• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Cuộc họp trong Hành trung doanh của đạo quân xâm lược rất ít người và chỉ gồm các tướng lĩnh cao cấp nhất: Đại nguyên soái Trấn Nam vương Thoát Hoan, Phó nguyên soái Nam Bình hầu A Lý Hải Nha, Tham trí chính sự Vạn hộ hầu Dũng sĩ Lý Hằng và các Vạn hộ hầu Nạp Tốc Lạt Đinh, Lưu Thế Anh...

Thoát Hoan mở cuộc họp này trong hành trung doanh đóng ở ngoài chân thành Thăng Long. Gã tướng giặc trẻ không chịu nổi không khí lặng ngắt nặng nề trong khu hoàng cung. Tuy nhiên kinh thành cũng chẳng còn bóng dáng một người dân nào. Các ngõ, các phố, các phường đều trống trơn, cửa ngõ mở tông tốc. Cỏ đã mọc um tùm ở cổng lớn các phủ đệ, các dinh thự, cỏ mọc cả trong lòng đường cái. Cây cối đang mùa chín trái rụng đầy mặt đất các vườn, chim chóc líu tíu tranh ăn và trái chín nẫu lên men ngửi say như hương rượu.

Lều trận của Đại nguyên soái Thoát Hoan chính là cái lều trận mái dạ đen lót lụa đỏ mà trên hai năm trước đây, hai cha con Hốt Tất Liệt đã ngủ đêm trong hoàng thành Đại Đô trên thảm cỏ thiêng Ô Nôn. Chỉ khác một chút về đồ đạc bày trong lều: Thoát Hoan đã sai trải những chiếc chiếu cói trên nền lều và cho vứt rải rác những chiếc gối mây đan tựa tay. Như thế mới đỡ cái nóng ngút ngát toả ra từ thảm da dê, từ tựa ghế bọc da hổ. Ngay cả áo chiến của Thoát Hoan cũng phải thay thứ khác. Những bộ áo miền cao nguyên phương bắc may bằng nhung bằng dạ viền và lót lông gấu lông cáo quý không thể dùng được ở xứ này. Ôi cái xứ có cái nắng quái ác, nắng như chàm lửa, nóng như từ trong ruột nóng ra. Thoát Hoan phải mặc một bộ áo chiến bằng lụa màu huyết dụ rất mỏng, chân xỏ một đôi dép cỏ của đám lính Ô Man. Gã đã phải dội một chút nước lã lên đầu lên tóc thay vì một lần tắm vì theo phong tục và điều luật Yassa cấm tắm, ai tắm phải xử chém. Đại Hãn đã đặt ra luật thì ai còn dám phạm? Các thứ hộ tâm phiến, lá giáp che ngực, lá giáp chắn tay, lá giáp che đùi đều bị bỏ tất. Thay vào đấy là một ngũ dũng thủ cầm những lá mộc to để sẵn sàng che cho viên tướng non.

Các tướng khác thì vẫn phải giữ luật quân, mặc giáp trụ đầy đủ chỉ trừ dũng sĩ Lý Hằng béo quá rực mỡ cứ phải xoay trần trùng trục.

Ngay từ lúc còn thơ ấu, Thoát Hoan đã được cha bó gọn vào cái túi treo trên cổ ngựa đem theo trong các cuộc chinh thảo xa xôi. Thay vào tiếng ru dịu ngọt của một người đàn bà, là tiếng cười man rợ của chiến binh trong tiệc mừng đánh thắng vào lúc sắp tàn. Mùi rượu và mùi máu thay mùi thơm sữa ngọt, ánh lửa đốt cả một kinh thành thay ánh lửa bếp hiền hoà...

Lớn lên một chút, Thoát Hoan được nghe kể lại chiến tích của cha ông mình, đặc biệt là kì tích lẫy lừng của ông tổ lẫm liệt, vị Đại Hãn đầu tiên của tất cả những người Thát Đát và những nước phụ dung. Ông tổ của Thoát Hoan ghét dùng vàng ngọc, Thoát Hoan bắt chước cũng ghét dùng vàng ngọc. Thế là thanh kiếm Thoát Hoan chọn là một thanh kiếm chuôi đồng thau, vỏ cũng đồng thau để trơn nhưng lại đeo bằng một cái đai gấm. Trên cái vỏ kiếm Thoát Hoan cho khắc một câu trích trong bộ luật Yassa: “Không thể sống yên ổn với những kẻ bị ép hàng”. Ý của Thoát Hoan là cứ chém hết, tàn sát hết, chứ có ai là không bị ép hàng. Viên Đại nguyên soái nhà Nguyên chỉ mới qua mấy tháng chinh chiến ở xứ này mà đã thay đổi nhiều. Làn da sau mấy lần rộp lần bong nay đã mang màu dầu dãi, cặp mắt ngơ ngác và đôi khoé môi trễ xuống tàn ác, chán ngán, hoài nghi...

Ngồi bên trái Thoát Hoan viên phó Nguyên soái A Lý Hải Nha lúc nào cũng lim dim mắt như người nhập định. Y là bộ não và là linh hồn của cuộc chinh thảo này. Là một viên tướng thao lược đã quá nửa đời người sống trên lưng ngựa viễn chinh, A Lý Hải Nha biết giấu ý nghĩ và cảm xúc của mình sau một bộ mặt lặng lẽ.

Các tướng đã tề tựu đông đủ nhưng Thoát Hoan vẫn còn chờ một tin tức sẽ mang về bằng đường thuỷ. Hiệu nêu đèn nêu cờ đã báo từ phủ Thiên Trường về Hành Trung doanh là cánh quân Toa Đô đã đến phủ Thiên Trường và Nguyên soái Toa Đô đã sai tì tướng mang tờ cáo về trình Thoát Hoan. Đáng lẽ chiếc khinh thuyền hai buồm mang tin đã phải về đến Hành trung doanh từ đêm qua rồi.

Mãi sau không thấy cáo đưa về, Thoát Hoan đành bắt đầu cuộc họp. A Lý Hải Nha nói lược qua về thế chiến trường để các tướng cùng hiểu:

-Trước hết, Vạn hộ hầu Lý Hằng và Dũng sĩ Ô Mã Nhi chỉ huy việc đuổi bắt cha con vua nước Việt đã chẳng thu được kết quả gì cả. Đuổi ra biển, đuổi vào sông, đuổi lên rừng rồi lại đuổi ra biển... cuối cùng mất hút tông tích cha con vua Việt. Dũng sĩ Ô Mã Nhi đã phải bỏ cuộc truy lùng, bây giờ Ô Mã Nhi đã dẫn một cánh quân nhỏ đi đón Nguyên soái Toa Đô. Bản cáo lần trước của hành doanh Toa Đô trình rằng Dũng sĩ Ô Mã Nhi đã hội sư với Toa Đô rồi. Cả hai cánh quân nhập làm một và đã đổ bộ lên lộ Thanh Hoá Ngoại. Từ Thanh Hoá Ngoại, quân Toa Đô đã tiến ra đến phủ Thiên Trường.

- Đạo quân chính ở quanh quốc đô nước Việt vẫn còn nguyên sức mạnh và bây giờ chưa biết họ mở cuộc tấn công vào lúc nào.

- Quân của Đại nguyên soái Thoát Hoan đang thiếu lương thực, thiếu cỏ khô cho ngựa ăn, mặc dù đã phải lấy trên ba vạn chiến binh giao cho Vạn hộ hầu Lưu Thế Anh đem đi lập trên hai trăm đồn trại dọc con đường lương từ Thăng Long về tới biên giới Việt Nguyên mà lương thảo vẫn bị đánh úp. Quân Việt chẳng biết từ đâu cớ thình lình xuất hiện đánh úp những đội tải lương cỏ. Cướp được bao nhiêu thì cướp còn nếu không mang đi được thì họ đốt tại chỗ. Bây giờ ở Hành trung doanh, đứng trên vọng tiêu cao, người ta trông thấy khói lửa của nhiều đám cháy ở các hướng chung quanh nhưng không hiểu quân Việt đốt đồn, đốt lương hay đốt cỏ. Mà ở đây vừa là chiến trường vừa là ruộng lầy, ruộng nước, quân Nguyên không thể thả ngựa đi chăn được. Dạo này những con ngựa chiến thiếu cỏ phải ăn thóc nhiều cho nên gầy đi, lông xơ xác không bóng mượt mà con nào cũng đau mắt vì dặm mày thóc.

- Ông tướng “nóng” đã xuất hiện, lại thêm cả ông tướng “mưa” nữa. Lính Ô Man quen cái lạnh núi cao hiện nay cứ mệt nhoài ra; lính Thát Đát không có quần áo mỏng cứ xoay trần trùng trục; lính Hán kể cả Hán ở bắc và nam sông Trường Giang khá hơn tí chút nhưng xem ra thứ quân này cũng không quen nổi cái mưa nắng bất thường của phương nam.

Nói tóm lại quân tướng ngựa nghẽo đều mệt mỏi thiếu lương thiếu cỏ và muốn nổi khùng lên tìm quân Việt để giao chiến cũng không được. Chỉ còn cách thêm quân, thêm thật nhiều quân rồi dàn lại thế trận, dốc sức đánh thử một lần nữa xem sao. Cái đạo quân tiếp viện chính là đạo quân Toa Đô mà cả Hành trung doanh bây giờ đang đợi chờ tin tức.

Viên tướng chỉ huy việc bảo vệ đường lương Lưu Thế Anh nói:

- Bẩm Nguyên soái, việc vận tải bằng thuyền thì nhanh và được nhiều hơn nhưng quân ta ít người thông thạo nghề sông nước.

- Ta đã kén tất cả chiến binh thạo nghề này giao cho ngươi rồi. Lính thuỷ thiện chiến đi vãn đến nỗi thuyền chiến bây giờ phải xếp xó trong thuỷ trại Chương Dương kia kìa.

A Lý Hải Nha chăm chú nhìn Thoát Hoan. Vốn là thầy dạy gã hoàng tử trẻ ngông cuồng kia, nên A Lý Hải Nha thuộc tính thuộc tật của Thoát Hoan. Gã hoàng tử trẻ này không hiểu chiến tranh là thế nào cả. Gã sinh ra trong một dòng họ mà mỗi cuộc chinh chiến nơi xa lại đem lại một ngai vàng mới, kèm theo đó là một loạt chức tước khai quốc công thần với đất phong, với phủ đệ, với thẻ phù miễn tội cho tới ba đời, với mĩ nữ và vàng bạc châu báu, với tiệc tùng truy hoan tưởng lệ công thần... Gã khát vọng một chiến tích lẫy lừng như cha ông gã. Bước chân lên đường chinh chiến, gã nhận chức đầu tiên là Nguyên soái, gã chưa hề hiểu thế nào là những chiến trường có thắng có thua, có sống có chết, có đói ăn, có khát uống, có bệnh tật hiểm nghèo, có quốc gia dương danh, có đất nước vong diệt, chí ít cũng là thăng và giáng chức... Quả thật gã cũng là một nguyên soái thông minh trí tuệ được đào luyện bởi những ông thầy kén chọn kĩ trong số những kẻ sĩ trung nguyên, gã lại có cái máu nòi thiện chiến thảo nguyên nhưng gã thiếu thao lược và nhược điểm lớn nhất của gã là “chức vụ bất xứng kì đức”, gã không đủ điều kiện để làm một nguyên soái, gã là một hoàng tử, gã mang trong máu gã cái bệnh “hoàng tộc”.

Ba bốn tháng vừa qua chưa đem lại cho Thoát Hoan những kinh nghiệm rõ rệt. Gã mơ ước lễ ban sư về Đại Đô sẽ được dàn kèn vòi tu tu thổi đón mừng. Gã sẽ vào hoàng cung. Gã sẽ được vua cha cho triều kiến trong khu bãi chính giữa hoàng cung trồng thứ cỏ thiêng Ô Nôn. Gã sẽ ném xuống dưới chân vua cha chiếc mũ thiên triều và quả quốc ấn của vua nước Việt theo đúng phong tục của dòng tướng Thát Đát. Vua cha cũng sẽ ban cho gã một vò sữa dê cũng theo đúng phong tục tiếp tướng Thát Đát thắng trận trở về nhưng rồi lễ ban phong sẽ diễn ra với Thoát Hoan theo nghi lễ Trung Quốc, cái ngai vàng phiên trấn cộng một triều đình đô hộ nhỏ có đủ luật lệ, điển nghi, phiền toái và thâm hiểm...

A Lý Hải Nha lim dim mắt nhưng viên tướng Thát Đát già này đọc rõ ràng từng chỗ lắt léo trong ý nghĩ của gã học trò yêu quý của mình. A Lý Hải Nha biết Thoát Hoan mơ đến lễ ban sư nhưng không hiểu sao bây giờ A Lý Hải Nha cứ như nghe thấy bài tang ca mà các dũng sĩ Thát Đát đã hát khi đưa xác Thành Cát Tư Hãn từ mặt trận trở về thảm cỏ thiêng bên bờ sông Ô Nôn:

Hôm qua mi lượn trên trời như con chim ưng.

Hôm nay mi nằm trên xe chiến, trục lăn rền rĩ.

Ôi Đại Hãn của chúng ta.

Mi để vợ con lại.

Mi bỏ người Thát Đát.

Ôi Đại Hãn của chúng ta.

Trước kia mi là con chim phượng hoàng kiêu hãnh trên trời cao.

Bây giờ mi bị hạ như một con ngựa non ngờ nghệch.

Ôi Đại Hãn của chúng ta.

Mi đã hứa ở với chúng ta sáu mươi năm vui vẻ thịnh vượng.

Thế mà mi vẫn cứ bỏ lại cả chín tộc Thát Đát của mi.

Ôi Đại Hãn của chúng ta.

Bây giờ thì cái vị Đại Hãn ấy đã yên nghỉ ở đất tổ, bên dưới thảm cỏ bốn mùa thay đổi sắc, mùa đông tuyết trắng phau phau, mùa xuân cỏ non xanh mịn, mùa hạ rực rỡ muôn hoa, mùa thu cỏ áy vàng. Làm tướng được chết trên chiến trường là một cái chết đẹp, cái chết da ngựa bọc thây thế nhưng nó phải là một cái chết trong một trận chiến lẫm liệt. Đằng này quân Việt không chịu tiếp chiến. Cuộc chinh thảo diễn ra trên bốn tháng rồi mà quân Việt chỉ cho xảy ra một số trận đánh nhỏ. Sức nhanh của quân kị Thát Đát, tài phá luỹ công thành của quân Hán, trí dũng thao lược của các tướng đều không thi thố được. Rút cục, trời nóng trời mưa cứ giáng lên đầu quân, lương thiếu cỏ hết cả ngày chỉ lo ăn...

A Lý Hải Nha ngẫm nghĩ. Viên tướng xâm lược già chợt thấy lo lắng. Trong những cuộc chinh thảo khác, quân Thát Đát muốn đánh lúc nào thì đánh, còn trong cuộc chinh thảo này lúc họ muốn đánh thì không được đánh. Như vậy... như vậy bây giờ đến lượt quân Việt muốn đánh lúc nào thì đánh! A Lý Hải Nha bỗng lo thót ruột. Gánh nặng cuộc chinh thảo này đè lên vai y. Nguyên chúa đã dặn phải thắng. Nguyên chúa đã giao cả giáo vàng truyền quốc. Nguyên chúa đã giao cả tính mệnh và ngai vàng của hoàng tử Thoát Hoan cho y. Phải thắng, phải lập được một nước để Trấn Nam vương trị vì và y thì phụ chính.

Nhưng đêm hôm nay, A Lý Hải Nha đã hiểu rằng thắng quân Việt là một điều ảo tưởng, còn thua, thậm chí thua to thì chưa biết thế nào. Chỉ còn một chút kì vọng le lói như ngọn đèn trước gió. Đó là đạo quân Toa Đô đến hội sư ở Thăng Long, đem đến một nguồn sinh lực mới. A Lý Hải Nha sẽ dùng cánh quân sinh lực này mở một cuộc truy lùng mới: truy lùng vua Việt, cả hai cha con vua Việt, truy lùng tiêu diệt Hành trung doanh quân Việt.

Hà, Toa Đô cũng là trò yêu của ta, gã không may mắn có máu hoàng tộc, gã không phải là hoàng tử thân vương, nhưng gã là một viên tướng, một chiến tướng bách chiến đã giành lấy ấn kiếm nguyên soái bằng những gian lao, bằng xông pha tên giáo, bằng những chiến tích và kinh nghiệm thu được, bằng nửa đời người mang gươm phò Nguyên chúa. Gã thao lược và thiện chiến hơn Thoát Hoan. Có thể bàn việc với gã như bàn luận giữa các tướng thực thụ, như giữa những chiến binh thực thụ. Gã không có chút máu Đại Hãn nào trong huyết quản nhưng gã sẽ là người đuổi bắt cha con vua Việt, Toa Đô cũng sẽ là người tìm ra tung tích Hành trung doanh của quân Việt. Được rồi, đến lúc đó, A Lý Hải Nha sẽ đem hết tài nguyên soái bách chiến ra, chỉ huy một cuộc chiến thắng lớn, thắng lừng lẫy.

Chỉ cần Toa Đô đem quân về đúng hẹn, quân đủ, khí giới đủ, quân thế còn sắc sảo. Mà sao cái thằng này đến muộn vậy? Hay quân của nó cũng ốm dở?

A Lý Hải Nha chợt sững người. Câu hỏi của gã choảng đúng vào huyệt. Tất cả kinh nghiệm một đời chinh chiến đã chỉ cho viên tướng già này biết rằng đội quân Toa Đô chắc chắn bây giờ đang xơ xác. Đây là đạo quân đã phải đánh nhau hai năm trường ở một nơi xa, chiến trường lại nhiều rừng núi, nhiều muỗi, lắm vắt và nóng nực ẩm thấp hơn ở đây.

Đặt hi vọng chuyển thế chiến trường vào đạo quân Toa Đô té ra là một ảo tưởng vô duyên. A Lý Hải Nha định nói điều ấy với Thoát Hoan nhưng nghĩ đi nghĩ lại viên tướng già lại ngậm miệng bởi vì nếu nói thì lại phải nói cho cùng kì lí: chẳng những không trông mong gì được ở đạo quân Toa Đô mà còn phải lo cứu cho đạo quân ấy khỏi bị tiêu diệt trên đường di chuyển. Tốt hơn hết là cứ để Toa Đô đến đây, Thoát Hoan sẽ nhìn tận mắt lực lượng này và quyết định lấy việc phải làm.

Chờ đến gần trưa vẫn không thấy thuyền mang cáo của Toa Đô đến Hành trung doanh. Các nêu cờ báo tin loạn xạ. Không hiểu ở những nơi ấy quân Việt có hành binh không mà nêu nào cũng báo tin đồn trại bị tiến công. Một số ụ lửa chuyên dùng để báo tin nguy cấp cũng thấy khói hiệu bốc lên. A Lý Hải Nha muốn Thoát Hoan khỏi sốt ruột nên ra lệnh cho các tướng đi xét quân tình ở quanh Thăng Long.

Bọn thị mã dắt ngựa đến cửa lều trận. Các tướng Thát Đát lên ngựa trước, các tướng Hán giữ phận hèn lên ngựa sau. Chúng theo nhau phi ngựa qua các phố phường Thăng Long vắng teo. ở các nơi đồn trú của quân Nguyên, Thoát Hoan nhận thấy rất rõ tình trạng quân lính chẳng những đói mệt mà kỉ luật lơi lỏng. Đó là điều tất nhiên sẽ xảy đến với một đội quân đóng lâu tại chỗ và mất quyền làm chủ trên toàn chiến trường. Thoát Hoan còn nhận thấy những con ngựa Vân Nam cũng xuống sức nhiều. Xứ này lắm ruồi vàng quá. Ngựa Vân Nam bị ruồi vàng đốt, rùng mình phát sốt, bốn gối rung như cẳng cò gặp rét. Thoát Hoan vốn là tay sành ngựa. Chỉ nhìn những con ngựa chảy nước mũi, Thoát Hoan đã hiểu rằng đàn ngựa thế là ốm hết rồi. Bây giờ mà muốn dẫn quân cưỡi chúng đi đánh những trận lấy nhanh, lấy thần tốc thì cũng không ra khỏi cửa doanh được lấy chục dặm đường. Rồi đỗ lại nghỉ ngựa thì chỉ có chờ quân Việt đến cất vó là xong.

Tình thế này mà lọt đến tai mắt quân Việt thì “lôi thôi” to.

Thoát Hoan bày tỏ sự lo ngại của mình với A Lý Hải Nha. Viên tướng già này nghiêm khắc nhắc Thoát Hoan:

- Nhận ra tình trạng này phải có tầm mắt của tướng bên ta. Tôi chỉ lo có ai nói điều đó với bọn con gái Việt.

Thoát Hoan sầm mặt xuống. Viên tướng trẻ biết rằng thầy gã đe gã về cái tội đã tiếp nhận những mĩ nữ nước Việt. Đó là điều cấm trong bộ luật Yassa. Điều luật ấy nó thế này: “Cái sướng nhất của người chiến binh Thát Đát là đánh thắng quân địch, cướp của cải của chúng, đuổi bọn tôi tớ của chúng phải tế ngựa bỏ chạy, là dùng bụng vợ và con gái chúng làm ổ ngủ”. Thế mà Thoát Hoan đã nhận mĩ nữ Việt như một cống phẩm lúc bình thường của phiên trấn nội phụ. Đành rằng hôm ấy Thoát Hoan đã tỏ ra tôn trọng lời can của A Lý Hải Nha nhưng viên Đại Nguyên soái trẻ biện bạch rất khéo rằng cứ nhận mĩ nhân để ru ngủ vua tôi nước Việt rồi quân Nguyên không giữ lời hứa mà cứ tấn công. Quả thật sau đó quân Nguyên vẫn tấn công nhưng Thoát Hoan đâm say mê nàng công chúa phương nam nom rất yểu điệu mà dữ như chó sói. Hàng ngày, Thoát Hoan vẫn đến căn lều nhốt mĩ nữ Việt. Hàng ngày, Thoát Hoan phải nhìn mặt nàng con gái Việt, dần dần thói quen đó thành thói nghiện. Thoát Hoan chuyện trò với các cô gái đó mặc dù họ không đáp lời gã. Thế mà Thoát Hoan vẫn ra lệnh nới bớt các điều cấm đối với nàng công chúa Việt và những người theo hầu. Những mệnh lệnh ấy được ban ra mà không hỏi qua A Lý Hải Nha làm cho viên tướng già này đã mấy lần nghiêm sắc mặt nhắc học trò yêu về bổn phận của một viên tướng đi viễn chinh.

Thoát Hoan cười dàn hoà:

- Bọn chúng ở đây như chim trong lồng, làm sao mà mang nhau đi đâu được.

A Lý Hải Nha giữ ý không tranh biện với Thoát Hoan. Vả chăng viên tướng già đã sai tì tướng tâm phúc canh phòng căn lều nhốt mĩ nữ người Việt rất chặt chẽ. Y cũng đã sai bọn tâm phúc sắp sẵn thuốc độc để khi cần thì bắt mĩ nữ nước Việt uống chết.

Thoát Hoan lại lảng sang chuyện khác:

- Còn bọn hàng tướng Việt thì phải giải về Đại Đô để đề phòng chuyện bất trắc.

A Lý Hải Nha đáp rằng cái bọn đầu hàng thì chẳng dùng làm gì được, tuy nhiên y đã sai tướng giải bọn Trần Ích Tắc và Trần Kiện... về Trung Quốc rồi. Gã cười nhạt:

- Cái bọn mà không trung thành cả với bố chúng nó thì hỏi chúng còn có thể trung thành được với ai?

Đúng lúc ấy, một viên tì tướng của thuỷ trại Chương Dương phi ngựa tới. Con ngựa chạy quá sức, bốn vó loạng choạng suýt sụm xuống. Viên tì tướng báo tin dữ: “Chiếc thuyền mang cáo của Nguyên soái Toa Đô đã bị quân Việt chẹn bắt cách Chương Dương có sáu dặm sông. Quân tuần tiễu của thuỷ trại Chương Dương đã cố sức đánh để cứu chiếc thuyền này nhưng đội quân Việt thông thạo sông nước quá. Họ cho người lặn hẳn xuống nước đem dùi đục thuyền. Chiến thuyền của ta bị đắm mất mấy chiếc. Thế là quân thuỷ bị bọn người Việt bắt sống ngay dưới nước.”

Thoát Hoan giật nảy mình, muốn tuốt gươm chém ngay viên tướng thông hiệu nhưng sau thấy vô lí, hắn tra gươm vào vỏ. Viên Đại Nguyên soái trẻ rất thông minh. Y rất lo người Việt bắt được tờ cáo bí mật sẽ hiểu rõ ngay vì sao y cho gọi cánh quân Toa Đô về hội sư ở Thăng Long. Như vậy, quân Việt sẽ vây đánh rát hơn. Thoát Hoan vội dẫn các tướng về lều trận của y. Một loạt mệnh lệnh được ban ra:

- Lệnh cho các đồn trại quanh Thăng Long phải tăng vọng tiêu phòng. Đặc biệt là đồn A Lỗ, nơi Vạn hộ hầu Lưu Thế Anh đặt hành doanh chỉ huy tải lương cỏ.

- Lệnh cho đội quân kị phải chăm vỗ ngựa tốt hơn và lúc nào cũng phải sẵn sàng lên yên.

- Lệnh cho thuỷ trại Chương Dương phải canh giữ cẩn mật hơn nữa. Nơi này đóng phần lớn chiến thuyền của đạo quân xâm lược. Đó là phương tiện để tấn công tiến đánh ở xứ này và để ù té chạy khi cần thiết.

- Lệnh cho Thiên hộ Mã Vinh lập đồn chắn cửa sông Tô Lịch, đồn đặt ngay cửa Giang Khẩu. Trong sông Tô Lịch, Thoát Hoan sai đem một đội thuyền nhẹ vào đóng ở bến cửa thành. Đấy là phương tiện để các tướng trong Hành trung doanh đi khỏi Thăng Long khi cần thiết.

- Giao cho quân thuỷ công việc tìm gặp và dẫn đường cho đạo quân Toa Đô.

Bấy nhiêu mệnh lệnh ban ra nhưng những ngày sau đó, quân Việt đột nhiên hoạt động dữ dội. Họ đánh đồn lẻ, họ đốt trại, đốt kho lương kho cỏ bằng tên lửa. Họ đánh úp các ụ nêu cờ, nêu đèn làm cho các tuyến thông báo tin tức luôn luôn bị rối loạn và gián đoạn. A Lý Hải Nha cũng mất hẳn bình tĩnh. Viên tướng già đích thân xuống thuỷ trại Chương Dương để chỉ huy việc tìm gặp đạo quân Toa Đô. Bây giờ thì không còn chờ dựa vào cánh quân này mà lại là lo cứu cho nó khỏi bị tiêu diệt... A Lý Hải Nha hiểu rằng quân thế đôi bên đang có sự thay đổi lớn.

Đến nửa đêm, tin dữ từ biên giới đưa về: “Quân Việt mai phục bắn chết cả nhà tên Việt gian Trần Kiện và cả đội quân hộ tống cũng mất đứt luôn”.

Đúng là quân thế đôi bên đang có sự thay đổi lớn rồi.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenConvert.NET
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK