Thiết lập
Thiết lập
Kích cỡ :
A-
18px
A+
Màu nền :
  • Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Khúc sông Như Nguyệt đọan này, phía bờ Nam có một chiếc cầu lớn. Cầu dựng từ hồi Mai Hắc Đế giành được quyền độc lập. Đến nay không ai nhớ người xưa đặt tên như thế nào cho cầu này nữa… Chỉ biết nơi nam ngạn dòng sông có Cầu. Người đời sau nghe nói khúc sông này có Cầu thì ắt nhầm tưởng đây là cầu bắc qua sông… Dòng sông Như Nguyệt khúc này rất rộng, vì thế chiếc cầu bắc qua sông phải lớn lắm. Nhưng thực ra đâu có phải như vậy? Cầu ở đây có nghĩa là cầu Quán. Đó là một ngôi nhà dài nhiều nhịp vì kèo. Số nhịp vì kèo dài ngắn không định số. Có khi là bảy nhịp, có khi là chin nhịp. Mà có khi dài hơn. Trên cầu có lợp mái. Mái ngói ống, mái ngói âm dương, cũng có khi lợp tạm mái gianh mái lá… Cầu có khi làm bên đường quan lộ, nhưng cũng có khi làm ngay trên đương quan lộ. Một khúc đường quan vì lẽ ấy mà được lợp mái. Cầu chỉ có mái chứ không có tường. Hai bên cầu nơi hàng cột tếip nối nhau thường có xây bệ để người qua đường dừng chân ngơi nghỉ… Vào thủa ngàn năm Bắc thuộc, vùng đất châu thổ xứ Giao Chỉ này là nơi hợp lưu của nhiều dòng tôn giáo xa lạ. Trước đây dân bản địa ở đây có một thứ tín ngưỡng riêng biệt sơ khai. Họ thờ các vật tổ các thần sông thần núi, họ thờ tổ tiên và người đã khuất. Niềm tin của họ tự nhiên. Họ nhìn núi nghĩ rằng núi có hồn. Họ thấy sông, nghĩ rằng sông linh thiêng. Đối với họ gió cũng là thần, mưa cũng là thần. Họ chọn một con chim bay trên trời làm vật tổ linh thiêng của mình: Con chim Mơ Linh. Họ chọn một con vật khỏe nhất giúp họ xuống đồng bằng cấy lúa nước thờ làm vật tổ của mình và làm tên của bộ lạc mình Bộ lạc Trâu, tức : Chu Diên… Nhưng rồi những người cạo trọc đầu khóac áo cà sa trăm mảnh cưỡi voi từ núi phía tây sang, họ xếp bằng tròn dưới gốc cây bồ đề mà họ tìm thấy trên đường mòn. Họ không ăn không ngủ. Chỉ ngồi xếp bằng tròn lim dim mắt cầu khẩn lần tràng bằng hạt bồ đề. Ai cho họ gì họ ăn nấy. Từ củ khoai sống, nắm cơm mốc đến miếng thịt gà sống… Khi mọi người xúm lại xem thì họ thuyết pháp về lòng từ bi của Đức Phất về cõi niết bàn… Chính họ là người mang đạo phật đến xứ này… Họ không còn phải ngồi dầm mưa dãi nắng xếp bằng tròn dưới gốc cây. Họ không còn phải ngồi dầm mưa dãi nắng xếp bằng tròn dưới gốc cây nữa. Mà họ đã làm cho dân tin giúp họ, cùng họ dựng chùa chiền, tụng kinh niệm Phật. Tín đồ đạo Phật ngày càng đông. Chùa chiền mọc lên như nấm sau những trận mưa nước mắt của những năm đói khát, những trận mưa máu sau những năm đầy gươm đao tàn sát của bọn ngoại xâm… Kinh phật còn theo dấu chân của những đoàn quân phương Bắc tràn xuống. Cũng từ phương Bắc tràn xuống có những vị tiết đột sứ, những quan huyện lệnh cai trị. Họ mang đạo thánh hiền của ông Khổng Tử, bắt dân phải theo tam cương ngũ thường. Họ mở trừong dạy trẻ con học đạo nghĩa. Dụng đình để truyền trong dân gian lễ giáo thánh hiền. Khắc bia để ghi muôn thủa những lời răn bảo. Lập văn miếu để thời Khổng Tử và bay mươi hai vị tiên hiền… Cái đình của họ ngày xưa chỉ là một cái nhà vuông vức một gian làm trên nền đất cao. Trong dựng bia đá. Mỗi khi có việc, họ gọi dân làng ra đứng quanh nghe họ rao giảng… Người bản xứ ở đây có một nơi tụ họp việc làng, việc chạ. Đó là một cái nhà lớn cả làng góp sức cùng làm nên để tụ họp, thờ cúng theo tục lệ ngàn đời… Vì là đạo của những người nắm quyền nên các vị quan cai trị đã tìm cách biến cái đình nhỏ bé của mình nhập vào cái đình to của dân các làng các chạ. Từ ấy nhà làng nhà chạ cũng biến thành đình… Đạo nho bắt rễ dần vào trong dân dã… Nhưng cùng với bước đi của hai mạch đạo này, có những kẻ khất sĩ phiêu diêu cưỡi trên lưng lừa, khật khưỡng nói toàn chuyện sông núi, trời mây, tiên cảnh… Đó là những pháp sư đạo Lão… Những người tu tiên đi hái thuốc mãi tận trong rừng sâu,trong núi xa, giảng thuyết vô vi trong các mái nhà dựng dọc theo đường quan. Nhà dài gọi là cầu, nhà nhỏ gọi là quán. Cầu quán ra đời chen nhau với đinh, với chùa chiền… Cho đến thời gian của câu chuyện rước lễ vu quy nàng công chúa Thiên Thành về động Kép của phò mã Thân Cảnh Phúc là đến độ thịnh hành cả ba giáo phái trong dân dã Việt Nam… Chỉ có một điều khác bất cứ một nơi nào trong bầu trời bao la của nhân loại, đã từng nổ ra những cuộc chiến tranh của các giáo phái ở đâu cả ba giáo phái đã đến và làm tổ trong lòng đất, trong lòng người dân xứ này. Dân xứ này tiếp nhận tất cả các thức tôn giáo lạ lùng, như con gà mái sẵn sàng mang hơi ấm của mình ấp tất cả những quả trứng gà, trứng vịt, trứng ngan, trứng ngỗng… Các quả trứng chưa thể đánh nhau dưới sức ấm nóng của sự ấp ủ của mái gà…

Cái quán trên bờ nam sông Như Nguyệt ở khúc bến đò này có lai lịch như vậy. Nhà nho theo đạo thánh hiền, nhà sư thờ Phật, và những người dân giáp động chưa kịp tin thờ điều gì ngoài tín ngưỡng cổ sơ của tổ tiên cũng dừng chân tại quán này… trên con đường thiên lý nam bắc…Họ ngồi nghỉ ngơi bên nhau và chẳng hề có chút gì hiềm khích. Chỉ có những người cầm đầu các giáo phái, những nhà sư, những nhà ngo, những bậc tu tiên là có thì giờ bài bác nhau, chống đối nhau mà thôi… Còn vua nhà Lý kể từ thời vua Thái Tổ đều tìm mọi cách hòa hợp mọi giáo phái như dân gian đã hòa hợp, đã dựng đền bên chùa, dựng quán bên đình, dựng cầu ngay trước Văn Miếu, để đưa thần cũ của mình vào thờ cả trong đền, trong chùa. Vì thế đến thời Thánh Tông nhà vua đã mở khoa thi tam giáo đồng nguyên, bắt tất cả các sư dưới mọi hình thức của cả ba giáo phái đến triều đình thì, và kén những người tài ra giúp nước. Nhưng nói gì thì nói, vào thời các vua nhà Lý đạo Phật vẫn là đạo đã bắt rễ rất sâu vào lòng đất và lòng người xứ này…

Vì có cái cầu như thế trên bờ nam khúc sông Như Nguyệt này nên nhiều người dừng lại nghỉ ngơi buôn bán khi qua sông đợi đò rồi dần dần họp thành chợ. Chợ này có lợi thế ở ngay trên bến sông, lại là nơi hội tụ hàng hóa ngược xuôi từ nam lên bắc, từ các khê động thượng đạo xuống, các làng mạc trù phú nhiều nghề thủ công vùng chiếng bắc kéo lên. Lại là nơi bến sông ngang dọc chuyển hàng từ phía tây về, từ chiếng đông ngược lên… Sản vật đầy ắp, người đi mua bán như trẩy hội. Vì chợ họp ngay trên mảnh đất có cầu quán nên người ta gọi tên chợ này là chợ Cầu cho tiện ghi tiện nhớ. Và bến đò nối hai bờ nam ngạn bắc ngạn, nối đất của vua Lý với đất của dân động bắc, cũng được gọi là bến chợ Cầu. Rồi cũng vì thói quen người dân khắp nơi gọi cả khúc sông chảy qua đây là khúc sông Cầu… Rồi từ tên gọi của một khúc sông, người gọi chung cho cả một dòng sông… Nhưng có lẽ khi xảy ra câu chuyện này, tên đó mới được gọi cho một cái chợ, một bến sông mà thôi.

Và ngày hôm nay không phải là ngày phiên chợ của vùng này, nhưng hàng ngàn hàng vạn người đã trẩy về đây như trẩy hội. Kẻ từ các khê trong ba mươi sáu khê thuộc Giáp động xưa, ngày nay là động Kép. Người ta khắp vùng chiếng Bắc, từ rừng Báng, cầu Lim, cầu Vồng, Siêu Loại kéo lên… Người đã kháo nhau về đám rước dâu chưa từng thấy của phò mã Thân Cảnh Phúc đón công chúa Thiên Thành về khê động, làm bà chúa khể động. Người đi xem rước dâu, người đi đón chúa động chen lấn nhau. Quán hàng mở ra san sát. Trai gái gặp nhau hát giao duyên theo lệ tục cổ…

Cũng vì lúc bấy giờ, ba giáo phái cùng vào làm tổ trong đời sông của vương quốc này và được thần dân ở đây chấp nhận vì lẽ đó mà đám rước dâu và đám cưới này mang đủ màu sắc của đạo nho, đạo lão, đạo phật, và tuân theo cả tập tục người dân khê động lẫn tập tục của người dân Kẻ chợ lâu đời… Trước nhà vua, lể thân nghinh làm đúng nghi tiết mà đạo nho quy định thành sách vở. Nhưng ra cung Thái phi nhiếp chính bên chùa Diên Hữu, thì lại có sự tụng kinh niệm phật. Thánh chuông cầu nguyện. Bước qua cửa Đại Hưng, các thuật sĩ ở đền Khổng Lột đóng khánh làm lễ tràng sinh bất tử…Nhưng lệ đón dâu lại là lệ của dân khê động ngày xưa cùng với tục cưới hỏi của dân bản địa… Lệ không đi đón dâu và rước dâu về một đường. Thủa còn sống trong thời bộ lạc, người ta thường đi một đường về một đường để phòng bị thú dữ rình mò, kẻ thù theo dấu phục kích… Vì thế chuyện cưới xin hệ trọng, người ta cũng giữ nguyên cái lệ cũ đi một đường về một đường. Từ động Kép về Thắng Long có hai con đường lớn. Một đường qua bến Như Nguyệt một đường qua bến chợ Cầu. Nguyên đường qua bến Như Nguyệt cũng có hai ngả rẽ khác nhau. Ngã rẽ thứ nhất là con đường tắt qua các kẻ Đông, kẻ Yên, kẻ Thụy, kẻ Lôi, kẻ Vĩ, kẻ Dục rồi qua sông Cái vào Thăng Long. Đường này chỉ dài hơn hai mươi dặm. Nhưng là một con đường phải đi qua nhiều chỗ lầy lội. Trong đó có ba nơi lầy lội nổi tiếng đã thành câu ca: Thứ nhất là cửa đền Xà, thứ nhì cầu Giao, thứ ba kẻ Điềm…Còn đường thứ hai là đường qua Nguyệt Cầu, xuyên Trác Bút, Nẫm Sơn về rừng Báng, nhập vào con đường chính đạo về Thăng Long. Vì muốn giữ cho iệc đi đón dâu một đường, đưa dâu về một đường, nên phò mã Thân Cảnh Phúc đã đi theo con đường tắt ngắn nhất, sai quân chở tre nứa từ trên động về rải ba chỗ lội để đoàn rước dâu đi. Nay rước dâu về , phò mã họ Thân chọn con đường chính đạo, từ Thăng Long nhằm thẳng đến rừng Báng. Tại đây, phò mã dưới sự hướng dẫn của quan Tiết Chế vào tế lăng miếu của các bậc tiền đế. Nhưng lại theo các ý của các nhà sư chấp chính, hai vợ chồng dắt nhau vào lễ ở ngôi chùa Long Giáng. Truyền rằng ngày xưa thủa hàn vi vua Thái Tổ đã từng đi tu ở chùa này. Rồi từ rừng Báng, hai vợ chồng phò mã cùng đám rước vĩ đại của mình đến tận chùa Siệu Lọai, dâng hương hoa để bái vọng bà nhiếp chính Thái phi. Rồi lại theo lời khuyên của bà Thái phi Ỷ Lan hai vợ chồng phò mã lên dự lễ đặt gạch, đào móng xây ngôi chùa lớn để thờ bà Thái hậu Thượng Dương, bà nhiếp chính thái phi Ỷ Lan cảm thấy vô cùng hối hận. Bà truyền lệnh cho dựng bảy mươi hai ngồi chùa nhỏ, và một ngôi chùa to để thờ bảy mươi hai bà phi cùng cung tần của vua Thánh Tông đã phải chết cùng bà Thái hậu Thượng Dương. Việc này sẽ vô cùng tốn kém, nhọc sức dân vô kể vì thế quan Tể chấp Lý Thường Kiệt tìm mọi cách khuyên can. Thái phi nhiếp chính Ỷ Lan lắng nghe một cách chăm chú, nhưng cứ ra lệnh cho Bộ Công lo việc tạo tác. Ngay trong đám cưới linh đình này thì ngôi chùa thứ nhất của bảy mươi ba ngôi chùa đã được xây nền đặt móng. Việc này làm quan Tể chấp bấm bụng thua gan người đàn bà sắc sảo. Nhưng đến nơi đặt móng xây chùa nghe dân gian bàn bạc, quan Tể chấp mới hiểu rằng, cái việc làm tưởng chừng chỉ vì lòng mê tín rất đàn bà xui khiến kia lại là một việc làm được lòng dân. Lòng dân hướng về nhà vua và bà nhiếp chính.

Sau khi dự lễ đặt gạch, hai vợ chồng phò mã cùng đám rước dâu thẳng đường quan lộ nhằm thẳng bến chợ Cầu mà đi tới. Tại đây như đã được phi báo trước, vị Tể chấp tiết chế của triều đình sẽ chính thức làm lễ tiễn công chúa về làm dâu động Kép. Vì thế mà dân chúng trăm họ kéo nhau về đông như nước chảy…

Cả cái khối người rực rỡ náo nức chờ đợi ấy bỗng rung động hẳn lên như bầy ong vỡ tổ, khi nghe thấy dàn trống đồng và chiêng đồng gầm lên như sấm động của đám rước dâu sắp tới. Họ lập tức chen lấn nhau, đổ xô về phía con đường từ kinh đô lên… Nhưng họ lại bang hoàng đứng sững cả lại, vì ở phía sông, cả dòng sông như nổi giông bão vang lên tiếng trống đồng và chiêng đồng đáp lại. Hàng vạn con mắt ngước nhìn ra phía bến sông, và cả vạn con mắt đều đứng nguyên tròng vì kinh ngạc. Vì trên con sông, từ phía thượng nguồn đổ xuống, từ phía hạ lưu ngược lên bỗng nhiên xuất hiện ba mươi sáu chiếc mảng lớn. Loại mảng ken bằng những cây luồng, dài hàng trượng. Cứ nhìn vào tầm nổi của mảng, những người dân quen sông nước biết ngay rằng lọai mảng này chồng mười. Nghĩa là mảng đóng bằng cách chồng một lớp dày bằng mười thân cây luồng lớn, kể từ đáy lên mặt luồng dài ken dày, sàn rộng, nên mỗi tấm mảng rộng như một cái sân. Trên mỗi mảng đều giương một sắc cờ riêng của từng khê động, ba mươi sáu khê động thuộc quyền tù trưởng động Kép là phò mã Thân Cảnh Phúc có ba mươi sáu mảng lớn, dựng ba mươi sáu lá cờ. Trên mỗi mảng có một bộ trống chiêng và nhiều giáp sĩ… Các giáp sĩ mặc võ phục rực rỡ, khoác trên mình những tấm da hổ, da báo, da hươu, da nai mà họ săn bắn được; cắm trên vành khăn những bộ lông công, lông chim trả mầu sắc lộng lẫy… Theo nhịp trống chiêng, những chiếc mảng lạ lùng và hùng tráng ấy tiến lại gần nhau cùng với nhịp mái chèo khua nước… Và chỉ trong một chớp mắt, ba mươi sáu chiếc mảng đã áp sát vào nhau, nối từ bờ nam sang bờ bắc. Các võ sĩ nhau thoăn thoắt, giằng buộc những sợ dây mây đan kết và những sợi song dài, làm cho chiếc bè này kết chặt với chiếc mảng kia. Tất cả trở thành một chiếc tàu dài vững chắc. Những võ sĩ khác, cắm những chiếc cọc tre cật sâu xuống dòng sông… Thuyền con chạy ngang chạy dọc như mắc cửi để kéo dây song giằng cả chiếc cầu phao nối với hai bên bờ… Tất cả mọi việc đều diễn ra một cách nhịp nhàng đẹp mắt khác nào một điệu múa nghi lễ trên mặt sông…Khi chiếc cầu phao lớn đã dựng xong thì đoàn rước dâu cũng vừa mới tới mí nước của bờ nam… Các võ sĩ làm xong công việc, lập tức theo nhịp vỗ của cồng, đứng dạt sang hai bên mép bè, giương giáo sáng lóa, nâng khiên ngang ngược tạo thành hai hàng binh danh dự Lý Thường Kiệt mải mê ngắm những chiến sĩ khê động thao diễn đến mức quên cả nhiệm vụ chính của mình lúc này. Ông buộc miệng than rằng: Đại hồng phúc cho nhà Lý ta kết liên được những dũng sĩ khê động trong đại gia đình của mình… Đúng là những tráng sĩ thiện chiến hiếm có trên cõi đời này…

Mải mê quá đến mức Lý Chăm phải đến bên và trình rằng:

- Thưa tướng quân Tiết Chế tể chấp đã đến lúc làm lễ tiễn phò mã và đưa công chúa…lễ này theo lệnh bà nhiếp chính giao thì tướng quân là người chủ lễ đấy ạ…

Đến lúc ấy Lý Thường Kiệt mới giật mình, nhớ ra trách nhiệm vô cùng hệ trọng của mình. Lễ này do nhà Lý đặt ra. Không dựa vào lệ hôn phối và tất cả nghi tiết của bất cứ đạo nào, dù đạo nho đạo phật hay đạo lão. Theo lệ này, hễ một công chúa triều Lý nào xuất giá ra biên thùy thì vị tướng cầm quân đầu triều phải thay mặt nhà vua đưa dâu đến tận biên thùy giáp động. Vị tướng đó phải thay mặt vua làm lễ uống máu ăn thề, cùng phò mã. Bởi vì kể từ giờ phút này, phò mã đã là rể của triều đình, nhưng lại là tướng của TIết Chế nguyên súy. Một lọai tướng đặc biệt: Vừa là kẻ dưới quyền, vừa là khác đáng trọng, vừa là bạn đồng minh. Việc chỉ huy những thuộc tướng như thế này rất khó, vì thế mà từ thời Lý Công Uẩn, đã định ra cái lệ cắt máu ăn thề giữa vị tướng thống suất quân đội cả nước với các phò mã.

Nhớ ra trách nhiệm hệ trọng của mình, Lý Thường Kiêt phất tay áo. Ngay lập tức từ hai phí có hai võ sĩ tiến lên đi hai bên vị tướng. Đi bên tả theo lệ cũ bao giờ cũng là một võ sĩ của giáp động, có thể là em ruột hay người nội tộc thân cận nhất của phò mã. Đi bên hữu bao giờ cũng là viên tướng trấn đạo giáp ranh với đất khê động của phò mã. Người bên hữu, hai tay cầm một chiếc sừng trâu rừng nạm vàng đựng đầy rượu. Người bên tả hai tay nâng một thanh trủy thủ.

Lý Thường Kiệt oai phong bước lên đài cao bằng gỗ trải da hổ. Hai võ sĩ tùy tùng đứng hai bên. Phò mã Thân Cảnh Phúc nhảy xuống ngựa, sụp lạy, rồi tiến lên đài. Người võ sĩ bên tả quỳ xuống trước mặt Tiết chế Lý Thường Kiệt và phò mã Thân Cảnh Phúc, hai tay dâng cao chiếc sừng đựng đầy rượu quý. Người võ sĩ bên hữu cũng khụyu chân dâng thanh trủy thủ, Lý Thường Kiệt đón lấy thanh trủy thủ, còn phò mã Thân Cảnh Phúc đón lấy chiếc sừng rượu. Lý Thường Kiệt cầm lưỡi trủy thủ, đưa ngón tay trỏ của bàn tay phải ra trước miệng sừng rượu, và cắt mạnh một nhát. Máu tưới ra, giọt thành giọt xuống rượu. Thân Cảnh Phúc nghiêm trang trao sừng rượu vào tay Lý Thường Kiệt và đón lấy thanh trủy thủ. Phò mã cũng cắt máu ngón tay trỏ của mình vào chiếc sừng rượu. Hai dòng máu hòa vào nhau. Lý Thường Kiệt lắc mạnh rượu trong sừng. Các tia máu đan kết lấy nhau, rồi hòa vào nhau trong thứ rượu mạnh. Tiếng trống đồng đổ hồi trầm hùng khi người chủ lễ cắt máu ăn thề giơ cao chiếc sừng rượu hòa trộn máu của người chịu lời thề khi sừng rượu giơ lên đến đỉnh đầu nơi chiếc mũ soái lấp lánh ánh vàng, thì tất cả các thứ trống chiêng đồng đều nhất loạt im phăng phắc. Lý Thường Kiệt mới cất tiếng nói rằng:

- Máu cắt từ cánh tay cầm gươm… Máu hòa trong rượu… dâng trước thần linh sông núi.

Tiếng nói của vị Tiết chế vừa dứt thì lập tức chin dũng sĩ giương chin chiết loa miệng rộng ống dài, người trong quân gọi là dũng sĩ truyền đãi lộ, cất giọng nuốt sóng át gió truyền đi lời thề của Lý Thường Kiệt, lắp lại từng lời từng chữ cho hàng vạn dân chúng cùng nghe… Cứ thế lời thề được được cất lên và được nhắc lại vang rền như sấm động…

- … Trước để thần linh sông núi chứng giám… sau là hai bên tuyên đọc lời thề cùng uống máu của nhau… Uống vào để kết tình giao hiếu như người cùng máu mủ ruột rà… Thề rằng… Giữ tình máu thịt giữa khê động và triều đình… Dù đến chết cũng không dời đổi… Kẻ nào trái lời thề, kẻ ấy bị thần linh vật chết…bị người người oán hận…

Thề xong, Tiết chế nguyên súy tể chấp Lý Thường Kiệt ngửa cổ uống một ngụm rồi đưa cho phò mã Thân Cảnh Phúc… Phò mã nghiêm trang nhắc lại lời thề của Lý Thường Kiệt vừa tuyên đọc. Lính võ động truyền đại lộ lại truyền đi lời thề đó cho hàng vạn người đang đứng chặt bên sông lắng nghe.Dứt lời thề trong tiếng chiêng trống vang động. Thân Cảnh Phúc ngửa cổ uống một ngụm rượu trong cái sừng trâu nạm bạc. Tiết gào thét hưởng ứng vang động của quân sĩ và động đinh rung động cả dòng sông… Chợt phò mã xòe bàn tay phải còn tướp máu lên cao. Lập tức tiếng chiêng tiếng trống tiếng la hét nín bặt. Thân Cảnh Phúc hướng về Lý Thường Kiệt mà thưa rằng:

- Thưa tướng công Tiết chế tể chấp, lời thề của chúng ta đâu phải chỉ chúng ta thực hành, mà tất cả thần dân có mặt ở đây và không có mặt ở đây phải lấy máu mình mà giữ… Bởi nhẽ đó, tôi xin được đổ rượu có hòa máu của tướng công và của tôi xuống dòng sông này , để mọi người cùng uống…

Việc này không thấy ghi trong tiết lễ nhưng là một vị tướng có tài quyền biến, nên đã nhận thấy ngay cái nghĩa lớn của hành động này, ông bèn gật đầu ưng thuận. Phò mã bèn nâng cao cái sừng rượu hòa máu người thề đi thẳng xuống bến sông men theo bờ đi ngược về phía đầu nguồn; tiếng trống gầm lên theo mỗi bước chân đi của người tù trưởng động Kép, phò mã của triều đình. Đến đúng chỗ ghềnh đá, Thân Cảnh Phúc mới nói lớn:

- Ta hòa rượu, hòa máu ta và tướng công Tiết Chế vào nước dòng sông này… Hỡi những người anh em tin cẩn của ta, hỡi những người anh em làm chỗ dựa cho ta… hãy hòa chung giọt máu thề cùng sinh tử trên dòng sông này…

Dứt lời phò mã Thân Cảnh Phúc dốc chiếc sừng rượu thề đổ những giọt rượu hòa với máu xuống dòng sông. Lập tức từ trên sông và trên hai bên bờ mênh mông, hàng vạn tiếng hô đồng thanh gầm lên cùng tiếng trống đồng đổ hồi như sấm rền… Xin thề … Xin thề… Xin thề… Tiếng vang động vọng tới tận vách nùi xa tưởng chừng vang tới tận Quỷ môn quan, tận ải Chi Lăng… và dội về tận đất kinh đô Thăng Long qua tiếng ngân gióng giả hòa theo của hàng ngàn quả chuông trong các chùa lớn nhỏ, hàng ngàn cái khánh trong các cầu quán bên đường… Tiếng xin thề… xin thề cứ thế vang vọng mãi… Vang vọng trong lúc hàng vạn những dũng sĩ giáp động những hào kiệt bốn phương, những người lính cấm binh, những tráng đinh đang được triều đình gửi binh trong đồng ruộng làng chạ, theo chính sách ngụ binh ư nông….tất cả… tất cả ra bên sông, rút gươm, rút mác, rút trủy thủ cắt máu tay mình hòa với nước dòng sông… và cùng vục nước sông pha máu của cả vạn con người thề sống chết có nhau để uống…

Nhìn cảnh tượng này vị Tiết Chế tể chấp Lý Thường Kiệt ứa nước mắt như muốn khóc. Một vị tướng cầm quân giữa nước nào mà lại không cảm động trước cảnh tượng tướng sĩ tốt một lòng cắt máu ăn thề, lấy máu mình hòa với nước sông làm rượu như thế này… Lý Thường Kiệt run run bước xuống mép nước, cúi mình vục hai bàn tay xuống làn sóng hình như đã nhuộm màu đỏ máu của hàng vạn dũng sĩ và uống ừng ực như một người khát giữa sa mạc…

Trong lúc đó Thân Cảnh Phúc đã múc đầy nước sông hòa máu của hàng vạn người cắt ra ăn thề dâng lên vị Tiết Chế tể chấp mà thưa rằng:

- Dân Kép động chúng tôi, là phận tôi con của triều đình, xin cậy tướng quân mang sừng rượu thề này về Thăng long dân đức vua và tâu với người rằng, dân động Kép chúng tôi sống chết giữ vững phên giậu của đất nước, làm chiếc áo giáp vững chắc của kinh đô… đó là lời thề của động Kép chúng tôi…

Lý Thường Kiệt nhận chiếc sừng rượu thề và sai những viên cận tướng rước lên chiếc kiệu danh dự… Sau đó lễ tiết đưa dâu bắt đầu. Vị tướng công Tiết Chế tể chấp khẽ vẫy tay, lập tức từ phía sau xuất hiện những cái kiệu sơn son thếp vàng đặc biệt. Đó là những chiếc kiệu kỳ lạ chưa ai thấy. Trên kiệu không có bài vị như kiệu thờ thần, không có đặt tượng như kiệu thờ phật, không có chỗ ngồi như kiệu rước các vị tể phụ trong triều… mà trên kiệu có đan những sợi tre ngà vót tròn như tăm vàng óng. Đó là một loại nhà đặc biệt kết bằng tre ngà đan khéo như hình những lâu đài… Trong đó có hằng hà sa số những loại chim đặc biệt. Thì ra đó là những chiếc kiệu chim. Những chiếc kiệu chim được mang đến trước mặt vị Tiết Chế… Lập tức như đã sắp đặt trước, công chúa Thiên Thành vén màn gấm từ kiệu của mình bước ra. Vẻ đẹp của nàng công chúa làm chấn động cả khối người đông đảo đứng tràn ra hai bên đường và trên các ngọn đồi cao hữu ngạn. Những võ sĩ cầm giáo giữ nghiêm quân lệnh không dám nhúc nhích khi công chúa xuất hiện, ai nấy tuy đứng nghiêm như những pho tượng đồng nhưng mắt vẫn hướng về nơi mỗi bước chân công chúa bước tới…

Công chúa bước tới bên phò mã. Hai người dắt tay nhau đến trước vị Tiết chế thay mặt triều đình và quỳ xuống.

Một dũng sĩ từ phía sau tiến lên hai bước, dâng một chiếc mâm vàng, trên phủ một tấm vóc Đại Hồng. Lý Thường Kiệt mở tấm vóc. Trên mâm sáng chói một thanh kiếm báu đã rút khỏi bao. Bao kiếm gắn kim cương và hồng ngọc. Lý Thường Kiệt nâng thanh kiếm trao cho phò mã Thân Cảnh Phúc và truyền rằng:

- Từ nay, triều đình trao kiếm bau cho phò mã… Đây là kiếm lệnh giữ vẹn kỷ cương trong nước… Phò mã thay mặt triều đình trấn thủ ở miền biên cương. Khi phò mã giơ cao thanh kiếm này, bất cứ ai không tuân lệnh giữ nước, phò mã có toàn quyền xử trí theo luật lệ của bản triều…

Thân Cảnh Phúc giơ hai tay đỡ thanh gươm, nâng lên ngang mày. Lý Thường Kiệt lại cầm chiếc bao gươm lấp lánh kim cương và hồng ngọc trao cho công chúa Thiên Thành và truyền rằng:

- Kể từ nay, công chúa được nhà vua trao cho giữ chiếc bao gươm cho phò mã… giữ việc nội tướng của một bậc vương thân ở ngoài biên ải… Công chúa không được quên đạo làm vợ, đạo làm tôi của mình…

Công chúa Thiên Thành cũng giơ tay đón chiếc bao kiếm và như chồng, nàng đưa lên ngang mày. Lễ trao kiếm vừa dứt thì tiếng trống dồn dồn nhịp trống chiến trận vang lừng. Phò mã Thân Cảnh Phúc đứng trước đàn, đón tấm khiên vàng do một túc thủ dâng lên và tay khiên tay kiếm, phò mã múa bài khiên của dòng dõi thân vương triều Lý. Chính bài múa khiên mà mỗi lần về tế thái miếu, các vua nhà Lý thân chinh tay khiên tay kiếm múa thở trước bài vị của tổ tiên... Và cũng chính tại kinh đô Chiêm Thành nhân ngày chiến thắng Lý Thánh Tông đã múa bài khiên hùng tráng này trước ba quân trong lễ cáo tại cung điện Đồ Bàn...

Hàng trăm trống đồng, hàng trăm chiêng núm, hàng trăm chiêng bằng, hàng trăm cồng trận đều gióng lên theo nhịp uyển chuyển vũ bão của mỗi đường gươm thế phò mã...

Dứt bài khiên thờ bí truyền, công chúa Thiên Thành mang bao gươm dâng cho phò mã. Trước khi tra gươm vào bao, phò mã quay đầu về phương Nam nơi kinh thành Thăng Long, vái vọng ba vái, rồi cất gươm trong bao và trao cả bao lẫn gươm cho công chúa giữ...

Một võ sĩ khác từ phía sau xuất hiện dâng lên trước mặt Lý Thường Kiệt một chiếc khay vóc vàng kim tuyến. Lý Thường Kiệt mở tấm vóc thì trên khay để một hình con hổ đang vươn mình trong một thế đứng rất oai phong lẫm liệt... Lý Thường Kiệt cầm giơ lên và truyền rằng:

- Đây là hổ phù ban cho tướng thân vương ngoài biên ải... Tự tay phò mã phải chặt đôi hổ phù bằng thanh gươm báu vua ban.

Công chúa dâng gươm cho chồng. Tiếng trống gầm lên nhạc điệu hùng tráng, Lý Thường Kiệt tung hổ phù lên trời. “Con hổ” như mọc cánh bay, Phò mã Thân Cảnh Phúc bằng một thế võ khẽ nhảy lùi nửa bước, tung gươm báu ra. Một tia chớp loá trước mắt mọi người. Một tiếng choang như tiếng khánh ngân lên. “Con hổ” lập tức bị gươm sắc ngọt cắt làm đôi chia ra làm hai nửa, bay bổng lên thành hai cái cầu vồng, hai ánh sao băng lấp lánh ánh kim. Hai võ sĩ đã chờ sẵn đón bắt hai nửa “con hổ”, Phò mã lùi lại một bước và trao gươm cho công chúa rồi quỳ xuống trước mặt Lý Thường Kiệt. Hai võ sĩ dâng lại hai nửa “con hổ”, Lý Thường Kiệt đón lấy và chắp lại thành “con hổ” còn nguyên vẹn. Giọng vị tiết chế cất cao:

- Kể từ giờ phút này, ta trao hổ phù cho tướng quân... Tướng tuân toàn quyền định đoạt việc biên ải... Trên chỉ nghe lệnh triều đình, dưới tự quyền tiết phát... Kể từ nay, chỉ có viên tướng nào mang một nửa mảnh hổ phù này, khớp đúng với hổ phù của tướng quân mới có quyền truyền lệnh triều đình cho tướng quân... Trao hổ phù là trao quân mạng...

Lý Thường Kiệt trao cả hổ phù cho phò mã Thân Cảnh Phúc. Phò mã đón lấy tự tách làm đôi, rồi dâng trả lại một nửa cho tướng công Tiết chế Lý Thường Kiệt. Cầm một nửa hổ phù, phò mã lại quay đầu về hướng kinh đô và làm lễ nhận quân mạng bái vọng nhà vua. Tiếng trống đồng lại gầm lên theo nhịp lễ tiết. Xong đâu đấy Lý Thường Kiệt mới gọi công chúa Thiên Thành lại và nhủ rằng:

- Từ nay công chúa là con của vua Lý nhưng là vợ của người đứng đầu biên ải, làm bà chúa của động Kép... Đường xá xa xôi cách trở, lúc bình lúc biến khôn lường... Vì nhớ thương công chúa, nhà vua bắt đàn chim con của đàn chim nuôi trong vườn thượng uyển gửi làm quà cho công chúa, để công chúa nhớ rằng chim bao giờ cũng bay về tổ cũ... Có tin tức gì hệ trọng công chúa cứ gửi theo cánh chim này. Đàn chim sẽ bay về triều đình, nối mối dây thân tình giữa nội cung và người con ở ngoài biên ải... mong công chúa chớ bao giờ quên lòng của nhà vua và của Thái phi nhiếp chính gửi theo cánh đàn chim này...

Công chúa và phò mã lạy tạ và nhận đàn chim... Phần lễ tiết đã hết, nhưng do hảo ý của phò mã và do ý muốn của dân động Kép muốn tỏ rõ sức mạnh hùng cường của mình trước vị Tiết Chế, phò mã Thân Cảnh Phúc đã ngắm sai các thuộc tướng của mình lấy áo giáp và binh khí bắt được của quân nhà Tống trải kín nhịp cầu đón công chúa sang sông về động biên ải... Công chúa hiểu ý chồng mình, đã xin phép được đi chân trên cái cầu dài giữa hai hàng giáp sĩ,chân bước lên nào cờ suý, nào khiêng, nào gươm giáo của quân Tống để đến nơi làm lễ lạy mẹ chồng... Nửa cầu bên này công chúa đi giật lùi,vừa đi vừa ngoái đầu hướng về chốn kinh đô từ nay nằm vĩnh viễn ở phía trời nam, nửa cầu phía sau, công chúa hướng về phía mẹ chồng. Thực ra mẹ chồng của công chúa cũng chẳng phải ai xa lạ, đó chính là công chúa Bình Dương con gái thứ chín của vua Lý Thái Tông, vốn là em gái của vua cha Lý Thánh Tông. Hơn hai mươi năm trước đây công chúa Bình Dương đã bước qua bến sông này... Bước qua để kết duyên cùng con trai một bà công chúa cô mình đã được phong làm tù trưởng ấp trại phu nhân. Nay bà lại ra đón đứa cháu gái về làm con dâu của mình... Bỗng nhiên bà ứa nước mắt nghĩ đến thân phận những người con gái cành vàng lá ngọc ra đi vì mệnh nước, mang tấm thân yếu đuối của mình đan kết tình nghĩa của vương quốc mới khai sinh...

Nhưng hôm nay là ngày vui chưa từng có trên vùng sông nước giáp gianh này, giữa không khí hội hè và niềm vui của hàng vạn con người từ khê động kéo về từ làng chạ kéo lên, thì ai có thì giờ đâu mà chú ý rằng trên khoé mắt của bà chúa động Kép, mẹ của phò mã Thân Cảnh Phúc có một giọt nước mắt ngưng đọng, khóc vì một lẽ nào đó thầm kín không thể nói cùng ai, ngay cả với người con dâu mà số phận dun dủi đi đúng bước đường của mình...

Không một ai có thì giờ để nhận thấy một thoáng buồn cố ghìm lại trong ánh mắt của vị tướng giữ quyền Tiết Chế mọi binh lực và kiêm giữ chức tề chấp trong triều... Một con người quyền hành nghiêng nước nghiêng thành như thế có ai dám nghĩ rằng đang cố giấu trong lòng một nỗi buồn sâu thẩm giữa cảnh đất trời như cũng đang hoà cùng niềm vui sum họp...

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenConvert.NET
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK