng đến chỗ ngồi của mình. Mà Lý Hiền Tông khi chứng kiến cảnh này thì trên gương mặt đã nhuốm màu phong sương bất chợt lại lộ ra một nét trừu mến hiếm thấy. Sau đó ông mới nhìn về phía tất cả quan viên bên dưới mà truyền chỉ:

“Các quan viên bộ Lễ nghe chỉ. Trẫm lệnh cho các khanh sớm ngày chuẩn bị nghi lễ sắc phong công chúa, cũng như truyền chỉ của trẫm đến khắp các vùng miền trên đất Đại Việt này. Từ ngày hôm nay, trẫm nhận Thanh làm con gái nuôi, phong hiệu làm Ngọc Thanh công chúa.”

“Ngọc Thanh!”

Ngay khi Lý Hiền Tông vừa dứt lời, Nguyễn Phong đã không kìm nổi mà bật thốt lên một tiếng đầy vẻ ngạc nhiên. Hành động của hắn ngay lập tức đã thu hút sự chú ý của tất cả mọi người tại điện Càn Nguyên, bao gồm cả hoàng đế và hoàng hậu. Và chẳng biết có phải trùng hợp hay không, thế nhưng khi hoàng hậu vừa nhìn thấy Nguyễn Phong thì trong lòng nàng bất chợt nảy ra một chủ ý:

“Hoàng thượng, theo thần thiếp thấy thì Thanh và Nguyễn Phong quả thật là một đôi trai tài gái sắc. Mà từ những biểu hiện của hai người bọn họ khi chiến đấu với ma tộc thì có lẽ cả hai đã sớm tâm đầu ý hợp, dù có phải hy sinh vì người còn lại cũng chẳng ngại ngần. Thế nên, thần thiếp nghĩ rằng hoàng thượng nên ban cho bọn họ một hôn lễ, để mối lương duyên giữa hai người sớm ngày đơm hoa kết quả, trở thành một giai thoại đẹp đáng để dân gian lưu truyền. Không biết hoàng thượng nghĩ sao?”

Tạm không nói đến biểu hiện của Lý Hiền Tông vào lúc này, thế nhưng ngay khi nghe được lời đề nghị của hoàng hậu thì cả Thanh và Nguyễn Phong đều lộ rõ vẻ bối rối. Mà Lý Hiền Tông dường như cũng đã nhìn ra được cảm xúc trong lòng hai người, không khỏi bật cười mà nói với tất cả các quan viên:

“Các khanh xem kìa, ngay đến cả một người gan dạ như Nguyễn tuần sử cũng phải bối rối trước những lựa chọn liên quan đến hôn nhân, thật đúng là chuyện khó tin nổi mà. Ha ha ha, Nguyễn Phong, trẫm quyết định ban cho khanh hôn lễ với công chúa Ngọc Thanh, khanh thấy thế nào?”

Mặc dù Lý Hiền Tông đang hỏi Nguyễn Phong, thế nhưng ý khẳng định trong lời nói của ông thì ai cũng nghe rõ. Ấy vậy mà, ngay lúc mọi người tưởng rằng Nguyễn Phong sẽ đồng ý, thì hắn lại tâu rằng:

“Bẩm hoàng thượng, mặc dù thần và Thanh đã sớm tâm đầu ý hợp, thế nhưng hôn lễ này chỉ e là thần không thể nào chấp nhận được.”

“Tại sao?”

Nghe thấy câu trả lời của Nguyễn Phong, cả hoàng đế và hoàng hậu đều lộ rõ vẻ không hài lòng. Mà nét mặt bối rối của Thanh thì lại nhanh chóng chuyển thành vẻ lo lắng và khó tin, quả đúng như những gì người ta đã nói: bất kỳ cô gái nào cũng trở nên ngốc nghếch khi đã yêu. Thế nhưng, Nguyễn Phong lúc này dường như đã tìm được câu trả lời xác đáng cho chính nỗi lòng của mình, vậy nên biểu hiện của hắn lại dần trở nên bình tĩnh:

“Bẩm hoàng thượng. Theo quy định của Đại Việt thì phò mã chỉ được phép cưới một mình công chúa, thế nhưng trước khi lên kinh thì thần đã có hôn ước với một người con gái khác rồi. Nếu bây giờ thần chấp nhận hôn lễ do hoàng thượng ban, vậy thì thần sẽ buộc phải hủy bỏ hôn ước đã định trước. Như vậy thần há chẳng phải là một kẻ có mới nới cũ, vô tình vô nghĩa hay sao? Mà nếu thần thật sự là một kẻ như vậy, thì thần sẽ không còn xứng đáng với công chúa Ngọc Thanh nữa, và cũng không xứng đáng với sự kỳ vọng của hoàng thượng.

Huống chi, hôn ước của thần là do cha mẹ sắp đặt, mà người đính hôn với thần lại chính là con gái của sư phụ thần. Nếu thần hủy bỏ hôn ước này, thì thần sẽ lại mắc thêm tội bất hiếu bất nghĩa, càng không xứng đáng với công chúa Ngọc Thanh. Thế nên, thần chỉ đành từ chối ý tốt của hoàng thượng và hoàng hậu, kính xin hoàng thượng minh giám.”

“Ha ha ha, thì ra là khanh đã sớm có hôn ước do cha mẹ đặt ra, vậy thì quả thật không thể trách khanh được. Thấy khanh là một người thấu tình đạt lý, có hiếu có nghĩa, có dũng có trung, lại rất trọng chữ tín; cho nên trẫm cũng không ép buộc khanh nữa. Thấy nhưng, nếu chỉ vì trẫm nhận Ngọc Thanh làm con gái mà lại chia rẽ mối lương duyên giữa hai khanh thì quả thật là trẫm cũng cảm thấy không vừa lòng. Vậy nên trẫm đặc biệt cho phép khanh được cưới công chúa Ngọc Thanh, đồng thời cũng được phép hoàn thành hôn ước do cha mẹ khanh sắp đặt. Chỉ có điều, không biết ý kiến của con gái ta thế nào?”

Nhìn thấy nét mặt đã ửng đỏ của Thanh, cùng với vẻ tươi cười đầy e thẹn của nàng, hoàng hậu biết cô gái này đã đồng ý với quyết định của Lý Hiền Tông rồi, chẳng qua là còn xấu hổ chưa dám đáp lời mà thôi. Chính vì thế nên hoàng hậu mới thay Ngọc Thanh đáp lời Lý Hiền Tông:

“Hoàng thượng, thần thiếp nghĩ rằng Ngọc Thanh cũng đồng ý với quyết định của hoàng thượng rồi đó.”

“Ha ha, nếu vậy thì tốt! Thượng thư bộ Lễ! Trẫm lệnh cho khanh đốc thúc các quan viên thuộc bộ Lễ nhanh chóng lựa chọn ngày lành, chuẩn bị đầy đủ các nghi thức cho hôn lễ này...”

Đây là những lời cuối cùng mà Nguyễn Phong còn nghe rõ, bởi tâm trí hắn sau đó đã bị những dòng cảm xúc mãnh liệt chiếm trọn. Thậm chí hắn cũng chẳng biết mình đã rời khỏi điện Càn Nguyên từ lúc nào. Chỉ biết rằng, đêm hôm đó hắn đã uống cùng Trần Duy và Văn Thái rất nhiều, nhiều đến nỗi chính hắn cũng chẳng thể nhớ nổi mình đã uống bao nhiêu.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenConvert.NET
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK